Hôm nọ, nhân xem tin tức một đài truyền hình quốc gia, tôi chú ý đến một phóng viên có cái họ Việt Nam: Tracy Vo. Chỉ cần vài phút trên Google, tôi mới biết cô phóng viên này là một ngôi sao đang lên trong thế giới truyền thông Úc, một khuôn mặt quen thuộc của đài truyền hình số 9 (1). Vậy mà tôi không biết, vì đã khá lâu không xem đài này. (Tôi vốn không ưa mấy đài truyền hình thương mại vì họ rất chuộng loại tin cướp-giết-hiếp). Tracy Vo thuộc vào thế hệ người Việt thứ hai ở Úc, và câu chuyện của gia đình cô đọc lên nghe quen quen ...
Quen quen vì cô xuất thân từ một gia đình Việt Nam sang đây tị nạn gần 40 năm trước. Mới đây, Tracy Vo trở thành một tác giả, vì cô mới xuất bản cuốn sách Small Bamboo kể về hành trình vượt biên của cha mẹ cô và quá trình học hành trưởng thành ở Úc. Cuốn sách tuy không được đánh giá cao như những tác giả Việt Nam khác, nhưng câu chuyện vượt biên và sự thành đạt của gia đình Tracy làm xúc động độc giả. Chuyện kể rằng năm 1978 cha mẹ cô vượt biên khỏi Việt Nam trên một chiếc ghe nhỏ. Cha cô ngày xưa là một kĩ thuật viên trong ngành không quân, còn mẹ thì làm trong ngành dược. Sau 1975, tình hình càng ngày càng khó khăn, gia đình bị chính quyền mới làm khó, nên họ cảm thấy khó sống với chế độ mới và quyết định tìm đường vượt biên. Chuyến đi trót lọt và họ đến Mã Lai vào năm 1978, sau đó vài tháng thì được Úc nhận cho định cư ở Perth (bang Tây Úc). Ba của Tracy (tên là Tài) sau này trở thành thợ nấu ăn ở một nhà hàng danh tiếng, còn mẹ (Liên) là một người thợ làm bánh. Nói tóm lại, họ là một gia đình "lao động" chân chính.
Tracy được sinh ra ở Perth, và lớn lên ở một con phố toàn là người Á châu. Tracy theo học tại Đại học Curtin và tốt nghiệp với bằng cử nhân báo chí. Sau khi tốt nghiệp, Tracy làm cho đài phát thanh 6PR (thành phố Perth). Sau đó, cô được đài radio 2SM nhận vào làm biên tập và người đọc tin. Sau sự nghiệp radio, Tracy đi vào sự nghiệp truyền hình, và đài cô làm đầu tiên là Sky News ở Sydney (cách Perth 5 giờ bay) trong vai trò đạo diễn và phóng viên. Làm ở Sky News được 3 năm, Tracy làm cho đài truyền hình số 10 một thời gian ngắn, rồi sang đầu quân cho đài số 9. Trong vai trò phóng viên chính trị (political reporter) đóng ở thủ đô Canberra, Tracy làm việc với phóng viên kì cựu là Laurie Oakes, và cô trở thành một phóng viên nổi tiếng của đài số 9. Năm nay, cô chỉ mới 31 tuổi, nhưng đã có 10 năm trong sự nghiệp truyền thông. Dù là môt người đã "Úc hoá", nhưng cô không quên nguồn cội của mình, và đã viết cuốn tự truyện Small Bamboo để kể về cuộc đời của cha mẹ cô (chứ không hẳn của cô).
Phải nói rằng trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, rất ít người làm nghề phóng viên trong hệ thống truyền thông địa phương. Theo "truyền thống", dân tị nạn và con cái họ chỉ tập trung vào một số ngành chủ yếu là y, dược, nha, kĩ thuật, và khoa học. Sau này thì giới trẻ hơn và giỏi tiếng Anh hơn thế hệ trước theo đuổi các ngành như luật và thương mại. Rất hiếm ai theo đuổi ngành truyền thông. Ở Úc tôi chỉ mới biết Tracy Vo, nhưng chắc cô không phải là người duy nhất làm nghề phóng viên ở đây, nhưng có lẽ cô là người nổi tiếng nhất. Ở Mĩ tôi thấy có Leyna Nguyễn (Đài KCAL9), Betty Nguyễn (đài CNN và NBC), và Thuý Vũ (Đài CBS?) cũng là những phóng viên nổi tiếng. Tất cả những người này, Tracy, Leyna, Betty và Thuý, họ đều [dĩ nhiên] trẻ, nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, tất cả đều chiếm giải hùng biện khi còn ở nhà trường, và khuôn mặt lúc nào cũng sáng ngời, đầy tự tin. Có thể nói họ là những khuôn mặt mới của cộng đồng người Việt ở đây. Tôi nghĩ có thể ví họ như là Mỹ Tâm của Việt Nam: xinh xắn, tài nghệ, và tự tin.
Nhìn sự tự tin của những phóng viên này không khỏi làm tôi chạnh lòng nghĩ đến các phóng viên trong nước. Phóng viên trong nước, một cách gián tiếp, là người của đảng, của Nhà nước. Họ bị cái vòng kim cô treo lơ lửng trên đầu, nên không có cái tự do như các phóng viên ngoài này. Không biết tôi nói có quá chăng, nhưng những phóng viên mà tôi quen, nhìn vào mắt họ tôi thấy họ không vui, mà có cái gì đó lo lắng, trầm tư. Nhiều người trong họ cũng biết rất nhiều chuyện, nhưng không dám nói hay viết ra. Phóng viên không dám "tấn công" các quan chức mà họ phỏng vấn; ngay cả cách xưng "cháu" với các quan chức cấp "chú" đã làm thấp cái vai vế của họ, thì làm sao mà tự tin được. Có lẽ chính vì thế mà họ lúc nào cũng tỏ ra kém vui, và thiếu sự tự tin như mấy cô phóng viên tôi vừa đề cập. Còn vài phóng viên đài truyền hình hình như chỉ khoe sắc diện và quần áo là chính, chứ hàm lượng tri thức chưa được chứng tỏ là dồi dào.
Những phóng viên như Tracy Vo, Leyna Nguyễn, Betty Nguyễn, và Thuý Vũ là những người lập nghiệp từ tài năng của họ, tài năng được thi thố bình đẳng trong thế giới truyền thông đầy cạnh tranh. Họ là những người đáng nể. Ở Việt Nam người ta có câu "hi sinh đời bố, củng cố đời con" để chỉ những bậc cha mẹ tham nhũng hối lộ sẵn sàng đi tù để cho đời con khá hơn. Câu này đáng lí ra phải áp dụng cho những gia đình tị nạn thời xưa mới đúng: Những người cha mẹ hi sinh đời mình quần quật trong hãng xưởng để cho thế hệ sau tốt hơn. Cái lịch sử di cư vĩ đại của người Việt sau 1975 không được đề cập đến ở trong nước, nhưng với sự xuất hiện của những "ngôi sao" truyền thông thuộc thế hệ II này, tôi nghĩ chương lịch sử đó sẽ được thể hiện đầy đủ hơn.
====
Sau đây là vài clip về các nhà báo tài ba gốc Việt ở nước ngoài:
Thuý Vũ:
http://sanfrancisco.cbslocal.com/.../reporter-former.../
Leyna Nguyen:
https://www.youtube.com/watch?v=nvaDa-ndXBI
Betty Nguyen:
https://www.youtube.com/watch?v=f5eOd526_mU
Thuý Vũ:
http://sanfrancisco.cbslocal.com/.../reporter-former.../
Leyna Nguyen:
https://www.youtube.com/watch?v=nvaDa-ndXBI
Betty Nguyen:
https://www.youtube.com/watch?v=f5eOd526_mU
0 nhận xét:
Đăng nhận xét