Hến sông Hương

 Trong bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” của nhà thơ Hàn Mặc Tử, có một đoạn thơ giữa như sau:

“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”

Địa danh của thôn Vỹ mà nhà thơ đang nhắc đến chính là cồn Hến.

Cồn Hến là một hòn đảo nhỏ nổi lên giữa sông Hương, nằm bên trái kinh thành, chia dòng sông thơ mộng này làm hai nhánh. Đây là một vùng đất trù phú xanh tươi do phù sa sông Hương bồi đắp, được ví như rồng xanh. Các nhà phong thủy xưa thường nói “tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ” với ý so sánh cồn Hến và cồn Dã Viên là rồng xanh, hổ trắng chầu hai bên tả hữu hoàng thành.


Gọi là cồn Hến, bởi ở vùng này có rất nhiều hến và là loại hến ngon ngọt đặc biệt không nơi nào có mà người ta vẫn gọi là “hến sông Hương”. Hến sông Hương làm nên những thứ cơm hến, bún hến, hến xào… trứ danh mà ở các vùng miền khác, dù là dân Huế đến làm với nghề chế biến gia truyền vẫn không tạo ra được. Tôi hiểu vì sao mà ở Sài Gòn, đi vào những nhà hàng Huế sang trọng, vẫn thấy không ngon như ngồi bộ bàn ghế nhựa giản dị, dưới khóm trúc, hàng cau… nhìn ra mặt sông xanh ngắt và nếm thứ hến nhỏ li ti ngọt mát, ăn ly chè bắp thơm nồng.

Cồn Hến có hai thứ đặc sản mà những ai đến Huế nên thưởng thức, đó là hến và bắp. Bắp cồn Hến thơm và ngon. Những trái bắp non cắn vào ngọt đến chân răng với dòng nước ứa ra như sữa, khiến người đi xa cả hàng chục năm khi nhắc về quê hương vẫn nặng tình thương mến. Thứ bắp ấy cũng được dùng để nấu chè, ăn với đá bào rất dịu.

Cơm hến và chè bắp có ở hầu hết các nẻo đường thành phố, nhưng đã đến Huế thì ít nhất một lần phải ghé qua cồn Hến để ăn những đặc sản này “mới đành”. Cách thưởng thức thú vị nhất là buổi chiều khi hoàng hôn vừa buông xuống, đi thuyền rồng trên sông Hương xuôi về vùng Vỹ Dạ, ngắm cảnh non nước thanh bình và lên Cồn ăn tại các quán ven sông. Ngồi ở đây rất mát và không khí trong lành nhờ có gió sông Hương thổi lên và những vườn cây xanh mướt trong cồn như lá phổi xanh của thành phố. Giá cả cũng rất dễ chịu: tô cơm hến 4000 đồng, dĩa hến xào 5000 đồng, ly chè bắp 3000 đồng.

Nếu có dịp đến cồn vào buổi sáng sớm, khi một chút nắng vừa lên nhưng sương vẫn tỏa trên mặt sông, nhạt nhòa một màu hư ảo, bạn có thể hiểu vì sao Hàn thi sĩ đã phải thốt lên: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”. Buổi sáng chìm trong tĩnh lặng nhưng vẫn có cái không khí xôn xao của cảnh sinh hoạt đời thường bởi những âm thanh từ hến. Hến sông Hương rất nhỏ, vị ngọt và mát, không tanh, bởi nước sông nơi đây mát lành, trong vắt và ít phèn.

Về vùng Vỹ Dạ, nhấm nháp chút café buổi sớm hay thưởng thức món ăn vùng cồn, nếu đúng dịp bắp vào mùa lại còn nghe hương bắp non thoảng lại, thấy lòng quên hết những vướng bận đời thường, chợt nhớ câu thơ:

“Sương lạnh sông vắng mong người cũ
Bến nước đông tàn đợi cố nhân”

Sông Hương - đoạn chảy qua cồn Hến

Hến sông Hương – với món cơm hến 13 vị đặc trưng cho âm dương, ngũ hành – đôi khi không cần phải đến cồn mới được ăn, mà hiện diện nơi một gánh hàng rong nào đó, dạo khắp các nẻo đường theo chân các “mệ”, có những người mặc chiếc áo dài tím rất xưa, có lẽ là nét đẹp rất đời thường, giản dị, thầm lặng làm vọng về hơi thở của chốn kinh kỳ tự ngàn xưa.

9.2008
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét