Trang web "Ngủ ở phi trường" (sleepinginairports.net) mới công bố danh sách 10 phi trường Á châu tồi tệ nhất và tốt nhất trong năm 2014 (1). Trong danh sách tồi tệ nhất cả hai phi trường quốc tế của VN là Nội Bài và Tân Sơn Nhất đều có tên! Tuy trang web này không phải là một "standard" trong ngành du lịch, nhưng nó cũng thu hút chú ý của giới du khách từ bình dân đến thượng lưu và được truyền thông quốc tế đề cập đến với sự trọng vọng. Do đó, cũng nên tìm hiểu thực hư ra sao …
Nói đến "ngủ ở phi trường" tôi có một kỉ niệm vui ở bên Mĩ. Năm đó đi phó hội ở một bang vùng Trung Tây nước Mĩ, nhưng do bão tuyết rất lớn nên chuyến bay từ Los Angeles bị hoãn liên tục. United Airlines tìm cách giải quyết cho chúng tôi bằng cách đi vòng, tức phải qua một phi trường khác, hình như là Washington (Nguyên có thể bổ sung). Đến nơi phi trường đã 1 giờ sáng, nên tiếp viên máy bay cho chúng tôi một cái mền để ngủ tại phi trường, chờ sáng chút nữa sẽ đáp chuyến bay khác đi đến nơi đến chốn. Hai anh em chúng tôi lần đầu tiên ngủ bụi. Lúc đó phi trường vắng tanh, chẳng có hàng quán gì cả! Cũng như mọi người, chúng tôi đi tìm chỗ nào êm để ngã lưng. Mới thiu thiu giấc ngủ thì đột nhiên có tiếng máy hút bụi! Nhìn đồng hồ là 4 am, và nhân viên phi trường bắt đầu làm việc. Phải ngủ bụi ở phi trường mới cảm nhận chất lượng dịch vụ của phi trường quan trọng như thế nào.
Do đó, bảng "phong thần" các phi trường tốt hay tồi cũng có ý nghĩa chứ không phải chuyện đùa. Đối với Việt Nam thì một danh sách như thế càng có ý nghĩa vì phải xem đó là một mục tiêu để cố gắng làm tốt hơn nữa. "Ngủ ở phi trường" đưa ra danh sách đầy đủ 10 phi trường tồi tệ nhất ở Á châu là:
1. Islamabad Benazir Bhutto International Airport, Pakistan (ISB)
2. Kathmandu Tribhuvan International Airport, Nepal
3. Manila Ninoy Aquino International Airport, Philippines
4. Tashkent International Airport, Uzbekistan
5. Hanoi Noi Ban International Airport
6. Guangzhou Baiyun International Airport
7. Phnom Penh International Airport
8. Ho Chi Minh City Tan Son Nhat International Airport
9. Dhaka Shahjalal International Airport
10. Chennai International Airport, India
2. Kathmandu Tribhuvan International Airport, Nepal
3. Manila Ninoy Aquino International Airport, Philippines
4. Tashkent International Airport, Uzbekistan
5. Hanoi Noi Ban International Airport
6. Guangzhou Baiyun International Airport
7. Phnom Penh International Airport
8. Ho Chi Minh City Tan Son Nhat International Airport
9. Dhaka Shahjalal International Airport
10. Chennai International Airport, India
Ngoài ra, "Ngủ ở phi trường" còn liệt kê 10 phi trường tốt nhất Á châu:
1. Singapore Changi International Airport
2. Seoul Incheon International Airport
3. Hong Kong International Airport
4. Kuala Lumpur International Airport
5. Taiwan Taoyuan International Airport
6. Tokyo Haneda International Airport
7. Osaka Kansai International Airport
8. Tokyo Narita International Airport
9. New Delhi Indira Gandhi International Airport
10. Bangkok Suvarnabhumi International Airport
2. Seoul Incheon International Airport
3. Hong Kong International Airport
4. Kuala Lumpur International Airport
5. Taiwan Taoyuan International Airport
6. Tokyo Haneda International Airport
7. Osaka Kansai International Airport
8. Tokyo Narita International Airport
9. New Delhi Indira Gandhi International Airport
10. Bangkok Suvarnabhumi International Airport
Tôi tò mò xem họ dùng tiêu chí gì để xếp hạng thì thấy họ dùng 4 tiêu chí để xếp hạng: tiện nghi, tiện lợi, sạch sẽ, và phục vụ khách hàng. Phi trường thiếu tiện nghi có nghĩa là các bến máy bay chật chội, thiếu ghế ngồi, không thoải mái, và nhiệt độ khó chịu. Tiêu chí tiện lợi bao gồm không có nhà hàng mở cửa 24 giờ, không có wifi, không có việc gì làm trong lúc chờ máy bay hay máy bay trễ. Tiêu chí sạch sẽ bao gồm sàn dơ bẩn, phòng vệ sinh hôi thối, và khu thức ăn luộm thuộm. Về tiêu chí phục vụ khách hàng thì bao gồm thái độ phục vụ thiếu thân thiện và chính sách chống ngủ lại ở phi trường.
Nhìn qua 4 tiêu chí này thì quả thật tôi cũng đồng ý với trang "Ngủ ở phi trường" về phi trường Nội Bài và Tân Sơn Nhất (TSN). Nếu chỉ tính ở VN, cảm nhận của tôi cũng thấy TSN hơn hẳn Nội Bài, và cảm nhận đó nhất quán với xếp hạng của "Ngủ ở phi trường". Còn các phi trường tốt nhất, tôi đều đi qua (có nơi còn qua lại nhiều lần) mà "Ngủ ở phi trường" đưa ra cũng nhất quán với cảm nhận cá nhân của tôi, nhưng tôi không xếp được phi trường nào là 1 và phi trường nào là 10. Như vậy, cách xếp hạng của nhóm này cũng có giá trị chung.
Phi trường Nội Bài
Phải nói là phi trường Nội Bài tệ quá. Nhà ga thì chật chội, mà khách thì đông, nên lúc nào đến phi trường đều phải chứng kiến cảnh xếp hàng dài. Cộng với thói quen "nhảy hàng" của người địa phương làm nhiều khách ngao ngán và khinh bỉ ngầm. Còn phía trong nhà ga, chưa nói đến wifi, mấy phòng vệ sinh ở đó thì phải nói là quá "kinh hoàng". Một phần có lẽ do phục vụ kém, nhưng phần quan trọng là khách Việt Nam quá dơ bẩn và dùng nhà vệ sinh theo suy nghĩ "một lần rồi thôi". Còn phong cách phục vụ, từ hải quan đến hàng quán tư nhân, tôi thấy còn có vẻ quan quyền, có khi hống hách, có thể do di truyền từ thời bao cấp XHCN. Nói chung, tôi thấy phi trường Nội Bài chẳng có gì đáng khen cả, chỉ có đáng chê. Do đó, Nội Bài có tên trong danh sách các phi trường tồi tệ là quá xứng đáng.
Còn Tân Sơn Nhất thì có khá hơn Nội Bài một chút. Nhà ga mới rộng rãi hơn, thoáng mát hơn, máy lạnh tốt hơn hẳn, nhà hàng cũng khá hơn Nội Bài. Hình như ở TSN không có wifi (chỉ có trong lounge dành cho khách hạng thương gia). Hàng ghế để khách nghỉ ngơi thì cực kì hiếm. Khu giải trí thì hầu như là con số 0. Khách mà kẹt lại ở TSN (như chúng tôi) thì đừng mong tìm chỗ ngồi, chỉ có nằm dưới sàn thôi. Mang tiếng là phi trường quốc tế, nhưng các nhà vệ sinh ở TSN cũng dơ bẩn (tuy có khá hơn Nội Bài) và quá tải. Ngoài ra, cách bố trí nhà vệ sinh mang tính tập trung, nên có khi khó tìm nhà vệ sinh nếu trên đường đi tìm bến máy bay. Nói chung, tôi thấy TSN đứng dưới Nội Bài về mức độ tồi có vẻ hợp lí.
Ngay cả trong phòng dành cho khách hạng thương gia của Nội Bài và TSN cũng rất kém. Lounge ở Nội Bài không phải là loại dành cho hạng thương gia đúng nghĩa, mà nó là cái phòng nhốt khách. Nó tồi đến độ có khi tôi không dám dùng nó, vì chung đụng với quá nhiều người vừa ồn ào vừa mất lịch sự. Lounge ở TSN khá hơn Nội Bài một chút, nhưng cách bày trí thì cũng vô cùng chật chội, thức ăn rất hạn chế, và chẳng có dịch vụ gì cho đúng với hai chữ "dịch vụ". Trong suốt 10 năm tôi chẳng thấy họ thay đổi thức ăn bao nhiêu cả. Có lúc họ chỉ có rượu vang Đà Lạt! Thật kinh khủng! Lounge TSN có một cái ghế đấm lưng trông rất buồn cười. So với các phòng lounge ở các phi trường Changi, Hong Kong, Kuala Lumpur, Incheon, Osaka Kansai, hay Suvarnabhumi thì lounge ở phi trường TSN có lẽ cách xa cả trăm năm văn minh. Tôi không dám nghĩ có ngày lounge của phi trường VN đạt đẳng cấp như Suvarnabhumi hay Kuala Lumpur, chứ chưa dám mơ đến Changi hay Incheon.
Nói gì thì nói, VN vẫn là nước còn rất nghèo, dù có cố gắng trưng bày một bộ mặt mới nhưng phía trong thì vẫn còn rất nhiều bất cập. (Cũng giống như cô gái nghèo dưới quê mới lên thành phố cố gắng trét phấn son để làm mới mình). Nếu bay từ Bangkok đến Sài Gòn, và có đầu óc quan sát, ngay cái giây phút máy bay hạ cánh, ai cũng thấy cái nghèo và luộm thuộm cố hữu của VN và TSN. Hai bên đường băng thì cỏ dại mọc um tùm, như chẳng có ai lo cắt cỏ. Nhìn xa hơn chút là máy bay quân sự cánh thì xệ xuống và thân thì bị rỉ sét trông rất thảm hại. Nhìn xa hơn nữa là nhà dân hay của quân đội (?) và xe Honda chạy bon bon, nó chẳng ra thể thống của một phi trường đúng nghĩa. Khi máy bay vào bến thì chúng ta dễ dàng thấy xe cộ đậu loạn xạ, còn xe phục vụ chạy qua lại tấp nập tưởng như mình đang ở trong phố Sài Gòn! Nếu may mắn thì được đi đường ống (nhanh gọn), còn phần lớn thì không may mắn phải đi xe bus vào nhà ga. Có lần tôi thấy một cô mang guốc cao gót bị té vì cái cầu thang được thiết kế quá tệ, còn nhân viên phục vụ thì ... đứng nhìn. Cư xử với phái đẹp như thế! Nói chung đó là một phi trường luộm thuộm, thiếu trật tự, dơ bẩn, và có khi thiếu an toàn.
Đến khi vào hải quan thì phải nhẫn nhịn chờ, vì họ không có ưu tiên cho khách nào cả (ở nước ngoài, khách hạng thương gia được ưu tiên đi trước và làm thủ tục trước). Xong thủ tục hải quan, ra khu lấy hành lí lại nhẫn nại chờ. Đừng nghĩ rằng bạn đi hạng thương gia của VNA là hành lí được ưu tiên ra trước nhé; trong thực tế tôi thấy hàng trái cây và hành lí của phi hành đoàn ra trước hành lí khách! Tôi thì đã quá quen với phi trường VN và các phi trường tệ khác trên thế giới, nên lúc nào cũng tự an ủi mình: Welcome to Vietnam!
Người ta cũng da vàng, tóc đen, cũng cùng dung lượng trí não, cũng có cùng thời gian phát triển, mà sao người ta phát triển được như thế, còn phi trường VN thì vẫn còn nằm trong danh sách tồi tệ nhất thế giới. Phải nói đó là một nỗi nhục. Thú thật, đã từng đi qua những phi trường trên, tôi nghĩ VN có lẽ sẽ chẳng bao giờ đạt được phong cách của các phi trường trong vùng.
====
0 nhận xét:
Đăng nhận xét