Sống với tỉ số thiền

Sáng nay có người gửi tôi một bài viết mà đọc một vài dòng đầu tôi mới biết là của mình! Bài này viết cho báo Tết cũng đã 2 hay 3 năm rồi, và vì website bị đánh sập nên tôi mất luôn. Lúc đó tôi đọc được một cuốn sách cực kì hay có tựa đề là "Born to be good" của Dacher Keltner, một nhà tâm lí học. Sách có đề cập đến khái niệm "Zen ratio" rất thú vị, và cuốn sách làm tôi thức gần nửa chuyến bay Los Angeles về Sydney. Về đến nhà, vội vàng viết lại bài này. Nay bắt gặp những suy nghĩ đầu năm của mình lúc đó thấy cũng có lí và còn tính thời sự nên mới post lại ở đây.



Sự học lúc nào cũng làm cho chúng ta khiêm tốn hơn. Khi mới tốt nghiệp tú tài II (bây giờ là trung học phổ thông), tôi nghĩ mình đã thấu hiểu kim cổ, nhưng khi lên đại học chỉ qua vài bài giảng tôi mới thấy mình chẳng biết gì sâu sắc cả. Khi tốt nghiệp đại học, tôi nghĩ mình đã là một người có hiểu biết hay “trí thức”, nhưng thầy tôi bảo tốt nghiệp đại học chỉ mới đánh dấu một giai đoạn “trưởng thành”. Đến khi vào học tiến sĩ tôi hăm hở sẽ chinh phục và giải quyết vấn đề của thế giới, nhưng sau bốn năm rèn luyện và tốt nghiệp, tôi càng thấy mình rối rắm, nếu không muốn nói là mụ mị hơn! Thế mới nghiệm ra một chân lí rằng bể học rất mênh mông, càng học càng thấy mình chưa đến bờ bến. Nhưng cái lợi ích rất hay của việc học hành (và giáo dục nói chung) không phải chỉ là trang bị kiến thức mới, mà là làm cho chúng ta nhận thức ra những thiếu sót và yếu kém của mình.

Thế nhưng trong thực tế, ít ai nhận ra yếu kém của mình. Ngược lại, người có học thường tự đánh giá mình quá cao. Họ thường tự xem mình là trung tâm của thế giới, là tài giỏi hơn mọi người chung quanh. Vì quá bận tâm với cái tôi, đến những sở thích, mong muốn cá nhân, và có khi tự huyễn hoặc mình, họ trở thành những người vị kỉ, thậm chí narcissistic. Nhưng cuộc sống là một hàm số khổng lồ mà trong đó mọi cá nhân phải phụ thuộc vào nhau và với nhau để tồn tại, nên tự huyễn hoặc mình quan trọng hơn người khác là một điều rất hoang tưởng. Theo tôi, vấn đề không phải là ai quan trọng hơn ai, nhưng là mình có thể đóng góp gì cho xã hội, có thể đem lại phúc lợi gì cho cộng đồng để cuộc cuộc sống có ý nghĩa hơn và chất lượng sống cao hơn.

Tôi muốn đề nghị rằng ý nghĩa của cuộc sống và chất lượng sống qua lăng kính của tỉ số thiền hay còn gọi là "Zen ratio". Thiền là một ý tưởng chủ đạo trong giáo huấn của Khổng Tử, đề cập đến những lòng nhân đạo và điều tốt lành làm nền tảng của những mối liên hệ giữa các cá nhân trong xã hội. Theo Khổng Tử, người thiền là người không chỉ muốn thiết lập chí khí cho riêng mình, nhưng cũng thiết lập chí khí cho người khác. Hiểu theo nguyên lí này, người thiền là người mang phúc lợi cho người khác và không làm điều gì gây tổn hại đến người khác. Từ đó, tỉ số thiền có thể định nghĩa là tỉ số của những phúc lợi trên những tác động tiêu cực trong mỗi việc làm của chúng ta. Tử số của tỉ số thiền là những việc làm đem lại tác động tích cực, và mẫu số là những tác động không tích cực, thậm chí tác hại đến người khác.

Có thể xem tỉ số thiền như là một tiêu chí để chúng ta quyết định hành động mỗi ngày. Câu hỏi “tôi có nên viết bài báo này hay không” có thể trả lời bằng tác động tích cực và tiêu cực của bài báo. Tác động tích cực có thể là những lời khuyên cho các bạn đọc sống tử tế hơn, nhưng tác động tiêu cực có thể là bài báo sẽ làm cho một số bạn đọc không hài lòng, thậm chí tức giận. Nhưng bất cứ việc làm nào cũng có hai mặt: tích cực và tiêu cực, nên không khi nào chúng ta có thể đạt tỉ số thiền bằng 0. Nhưng nếu tỉ số thiền của bài báo trên 10 thì tôi nghĩ việc làm của tôi có ý nghĩa. Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng mỗi tuần một cá nhân làm được 5 việc với tỉ số thiền trên 10 thì người đó sẽ là một người hạnh phúc và cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Cuộc sống có ý nghĩa không hẳn là nhờ vào tiền. Một nghiên cứu ở Mĩ cho thấy 74% sinh viên cho biết động cơ chính để theo học đại học là vì lí do kinh tế. Nhưng tiền bạc có thật sự làm cho chúng ta hạnh phúc thì vẫn là một câu hỏi khó có câu trả lời. Đối với người nghèo thì câu trả lời là “có”, vì vật chất giúp họ vượt qua khỏi hoàn cảnh khốn khó. Đối với người trung lưu hay giàu có, thì câu trả lời là “không”, vì những gì họ quan tâm là tình trạng bất an, bệnh tật, và có khi cái chết. Những nghiên cứu này cho thấy một cách nhất quán rằng tiền bạc và địa vị không phải là yếu tố làm cho chúng ta hạnh phúc; chính những mối liên hệ tình cảm lành mạnh giữa người với người và sức khỏe mới là yếu tố định hình tính hạnh phúc. Nói cách khác, chính tỉ số thiền là yếu tố xác định chúng ta hạnh phúc hay không hạnh phúc.

Tỉ số thiền không chỉ là một tiêu chí cho hành động mà còn là thái độ và hành vi. Trong tiếng Anh, cũng như tiếng Việt, có nhiều từ để mô tả cảm xúc tiêu cực hơn là từ tích cực. Điều này có thể hiểu được, bởi vì những xúc cảm tiêu cực là bản chất tự nhiên của con người và là một “đơn vị” trong cuộc sống hàng ngày. Một nụ cười, một biểu hiện thông cảm qua ánh mắt, hay một cử động thân mật, v.v. cũng có thể gây tác động tích cực và làm gia tăng tỉ số thiền.

Trong cuộc sống đa chiều có những mối liên hệ chằng chịt và phức tạp, không có cá nhân nào làm nên tất cả. Mỗi chúng ta đều phải phụ thuộc vào người khác để tồn tại. Trong khoa học, mỗi nhà khoa học phải đứng trên vai của người đi trước để có được sự nghiệp ngày hôm nay. Thật là ngây thơ nếu tự huyễn hoặc mình là quan trọng nhất, vì đó là yếu tố dẫn đến sự thất bại. Để thành công trong cuộc sống, tôi nghĩ nên sử dụng tỉ số thiền như là một kim chỉ nam hay một tiêu chí. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có một câu nói đơn giản nhưng nói lên tất cả triết lí của tỉ số thiền. Trả lời Khánh Ly về ý nghĩa của cuộc sống, Trịnh Công Sơn nói “Sống giữa đời sống cũng cần có một tấm lòng”. Đó là tấm lòng tử tế với nhau. Tôi diễn giải câu đó như là một tối ưu hóa tỉ số thiền để làm cho cuộc sống có chất lượng cao hơn.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét