Bác sĩ cần môn nào hơn cả Văn học?

Xin giới thiệu các bạn vài ý kiến tôi đóng góp về chuyện môn văn trên Tuần Việt Nam (1). Tuy nhiên, ý chính thì vẫn duy trì trong bài viết. Bài này đã được biên tập khá nhiều, nên có khi mạch văn không "thông", nên tôi gửi bản gốc để dễ theo dõi hơn.




=====

Gần đây có ý kiến cho rằng môn văn rất cần cho các những người công tác trong ngành y (như bác sĩ, y tá), vì môn văn "giúp việc nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp". Xuất phát từ quan điểm đó, có đề nghị rằng các bác sĩ tương lai phải thi môn văn trong kì thi tuyển vào các trường y. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta cần phải cẩn thận với đề nghị này, bởi vì chưa có chứng cứ khoa học nào để cho rằng giỏi văn chương giúp viết đúng ngữ pháp hay làm cho người thầy thuốc trở nên nhân văn hơn.

Y học = Khoa học + Nghệ thuật

Y học là một bộ môn khoa học hay nghệ thuật từng là một đề tài gây ra nhiều tranh luận trong giới học giả. Nhiều người ngoài ngành y nghĩ rằng y học là một khoa học, thậm chí khoa học chính xác. Nhưng nhiều người trong ngành y thì có khi nghĩ y học là một nghệ thuật. Trong thực tế, đối tượng của y học là bệnh tật, nhưng "khách hàng" của người thầy thuốc là người bệnh. Một người sống, theo quan điểm y tế, có giá trị hơn hàng ngàn người chết. Nghệ thuật y, do đó, không chỉ chữa bệnh, mà còn khôi phục và duy trì sức khoẻ. Nhìn như thế, y học là khoa học, nhưng thực hành y học thì là một nghệ thuật. Do đó, một quan điểm khác được nhiều người chấp nhận hơn: y học là một ngành khoa học, nhưng cũng là một nghệ thuật.

Nhưng y học là một bộ môn khoa học ứng dụng, chứ không phải là một bộ môn khoa học chính xác, càng không phải là một khoa học xác định (determinism). Bất cứ kết quả xét nghiệm nào cũng có sai sót, và sai sót có khi ngẫu nhiên, nhưng cũng có khi dó yếu tố chủ quan. Trước một kết quả xét nghiệm, bác sĩ A có thể nói là dương tính, nhưng bác sĩ B có thể cho là âm tính. Trong y học, không có những chân lí vĩnh cữu. Một thuật điều trị được xem là chuẩn vàng hôm nay có thể xem là điên rồ trong tương lai. Trong y giới có một câu nói nổi tiếng là "phân nửa những gì là sự thật hôm nay sẽ được chứng minh là sai trong 5 năm tới. Nhưng cái khó là chúng ta không biết cái phân nửa nào sẽ sai." (1). Nói cách khác, y học là một khoa học bất định, và chính yếu tố bất định này dẫn đến khái niệm y học như là một nghệ thuật: nghệ thuật xử lí sự bất định.

Nhưng thực hành y học có thể xem là một nghệ thuật. Tầm quan trọng của tính nghệ thuật trong y học là vì người thầy thuốc phải đối phó với con người, với cơ thể và tinh thần của của người bệnh. Theo quan điểm các học giả y khoa, người thầy thuốc có thể chữa bệnh nhân khỏi đau và đem lại hạnh phúc cho họ, và đó là một hình thức cung cấp dịch vụ mang tính nhân văn. Tính nhân văn còn thể hiện qua cử chỉ và truyền đạt thông tin. Do đó, có quan điểm cho rằng để trở thành một bác sĩ giỏi thì người đó phải trước hết là một nghệ sĩ tốt với đầy đủ kiến thức khoa học.

Y học và văn học: bằng chứng gián tiếp

Thế thì câu hỏi đặt ra là để trở thành bác sĩ giỏi với nhân văn tính thì có cần phải giỏi văn học? Rất khó trả lời câu hỏi này vì không có chứng cứ nào cho thấy sinh viên giỏi môn văn sẽ trở thành bác sĩ tốt trong tương lai. Ở Việt Nam, lại càng chưa có chứng cứ nào về mối tương quan giữa điểm môn văn và điểm học trong trường y. Do đó, tất cả các suy luận về mối liên quan giữa môn văn và phẩm chất của người bác sĩ tương lai đều không có cơ sở khoa học.

Tuy nhiên, có chứng cứ ở nước ngoài cho thấy điểm thi trung học hay điểm kiểm định năng khiếu và thái độ (như UMAT, GPA, kể cả môn văn) không có liên quan cao đến điểm học trong trường y. Ở Úc, người ta làm nghiên cứu trên 339 học sinh trung học thi vào trường y của Đại học Queensland xem điểm UMAT có khả năng tiên lượng thành công của sinh viên theo học trường y. Kết quả cho thấy điểm UMAT có tương quan khiêm tốn đến điểm học GPA trong trường y. Trong thang điểm 0 (hoàn toàn không có liên quan) đến 1 (liên quan tuyệt đối), thì điểm tương quan chỉ 0.15 (2). Kết quả trên cũng khá nhất quán với một phân tích tổng quan các yếu tố có ảnh hưởng đến điểm học trong trường y (3). Theo kết quả của phân tích tổng quan này, điểm trung học chỉ giải thích 23% điểm học trong trường y! Những dữ liệu này hàm ý rằng điểm thi trung học, kể cả điểm môn khoa học, toán, văn, v.v. không phải là yếu tố quyết định sự thành công trong việc theo học ở trường y.

Tuy nhiên, tôi nghĩ học sinh hay sinh viên giỏi văn học sẽ là người "nghệ sĩ y học" theo quan điểm nghệ thuật mà tôi đề cập ở trên. Văn học là bao gồm những sáng tác nghệ thuật (kể cả văn, thơ và kịch) phản ảnh xã hội. Những sáng tác đó làm cho chúng ta suy nghĩ về thân phận chúng ta và xã hội, giúp cho chúng ta thưởng thức cái đẹp của ý tưởng và ngôn ngữ. Nhìn như thế thì văn học liên quan đến việc kiến tạo ra một thế giới khác có thể nằm ngoài cảm nhận thực tế, chứ có liên quan rất ít đến thực hành y học mang tính nhân văn.
Trong thực tế thấy nhiều bác sĩ trở thành nhà văn, nhưng rất ít nhà văn trở thành bác sĩ. Tôi có nhiều bạn trong ngành y sau này là những nhà văn thành danh. Họ là những cây bút đã có tiếng ngay từ thời còn là sinh viên, và sau khi ra trường, đối diện với những nỗi đau của bệnh nhân và những cái chết trong thời chiến, họ trở thành nhà văn và đóng góp cho đời nhiều tác phẩm giá trị. Họ cũng là những bác sĩ được đánh giá là có tài năng và đức độ cao.

Ở Mĩ, một trong những bác sĩ tài hoa trong nghề mà còn viết văn nổi tiếng trên thế giới và cũng là tác gia tâm đắc của tôi là Bs Atul Gawande. Ông là tác giả của tác phẩm Complications rất nổi tiếng, viết về thân phận của bệnh nhân và những cách ứng phó với nỗi đau của bệnh nhân, và những sai sót của bác sĩ (và của chính ông). Cuốn sách nổi tiếng đến độ ông được tạp chí văn học New Yorker mời làm bỉnh bút! Gawande từng tốt nghiệp cử nhân về triết học, kinh tế và chính trị trước khi theo học y khoa. Do đó, chính hoàn cảnh bệnh tật giúp cho người bác sĩ trở thành nhà văn, chứ không phải ngược lại.

Có quan điểm cho rằng giỏi văn và ngữ văn có giúp cho người bác sĩ viết văn hay và diễn giải lưu loát. Tôi hơi nghi ngờ quan điểm này. Trong thực tế, ngay cả người nói lưu loát tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ chưa chắc là người viết văn tốt hay diễn đạt ý tưởng mạch lạc. Trong khi viết bài này, người viết đang bình duyệt một bài báo y khoa trước khi quyết định cho công bố hay không. Bài báo dài 30 trang, nhưng tôi đếm có đến hơn 10 sai sót về chính tả và văn phạm! Đó là chưa tính đến những chỗ mà câu văn chưa được gọn gàng và sáng sủa. Tác giả là một Phó giáo sư y khoa, người Mĩ 100%, với bằng cao nhất trong đại học là MD và PhD. Nhưng đây không phải là trường hợp cá biệt, vì trong thực tế, rất nhiều tác giả sinh ra và lớn lên ở các nước nói tiếng Anh nhưng thiếu khả năng viết và diễn đạt tốt. Muốn viết văn giỏi, tránh sai chính tả, nói chuyện lưu loát, đòi hỏi những kĩ năng ngôn ngữ, chứ không hẳn liên quan đến văn học.

Trong thực tế, nhiều nhà văn sáng tác truyện thì rất hay và nổi tiếng, nhưng khi họ nói thì rề rà, chẳng đâu vào đâu, rất chán. Nhà vật lí thiên tài Albert Einstein nổi tiếng là người viết sai văn phạm và sai ngữ vựng tiếng Anh, nhưng ông diễn đạt ý tưởng thì tuyệt vời. Cựu tổng thống J. F. Kennedy nổi tiếng là người nói hay, một nhà hùng biện, nhưng ít ai biết rằng ông viết sai ngữ vựng tiếng Anh một cách kinh niên! Tôi nghĩ giỏi về kĩ thuật và văn phạm của một ngôn ngữ là điều kiện cần chứ chưa đủ để dẫn đến giỏi về khả năng truyền đạt thông tin, và điều này áp dụng cho tất cả các thành phần xã hội, chứ chẳng riêng gì người thầy thuốc.

Cần tiếng Anh, Hi Lạp và Latin?

Nhưng hãy cứ giả định rằng cách lí giải như bà bộ trưởng là hợp lí, người ta cũng có thể đòi học sinh thi vào trường y phải học tiếng Anh và các tiếng cổ đại như Latin và Hi Lạp. Tại sao? Tại vì phần lớn những thuật ngữ y khoa có nguồn gốc từ tiếng Hi Lạp và Latin. Do đó, học hai ngôn ngữ này rất có ích trong việc đọc và hiểu nguồn gốc các thuật ngữ y khoa. Ngoài ra, có nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng sinh viên y từng học hai ngôn ngữ này có khả năng suy luận logic tốt hơn và điểm học cũng cao hơn các đồng môn không học Latin và Hi Lạp.

Ngoài ra, về tiếng Anh, thì lí do đơn giản là sách giáo khoa y học ngày nay chủ yếu viết bằng tiếng Anh. Bài báo khoa học cũng chủ yếu (có lẽ hơn 95%) viết bằng tiếng Anh. Hội nghị khoa học quốc tế cũng dùng tiếng Anh. Trong y khoa, đi đâu, làm gì cũng "đụng" tiếng Anh. Trong khi đó, các chuyên gia VN hoặc không có thì giờ, hoặc chưa đủ trình độ để viết một bộ sách giáo khoa y học, mà dịch thì chúng ta biết là không thể nào dịch thoát ý và chuyển tải hết nội dung khoa học của sách giáo khoa y học. Kinh nghiệm của tôi cho thấy am hiểu tiếng Anh và giúp cho sinh viên suy nghĩ tốt hơn là tiếng Việt, bởi vì một khái niệm phức tạp có thể mô tả bằng chỉ 1 chữ tiếng Anh, nhưng cũng khái niệm đó có thể cần đến một câu tiếng Việt để mô tả mà ít ai hiểu nổi.

Trong thực tế, dù sinh viên y VN ngày nay đã khá nhiều về tiếng Anh, nhưng vẫn còn chưa ở trình độ có thể đối thoại một cách tự tin như các đồng nghiệp Đông Nam Á. Do đó, theo lí giải của bà bộ trưởng, thì học sinh cần phải thi tiếng Anh trước khi vào trường y. Vì thế, nhu cầu tiếng Anh trong y khoa có khi còn quan trọng hơn nhu cầu môn văn. Mà, quả thật, đã có nghiên cứu hẳn hoi bên Iran cho thấy sinh viên nào giỏi tiếng Anh thì họ thường học giỏi trong các trường y (4).

Nói tóm lại, tôi không thấy có chứng cứ nào để bắt buộc học sinh muốn theo học y khoa phải thi môn văn. Vấn đề quan trọng hơn là cải cách phương pháp tuyển chọn học sinh vào trường y chứ không phải môn văn. Không nên chỉ đơn giản dựa vào điểm thi tuyển mà tuyển sinh viên y, vì điểm này chẳng có ý nghĩa gì trong sự thành công trong học tập. Tôi nghiêng về quan điểm xem ngành y là một ngành sau đại học, và theo đó, sinh viên muốn theo học trường y nên được tuyển từ các sinh viên đã xong chương trình cử nhân.

Đọc thêm:

(1) Lakshmipati G. Care of the medical outpatient, 2003. trang vii–vii. Nama publication, Coimbatore, Tamilnadu.

(2) Wilkinson D, et al. Predictive validity of the Undergraduate Medicine and Health Sciences Admission Test for medical students’ academic performance. Medical Journal of Australia 2011; 194 (7): 341-344.

(3) Ferguson E, et al. Factors associated with success in medical school: systematic review of the literature. BMJ. Apr 20, 2002; 324.

(4) Sadeghi B, et al. English Language Proficiency as a Predictor of Academic Achievement among Medical Students in Iran. Theory and Practice in Language Studies, Vol. 3, No. 12, pp. 2315-2321.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét