(Ảnh được lấy từ mạng và chỉ có tính chất minh họa) |
Hò hẹn mãi, thế rồi, sau ngót chục năm trời rời xa mái trường Đại học, tôi mới quyết định dứt ra khỏi công việc để đến chơi với Hà. Từ mấy ngày trước khi đi, tôi đã phải lo toan thu xếp mọi công việc gia đình, nào kho nồi cá, nhặt mấy thứ rau cho từng bữa, làm ít chả chìa rồi lại còn mua các thứ hoa quả để chồng con ăn bữa phụ cho đủ mấy ngày. Mọi việc tưởng như đã hoàn tất, đâu vào đấy. Thế mà, tối hôm trước ngày đi tôi vẫn cứ loay hoay cất cái nọ, bỏ cái kia, dặn dò chồng con hết thứ này đến thứ khác khiến ông xã tôi phải phì cười rồi bắt chước cụ cố Hồng trong SỐ ĐỎ của Vũ Trọng Phụng mà rằng: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”
Sáng sớm hôm sau, tôi khăn gói lên đường để đến thăm người bạn từng “con chấy cắn đôi” trong suốt bốn năm Đại học. Tôi với Hà cùng là nữ sinh tỉnh lẻ, lại con nhà nghèo nên dễ gần gũi, đồng cảm với nhau hơn. Tôi ở vùng chiêm trũng Hưng Yên còn Hà ở tận vùng rừng núi Sơn Động Bắc Giang xa ngái. Ra trường, tôi ở lại Hà Nội tìm việc làm rồi lập gia đình. Riêng Hà, dù tốt nghiệp vào loại khá cứng nhưng không ở lại Hà Nội bươn chải và chờ cơ hội tìm việc làm như nhiều bạn cùng trang lứa mà xin về công tác tại quê hương. Về quê, Hà cũng không tìm việc ở một cơ quan nào trong huyện mà lại về công tác tại xã mình.
Tuy xa cách nhau hàng trăm cây số lại bộn bề công việc nhưng chúng tôi vẫn thông tin thăm hỏi nhau thường xuyên nên ít nhiều cũng nắm được tình hình của nhau. Có lần Hà kể, mình về làm việc ở xã, nhiều người trong làng, trong xóm xì xào bàn tán: “Tưởng học xong đại học thì đi làm ông nọ bà kia chứ lại về làm cái chân phụ nữ xã thì cần gì phải học cao thế”. Ngay cả mẹ mình cũng phàn nàn: “ Con không xin được việc ở đâu hay sao mà lại về làm thế này”?
Tôi bảo: “ sao cậu không giải thích cho mẹ hiểu”? Hà nói, “Có giải thích thêm mẹ cũng không chấp nhận được đâu, cho nên mình cứ lặng lẽ mà quyết tâm làm theo ý của riêng mình. Mình tin rằng rồi mọi người sẽ hiểu”.
Giờ thì Hà đã trở thành bà Chủ tich xã được mọi người tin yêu quý mến lắm. Càng nghĩ tôi càng thấy cảm phục trước ý chí, nghị lực và cả sự lựa chọn không giống ai ấy của bạn mình. Cho nên suốt mấy tiếng đồng hồ ngồi trên xe tôi cứ cố mường tượng ra cảnh gặp bạn cũ, gặp một bà chủ tịch xã mà chẳng thể hiểu nó sẽ diễn ra như thế nào? Liệu Hà có cứng nhắc, lạnh lùng như những bà Chủ tịch phường mỗi lần tôi cần gặp không? Hay bạn sẽ vẫn điềm đạm mà thân tình, nghiêm túc mà cởi mở, lặng lẽ mà chu đáo như chúng tôi đã từng sống bên nhau suốt thời sinh viên?
Vừa xuống xe, đang ngơ ngác ngóng nhìn thì Hà đã xuất hiện, ôm chầm lấy tôi và nhỏ nhẹ: “ Lan lên đây thật rồi, vẫn trắng trẻo và trẻ trung quá”! Tôi cũng ôm chặt bạn rồi lại đẩy ra nhìn ngắm như cố tìm cái nét oai oai lành lạnh của bà Chủ tịch như tôi vẫn nghĩ, nhưng tuyệt nhiên không thấy. Vẫn một cô bạn mộc mạc như ngày nào. Có khác chăng là trông chững chạc hơn, chắc lẳn hơn và nước da cũng săn chắc khỏe khoắn hơn thời sinh viên. Hà nhấc chiếc va ly du lịch của tôi đặt lên trước xe rồi bảo tôi lên xe để ra quán ăn chút gì đã. Tôi giãy nảy, “Mình đã ăn sáng rồi, giờ sắp tới nhà cậu còn ăn uông chi nữa, về nhà ăn một thể đi”. Hà vẫn nhẹ nhàng: “ Không đơn giản vậy đâu bạn ơi, phải mấy tiếng nữa mới tới nhà đấy, không nạp đủ năng lượng thì không về đến nhà được đâu”. Tôi ngơ ngác: “ Sao bảo nhà cậu cách bến xe có mười lăm, mười sáu km thôi mà đi chậm cũng chỉ mất ba mươi phút chứ mấy nỗi”?
- Đúng là chỉ cách đây 16 cây số thôi nhưng đường rừng chứ có phải đường thành phố đâu bạn ơi
Ăn xong, Hà chở tôi về. Đường rừng vừa ngoằn ngoèo, đèo dốc lại vừa lầy lội, chiếc xe cứ nhích từng chút chậm như rùa bò. Nếu không vững tay lái chắc đổ kềnh luôn. Tôi ngồi sau cứ ôm chặt lấy lưng Hà và chẳng dám trò chuyện vì sợ Hà mất tập trung. Phải hơn hai tiếng sau mới về đến nhà Hà, tôi thở phào nhẹ nhõm sau những giờ căng thẳng vừa qua. Hai đứa nhỏ nhà Hà reo ầm lên : “ A mẹ về rồi” và chào tôi rõ to: “ Cháu chào cô Lan ạ” . Chồng Hà ở nhà trong bước ra thân mật: “ Hai chị em đi vất vả lắm đúng không. Anh bảo để anh đi đón cô nhưng Hà không chịu, cứ giành đi bằng được. Thôi hai chị em vào tắm táp đi”. Tự nhiên tôi có cảm giác thân tình, ấm cúng đến lạ, dù lần đầu tiên đến nhà bạn. Tôi chắc chắn là Hà đã kể nhiều về tôi với chồng con nên mới gặp mặt mọi người đã xem tôi như người nhà rồi.
Đêm đó, Hà để hai con ngủ với bố chúng còn tôi và Hà nằm cùng nhau. Hà ôm chặt tôi vào lòng và rủ rỉ,” mình sống lại một đêm sinh viên nhé”. Hai đứa cứ ôm nhau, thầm thì to nhỏ gần hết đêm luôn. Chúng tôi kể cho nhau nghe về những gì mình đã nếm trải trong hơn chục năm qua. Hà vẫn nhỏ nhẹ và thân mật như ngày nào. Nhưng cũng từ cái giọng nhỏ nhẹ đến thân thuộc ấy tôi đã nhìn thấy từng trang đời của Hà được mở ra, thấy rõ cái động cơ nào đã kéo Hà về với vùng quê xa xôi hẻo lánh này. Chả là, mẹ Hà gầy yếu lắm nhưng phải cố sinh đến bốn mặt con mà vẫn không tòi ra được một cậu ấm để nối dõi tông đường. Bố Hà buồn rồi lao vào cờ bạc, rượu chè và thường xuyên mắng mỏ, đánh đập vợ con. Chị em Hà hãi bố cứ nen nét như rắn mồng năm đã đành mà mẹ Hà cũng không dám hé răng điều gì vì bà luôn mặc cảm mình là người có lỗi do không sinh được con trai cho chồng. Cứ như vậy, những trận đòn tăng dần theo năm tháng và theo sự nhẫn nhịn của bà, làm cho sức bà đã yếu càng yếu thêm. Những vết bầm tím trên mặt, trên lưng bà ngày càng nhiều hơn. Chị em Hà thương mẹ lắm nhưng chẳng dám nói gì vì hãi bố. Nhưng con giun xéo mãi cũng quằn. Một lần, thấy bố quấn tóc mẹ vào tay rồi cứ thế dập đầu bà vào tường, Hà xông ra giằng tay bố, đẩy ra rồi thét lên: “Con ghét bố, bố ác lắm”. Ông ngớ ra vì bất ngờ, rồi lao vào tát Hà túi bụi. Thương con, mẹ Hà đã dang tay ra đỡ đòn cho Hà và hét lên: “Con chạy đi mau lên không thì chết đòn đấy!” Đang hăng máu và tức tối, bố Hà vớ thanh củi gộc vụt xuống trúng cánh tay đang dang ra của mẹ Hà làm bà gãy tay. Mấy mẹ con kêu khóc ầm ĩ. Hàng xóm chạy sang và đưa bà đi viện. Sau lần ấy, chị em Hà càng xa lánh bố hơn. Còn mẹ Hà càng lầm lũi lạnh lùng và không bắt chuyện cùng bố nữa. Bố ít quát tháo hơn và hầu như không đánh mắng mẹ con Hà như trước nhưng không khí gia đình cứ nặng nề đến nghẹt thở. Rồi do chán cảnh sống gia đình hay do khát con trai nối dõi sao đó, bố Hà đã cùng với một người lỡ thì bỏ làng vào tận miền Nam sinh sống. Năm mẹ con đùm dúm cùng nhau và cuộc sống cũng ổn định, khấm khá dần lên cùng với sự trưởng thành khôn lớn của bốn chị em Hà.
Càng lớn, Hà càng hiểu ra rằng những người phụ nữ ở quê Hà nhẫn nhịn giỏi lắm và cũng chính vì sự nhẫn nhịn ấy mà họ khổ lắm. Không chỉ có mẹ Hà bị chồng hành hạ mà nhiều người khác cũng luôn bị chồng mắng mỏ, đánh đập mà họ vẫn cắn răng chịu đựng. Họ thường bảo nhau: “Xấu chàng hổ ai”. Có lần Hà còn nghe họ nói: Thôi thì nhịn đi cho mọi sự êm xuôi chứ làm vỡ lở mọi chuyện ra rồi chồng lại bỏ đi như nhà bà Hoan ( tên mẹ Hà) ấy chứ ích gì. Cái kiếp đàn bà như hạt mưa sa, phải sao chịu vậy âm thầm rồi mọi sự cũng qua ấy mà”. Hà không chấp nhận được những suy nghĩ ấy nhưng lại không đủ lý lẽ để phản bác và cũng chẳng dám phản bác. Thế rồi, ngày tháng thoi đưa, Hà học hết cấp 3 và là người đầu tiên của xã đỗ vào đại học. Học Đại học luật đã giúp Hà hiểu rõ hơn về luật hôn nhân và gia đình, về quyền bình đẳng giới …Từ đấy, Hà đã nuôi một quyết tâm phải về công tác tại quê nhà để giúp cho những người phụ nữ của quê hương làm chủ cuộc đời mình, sống bình đẳng thật sự với chồng, với nam giới nói chung. Vì thế, Hà hào hứng trở về quê hương và xin hoạt động cho phong trào phụ nữ của xã nhà. Các cán bộ xã mừng rơn và chấp nhận ngay. Một phần vì thấy có con em của quê hương học đại học lại về công tác ở xã, một mặt họ cũng muốn xem xem cái con bé “ngựa non háu đá này sẽ làm việc ra sao?” Hà bắt tay vào việc với ý nghĩ “ nói phải củ cải cũng nghe”. Với tâm lý tự tin mình chỉ làm điều tốt cho những người phụ nữ thôi chứ có làm gì sai quấy đâu nên chắc chắn là sẽ được mọi người ủng hộ và công việc sẽ thuận lợi lắm.
Nhưng mọi việc không đơn giản như Hà Nghĩ. Những người phụ nữ bị chồng bạo hành lại chẳng ai muốn nói ra. Thậm chí bị đánh sưng tím chân tay, mặt mũi, cán bộ phụ nữ muốn họ hợp tác để phê phán người chồng thì họ không dám phê phán đã đành lại còn không dám nhận là bị chồng đánh mà cứ đổ thừa do mình sơ ý nên bị ngã mới khổ chứ. Không lẽ bó tay. Hà ngày đêm suy nghĩ, tìm cách tháo gỡ. Bước đầu là Hà tìm đến những phụ nữ có uy tín trong từng thôn xóm rồi những phụ nữ trẻ có học vấn hết cấp 2 hoặc đã học dở cấp 3 rồi ở nhà làm ruộng và lập gia đình, nhất là những chị em có gia cảnh tương đối thuận hòa đầm ấm để tâm sự với họ, nhờ họ góp ý kiến về cách làm sao để mọi phụ nữ trong thôn trong xã biết cách xây dựng gia đình hạnh phúc. Sau đó Hà thành lập các tổ phụ nữ thôn, tạo ra những sinh hoạt nền nếp, vui vẻ. Dần dần đưa những tài liệu về luật hôn nhân và gia đình, luật bình đẳng giới đến với chị em để nâng cao nhận thức cho mọi người. Rồi tổ chức những buổi nói chuyên, trao đổi về cách tổ chức gia đình bình đẳng hạnh phúc. Từng chút từng chút một như kiểu mưa dầm thấm lâu. Dần dà mọi người đã hiểu ra, hạnh phúc là do mình xây đắp nên. Họ đã biết cách sống nhẹ nhàng ngọt ngào nhưng cũng kiên quyết hơn với chồng. Mặt khác, Hà cũng phối kết hợp với các tổ chức đoàn thể khác như :đoàn thanh niên, hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh… để tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các bậc tu my nam tử về trách nhiệm của người chồng, người cha, người ông trong gia đình; giúp họ từ bỏ dần những thói quen có hại như cờ bạc, rượu chè quá đà. Đối với những người đang ở độ tuổi lao động, Hà lại kết hợp với bên chính quyền giúp họ học hỏi thêm kinh nghiệm sản xuất vườn đồi, kinh nghiệm chăn nuôi gia súc, gia cầm từ những nơi khác để nâng cao kinh tế gia đình…Cứ từng bước như thế. Cứ gắn bó với mọi người, sâu sát với công việc, cứ mềm mỏng hòa giải từng vụ việc trong các gia đình còn mâu thuẫn Hà đã chiếm được niềm tin yêu nể trọng của mọi người dân trong từng thôn xóm và với cả các cấp lãnh đạo của xã, của huyện nữa.
Giờ thì phong trào phụ nữ của xã Hà đã đứng đầu trong toàn huyện, toàn tỉnh không chỉ về văn nghệ, văn hóa dưỡng sinh mà nhất là việc xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc. Còn Hà thì đã trở thành bà Chủ tịch xã trong cách gọi thân thương và nể trọng của mọi người dân: “bà Chủ tịch xã của chúng tôi”. Ở chơi với bạn mấy ngày, thấy cách làm việc của bạn, cách đối xử thân tình và trân trọng của mọi người trong họ ngoài làng đối với bạn, tôi càng yêu quý bạn hơn và tôi ngộ ra rằng, làm bất cứ việc gì nếu có tâm, có tầm thì chắc chắn sẽ có kết quả tốt. Tôi nể trọng , tin tưởng Hà hơn và tôi hiểu rằng bạn đã lựa chọn đúng.
Sao Đỏ: 4-12-2014
Song Thu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét