Uống sữa có hại?

Một số bạn gửi email và nhắn qua fb hỏi tôi có ý kiến hay bình luận gì về bài báo trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần (“Người lớn uống sữa, hại nhiều hơn lợi”). Thật ra, bài báo này chỉ viết lại những bài báo ở nước ngoài về một nghiên cứu được công bố trên tập san British Medical Journal (BMJ) gần đây, kết luận rằng uống nhiều sữa có liên quan đến tăng nguy cơ tử vong và gãy xương (2). Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy TTCT đăng bài này với cái tựa đề quá khẳng định! Tôi là người làm trong lĩnh vực này và cũng quen biết khá thân tình với nhóm tác giả, nhưng tôi không bao giờ nghĩ rằng cái nghiên cứu đó có thể cho phép chúng ta nói rằng uống sữa có hại nhiều hơn lợi. Ngược lại, tôi nghĩ đối với người Việt, uống sữa có lợi cho sức khỏe và có tác dụng giảm nguy cơ loãng xương.


Sữa là nguồn calcium rất quan trọng cho cơ thể. Dĩ nhiên, chúng ta có thể dùng bổ sung calcium, nhưng sữa vẫn là nguồn “tự nhiên” và an toàn nhất. Calcium thì lại rất cần cho cơ thể trong quá trình xây dựng và duy trì bộ xương. Cơ thể còn cần calcium để chuyển tín hiệu cho não, điều chế nhịp tim, và phòng chống đông máu. Nên nhớ rằng 99% calcium trong cơ thể nằm ở xương và răng (phần 1% còn lại được “lưu hành” ở trong máu và các mô khác). Nói như thế để thấy calcium đóng vai trò quan trọng trong cơ thể chúng ta. Nguồn calcium như tôi nói chủ yếu là qua sữa và thức ăn.

Thế nhưng người Việt có thói quen ăn uống rất ít calcium. Theo nghiên cứu của chúng tôi, mỗi ngày người Việt chỉ tiếp thu khoảng 300-400 mg calcium. Lượng calcium cần thiết mỗi ngày đáng lí ra phải là 1000 mg. Nhưng rất ít người Việt đáp ứng được tiêu chuẩn đó. Do đó, không quá ngạc nhiên khi nhiều trẻ em và thiếu niên không phát triển đúng với tiềm năng. Hệ quả là bộ xương của người Việt không được tốt mấy và chiều cao thì còn khiêm tốn.
Nhưng nghiên cứu công bố trên BMJ nói rằng uống nhiều sữa làm tăng nguy cơ tử vong và gãy xương! Dữ liệu này khi mới công bố gây sững sốt trong cộng đồng nghiên cứu loãng xương. Nói chung là nhiều người không mấy quan tâm đến nghiên cứu này vì nó có quá nhiều vấn đề. Ngay cả tác giả của công trình nghiên cứu cũng thú nhận như thế, và họ đề nghị nên cẩn thận khi diễn giải kết quả, chứ không tin một cách mù quáng.

Một trong những vấn đề là hiện tượng mà giới dịch tễ học gọi là “reverse association”. Thông thường, nhà nghiên cứu muốn “chứng minh” yếu tố X (như uống sữa chẳng hạn) là tác nhân gây biến cố Y (ví dụ như tử vong). Thế nhưng trong thực tế, có khi chính Y gây tác động đến X, và chúng ta cứ tưởng là X là nguyên cớ của Y! Chẳng hạn như những người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh, kể cả loãng xương (nói ngắn gọn là họ “già yếu”), nên bác sĩ thường khuyến cáo uống vài li sữa mỗi ngày. Những người khỏe mạnh thì ít khi nào được khuyến cáo như thế. Mà, những người già yếu thì có nguy cơ tử vong cao. Do đó, khi nhà nghiên cứu phân tích mối liên quan giữa sữa và tử vong, họ sẽ thấy người uống nhiều sữa có nguy cơ tử vong cao! Thế nhưng, chúng ta biết rằng sự thật không phải như vậy, mà ngược lại. Chính vì thế mà dân trong nghề gọi hiện tượng này là “reverse association” (liên quan nghịch đảo), có khi còn gọi là "confounding by indication". Hiện tượng này hay thấy trong các nghiên cứu quan sát (như nghiên cứu của nhóm tác giả).

Cái nghiên cứu của nhóm Thụy Điển trên BMJ có thể giải thích bằng hiện tượng reverse association. Chính nhóm tác giả cũng không loại bỏ yếu tố này. Thật ra, nghiên cứu đó, nếu đọc kĩ, sẽ phát hiện nhiều vấn đề khác. Ví dụ như người ta không chỉ uống sữa, mà còn phải ăn uống thức ăn khác, kể cả protein, và tăng protein là một yếu tố nguy cơ gãy xương. Thế nhưng với mô hình nghiên cứu của tác giả thì họ không thể tách bạch được ảnh hưởng của protein và sữa riêng ra được. Ngoài ra, còn có vài vấn đề về phân tích thống kê và cách hiểu theo ý nghĩa của trị số P, nhưng đây là những vấn đề mang tính kĩ thuật. Do đó, kết quả của nghiên cứu này không có giá trị khoa học cao.

Nói tóm lại, sữa là nguồn quan trọng để chúng ta có calcium, và calcium là một chất khoáng hết sức quan trọng cho cơ thể và cho tất cả độ tuổi. Ở VN, rất nhiều người thiếu calcium, nên sữa là một nguồn quan trọng. Giới y tế vẫn xem sữa là một nguồn thức uống có ích cho sức khỏe, và họ có nhiều lí do và chứng cứ để khuyến cáo như thế (3). Không nên chỉ vì một bài báo “vớ vẩn” trên BMJ mà khuyến cáo người ta không nên uống sữa.
====


(2) Michaelsson K, et al. Milk intake and risk of mortality and fractures in women and men: cohort studies. BMJ 27/10/2014

(3) Rizzoli R. Dairy products, yogurts, and bone health. Am J Clin Nutr 2014;99:1256S-62S.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét