Sự việc bài báo y học của hai tác giả VN bị rút xuống đã được Trường ĐH Quốc tế giải thích trên Một Thế Giới (1). Thật ra, thì cũng chẳng có giải thích gì, vì những thông tin trong bài báo chưa đầy đủ và ai quan tâm cũng đã biết (như tôi bình luận trước đây). Tuy nhiên, bài này trích dẫn ý kiến của anh Hiệu trưởng mà tôi nghĩ là có sự hiểu lầm về nghiên cứu y khoa.
Vấn đề làm nghiên cứu lâm sàng
Bài báo trích dẫn nhận xét của Hiệu trưởng nói rằng vì nhóm nghiên cứu không am hiểu "những quy chuẩn khắt khe của ngành y nên thành ra vi phạm quy định của WHO." Câu này đáng báo động. Nếu không am hiểu thì một là phải tìm tư vấn từ các chuyên gia có kinh nghiệm, hoặc là đừng làm nghiên cứu RCT. Làm nghiên cứu RCT mà chưa từng có kinh nghiệm trước đây và thậm chí không hiểu qui chuẩn RCT thì thật là nguy hiểm. Thật ra, qui chuẩn về RCT là qui ước chung chứ chẳng riêng gì của WHO, còn qui định về y đức thì tuân theo Tuyên bố Helsinki (chứ chẳng dính dáng gì đến WHO).
Nhưng tôi ngạc nhiên là Trường cần đến 2 hội đồng để điều tra, hội đồng điều tra về y đức, và hội đồng điều tra về mạo nhận! Tôi nghĩ chỉ cần một hội đồng là đủ, nhưng phải có nhiều thành viên tham gia, nhất là thành viên từ nước ngoài. Thật ra, xem xét về y đức cũng không khó gì cả, vì trường hợp này quá hiển nhiên. Chẳng hạn như làm nghiên cứu ở một phòng mạch tư là một điều quá bất bình thường. Nếu bệnh nhân có biến chứng, ai sẽ lo, phòng mạch tư làm sao có khả năng đáp ứng. Chỉ bao nhiêu đó là đã vi phạm y đức rành rành rồi.
Cái mà hội đồng cần minh bạch hoá là câu sau đây trong bài báo: "All participated patients gave their consent prior to participation in the study" (Tất cả bệnh nhân đều thoả thuận trước khi tham gia vào công trình nghiên cứu), bởi vì theo như SpringerPlus nói thì tác giả không có sự thoả thuận của bệnh nhân! Câu hỏi là tác giả đã viết đúng (tức có sự đồng thuận của bệnh nhân) hay là SpringerPlus nói đúng?
Ngay cả việc Trường ĐH Quốc tế không có uỷ ban y đức cũng đã là một điều bất bình thường. Do đó, không chỉ điều tra công trình nghiên cứu, mà có lẽ cần điều tra tại sao một trường mang danh "quốc tế" mà không có uỷ ban y đức.
Nghiên cứu y khoa theo mô hình RCT (randomized controlled trial) là một dạng nghiên cứu đơn giản nhưng rất quan trọng. Ý tưởng chia nhóm bệnh nhân là rất đơn giản để đảm bảo tính khách quan trong so sánh và đáp ứng các giả định thống kê. Quan trọng là vì kết quả có thể ảnh hưởng đến thực hành lâm sàng và chính sách y tế. Do đó, nghiên cứu RCT cần được thiết kế rất cẩn thận, từ số bệnh nhân cần thiết, phương pháp đo lường, theo dõi bệnh nhân, v.v. đều phải được lên kế hoạch trước. Ngoài ra, còn phải có kế hoạch để đối phó khi tình huống bất lợi xảy ra.
Không phải ai cũng có tư cách khoa học làm nghiên cứu RCT. Người có tư cách khoa học làm RCT phải có kinh nghiệm nghiên cứu lâu năm, có "track record" dày dặn trong chuyên ngành qua công bố quốc tế. Nhìn qua lí lịch khoa học của các PI chúng ta sẽ biết họ có tư cách làm RCT hay không. Chính vì thế mà đối với các công ti dược quốc tế thuộc Mĩ và Âu châu, chỉ có một số ít người có đủ tư cách khoa học để làm RCT. Phần lớn nghiên cứu RCT do các công ti dược làm ở VN chỉ là dưới hình thức tham gia, chứ không phải chủ trì, vì ở VN rất rất hiếm chuyên gia đáp ứng đủ tiêu chuẩn khoa học để làm RCT.
Cái khó khăn của việc làm nghiên cứu RCT là không chỉ phải đảm bảo y đức không bị vi phạm, mà còn là việc thành lập ban bệ để kiểm tra tiến trình nghiên cứu, an toàn của bệnh nhân, và kiểm soát dữ liệu theo định kì. Mỗi một RCT phải có 3 uỷ ban độc lập: uỷ ban chuyên lo về hậu cần và thực hiện nghiên cứu, uỷ ban lo về an toàn và biến chứng, và uỷ ban lo về dữ liệu. Thành viên của các uỷ ban này phải đến từ ngoài chứ không chỉ từ trường đại học. Không có những uỷ ban này mà dám làm nghiên cứu RCT trên bệnh nhân suyễn thì đúng là "điếc không sợ súng".
Vấn đề affiliation (nơi làm nghiên cứu)
Còn chuyện mạo danh thì cũng không khó để xác minh. Trong bài báo có trích ý kiến của Hiệu trưởng: "Nhưng tôi có biết được là, khi viết bài báo này, TS Toàn có đưa cho GS Steven xem và hỏi ý GS, và GS đã nói đừng để tên của trường vô vì GS cũng không có làm nghiên cứu này". Tôi nghĩ GS Steven Neill (phó khoa) làm là đúng. Ông không có tham gia vào nghiên cứu nên ông không muốn kí tên như là tác giả, và Trường ĐH West of England cũng chẳng dính dáng gì đến nghiên cứu, nên không nên đề tên trường vào bài báo. Thế nhưng trong thực tế thì tác giả lại kí tên như là người của Trường ĐH West of England! Đó là một sự mạo nhận, chẳng cần điều tra cũng biết. Nhưng cần phải tìm hiểu tại sao tác giả lại đề tên Trường đó vào bài báo trong khi tác giả không phải là người của Trường.
Tôi thấy có không ít người Việt Nam có vẻ tự ti, không dám đề tên trường đại học VN trong affiliation trong bài báo khoa học. Khi tôi tìm hiểu thì họ giải thích rằng vì các đại học VN không có tiếng trên trường quốc tế, nên họ sợ đề tên những đại học đó ảnh hưởng đến khả năng được chấp nhận của bài báo. Một đại học có tên tiếng Anh ở phương Tây dù sao cũng "oai" hơn một đại học ở VN, họ nghĩ vậy. Nhưng tôi nghĩ đó là một quan điểm sai lầm.
Trong thực tế, người ta bình duyệt bài báo phần lớn là qua nội dung của bài báo, rồi đến tác giả, chứ ít ai xem địa chỉ của trường nào. Đồng nghiệp tôi làm nghiên cứu ở VN, kí tên affiliation hoàn toàn ở VN, nhưng vẫn có thể công bố trên những tập san hàng đầu thế giới nội tiết như JCEM và tập san hàng đầu về dinh dưỡng như AJCN. Một tác giả thành danh thì dù họ kí tên dưới danh nghĩa một trường đại học ở VN hay ở Mĩ thì họ vẫn là người nổi tiếng trong ngành và công trình của họ thường được đánh giá cao. Do đó, quan điểm cho rằng kí tên dưới danh nghĩa trường ở VN làm giảm khả năng chấp nhận của bài báo tôi nghĩ không có cơ sở thực tế.
Bài báo còn cho biết "Một điều bắt buộc đối với các nghiên cứu thực nghiệm đăng trên SpringerPlus phải được thực hiện với sự chấp thuận của một ủy ban đạo đức phù hợp" là không hẳn đúng. Bất cứ tập san khoa học nghiêm chỉnh nào, chứ không phải chỉ SpringerPlus, cũng đòi hỏi nghiên cứu trên người phải thông qua uỷ ban y đức thì họ mới công bố kết quả.
Tập san SpringerPlus này thành thật mà nói thuộc vào loại chất lượng thấp. Tập san mới, chưa có impact factor, thì cũng đủ biết thuộc loại nào. Bài báo bị từ chối đều có thể nộp cho SpringerPlus, tức là một dạng hứng những bài báo bị "rơi rớt" từ các nơi khác. Một tập san khoa học mà để cho một thiếu sót căn bản như trong câu "All participated patients gave their consent prior to participation in the study" được qua thì quả là đáng chất vấn. Có lẽ người bình duyệt hơi kém nên không chú ý đến những sai sót trong câu văn quan trọng đó. (Có bạn nào biết câu đó thiếu chữ gì?) Một tập san khoa học mà không phát hiện được những sai sót về tiếng Anh và sai sót hết sức cơ bản về phương pháp phân tích thì đủ biết nó "thấp" như thế nào.
Về nội dung nghiên cứu
Còn điều tra về nội dung nghiên cứu thì tôi nghĩ chẳng cần. Nội dung nghiên cứu đã công bố, hay dở ra sao thì đồng nghiệp quốc tế sẽ đánh giá chứ không cần đến hội đồng của Trường. Tôi thì nghĩ nghiên cứu không có chất lượng tốt. Nhìn qua cách thu thập dữ liệu quá đơn giản về mặt lâm sàng, thiếu các dữ liệu về sinh hoá, dữ liệu về safety, v.v. là điều quá ngạc nhiên. Ngoài ra, phương pháp phân tích dữ liệu sai một cách rành rành. Tôi không biết nếu dữ liệu được phân tích đúng phương pháp thì có thay đổi kết luận của tác giả hay không.
Hiến kế: biến "bại" thành "thắng"
Trường ĐH Quốc tế cho biết họ sẽ điều tra về sự việc rồi mới công bố, và tôi nghĩ họ làm đúng. Tôi quen biết anh hiệu trưởng của Trường khá lâu (từ ngày anh còn là du học sinh ở nước ngoài), và tôi tin rằng anh ấy sẽ làm một tấm gương về văn hoá khoa học. Điều tra thì cần, nhưng tôi nghĩ không nên làm quá nhiều hội đồng, cũng chẳng phải làm quá nặng nề. Tôi nghĩ công trình nghiên cứu không có dấu hiệu gì về giả tạo dữ liệu và cũng không có đạo văn; vấn đề chính là y đức. Mà, y đức ở VN thì còn ngổn ngang trăm bề, nên chưa hoàn thiện, và có sai sót là điều khó tránh. Cũng không nên làm khó hai tác giả vì lỗi là của hệ thống trước tiên. Còn các vấn đề khác như số bệnh nhân không nhất quán với số đăng kí là … chuyện nhỏ (vì trong thực tế thì con số thay đổi theo thời gian).
Tôi nghĩ họ nên chuyển "bại" thành "thắng". Trường đại học nào trên thế giới cũng thỉnh thoảng trải qua "tai nạn". Không có ai điên rồ đến nổi đòi hỏi các đại học không để sai sót xảy ra. Vấn đề không phải là loại bỏ sai sót (vì không thể), mà là giảm thiểu sai sót đến mức tối thiểu. Do đó, qua công bố minh bạch Trường sẽ chứng minh cho cả thế giới thấy VN làm nghiên cứu đàng hoàng chứ không như bên Tàu. Một trường hợp vi phạm là vết nhơ, nhưng đừng để vết nhơ đó làm ảnh hưởng đến uy tín của Trường và của VN. Không có vấn đề gì khi thú nhận có sai sót, nhưng quan trọng hơn là có cơ chế để tối thiểu hoá sai sót trong tương lai.
===
(1) http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe/cau-chuyen-khoa-hoc/dh-quoc-te-tphcm-noi-gi-ve-bai-bao-cua-giang-vien-truong-bi-rut-khoi-tap-chi-springerplus-111323.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét