Công an nói xấu đất nước?


Theo báo chí, Công an TPHCM mới phát tán một tờ rơi "Travel Safety" cảnh báo du khách nước ngoài về tình trạng tội phạm ở thành phố. Nhìn qua nội dung tờ rơi này, tôi cảm thấy … khó chịu.  Điều đáng nói ở đây là không chỉ cảnh báo về tội phạm, tờ rơi còn vô tình nói xấu đất nước và con người Việt Nam. Chỉ là vô tình thôi, có lẽ vì dùng tiếng Anh sai và chưa suy nghĩ cẩn thận. Thật khó tưởng tượng công an có thể nghĩ đến, chứ chưa nói làm, cái việc không đẹp này.



Tờ rơi do công an TPHCM phát cho du khách nước ngoài 

Nhìn một cách tích cực, tờ rơi như thế cũng cần thiết để cảnh báo du khách mới đến VN lần đầu. Thật ra, mấy cái cảnh báo này thì dân du khách trước khi đến VN đều đã biết. Họ tìm hiểu qua mấy cuốn sách hướng dẫn du lịch và nhất là các trang mạng về du lịch và khách sạn. Dù vậy, tôi nghĩ vẫn nên có một booklet nho nhỏ (chứ không phải tờ rơi) để quảng bá hình ảnh VN, nhưng cũng cảnh báo những hiện tượng "tiêu cực". Nói ra không phải bao biện, nhưng sự thật là thành phố nào có nhiều du khách thì chuyện móc túi du khách và ăn trộm xảy ra. Nhưng dù vấn đề là tiêu cực, cách viết phải tích cực. Rất tiếc, cách viết trong tờ rơi thì quá tiêu cực, làm cho du khách cảm thấy bất an khi đến VN.  

Tờ rơi viết bằng tiếng Anh cảnh báo khách coi chừng mấy cái ví, bóp tiền; tránh đeo vòng vàng hay đồ mắc tiền; khuyên du khách phải trả giá khi mua hàng; đừng tin tưởng vào đồng hồ taxi; coi chừng bị dân xích lô và xe ôm "chặt chém". Chẳng biết ai soạn nội dung tờ rơi, mà cách viết hàm ý nói xấu đất nước, và tiếng Anh thì hết sức ngô nghê, và sai văn phạm gần như hết thuốc chữa.

Thổi phồng tội phạm

Cảnh báo về tội phạm, tờ rơi viết câu văn sau đây: "Violent crime is very often in Ho Chi Minh City" (Tội phạm bạo động xảy ra rất thường xuyên ở TPHCM). Không bàn tiếng Anh ngô nghê, câu này rất nguy hiểm, bởi vì nó nhấn mạnh "tội phạm bạo động", mà theo định nghĩa là giết người, hãm hiếp, cướp có súng, và gây thương tích nghiêm trọng. Trong thực tế, tội phạm ở các thành phố lớn như HCM là một thực tế, nó xảy ra và gây tác hại cho du khách, nhưng đa số là ăn cắp, tiếng Anh là theft hay petty theft, chứ không phải violent crime.

Tôi nghĩ câu này phản ảnh không đúng thực tế, nhất là dùng trạng từ "very" là một sai lầm trong chiến lược viết lách. Và, tần số xảy ra không phải là rất thường xuyên (very often) như cái tờ rơi viết. Viết như thế thì ai mà dám đi du lịch ở Việt Nam?

Tôi đề nghị nên viết lại cho thích hợp hơn: "Petty theft, including random pick-pocketing and purse snatching, has recently become a concern in crowded shopping areas and tourist locations. Please keep valuables out of eyesight when walking in the streets. Keep purses and valuables in secure places when driving to avoid reach-in or smash-and-grab thieves."

Nói xấu tiểu thương

Chúng ta ai cũng biết ở VN đây đó (không phải tất cả mọi nơi) có nạn chặt chém du khách, nhưng không nên viết như thế trên giấy trắng mực đen cho du khách. Ấy thế mà tờ rơi khuyên du khách rằng: "Remember that negotiating is not rude, but expected. Get in the spirit and secure yourself with reasonable prices. Never settle for the initial offers, especially tourist areas." (Nên nhớ rằng thương lượng không phải là mất lịch sự, mà được kì vọng. [câu sau tôi không hiểu]. Không bao giờ chấp nhận giá đầu tiên, đặt biệt là các khu du khách).

Rất khó hiểu tờ rơi muốn nói gì ở đây! Câu đầu viết sai văn phạm nhưng có ý nói rằng trả giá không phải là hành động bất lịch sự mà kì vọng. Trời! Lại còn viết thành ngữ "Get into the spirit" (có nghĩa là vui vẻ đi tham dự liên hoan, tiệc tùng), nếu là người không sống ở xứ nói tiếng Anh thì mấy ai hiểu câu vô duyên này? Thật ra, câu này chẳng có ý nghĩa gì liên quan đến câu văn nói về trả giá cả. Nếu tôi là du khách nước ngoài, tôi sẽ nghĩ VN là đất nước của những người nói thách, nói láo.

Nên viết lại cho lịch sự hơn: "In established and brand-name shops, or in up-market malls, bargaining is not accepted. However, in some shopping areas, particularly in popular tourist spots, bargaining for a reasonable deal is an experience. Don't accept the first offer, but try to reach a price that is happy to both parties. A rule of thumb is that the real price may be somewhere between 20% to 50% lower than what is initially offered."

Nói xấu tài xế taxi

Tờ rơi viết một cách khẳng định rằng đừng tin vào đồng hồ mét trong taxi! Nguyên văn là: "Do not trust the taxi meter" (đừng tin vào đồng hồ mét trên xe taxi). Trong phần nội dung, tờ rơi viết "Ripping off unsuspecting passengers is an art form for dishonest driver. Stisk to reliable companies such as Vinasun taxi and Mailinh taxi." (Chặt chém hành khách "ngây thơ" là một nghệ thuật của tài xế taxi. Nhớ dùng dịch vụ các công ti đáng tin cậy như Vinasun và Mailinh).

Thật nguy hiểm! Vì câu đầu nói rằng TẤT CẢ taxi ở TPHCM đều gian dối, và khách hàng không nên tin tưởng vào đồng hồ mét. Tuy nhiên, câu dưới thì khá hơn (mà mâu thuẫn với câu đầu), nhưng lại quảng bá cho Vinasun và Mai Linh! Tại sao các công ti khác cũng làm ăn đàng hoàng mà không nhắc đến?
Tiếng Anh thì viết sai chính tả. Hãi hùng nhất và ngỡ ngàng nhất là dám nói hành động "chặt chém" khách là "nghệ thuật"! Thật hết ý! 

Nên viết lại cho đàng hoàng hơn: "Taxi is a comfortable way to get around the city. Taxi in Ho Chi Minh City is relatively cheap, and taxi drivers are generally friendly to tourists. A two-mile trip can cost between 1 USD and 1.5 USD (20,000 VND and 30,000 VND), depending on the traffic.

There are many trusted and reputable taxi companies, including Vinasun, Mai Linh, Yellow Taxi, Hoàng Long, [và công ti nào nữa], to name but a few. They all have prominent logos which can easily be recognized.

However, be watchful of scam taxi operators who imitate the logo colors, or a name that's very similar to those trusted companies. These scam operators can manipulate their meters to over-charge unsuspecting tourists. These fake taxis usually operate outside the Ben Thanh Market and the War Museum. For safety, do NOT take any taxi outside the two locations."

Tờ rơi còn vài đoạn khác rất ngô nghê và không đáng được nhắc đến. Chẳng hạn như dạy du khách rằng "Xe ôm" là "Motor bike hug"! Còn sai văn phạm (như "Pronouncing street name are challenging") thì đếm không xuể. Không sai văn phạm thì câu văn ngô nghê. Ngay ca cái tiêu đề "Prevention is better than cure" (phòng ngừa tốt hơn điều trị) đã vô duyên. Nói chung, bất cứ đoạn nào cũng có vấn đề. Vấn đề về ý tưởng, ý nghĩa, danh dự dân tộc, văn phạm, ngữ vựng. Quá nhiều sai sót đến độ có thể nói là bó tay. Không thể tưởng tượng một tờ rơi được soạn cẩu thả và nói xấu đất nước như thế mà được phát cho du khách!

Tôi nghĩ phải viết lại tờ rơi, và nên có tham vấn nghiêm chỉnh trước khi phát cho du khách. Nhưng việc làm này không phải của công an, mà là thuộc phạm vi của kĩ nghệ du lịch.

===




Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét