Tản mạn về thành ngữ: "Được voi đòi tiên"

"Được voi đòi tiên" là câu thành ngữ khá thông dụng trong nhiều ngôn ngữ, nhằm chỉ thái độ tham lam, được thứ này rồi lại còn muốn thứ khác tốt hơn, hay hơn. Tìm hiểu xuất xứ của câu thành ngữ này, ta biết thêm nhiều điều thú vị.

Trong tiếng Việt, câu thành ngữ này bắt nguồn từ một thứ đồ chơi dân gian của trẻ con: đó là những con giống nặn bằng bột có nhiều màu sắc, thường được gọi là tò he. Những con giống này rất đa dạng: voi, gà, vịt, trâu, bò, mâm ngũ quả, cậu bé chăn trâu, tiên (ông tiên hoặc cô tiên)... Thường thì trong số những con giống được bày bán ở chợ quê, voi là loại phổ biến nhất, khá rẻ tiền, trong khi đó tiên hiếm hơn và có giá cao hơn. Vì vậy các em nhỏ sau khi được cha mẹ mua voi thường vòi vĩnh thêm tiên. Câu "được voi đòi tiên" ban đầu chỉ sự vòi vĩnh của con trẻ, về sau trở thành một câu thành ngữ mang nghĩa rộng hơn là đã được thứ này lại đòi thêm thứ khác tốt hơn.

Trong tiếng Hán, câu thành ngữ mang nghĩa tương đương với "được voi đòi tiên" là "đắc Lũng vọng Thục" (được đất Lũng lại mong đất Thục).
Đọc truyện Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần, thấy đến đoạn Hương Lăng nhờ Bảo Thoa xin mẹ cho vào ở cùng với cô trong Hành Vu Uyển, Bảo Thoa đồng ý; Hương Lăng được thể bảo rằng khi nào vào đấy sẽ nhờ Bảo Thoa dạy làm thơ, Bảo Thoa mới cười mà nói: "Chị thật là được đất Lũng lại mong đất Thục".

Vậy câu thành ngữ này có xuất xứ từ đâu?

Lũng là vùng đất phía Đông tỉnh Cam Túc còn Thục là vùng đất phía Tây tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày nay. Chuyện kể rằng Sầm Bành là một đại tướng thời Đông Hán, đã lập được rất nhiều chiến công, giúp Lưu Tú bình định thiên hạ. Khi Lưu Tú xưng đế, Sầm Bành rất được trọng vọng và được phong làm đại tướng quân sự. Sau đó, Lưu Tú cho quân tấn công Lạc Dương thành nhưng tướng giữ thành này là Châu Vĩ quá giỏi, đội quân hùng hậu của Lưu Tú tấn công mấy tháng trời vẫn không chiếm được. Biết Sầm Bành có thời là hiệu úy của Châu Vĩ, Lưu Tú bảo Sầm Bành khuyên Châu Vĩ hàng. Châu Vĩ biết quân mình đã vào thế sơn cùng thủy tận nhưng vẫn không muốn hàng vì xưa kia đã từng tham gia sát hại anh trai Lưu Tú, nay sợ bị trả thù. Sầm Bành bèn chuyển lời hứa của Lưu Tú là sẽ trọng dụng Châu Vĩ. Châu Vĩ vẫn không tin, cho người hạ sợi dây thừng xuống bảo Sầm Bành là nếu có thành ý thì hãy lên thành nói chuyện. Sầm Bành không hề do dự leo lên, Châu Vĩ lúc ấy mới tin và chịu hàng, quả nhiên được Lưu Tú tự tay cởi trói và phong làm Bình Định tướng quân. Trong chiến công Lạc Dương thành, Sầm Bành được xét công đầu.

Sau này, Lưu Tú lại đem Sầm Bành tấn công thành Quỹ Ngao của Tây Lương. Sau khi hạ lệnh cho các tướng khác vây thêm thành Thượng Quê, Lưu Tú quay về Lạc Dương rồi viết thư chỉ đạo Sầm Bành: "Sau khi chiếm được hai thành thì lập tức dẫn quân chiếm Tứ Xuyên. Lòng người khó mà thỏa mãn được, chúng ta đã bình định được Cam Túc (Lũng), lại muốn tấn công Tứ Xuyên (Thục), có lẽ con người đều tham lam không biết thế nào là đủ là như vậy đó".

Đáng tiếc là lần này quân của Sầm Bành đã thất bại vì thiếu lương thực, sau đó Sầm Bành lại bị thích khách giết chết khi đem quân chinh phạt Công Tôn Thuật (lúc bấy giờ đã gần thắng lợi), làm Lưu Tú thương tiếc mãi không nguôi.

Từ điển tích này mà người Trung Quốc có câu "Đắc Lũng vọng Thục".

Trong tiếng Anh, câu thành ngữ có nghĩa tương đương với "được voi đòi tiên" là "Appetite Comes with Eating".
 
7.2008 
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét