Cuộc sống xã hội chủ nghĩa: Bóp vú để được mua sữa !


Tôi dĩ nhiên không có hân hạnh được sống ở miền Bắc dưới thời XHCN bao cấp thời thập niên 1970s, nên không biết những chuyện ngày nay có thể xem là khó tin. Một trong những chuyện có vẻ khó tin đó là phụ nữ muốn mua sữa hộp cho con bú phải qua kiểm tra bằng ... bóp vú. Theo một bạn đọc giải thích thì mỗi tháng có 1 ngày, các bà mẹ đến phòng y tế để xếp hàng từ sớm để mua sữa hộp. Các bà mẹ phải chờ 4 tiếng đồng hồ và phải uống nước liên tục, sau đó sẽ được/bị một nhân viên y tế (?) bóp vú để kiểm tra. Bà mẹ nào bị bóp vú mà không ra sữa thì sẽ được mua sữa.


Đoạn dưới đây được trích từ Chương 40 trong cuốn "Đèn Cù" của Trần Đĩnh. Đọc mà chẳng biết nên cười hay nên khóc, vì nhân phẩm con người bị hạ xuống mức quá thấp.

Ở một khía cạnh và diễn giải khác, câu chuyện được kể dưới đây, nếu thật, cũng giải thích tại sao một hay 2 thế hệ người Việt lùn và yếu về thể chất. 

======

Trích Chương 40 trong "Đèn Cù" của Trần Đĩnh:
[…]
Một chiều xếp hàng mấy tiếng ở Bách hoá tổng hợp mua săm lốp xe đạp Sao Vàng theo tem phiếu một đời xe may mới được cấp một lần, tôi chứng kiến một cảnh chắc chắn khắp thế giới không đâu có.

Cách chúng tôi đám người mua xăm lốp chừng mười mét là quầy sữa. Bảy tám chị em còn trẻ nhấp nhổm chờ ở đó đã khá lâu. Chốc lại nhăn nhó hỏi cô bán hàng sao lâu thế, con em ở nhà chẳng có người trông. Nghe đâu bị giữ ở đây bốn tiếng, chị em đã gọi đây là Hoả Lò ngoại trú. Khoảng nửa giờ sau, một người đàn ông thấp, vạm vỡ, hai cánh tay trần xăm xăm đi tới, miệng nói lớn. “Trật tự, lần lượt từng người, xếp hàng vào… Nào, đúng là đã chờ đủ bốn tiếng chứ?” vừa nói vừa nhặt một tờ giấy ghi tên những người đến vào giờ nào giờ nào để ở trên quầy lên xem. “Ai không đủ bốn tiếng thì về hôm khác đến…”.

Một ông xếp hàng cạnh tôi nói khẽ: Sửa trụ sở y tế phường nên chị em phải đem vú đến chỗ chợ búa thử thách xem tươi hay héo, rắn hay nhão. Chúng nó cấm về nhà vì sợ chị em cho con bú hay vắt kiệt sữa đi… Chốc sẽ còn bắt chị em uống nước thật nhiều cho sữa dễ rỉn ra.

Tôi thật sự không tin vào mắt mình. Những bà mẹ trẻ lần lượt trật vú ra cho người đàn ông bóp kiểm tra trữ lượng sữa sẽ nuôi các Phù Đổng tương lai. Hai tay hai bầu, mắt chằm chằm vào núm vú, anh ta nói:

– Cố nhịn đau đấy, tôi nhẹ tay thì lại bảo tôi ngoắc ngoặc, thiên lệch…

Cô bán hàng bên cạnh bỗng bình giá: “Bốn hộp!”. Người mẹ vừa nghiến răng xoa ngực vừa vội kêu lên: “Ối, bốn hộp thì con em bú sao đủ, tiền đâu mua sữa phe, khổ con em…”

Tôi quàng lốp vào cổ vội lách ra. Nghĩ đến tít xã luận báo Nhân Dân: “Hà Nội, thủ đô của phẩm giá con người” mà không thể không rủa thầm bố tiên sư nhà nó!

[…]

Ít lâu sau, mấy chị em ở báo cho hay tay bóp vú ăn lương kia bị vợ li dị. Quen thói hoá thành quỷ bạo dâm với ngay vợ.

Cũng cho hay hôm nọ y tế lộ ra bí mật quốc gia là 90 % trẻ sơ sinh của ta bị ỉa chảy. Loại cho bóp vú được tám hộp sữa Liên Xô cũng điêu đứng. Sữa Nga để quá ba ngày là kém phẩm chất. Ăn vội được ba hộp còn năm lại đem ra Hàng Buồm cho phe đỡ hộ. Sữa Similac Nga ăn vào là trôn tháo cống ồ ồ ngay.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét