Nước Việt xưa thuộc phương nam, nguyên thánh tổ hoàng đế triều trước mở mang tạo dựng hòang đồ. Thủy tổ Việt Nam 18 đời mở vận thánh đế, minh vương, núi xanh vạn dặm, dựng xây thành đô cung điện, khai thác sản vật, giúp đỡ nhân dân thống lĩnh 15 bộ, ở thế hùng mạnh của phiên triều. Vua trị nước hơn 30 năm, tạo thế tổ tông bền vững, hiện ứng linh thông ở Nghĩa Lĩnh, truyền ngôi đế vương trăm đời, ngự thế trị quốc vạn năm, điện thánh, núi hùng, trời nam, đất tổ, hết thảy phụng sự hoàng đồ.
Người đời sau có bài tản:
Vương hầu hòa hợp vốn xưng hùng
Mười tám đời truyền hiệu vị cùng
Hai nghìn năm lẻ chi phái vượng
Trời nam thống trị mãi mãi khen.
Lúc truyền ngôi đến Duệ Vương đóng đô ở Việt Trì, sông Bạch Hạc, lấy tên nước là Văn Lang, tên thủ đô là Phong Châu. Vua Duệ Vương là người đại lược hùng tài có tư chất của bậc thánh triết, kế thừa nghiệp tổ tông gây dựng, bồi đắp cơ đồ thịnh trị, bên trong thì tu sửa văn đức, bên ngoài thì phòng bị biên cương vững chắc, hết lòng hết sức gây dựng thái bình để nước được yên.
Cũng thời gian này ở châu Kim Lan, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc, có quan chủ bộ họ Lý húy Uy là danh tướng của vua Hùng, được vua Duệ Vương2 phong làm bộ chủ quản, vợ mất sớm, tình cầm sắt đứt đoạn. Nhân lúc trong triều vô sự , thiên hạ thái bình, vua tôi hòa hợp, quốc gia yên bình, bộ chủ quản mới đi chu du thiên hạ, tìm nơi phong cảnh thưởng thức giang sơn, tìm nguồn hỏi bến, lúc thì leo núi, lúc lại đàn ca, thơ sách, túy lúy càn khôn cùng loan ca phượng múa,… dạo chơi núi biếc non xanh cùng những nơi linh thiêng khắp trời nam đất bắc.
Ba bốn ngày sau…bỗng tới trang Thủ Chân, huyện Bàng Châu, phủ Nam Sách, thấy địa thế quanh co có dáng long hành hổ cứ 3. Nhìn kỹ bốn mặt thấy trước có sông Long Giang chảy, sau có phong tinh dẫn mạch, hình rồng ngậm ngọc, thiên mã ở hai bên, có hòa khí xuân phong cùng muôn nghìn cảnh sắc. Bộ quản nhận thấy có một “khổn quý cục” 4, ông bèn lập hành cung ở đó, làm trong vòng một năm thì xong. Ông lại biết ở đây có gia đình họ Hoàng tên là Nhân Công, có con gái tên là Quế Hoa nương, mặt hoa da phấn, môi tươi mầu son, có dáng chim sa cá lặn, có dung mạo thẹn thùng e ấp, có đủ công dung ngôn hạnh, hiền hòa yểu điệu, nhân từ khoan dung… Bộ quản được nghe kể vậy bèn mời Nhân Công và dân làng đến chiêu đãi trọng thể ba ngày, rồi nói với Nhân Công xin Quế Hoa làm vợ. Được Nhân Công ưng thuận, ông chọn ngày lành tháng tốt (11 tháng 2), rước lễ hỏi và cưới rồi đưa vào cung (Thủ Chân trang cung) và cùng ở đó một năm. Tình cảm nồng hậu uyên ương, đàn ca hòa hợp xum vầy. Lúc này bộ quản lập làm cung phi. Mùa hạ nắng nóng, Quế Hoa ra bến sông(gọi là bến Độ Chiêm), nơi đó bà cùng dân vẫn tắm giặt. Vào giờ chính ngọ, bà đang tắm bỗng thấy có bốn con long xà nổi lên, mặt sông nổi sóng, rồi bốn con long xà biến thành thanh long năm sắc quấn trên người Quế Hoa ba vòng. Có hai người ở ấp bên(Đại Đạt trang 5 và Thôn Đô trang 6) cùng biết bèn chạy tới dìu bà về cung sở (Thủ Chân trang cung). Bà mê man sợ hãi ba ngày mới tỉnh. Bộ quản thấy bà hình như luôn ôm ấp giữ gìn một vật gì. Ông cho là việc lạ, bèn lập trai đàn ở trước cung tế lễ. Đang lúc hành lễ, bỗng thấy trời đất tối tăm, mưa gió, sấm chớp rồi bốn thanh long hiện lên đàn tế. Bộ quản nhìn thấy rất sợ, lập tức lễ tạ, lúc sau thanh long tự biến. Xong việc, đêm về nằm mơ thấy cá kình nghê, cá sấu,…theo hầu vô số. Bộ quản rất sợ hãi rồi tỉnh giấc, biết đó là một giấc mộng lành.
Từ đó Quế Hoa cũng thấy trong bụng chuyển động. Biết vợ mình đã có thai, bộ quản mới cho gọi Quế Hoa lại và nói cho biết điều ứng mộng và cho rằng chắc là thủy đế, long vương đã giúp bà có thai. Bộ quản cho ra ở riêng một cung ở đầu xóm chỗ Đồng Lậu(sau này là miếu đường). Thai đủ tháng, vào giờ tý, ngày 18 tháng 9 năm Bính Thìn, bà sinh một bọc bốn trứng, nở ra bốn con trai. Lúc sinh có mây đằng vân ngũ sắc, có hương thơm ngào ngạt, có ánh hồng tía huy hoàng khắp trong cung, một lát rồi tan.Ông bà thấy một lúc sinh bốn con cho là sự kỳ quái, bảo với dân hai trang (Đại Đạt trang và Thôn Đô trang) mang hai con về cho bú mớm. Trang Đại Đạt nuôi con thứ ba, Thôn Đô trang nuôi con thứ tư, con thứ nhất và con thứ hai thì cha mẹ và dân sở tại (Thủ Chân trang) nuôi. Cả ba trang cùng nuôi dưỡng được trăm ngày, thì Quế Hoa bị bệnh mất (ngày 5 tháng 11, nay bảo là ngày 27 hóa). Cung bà sinh nay thành miếu Bà Sinh. Chỗ Đồng Lậu, bộ quản định làm nơi mai táng, chưa xong lễ, đất đã nổi thành mộ, sau này thành chỗ linh thiêng. Mai táng xong, bộ quản phân cho dân ba trang, mỗi trang ba trăm quan để làm công tiền nuôi dưỡng. Năm các con ba tuổi, tướng mạo người nào cũng đường đường lẫm liệt thần uy, mày rồng cằm hổ, mắt như sư tử, tiếng vang như chuông, da như sắt nguội, diện mạo đều là bậc dị thường.
Bộ quản chọn ngày làm lễ đặt tên con. Con trai thứ nhất là Hoàng Công, thứ hai là Thanh Công, thứ ba là Hồng Công và thứ tư là Xích Công. Năm 13 tuổi, tự nhiên tâm thần tinh sảng, tính khí thông minh, gọi nước nước tới, gọi gió gió lại, lúc hiện hình rắn, lúc hiện hình rồng, xuất thần nhập thánh, biến hóa vô cùng.
Bộ quản cùng dân làng thấy việc kỳ lạ bèn làm tờ biểu tâu lên nhà vua, nhà vua bèn sai sứ thần đến đó, thấy các ông đều có diện mạo phi thường, hình dung xuất loại. Sứ thần về tâu với nhà vua, vua bảo đó là con của Thủy phủ Long vương, không phải là con của trần gian, vốn Hoàng Mãu nhận tinh khí của thủy đế sinh ra là để bảo vệ Hùng Gia. Nhà vua bèn tặng một bài thơ:
Ngũ nhạc tam quang tú khí chung
Chưởng quyền thế thượng lẫm long cung
Thậm kỳ dã một môn mẫu tử
Khả ái tai hề vạn cổ hùng.
Dịch nghĩa là: Tú khí chung đúc nên ngũ nhạc, tam quang, nắm giữ quyền thế ở đời, lẫm liệt ở long cung. Một bậc mẫu tử rất kỳ lạ. Thật đáng yêu vua hùng vạn cổ.
Vua lại truyền cho ba trang(Thủ Chân, Đại Đạt, Thôn Đô), lập ba cung, cấp cho Thủ Chân trang 800 quan tiền, Đại Đạt trang 500 quan tiền và Thôn Đô trang 300 quan tiền, chuẩn cho ba trang dùng tiền làm việc ân tứ, phụng sự, rước tướng hồi cung. Từ đó dân ba trang đều được hưởng ân huệ bổng lộc, người nào cũng toại nguyện, vật nào cũng được an dưỡng. Tuy được hưởng ân huệ nhưng dân làng không ai lười biếng, còn các ông thì vẫn đều đặn mỗi tháng hai kỳ xa giá vào chầu.
Lúc này, bộ quản đã 80 tuổi, bỗng dưng không bệnh tật gì mà mất(ngày 13 tháng 7). Dân ba trang và các con tổ chức lễ mai táng ở trang Đại Đạt, chỗ Đồng Mãi,gọi là Mả Công.
Để tang đến hết năm thứ ba, thì Thục binh nghe phong thanh tin Duệ Vương già yếu mà 20 hoàng tử đều là tiên du, chúng lầm tưởng không có ai, bèn lặng lẽ tập hợp quân binh chuẩn bị tiến đánh. Duệ Vương hay tin sai sứ thần mời các ông về triều hội họp. Các ông cùng vào yết kiến vua. Vua bảo: “ các ông là con của Long Vương nay giáng sinh vào triều của trẫm là ý trời sai phù hộ Hùng Gia, trẫm ắt không phải lo nghĩ nữa. Thục binh thấy trẫm ở ngôi đã lâu, ý muốn đem quân đến đánh để cướp nước ta trong một sớm một chiều. Nay các ông hãy đồng tâm định kế để trừ giặc Thục”. Bốn ông tâu với nhà vua rằng: “Hơn hai nghìn năm, 17 đời làm thánh đế, bệ hạ dùng điều nghĩa hỏi tội, thì dân ta đều một lòng vì bệ hạ, có giặc nào đáng sợ, lo gì không thắng”.Nhà vua nghe vậy rất vui, lấy ngay nỏ thần Linh Quang giao cho bốn ông rồi cùng các ông vào các miếu, đứng quay mặt về hướng nam. Nhà vua tay cầm phủ việt tuyên đọc thánh chỉ “Tòng thượng hoàng thiên”, các ông đọc nối “Tòng hạ chí uyên”…Vua và các ông lễ tạ trước miếu rồi thẳng tiến. Lúc này quân địch đã đến châu Kinh Nhai. Nhà vua và các ông đến Mộc Châu lập thế trận ở đó. Quân tướng bên ta lúc ấy có ba vạn, đi đến Kinh Châu, xa 50 dặm thì nổi chiêng trống khiêu chiến. Bên Thục dùng 30 vạn quân đến đánh. Vua và các ông phải quay về mai phục ở sông Bạch Đằng, sông Thiên Đức, tu chỉnh ba quân, tuyển thêm binh sĩ, chuẩn bị đánh đường thủy. Hai bên bờ sông, mé dưới nước có long quy, ngư quy, kình nghê, côn ngạc; giữa dòng sóng gió cuộn dâng, gọi gió đến cứu, cầu trời đến phù hộ, ầm ầm lẫm liệt, nước dâng lấn đất, thế trận hàng hàng… quân ta thắng to, quân Thục đại bại, tàn quân rút chạy để lại thuyền đắm và quân chết đuối nhiều vô kể.
Ngay hôm đó nhà vua về triều mở tiệc lớn khao quân sĩ. Xong tiệc, bốn ông biểu tấu xin nhà vua về cung. Nhà vua ưng thuận và còn tặng thơ:
Quả nhiên xích kiếm thôi man tướng
Rực bả liên thành hiến quốc quân
Thiên cổ dĩ tiền thiên cổ hậu
Gia nhi tử đễ quốc nhi thần.
Dịch ý là:
Quả nhiên xích kiếm đuổi được tướng man
Kế liên thành hiến vua hiến nước
Ngàn năm trước, ngàn năm sau
Vẫn là con của nhà là thần của nước.
Bốn ông đem binh về cung sở tại của mình, tổ chức tế lễ tổ tiên. Xong việc, bốn ông nói với dân: “Chúng tôi vốn là tinh khí của Thủy đế, Long vương, nay được tin Hùng Gia gặp nạn, giặc Thục đến xâm chiếm, nên giữ chúng tôi lại để chờ diệt chúng. Nay việc đã xong, chúng tôi xin dược về làng mây nước. Chúng tôi xin biếu 100 thoi vàng, 800 quan tiền, chia làm ba phần cho dân ba trang, gọi là một chút tình đáp lại công nhân dân tắm gội…”. Nói vừa xong thì tự nhiên trời đất tối tăm, sấm sét ầm ầm, nước sông bỗng nổi sóng lớn tràn lên cả ba trang, bốn ông biến thành bốn rồng rẽ nước đi thẳng( ngày 18 tháng 3 hóa).
Lát sau thì trời đất lại trong sáng, gió lặng sóng yên. Dân ba trang đều ra đứng trước cung xem ngắm, bỗng nhiên thấy một ngôi mộ nổi như hình rùa vàng ở trước cung, xung quanh đầy nước, chỗ đồng Dạt sau gọi là Mả Vương Đế. Nhân dân bèn làm biểu tâu lên nhà vua. Biết chuyện, nhà vua vô cùng thương xót bậc đại công thần trung nghĩa, đã có công lao lớn đối với triều đình và đất nước. Nhà vua sai thảo sắc chỉ về ba trang, yêu cầu nhân dân tự tu sửa xây dựng các miếu thờ ở chỗ các cung cũ để làm miếu đường phụng sự . Nhà vua lại cấp thêm 800 quan tiền để làm lễ tế của nhà nước vào hai dịp xuân thu. Nhà vua còn miễn binh lương và các hình thức phục dịch khác cho dân ba trang trong ba năm, lại phong mỹ tự “Thượng đẳng phúc thần vạn cổ”, cúng giỗ cùng nước nhà mãi mãi.
-Một phong Hoàng độ trinh minh đại vương.
-Một phong Long quang hiển hách đại vương.
-Một phong Hoằng hóa linh thông đại vương.
-Một phong Phổ hiệp tế tế đại vương.
Lại sắc phong thần “Đương cảnh thành hoàng ninh phù”. Chuẩn cho Trang Thủ Chân, huyện Bàng Châu, phủ Nam Sách làm chính sở, trang thứ hai và trang thứ ba làm cách chính sở, đèn hương phụng thờ mãi mãi.
Các ngày sinh, ngày hóa, chữ húy và lễ vật liệt kê sau đây:
-Ngày sinh 18 tháng 9: Lễ dùng lợn một con cùng mầu, xôi một mâm, làm bánh nếp, rồi rước vào biệt linh mẫu sinh tế lễ, ca hát mười ngày.
-Ngày hóa 18 tháng 3: Lễ dùng lợn một con cùng mầu, xôi bốn mâm, rượu, lễ trước một ngày(túc 17 tháng 3), làm bánh nếp một mâm, rước đến miếu linh mẫu sinh cúng rồi rước về đệ nhất trang cung(trang thứ nhất) tế lễ rồi rước về biệt miếu tế, cấm hát ca.
-Xuân thu định nhật: Lễ dùng ba con muông sinh(vật nuôi), xôi, rượu tế lễ, ca hát một ngày.
-Chữ húy: của tứ thánh là Hoàng, Thanh, Hồng, Xích; của thánh phụ là Uy, của thánh mẫu là Quế Hoa. Các chữ này nên gọi chệch âm.
Quan Hàn lâm đông các đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn Dịch giả: Đặng Văn Lộc
Câu đối thờ đình làng Thủ Chính:
四聖顯英靈換雨呼風平蜀冦
(Tứ thánh hiển anh linh hoán vũ hô phong bình Thục khấu)
千秋崇嗣事忠君愛國护雄朝
(Thiên thu sùng tự sự trung quân ái quốc hộ Hùng triều)
Chú thích:
*Thủ chính: tên một làng thuộc xã Đồng Lạc, thị xã Chí Linh ngày nay. Trước vốn tên là "Thủ Chân xã, Đông Đôi tổng, Chí Linh huyện, Nam Sách phủ, Hải Dương tỉnh"
2.Duệ Vương: tức Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18)
3.Long hành hổ cứ: rồng cuốn hổ ngồi
4.Khổn quý cục: một thế đất đẹp trong khoa địa lý cổ
5+6: tên cũ các trang thuộc xã Thủ Chân xưa.
27/10/2014
Đỗ Đình Tuân
(Sưu tầm)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét