Thỉnh thoảng đọc bài viết hay phát biểu của các quan chức cao cấp tôi cảm thấy ngạc nhiên vì họ có vẻ hời hợt với con số, với sự thật. Nếu là người thường dân hay quan chức cấp thấp thì chẳng nói làm gì, nhưng quan chức cao cấp mà thể hiện sự hời hợt như thế là có vấn đề vì họ đang điều hành đất nước. Mới đây, đọc bài "Bệnh 'sính bằng cấp' dẫn tới số lượng không ít 'trí thức hình thức'" (1), trong đó có trích dẫn vài con số mà tôi nghĩ là không đúng.
Bao nhiêu GS/PGS?
Bài báo có đoạn viết "Chia sẻ về con số 9.000 giáo sư như thông tin vừa nêu, GS.TS, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân giải thích đây là con số giáo sư đã phong từ khi có đất nước Việt Nam. Thực tế hiện nay số giáo sư làm việc trong nước chỉ khoảng 400 và khoảng 2.500 Phó giáo sư." Câu này có vài dữ liệu không đúng.
Thứ nhất, tính từ 1976 đến 2013, VN đã công nhận 1569 GS và 8884 PGS, tính chung là 10,453 người (2). Do đó, con số 9000 GS/PGS là rất sai có lẽ do thiếu cập nhật.
Thứ hai, tôi không nghĩ con số GS và PGS làm việc trong nước chỉ 2900 như bác Nhân nói. Trong thực tế, chỉ riêng các trường đại học (chưa tính các viện) trong niên học 2006-2007 đã có 445 GS và 2432 PGS. Chúng ta không biết con số GS/PGS trong các đại học cho năm 2013 là bao nhiêu, vì bảng thống kê của Bộ GDĐT phải công nhận là quá … hay (3), nhưng con số chắc chắn phải hơn 3000 người. Chưa tính số GS/PGS ngoài đại học có thể chiếm phần đông. Do đó, số GS/PGS tại chức chắc chắn phải hơn con số 2900 người như bài báo viết.
So sánh với Singapore?
Bài báo viết tiếp: "Về thông tin báo chí có nói Việt Nam đào tạo nhiều tiến sĩ, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, thực tế tỷ lệ tiến sĩ của Việt Nam so với các nước trên thế giới rất thấp. GS.TS Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng, Singapore có dân số tuyệt đối là 5 triệu người, số người có trình độ tiến sĩ làm khoa học là 27.000 người; ở Thái Lan là 21.000; còn Việt Nam có gần 10.000 người trực tiếp làm khoa học trong khi dân số là 90 triệu người." So sánh này có vấn đề về logic và dữ liệu.
Dân số Singapore không phải 5 triệu, mà là 5.4 triệu (theo số liệu thống kê năm 2013). Không biết con số 27000 tiến sĩ ở Singapore ông lấy từ nguồn nào, nhưng điều cần nhớ là Singapore cho nhập cư nhiều nhà khoa học từ các nước trên thế giới, chứ chưa chắc họ có thể đào tạo nhiều tiến sĩ như thế.
Ngoài ra, không thể lấy số tiến sĩ chia cho dân số để so sánh với các nước như Singapore rồi kết luận rằng "tỉ lệ tiến sĩ" của VN là thấp. So sánh như thế là giả định rằng trình độ khoa học của VN tương đương với trình độ khoa học của Singapore, một giả định mà ai cũng thấy là hoàn toàn sai. Trong thời gian 2000-2011, Singapore công bố 75,868 bài báo khoa học trên tập san ISI, còn VN chỉ công bố được 8528 bài.
Nếu nói rằng tỉ số tiến sĩ trên dân số của VN còn thấp hơn Thái Lan, thì tại sao không nói tỉ số GS/PGS của VN cao hơn Thái Lan? Cả nước Thái Lan có 5414 PGS và 708 GS. Trong khi đó, số GS/PGS của VN cao gần gấp 2 lần của Thái Lan. Trong thời gian 2000-2011, Thái Lan công bố 37,907 bài báo khoa học trên tập san ISI, cao hơn VN gấp 4.5 lần. Tất cả những con số này cho thấy sự bất bình thường của phân bố tiến sĩ và GS/PGS ở VN.
Đầu tư cho khoa học
Theo bài báo thì "GS.TS Nguyễn Thiện Nhân nêu tiếp ví dụ của Singapore: "Họ có 5 triệu dân, họ đầu tư 5 tỷ USD/năm; trong khi chúng ta có 90 triệu dân, đầu tư cho khoa học bình quân cả nước khoảng 1 tỷ USD/năm." Cách so sánh này cũng có vấn đề cần bàn thêm.
Không nên so sánh giữa các nước dựa vào tiền đầu tư cho khoa học & công nghệ trên dân số, mà nên dựa vào tỉ trọng đầu tư tính trên GDP. Theo National Research Foundation của Singapore (4) thì hiện nay Singapore đầu tư 2.28% GDP cho KH&CN. GDP năm 2013 của Singapore là 297.9 tỉ USD. Như vậy Singapore đầu tư gần 6.8 tỉ USD cho khoa học và công nghệ (chứ đâu phải 5 tỉ USD). Nếu VN đầu tư 1 tỉ USD cho khoa học và công nghệ thì số này chỉ chiếm 0.58% GDP (với giả định GDP của VN năm 2013 là 171 tỉ USD). Trong thực tế, tôi nghĩ con số VN đầu tư cho khoa học chỉ khoảng 500 triệu USD thôi (có thể có tăng gần đây nhưng cũng không đến con số 1 tỉ USD). Thật ra, theo số liệu của Chính phủ (5) ngân sách cho khoa học và công nghệ 2013 là 5813 tỉ đồng (tức khoảng 300 triệu USD), chứ không đến 1 tỉ USD như bài báo viết.
Tôi nghĩ ở vào thời điểm này, không nên đổ thừa rằng vì đầu tư cho khoa học ít nên năng suất kém. Đối với người ngoài nhìn vào, chuyện anh đầu tư bao nhiêu là quyết định của anh, là "đầu vào" của anh, chúng tôi chỉ quan tâm "đầu ra" thôi. Nếu đầu ra còn kém hay thấp thì nó cũng phản ảnh phần nào cái bộ máy, cái đầu vào còn kém và thấp. (Cũng giống như có thời VN cái gì cũng đổ thừa cho chiến tranh, nhưng tại sao không hỏi nếu các anh tài giỏi thì đã tránh được chiến tranh. Tất cả chỉ là do cái tài của anh). Tóm lại, vấn đề là do cái tài của anh, chứ đừng đổ thừa cho ai hay lí do nào khác.
----
0 nhận xét:
Đăng nhận xét