Dịch Bắc hành tạp lục: Bài 83


                           Mộ chí cha con Nhạc Phi




Bài 83
Nhạc Vũ Mục mộ
岳武穆墓
Nhạc Vũ Mục mộ
中原百戰出英雄
Trung nguyên bách chiến xuất anh hùng
丈八神鎗六石弓
Trượng bát thần thương lục thạch cung
相府已成三字獄
Tướng phủ dĩ thành tam tự ngục 1
軍門猶惜十年功
Quân môn do tích thập niên công 2
江湖處處空南國
Giang hồ xứ xứ không Nam quốc
松柏錚錚傲北風
Tùng bách tranh tranh ngạo bắc phong
悵望臨安舊陵廟
Trường vọng Lâm An 3 cựu lăng miếu
栖霞山在暮煙中
Thê Hà 4 sơn tại mộ yên trung
Dịch nghĩa: Mộ Nhạc Vũ Mục
Bậc anh hùng xuất hiện trong trăm trận ở Trung Nguyên
Thương thần dài trượng tám, cung nặng sáu thạch
Ở phủ tướng đã khép vào tội "ba chữ"
Nơi ba quân còn tiếc công mười năm chiến đấu
Sông hồ chốn chốn khắp Nam Tống
Cây tùng cây bách hiên ngang trước gió bắc
Buồn trông lăng miếu cũ ở Lâm An
Núi Thê Hà chìm trong khói chiều
Dịch thơ: Mộ Nhạc Vũ Mục


Trung nguyên trăm trận đại anh hùng

Tám trượng thương thần sáu thạch cung

Tướng phủ đã thành ba chữ ngục

Quân môn còn tiếc mười năm công

Anh hùng khắp chốn miền Nam Tống

Tùng bách kiên cường trước bắc phong

Buồn ngắm Lâm An lăng miếu cũ

Thê Hà ngọn núi khói chiều buông.

                                  Đỗ Đình Tuân

                                    (dịch thơ)
Chú thích:
*Nhạc Vũ Mục: tức Nhạc Phi 岳飛, người thời Nam Tống 南宋. Lúc bấy giờ trong triều đình Nam Tống có hai phe, phe Tần Cối chủ hòa với Kim, phe Nhạc Phi chủ trương đánh Kim. Sau mười năm xây dựng lực lượng, Nhạc Phi đem quân tiến đánh quân Kim thì Tần Cối 秦檜 mạo lệnh vua gọi về, bỏ ngục rồi giết chết. Vũ Mục là tên thụy được truy tặng. Ở Tây Hồ, Hàng Châu (Chiết Giang) về sau có mộ Nhạc Phi, lại có tượng vợ chồng Tần Cối quỳ phía trước.
1. Án ba chữ. Khi Tần Cối ghép Nhạc Phi vào tội tử hình, Hàn Thế Trung 韓世忠 hỏi: "Có tội gì ?". Cối trả lời: "Mạc tư hữu" 莫須有 (chẳng cần có). Về sau người ta gọi đó là Tam tự ngục 三字獄.
2. Công lao mười năm. Tần Cối giả lệnh vua một ngày hạ 12 đạo kim bài, bắt Nhạc Phi rút quân về. Lần cuối cùng Nhạc Phi than một câu rằng: "Công lao mười năm, bỏ đi một ngày!" rồi mang quân về.
3. Kinh đô Nam Tống nay là Hàng Châu 杭州 trên sông Tiền Giang.
4. Một quả núi ở Hàng Châu 杭州tỉnh Chiết Giang 浙江, dưới chân núi có mộ Nhạc Phi. Theo câu bảy thì Nguyễn Du không đi đến Lâm An, chỉ đứng xa nhìn nên mới nói vọng.
22/7/2014
Đỗ Đình Tuân
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét