Hôm trước, tôi có nói đến cách tính công bố quốc tế của nhà xuất bản Nature (gọi là Nature Index). Hôm nay tôi có dịp xem qua vài đại học trong vùng để so sánh (xem bảng kèm theo). Xin nhắc Nature Index dùng 3 chỉ số là AC, FC và WFC. Nature Index chỉ tính những bài báo khoa học trên các tập san có uy tín cao (tức có impact factor cao). Định nghĩa của 3 chỉ số là dưới đây. Trong đó, chỉ có WFC là khách quan và có thể dùng để so sánh. WFC là số bài báo trên các tập san có impact factor cao sau khi đã điều chỉnh cho đóng góp của trường và loại tập san.
Số liệu trong bảng này cho thấy trong năm 2013, ĐHQGHCM công bố được 2 bài trên các tập san có IF cao, nhưng vì do hợp tác với nước ngoài, nên 2 bài này chỉ tương đương 0.23 bài. ĐHQG Hà Nội không có trong danh sách Nature Index. ĐH Mahidol, Chulalongkorn, Chiang Mai, Khon Kaen đều có WFC cao hơn ĐHQGHCM.
Điều thú vị trong bảng số liệu này, theo tôi, là các đại học Á châu như ĐHQG Singapore, ĐHQG Seoul, ĐHQG Đài Loan đạt đẳng cấp các đại học phương Tây như Úc. Thật ra, tính trên WFC, các đại học Á châu vừa kể đều cao hơn tất cả các đại học danh tiếng của Úc như Sydney, UNSW, Monash và Melbourne. Ví dụ như NUS có 486 bài trên các tập san IF cao (tức tương đương với ĐH Sydney), nhưng WFC của NUS là 206.1, cao hơn 2 lần so với Sydney (91.6). Điều này cho thấy các đại học quốc gia ở Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan có "nội lực" cao hơn đại học Úc. Còn ĐH Harvard thì rõ ràng là một đẳng cấp khác.
=====
Giải thích về các chữ viết tắt trong bảng:
1. Article Count thì chỉ đơn giản là số bài báo khoa học công bố, nhưng chỉ tính trên những tập san có ảnh hưởng cao mà thôi. Họ dùng chữ "highly selective journals" nhưng không nói tập san nào. Nếu một bài báo có tác giả của 3 nước [ví dụ như] Việt Nam, Mĩ, và Úc, thì mỗi nước được tính 1 bài!
2. Fractional Count hay FC là số bài báo của một nước sau khi đã điều chỉnh cho mức độ đóng góp của mỗi nước cho bài báo. Cách họ định lượng đóng góp cũng đơn giản: nếu bài báo có 10 tác giả, thì mỗi tác giả có 1/10 điểm. Từ đó, họ cộng điểm hiệu chỉnh cho mỗi nước.
3. Weighted fractional count hay WFC cũng là số bài báo FC nhưng sau khi đã hiệu chỉnh cho các bài báo thuộc lĩnh vực astronomy và astrophysics, vì chỉ 4 tập san trong 2 lĩnh vực này công bố khoảng 50% tất cả các bài báo trong chuyên ngành! Như vậy, có thể nói đếm dựa trên WFC là khách quan nhất.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét