Cái chết của Gs Stefan Grimm

Một sự kiện -- phải nói là "sự kiện" -- xảy ra ở Imperial College (Anh): Giáo sư Stefan Grimm, 51 tuổi, tự tử vì áp lực của trường quá lớn (1). Áp lực công bố những công trình nghiên cứu lớn và xin tài trợ cho nghiên cứu. Cái chết của Gs Grimm gây xôn xao trong giới hàn lâm, và một lần nữa đặt cái văn hoá "publish or perish" (công bố hay diệt vong) lên bàn mổ xẻ của dư luận.


Imperial College London (ICL), mặc dù mang tên là "college, nhưng là một đại học danh giá trên thế giới. Trường này chỉ có khoảng 16 ngàn sinh viên, nhưng có đến 3000 giảng viên và giáo sư! Nhiều năm liền, ICL được xếp hạng top 10 hoặc top 20 trên thế giới (tuỳ theo bảng xếp hạng). Năm 2014-2015, ICL được QS xếp hạng 2 trên thế giới, tương đương với ĐH Cambridge, nhưng cao hơn Harvard, Oxford, UCL, Stanford và CalTech! Nói như thế để thấy ICL là một đại học hàng đầu thế giới, một loại "elite institution".

Các đại học tinh hoa (hay elite) thường đòi hỏi giáo sư của họ cũng phải ở đẳng cấp elite. Đẳng cấp elite ở đây phải được hiểu là công bố nghiên cứu trên các tập san có uy tín, có impact factor cao. Như là một qui luật, có bài báo khoa học trên các tập san lớn thì việc xin tài trợ dễ dàng hơn. Nói cách khác, giáo sư không chỉ công bố nghiên cứu, mà trong môi trường tài chính khó khăn, họ còn phải có nhiệm vụ đem tiền về cho nhà trường. Không ai có con số cụ thể, nhưng theo nhiều nguồn tin thì ở Anh, mỗi giáo sư kì vọng đem về cho trường khoảng 150,000 pounds. Ở Úc, con số mà giới hàn lâm được nghe thường xuyên là $200,000. Con số này không phải chỉ là tiền mặt, nhưng có thể kể cả tiền tài trợ, bán bằng sáng chế, đào tạo tiến sĩ và bài báo qui thành tiền, v.v. Có thể nói rằng đại học ở các nước tiên tiến ngày nay là một loại doanh nghiệp, bởi vì những người điều hành đại học càng ngày càng học cách làm của doanh nghiệp.

Ts Stefen Grimm là một giáo sư về độc học (toxicology) của Imperial College. Ông có một "track record" công bố quốc tế, theo tôi là có thể xếp hạng khá (2). Ông công bố 53 bài báo. Riêng năm 2014, trước khi chết, ông đã công bố 6 bài! Một số công trình của ông được công bố trên các tập san danh tiếng như EMBO, Immunity, FASEB, Oncogene, Cancer Research, Journal of Experimental Medicine, v.v. Theo GoogleScholar, ông có chỉ số H 24, tức rất khá. Nói tóm lại, Gs Stefan Grimm là một nhà khoa học có tên tuổi và nghiên cứu của ông có ảnh hưởng trong chuyên ngành.

Tuy nhiên, đối với Imperical College, thành tích của Gs Grimm là … chưa đủ! Theo hai đồng nghiệp của ông thì ban lãnh đạo khoa y của Imperical College không hài lòng với năng suất khoa học của Gs Grimm, và họ muốn đặt ông dưới sự giám sát của lãnh đạo trường (tức là một cách sỉ nhục). Theo một lá thư công bố trên mạng mà người ta cho là do Gs Grimm viết (3), thì ngày 30/5/2014, Gs Martin Wilkins của Khoa Y đến tận văn phòng của Gs Grimm và mắng mỏ ông rằng nỗ lực công bố và xin tài trợ của ông là chưa đủ. Wilkins còn phách lối ra điều kiện cho Gs Grimm là ông có tối đa 12 tháng để rời Imperial College hay là bị sa thải. Thái độ đó và cách hành xử đó được xem là lưu manh trong học thuật, bởi vì trong giới hàn lâm, không ai cư xử với một đồng nghiệp cấp giáo sư như thế cả. Nhưng Khoa Y của Imperial College đã từng có cách hành xử xấc xược (có người cho là bully – bắt nạt) như thế với giáo sư của họ (4).

Đến cuối tháng 9/2014 (không rõ ngày nào) thì người ta tìm thấy thi thể của Gs Stefan Grimm ở nhà. Không thấy báo chí nói đến nguyên nhân tử vong, nhưng chỉ nói rằng ông tự tử. Vì những áp lực trước đó ở Imperial College, nên người ta nghĩ cái chết của ông là hệ quả của văn hoá "Publish or Perish", mà có người mỉa mai nói rằng "Publish AND Perish" (công bố và diệt vong). Không thấy một quan chức nào của Imperial College nói gì, chỉ thấy nói rằng nhà trường sẽ mở một cuộc điều tra về cái chết của ông và những hành xử trước đó của quan chức trong Khoa Y.

Có thể nói rằng cái chết của Gs Grimm là một cảnh báo cho giới quản trị đại học muốn đẩy các giáo sư đến bờ vực thẳm của sự nghiệp. Việc công bố quốc tế càng ngày càng khó, đặc biệt là trên những tập san lớn và có impact factor cao, vì cạnh tranh ác liệt ở qui mô toàn cầu. Việc xin tài trợ cho nghiên cứu càng lúc càng khó, vì chính phủ khắp nơi giảm ngân sách cho khoa học. Xác suất thành công đối với các đề cương tốt ngày nay chỉ 15-16% (bên Mĩ nghe nói khá hơn là 20%). Trong thực tế, sự thành bại trong xin tài trợ ngày nay giống y chang như trò chơi lottery. Các đề cương tốt có thể bị từ chối tài trợ năm nay, nhưng nếu đệ trình lần nữa vào năm tới thì có thể thành công! Đối với các đề cương tốt, chất lượng của đề cương không còn là yếu tố quyết định thành bại nữa, mà là … ngẫu nhiên. Do đó, tôi rất thông cảm với Gs Stefan Grimm. Thông cảm cho ông bao nhiêu thì tôi càng tức giận bấy nhiêu với Khoa Y của Imperial College. Một trường danh giá như thế mà đối xử với giáo sư nổi tiếng như là cỏ rác thì trường đó cũng chẳng hay ho gì, nếu không muốn nói là một loại lưu manh trong học thuật.

====





Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét