Lại dịch thơ Nguyễn Khuyến 29


Bài 22

Hạ nhật văn cô ác thanh
Nguyên tác và phiên âm:
夏日聞鴣惡声
Hạ nhật văn cô ác thanh
鴣惡一声愁殺人
Cô ác nhất thanh sầu nhất nhân
鴣來春去不知春
Cô lai xuân khứ bất tri xuân
撤他桑杜為門户
Triệt tha tang đỗ vi môn hộ
只有婦夫無君臣
Chỉ hữu phụ phu vô quân thần
處處白衣憍白日
Xứ xứ bạch y kiêu bạch nhật
村村紅栵擻紅塵
Thôn thôn hồng lệ tẩu hồng trần
鴣來鴣不苦煩热
Cô lai cô bất khổ phiền nhiệt
回首東風暗濺巾
Hồi thủ đông phong ám tiễn cân
Dịch nghĩa: Ngày hè nghe tiếng chim cô ác 1

Một tiếng kêu cô ác buồn chết chết người ta
Cô về thì xuân đi cô không biết xuân
Lấy tổ rễ dâu của chi khác làm tổ của mình 2
Chỉ có vợ chồng mà không có vua tôi
Đến đâu đều áo trắng khoe khoang giữa ban ngày
Nơi nào quả vải đỏ cùng tới tấp trong bụi hồng 3
Cô đến cô không thấy khổ vì nóng nực
Ngoảnh đầu nhớ đến gió xuân giọt lệ thấm khăn.

Dịch thơ:

“Ác cô” nghe chết người buồn
Mi về báo hạ mùa xuân qua rồi
Có vợ chồng chẳng vua tôi
Đẻ nhờ tổ khác nhờ người nuôi con
Ban ngày áo trắng khoe khoang
Thấy cây vải đỏ vội vàng đến ăn
Biết gì nóng nực khó khăn
Ngoảnh đầu lại nhớ gió xuân lệ tràn.
                               Đỗ Đình Tuân
                                   (Dịch thơ)
Chú thích:
  1. Cô ác: theo tiếng Trung Quốc thì tiếng “cô ác” gần với tiếng kêu của chim “tu hú”. Cô ác lại có nghĩa là mẹ chồng ác. Tục truyền một người nàng dâu bị mẹ chồng ngược đãi, chết oan hóa thành giống chim kêu tiếng “cô ác”. Nhân đó người ta gọi là chim “Cô ác”. ếng Việt ta tiếng kêu của con chim này lại gần với tiếng “Tu hú”. Nên dân ta gọi là chim “Tu hú”. Có thể bài này tác giả mượn chim “cô ác” để đả kích người Pháp một cách kín đáo.
  2. Tục truyền chim tu hú là loài chim không biết làm tổ. thường đẻ trứng vào tổ chim khác đã làm sẵn. “Rễ dâu” là dịch chữ “tang đỗ” (桑杜). Tác giả đã dùng chữ của thơ trong Kinh Thi “Triệt bỉ tương đỗ, trù mâu dũ hộ” (Tha rễ dâu kia ràng rịt cửa tổ mình).
  3. Câu này nhắc truyện Dương Quý Phi đòi nhà Đường: Dương Quý Phi thích ăn vải ở quận Nam Hải là nơi co tiếng vải ngon. Khi đến mùa vải dân ở đây phải phi ngựa chạy ngày đêm đem tiến để kịp cho vải còn tươi. Có khi cả người lẫn ngựa chết ở dọc đường. Thơ Đỗ Mục có câu : “Nhất kỵ hồng trần phi tử tiếu, vô nhân tri thị lệ chi lai”(Một ngựa phi trong đám bụi hồng làm cho nàng phì cười, nào ai biết đâu rằng ngựa ấy đã đem quả vải đến). Ở nước ta mùa hè vải chín tu hú kêu nhiều.
19/11/2014
Đỗ Đình Tuân
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét