Cuốn Đèn cù của tác giả Trần Đĩnh quá nổi tiếng. Nổi tiếng như cuốn Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên hay Mặt thật của Bùi Tín trước đây. Tôi chưa đọc hết nên chưa có bài điểm sách. Mới đọc đến Chương 9 thấy tác giả kể một câu chuyện liên quan đến suy nghĩ của ông Lê Duẩn về dinh dưỡng và rau muống mà chỉ biết … phì cười. Chuyện kể như sau:
“Nhân nhắc đến Lê Duẩn thời gian này [1], xin kể tiếp một việc cũng vào sổ tay tôi lúc ấy. Ban văn hoá của báo cho biết anh Lê Duẩn quan tâm đến đời sống dân lắm. Anh đã hỏi kỹ anh Phạm Ngọc Thạch [2] rằng một bát cơm ăn với rau muống luộc có khác một bát cơm ăn với rau muống xào không. Khi nhờ phân tích khoa học cao siêu, (tôi ngứa tay thêm mấy chữ này vào đây) biết là có khác nhau… ”cơ bản” thì anh Duẩn đã chỉ thị hãy cố sao cho “về cơ bản” dân ta được ăn nhiều rau muống xào mà “cơ bản” bớt luộc đi. Nói “về cơ bản” vì phấn đấu cho có thêm mấy triệu thìa mỡ mỗi ngày “về cơ bản” không dễ!… Tôi nghĩ ngay việc gì phải Phạm Ngọc Thạch nghiên cứu, cứ bày lên bàn ông Duẩn hai dúm cơm, một rang mỡ, một không là ý kiến nó cho ý kiến nó ngay không phải chờ Phạm Ngọc Thạch chỉ thị cho ngành y tế.”
Câu chuyện chứng tỏ một đất nước quá nghèo nàn, nghèo đến nổi phải để tâm đến chuyện cực kì nhỏ như xào và luộc rau! Câu chuyện còn cho thấy suy nghĩ hết sức đơn giản qua câu hỏi có thể nói là không nên có từ một người với chức danh tổng bí thư đảng. Nó chứng tỏ tư duy đơn giản và khá tuỳ tiện. Nhưng cũng nên nhớ rằng ngài cựu tổng bí thư chỉ học đến tiểu học thì bỏ học đi theo cách mạng.
Đó là tư duy y tế của ông Duẩn. Còn tư duy về kinh tế thì sao? Trong Đèn cù có một đoạn cũng rất đáng chú ý. Đoạn đó viết như sau:
“Một chiều Duẩn phàn nàn rằng ông đã bảo thành ủy Hà Nội làm bàn ghế, giường tủ bán chịu cho công nhân viên, trừ lương hàng tháng hay trả dần nhưng họ không nghe. Duẩn nói ‘Tôi hỏi thì nói không có tiền. Kìa, không có thì in ra! In ra! Không sợ lạm phát! Tư bản đế quốc in tiền mới lạm phát chứ ta, chuyên chính vô sản thì sao lại là lạm phát mà sợ?’ ”
Ông Lê Duẩn được báo chí Nhà nước mô tả là một nhân vật thông minh xuất chúng. Nhưng qua câu chuyện về dinh dưỡng và suy nghĩ về kinh tế của ông, có lẽ chúng ta phải suy nghĩ lại tuyên truyền của Nhà nước.
Bs Phạm Ngọc Thạch là người có cá tính rất Nam bộ. Ông tự lái xe hơi chứ không cần đến tài xế. Nhiều người gần ông cho biết ông ăn nói rất bặm trợn và … bình dân (kiểu “mày”, “tao” như ông Tôn Đức Thắng). Nhân nói chuyện Bs Phạm Ngọc Thạch, xin kể câu chuyện về ông như sau:
“Bác sĩ Nguyễn Văn Cương, trước kháng chiến chống Pháp có phòng mạch tư ở đường Cây Mai, Chợ Lớn. Tập kết năm 1954 ra Bắc, anh được phân công làm Giám đốc Viện điều dưỡng cán bộ miền Nam gần Hải Phòng. Là người theo Phật giáo Tịnh độ cư sĩ, anh Cương thờ Phật Quan âm trong nhà, và tối nào cũng gõ mõ tụng kinh. Tuổi cao, anh mất trong một cơn hôn mê đái đường nặng. Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch tự lái xe từ Hà Nội xuống đưa tang hơi trễ, khi linh cữu đã đưa ra khỏi nhà. Vào nhà thấy tượng Phật và chuông mõ còn để chỗ cũ, anh nổi nóng thật sự, bảo phải lập tức đưa theo xe tang. Anh nói : ‘Tin hay không là chuyện riêng của các anh ; còn tất cả chúng ta đều phải tôn trọng tín ngưỡng của người thân đã khuất’.”
Với một người như thế, tôi không biết ông Phạm Ngọc Thạch khi được hỏi như thế đang nghĩ gì. Ông là người có học đàng hoàng, tốt nghiệp bác sĩ ở Pháp năm 1934. Thuở đời nay, ăn học đến thế mà phải đi trả lời câu hỏi về rau muống luộc và rau muống xào cái nào có giá trị dinh dưỡng hơn! Khổ nỗi người hỏi lại chính là sếp của mình.
Quay lại câu chuyện rau muống, tôi phải nói là ngạc nhiên một người làm chức cao chót vót như thế mà lại quan tâm đến … rau muống. Còn bao nhiêu chuyện khác sao ông ấy không quan tâm và đầu tư suy nghĩ. Cũng có thể ông ấy muốn lấy rau muống ra để chứng minh rằng ông rất quan tâm từ những chuyện vĩ mô đến những chuyện vi mô, thể hiện một nhà lãnh đạo toàn diện. Chỉ có điều câu hỏi hơi … vớ vẩn và làm lộ ra cái hạn chế về kiến thức. Thật rùng mình khi một người như thế mà được đặt vào vị trí lãnh đạo cao nhất và ảnh hưởng bao trùm lên tất cả các hoạt động chính trị - xã hội – khoa học.
-----
Ghi thêm:
[1] “Thời gian này” tôi đoán là năm 1962.
[2] Thời gian này Bs Phạm Ngọc Thạch làm Bộ trưởng Y tế.
Ghi thêm:
[1] “Thời gian này” tôi đoán là năm 1962.
[2] Thời gian này Bs Phạm Ngọc Thạch làm Bộ trưởng Y tế.
Bản pdf cuốn Đêm giữa ban ngày có thể tải về đọc ở đây:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét