Chia sẻ bài báo khoa học trên mạng: coi chừng!

Diego Gomez là một sinh viên cao học (thạc sĩ) ở Colombia đang bị hầu toà, và có nguy cơ đi tù 8 năm vì anh ta upload một bài báo khoa học lên Scribd vài năm trước để chia sẻ với các sinh viên khác (1). Phải nói đây là một trường hợp khá hi hữu. Trường hợp của Diego Gomez đã dấy lên một cuộc vận động trong giới khoa học đòi quyền truy cập các bài báo khoa học và ủng hộ phong trào xuất bản Mở (Open Access).


Tôi theo dõi câu chuyện mà vẫn chưa rõ hết vì cách viết tiếng Anh rất ư mù mờ của họ. Bài báo nói rằng Diego Gomez chia sẻ bài báo khoa học, nhưng trong một bài do chính anh ta viết thì đó là một luận án cao học của một sinh viên khác. Nếu là luận án thì đâu có chuyện vi phạm bản quyền (ít ra là theo qui định ở Úc và Mĩ mà tôi biết). Nhưng cái phức tạp ở đây là website mà anh ta tải luận án lên lại lấy tiền của những download luận án. Gomez có thể chẳng có lời, nhưng website có lời từ luận án. Nếu là bài báo khoa học thì là một câu chuyện khác, vì quả thật bản quyền của bài báo thuộc về nhà xuất bản, nên việc chia sẻ bài báo trên phương tiện công cộng dễ dẫn đến vi phạm luật pháp. Ở Colombia vi phạm bản quyền được xem là tội hình sự! Hiện nay, nhà xuất bản khởi tối Gomez theo điều luật Colombia năm 2006 sau khi Colombia và Mĩ kí một hiệp định về tự do thương mại (2).

Câu chuyện của Diego Gomez còn có liên quan đến hiệp định thương mại TPP (Trans-Pacific Partnership). Phía Mĩ đang thương lượng với các đối tác trong khuôn khổ TPP để đưa vào điều luật về vi phạm bản quyền học thuật (như bài báo khoa học) như là tội phạm hình sự. Các nước đang phát triển không hài lòng trước áp lực này của Mĩ vì họ cho rằng Mĩ không công bằng. Tôi cũng nghĩ là không công bằng. Cần phải giúp đỡ các nước đang phát triển để họ có thể truy cập thông tin khoa học tốt hơn. Hình thức giúp đỡ có thể là giảm giá hay giới hạn thời gian truy cập.

Tôi nghĩ câu chuyện cũng có ý nghĩa đối với Việt Nam chúng ta. Ở VN, không nói ra ai cũng biết tình trạng vi phạm bản quyền quá phổ biến, quá tràn lan. Phần lớn các softwares máy tính đều là ăn cắp (hiểu theo nghĩa “piracy”). Ngay cả các đại học lớn, đại học quốc gia, người ta cũng vô tư dùng software ăn cắp. Chẳng những ăn cắp mà còn khoe ra nữa! Chẳng hạn như nhiều bài báo khoa học từ VN tự hào khoe rằng họ dùng SPSS để phân tích dữ liệu, nhưng phần lớn đều là dùng bản ăn cắp. Còn các bài báo khoa học thì được phân phát vô tư và upload lên mạng chia sẻ nhau thoải mái. Có thời người ta còn buôn bán bài báo khoa học! Nhưng nhiều khi các nhà xuất bản biết, nhưng họ lờ đi vì dù sao thì VN vẫn còn là nước nghèo, nên họ thông cảm. Nhưng tôi nghĩ tình trạng này không thể kéo dài mãi, nhất là ở các đại học, và chúng ta phải “chơi” đúng luật cho chắc ăn. Một khi TPP có hiệu lực thì VN cũng phải quan tâm đến vấn đề tác quyền.

===

(1) https://www.eff.org/deeplinks/2015/06/diego-stands-trial-today-show-your-support-open-access

(2) https://www.eff.org/deeplinks/2014/07/colombian-student-faces-prison-charges-sharing-academic-article-online

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

1 nhận xét: