Mình viết bài này khi mà không khí Noel đã tràn ngập trong nhà ngoài ngõ. Phố rực rỡ đèn hoa, nhà nhà đua nhau trang trí, trẻ con nô nức chờ đợi những món quà.
Với mình, mua đồ chơi cho con cũng là một việc quan trọng, và là việc mà mình yêu thích. Mua gì, nó không chỉ đơn thuần phụ thuộc khả năng tài chính, hay để thỏa mãn thú vui của con, mà còn là cả tình cảm ba mẹ dành cho con cái, những lợi ích sâu xa mà con thu nhận được từ món quà này.
1. Nên chọn thương hiệu nào?
Khi nói đến hai từ "thương hiệu", chúng ta ngầm hiểu đó là những đồ chơi tốt, đến từ những hãng sản xuất đồ chơi uy tín. Tất nhiên, thường thì đồ chơi kiểu này khá đắt tiền. Nhiều người quan niện rằng không nên sắm đồ chơi xịn cho con vì bé không biết giữ gìn sẽ uổng phí lắm. Mình thì nghĩ khác. Thà mình mua cho con ít đồ chơi nhưng đều là đồ tốt và đẹp, còn hơn là tha một đống thứ về chật nhà mà toàn là những món kém chất lượng. Lý do cần chọn đồ chơi tốt cho con, theo mình là:
- Chất liệu và kết cấu an toàn - ba mẹ sẽ bớt đi nỗi lo khi bé nghịch dại hay hiếu động quá mức.
- Thiết kế đẹp mắt và khoa học - điều này ảnh hưởng nhiều đến óc thẩm mĩ, trí tưởng tượng và khả năng tư duy của bé
- Độ bền cao - nếu tính hiệu quả kinh tế thì rõ ràng mua đồ chơi tốt còn rẻ hơn đồ chơi ít tiền mà kém giá trị, vì những món này rất bền kể cả khi bé hay quăng quật... Những món đồ chơi chất lượng kém thì mau hỏng, vừa tốn kém vừa có thể gây nguy hiểm cho bé.
- Giàu ý nghĩa, có tính giáo dục, có mục đích rèn luyện kỹ năng, trí tuệ và tâm hồn cho bé - điều này cực kỳ quan trọng luôn. Nên nhớ rằng với bé, giờ học chính là giờ chơi. Bé không chỉ đơn thuần giải trí, mà còn phải học được điều gì từ đó. Một món đồ chơi tốt không chỉ có hình thức đẹp, chất liệu xịn, mà còn phải giúp bé phát triển khả năng tư duy, trí tuệ cảm xúc hay rèn luyện giác quan, kỹ năng vận động...
Chính vì vậy, thay vì tiếc tiền vì mua đồ chơi xịn cho con, hãy cố gắng rèn cho con thói quen giữ gìn đồ chơi (mà đồ chơi tốt thì mẹ có động lực nhiều hơn nha, chưa kể còn tập cho bé sự ngăn nắp, tự lập... - rất tốt trong việc hình thành nhân cách và kỹ năng sống của bé sau này). Ngoài ra, có thể tranh thủ những dịp khuyến mãi vào cuối năm để mua đồ chơi cho con, tiết kiệm được kha khá tiền.
Những thương hiệu đồ chơi mà mình thích mua là: Fisher Price, Mellisa & Doug, Munchkin (khi bé trong giai đoạn từ sơ sinh đến 3 tuổi), lớn hơn (3-12) thì có Barbie, Hot Wheels, Disney, Lego.
2. Chọn đồ chơi theo độ tuổi
- Giai đoạn 0-6 tháng: Ở giai đoạn này, bé chủ yếu chơi để giải trí và rèn luyện các giác quan, kỹ năng vận động, hoặc hình thành các thói quen về ăn, ngủ, vệ sinh răng miệng... Đồ chơi cho bé nên chọn loại có màu sắc sặc sỡ (kích thích thị giác), ưu tiên có âm thanh (rèn luyện thính giác), có nhiều hình dạng khác nhau (để bé sờ nắn, cảm nhận kích thước, hình dạng...), chất liệu mềm, không sắc cạnh, không có khả năng gây nguy hiểm và nếu tiệt trùng được thì càng tốt.
Con cá ngựa này Kitty nhà mình chơi từ hồi nhỏ xíu đến tầm 2 tuổi. Nàng ngủ riêng, rất thích ôm em ấy và những điệu nhạc du dương nhưng tiếng sóng biển vỗ về đưa nàng vào giấc ngủ.
Khoảng 2-3 tháng tuổi, các bé thường mút tay kinh khủng, vậy là mình cho con chơi cái này. Đó là chiếc bàn chải silicone được thiết kế dạng đồ chơi gặm nướu, vừa giúp bé giải trí, thỏa mãn thú vui "gặm nhấm", vừa tập tành chăm sóc răng miệng. Nó rất đáng yêu và mềm mại, lại tiệt trùng được (chứ ngón tay thì thua à nha). Con dùng từ hồi bé tí teo đó đến hơn 1 tuổi luôn, nên có răng sữa là tập đánh răng dễ dàng.
Những hạt đậu dễ thương này vừa là món đồ chơi đáng yêu vừa là chiếc gối ôm xinh đẹp và êm ái của bé:
- Giai đoạn 6 tháng - 3 tuổi: Đây là giai đoạn quan trọng trong quá trình học hỏi của bé. Ở độ tuổi này, bé bắt đầu rèn luyện kỹ năng, nhận biết thế giới xung quanh, định hình tính cách... Nên chọn cho bé những đồ chơi giàu tính giáo dục, tươi vui và sinh động, kích thích khả năng quan sát và học hỏi.
Những bộ thả hình Fisher Price là món đồ chơi lý tưởng cho giai đoạn này với những khối hình tươi sáng nhiều màu sắc, nhiều hình dạng để bé thả qua nắp hộp phân loại, giúp bé phát triển kỹ năng thông minh vận động, kỹ năng tư duy và óc quan sát, học phép đếm, phân biệt màu sắc và hình dạng. Đặc biệt, phiên bản dành cho bé gái còn có nhạc và những câu tiếng Anh đơn giản để bé tập làm quen với ngôn ngữ.
Những bộ động vật Fisher Price cũng là món đồ chơi xinh đẹp và giàu ý nghĩa, vừa giúp bé giải trí vừa dạy bé kiến thức sinh vật học, xây dựng tình yêu thiên nhiên, phát triển khả năng tư duy và trí tuệ cảm xúc. Bé có thể chơi từ 1 tuổi đến 5 tuổi.
Bộ cốc Munkin là một món đồ chơi đơn giản mà không đơn giản. Với 7 chiếc cốc tròn có màu sắc khác nhau, được đánh số từ 1 đến 7, giúp bé chơi và học với rất nhiều trò: lật úp những chiếc cốc để xếp thành tòa tháp 7 tầng, giúp bé rèn luyện kỹ năng phối hợp giữa tay và mắt; những chiếc cốc với thiết kế mặt đáy khác nhau để bé múc nước và lọc nước dễ dàng, dùng để chơi khi tắm hay ra bãi biển; những chiếc cốc tròn nối đuôi nhau theo thứ tự từ nhỏ đến lớn tạo thành chú sâu xinh xắn, khi xếp chồng lại trông giống như con bướm đang đậu bông hoa, giúp bé làm quen với sinh vật học; những chiếc cốc to nhỏ với nhiều màu khác nhau giúp bé tập nhận biết kích cỡ và màu sắc; bảy con số đánh trên mỗi chiếc cốc giúp bé học đếm một cách tự nhiên; ngoài ra bé còn có thể dùng bộ đồ chơi này để chơi đồ hàng.
- Giai đoạn 3-6 tuổi: Ở độ tuổi này, bé rất tò mò và muốn khám phá nhiều điều, bé cũng đã làm quen với các loại hoạt hình, phim ảnh, bé bắt đầu có "thần tượng" (những anh hùng trong phim, những nàng công chúa trong truyện cổ tích...), tư duy thẩm mĩ của bé cũng đã nâng cao và sự định hình giới tính đã bộc lộ khá rõ nét nên bé cần những món đồ chơi có thiết kế đẹp mắt, tinh xảo; gần gũi với đời sống xã hội, thể hiện ước mơ tiềm ẩn trong bản thân bé; đồng thời phải giúp bé phát triển óc sáng tạo, khả năng tưởng tượng, khả năng kể chuyện, xây dựng hoạt cảnh...
Disney đã đánh trúng tâm lý các cô bé, cậu bé khi cho ra đời một loạt nhân vật bước ra từ phim ảnh và thế giới cổ tích. Đó có thể và bộ xe trong phim Cars II, là những nàng công chúa xinh đẹp hay các nhân vật chuột Mickey, Minnie... Với những bộ nhân vật hoạt hình này, bé có thể tái diễn lại câu chuyện đã được xem hoặc được nghe, bé tập diễn kịch, dựng hoạt cảnh..., nhờ đó phát triển óc tưởng tượng và kỹ năng ngôn ngữ rất cần thiết cho giai đoạn chuẩn bị vào lớp 1. Những bộ nhân vật này cũng là món đồ trang trí xinh đẹp trên kệ sách, tủ kính...
Thiên hướng và sở thích riêng biệt của từng giới tính đã được định hình rõ nét trong giai đoạn này: con trai thì mê xe hơi, con gái thì mê búp bê. Hot Wheels, Barbie, Disney... là những thương hiệu đáp ứng được sự sành điệu của các chàng và nàng:
Ở lứa tuổi này, ba mẹ dạy bé tính tự lập, biết làm những việc nhỏ trong gia đình, có những định hướng giản đơn về nghề nghiệp, hiểu được vai trò của các thành viên trong gia đình, học cách yêu thương và chia sẻ... Nên cho bé tiếp cận những món đồ chơi tạo ra được khung cảnh sinh hoạt gần gũi của gia đình.
- Giai đoạn 6-12 tuổi: Bé vẫn tiếp tục yêu thích những món đồ chơi trong giai đoạn 3-6 tuổi như xe hơi, búp bê..., ngoài ra ở giai đoạn này bé đã có khả năng tư duy khá sắc bén, cộng thêm tính hiếu động đặc trưng của lứa tuổi, nên Lego thực sự là loại đồ chơi lý tưởng, giúp bé phát triển toàn diện về trí tuệ, cảm xúc, kỹ năng vận động, cũng như rèn luyện cho bé tính cẩn thận, tỉ mỉ, ngăn nắp, sự phối hợp thao tác nhuần nhuyễn giữa tay và mắt...
Lego - không chỉ đơn giản là bộ xếp hình, mà còn hơn thế - dẫn dắt bé vào những câu chuyện sinh động và đầy tính nhân văn. Từ những chuyến thám hiểm lên núi cao, đốt lửa trại và nướng thức ăn, chia sẻ cùng bạn sóc, chụp ảnh thiên nhiên kỳ vĩ và đêm thức dưới bầu trời sao; đến chuyến cứu hộ trong rừng, những vụ thu hoạch ngày mùa cùng chú chó nhỏ, hòa nhập với thiên nhiên tươi đẹp và đầy biểu cảm, gian hàng lưu động là một chiếc xe kem cạnh đài phun nước, hay những chuyến truy tìm kho báu, làm anh hùng chống lại những thế lực xấu... tất cả dựng nên một thế giới cực kỳ vui tươi và sống động, hiện thực hóa khát vọng của trẻ nhỏ và giúp bé phát triển kỹ năng tư duy, óc tổ chức, tính tỉ mỉ, trí tuệ cảm xúc, tình yêu thiên nhiên, muông thú...
Thế giới đồ chơi vô cùng phong phú, để chọn được một món quà bé thích và phát huy được khả năng tiềm ẩn của bé, nên tìm hiểu thói quen, sở thích, môi trường sống và điều kiện sinh hoạt của bé. Mình thích chọn đồ chơi cho con, không chỉ để vun đắp cho con có một tuổi thơ tươi đẹp, mà còn như để níu kéo mình quay lại những mơ ước giản đơn của thời thơ ấu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét