Bảng xếp hạng khoa học "Nature Index"


Một bạn đọc mới giới thiệu bảng Nature Index (natureindex.com) tôi thấy cũng thú vị. Trang này là một dạng phân tích ấn phẩm khoa học (bibliometrics), và có bảng xếp hạng 100 nước có "sản lượng" khoa học trên thế giới. Như có thể đoán được, Mĩ đứng hạng 1, nhưng ngạc nhiên một điều là Tàu đứng hạng 2! Riêng Việt Nam đứng hạng 57 trong bảng này.



Cách họ (Tập đoàn xuất bản Nature) xếp hạng rất mới so với các bảng xếp hạng khác. Họ xem xét đến 3 chỉ số: số bài báo khoa học (gọi là Article Count), số bài báo sau khi đã hiệu chỉnh (Fractional Count), và trọng số bài báo (Weighted Fractional Count – WFC). Cách họ đếm như sau:

1. Article Count thì chỉ đơn giản là số bài báo khoa học công bố, nhưng chỉ tính trên những tập san có ảnh hưởng cao mà thôi. Họ dùng chữ "highly selective journals" nhưng không nói tập san nào. Nếu một bài báo có tác giả của 3 nước [ví dụ như] Việt Nam, Mĩ, và Úc, thì mỗi nước được tính 1 bài!

2. Fractional Count hay FC là số bài báo của một nước sau khi đã điều chỉnh cho mức độ đóng góp của mỗi nước cho bài báo. Cách họ định lượng đóng góp cũng đơn giản: nếu bài báo có 10 tác giả, thì mỗi tác giả có 1/10 điểm. Từ đó, họ cộng điểm hiệu chỉnh cho mỗi nước.

3. Weighted fractional count hay WFC cũng là số bài báo FC nhưng sau khi đã hiệu chỉnh cho các bài báo thuộc lĩnh vực astronomy và astrophysics, vì chỉ 4 tập san trong 2 lĩnh vực này công bố khoảng 50% tất cả các bài báo trong chuyên ngành! Như vậy, có thể nói đếm dựa trên WFC là khách quan nhất.

Natureindex.com dựa vào WFC cho ra một bảng xếp hạng gồm 100 nước như sau:


Phân tích này cho thấy Mĩ đứng đầu bảng, với 27355 bài báo trên các tập san hàng đầu, nhưng sau khi hiệu chỉnh thì còn lại là 18643 bài. Ngạc nhiên là Tàu đứng hạng 2, với 7637 bài và WFC là 5206 bài. Mười nước hàng đầu là:

1. Mĩ
2. Tàu
3. Đức
4. Nhật
5. Anh 
6. Pháp
7. Canada
8. Tây Ban Nha
9. Thuỵ Sĩ
10. Nam Hàn

Úc, hạng 12, còn thua cả Nam Hàn!

Riêng Việt Nam (đứng hạng 57) có 41 bài báo, nhưng WFC thì chỉ 8.23. Chỉ số này thể hiện sự tăng trưởng 20% so với năm 2012.

Tuy nhiên, phân tích kĩ hơn thì thấy một số nước có WFC thấp hơn kì vọng, và một số nước thì cao hơn kì vọng. Kì vọng ở đây là tôi ước tính phương trình WFC = k*ArticleCount, với k = 0.507. Phương trình này có R^2 = 0.95, khá tốt!



Do đó, đối với Tàu, với ArticleCount = 7637, giá trị kì vọng WFC của họ là 7637*0.507 = 3872. Nhưng trong thực tế, WFC của Tàu là 5206. Nói cách khác, thành tích của họ vượt trội kì vọng. Một cách hiểu khác nữa là nội lực của họ cao, vì công trình của họ không có nhiều đồng tác giả người nước ngoài.

Các nước có nội lực cao khác là Nhật, Nam Hàn, Ấn Độ (xem biểu đồ). Còn các nước có nội lực thấp hơn kì vọng là Đức, Anh, Pháp, Canada, Úc, Ý, Hà Lan. VN cũng nằm trong nhóm có nội lực thấp, với giá trị kì vọng WFC là 20.8, nhưng trong thực tế thì chỉ 8.23! Điều này cũng hợp lí vì những công trình của VN trên các tập san lớn chủ yếu là do hợp tác với đồng nghiệp nước ngoài nhiều, và do đó phải chia sẻ điểm cho họ khá nhiều.

Có thể xem phân tích cho VN ở đây: 

http://www.natureindex.com/country-outputs/Vietnam


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét