Ba bộ đồng tình bóp... mũ con tôi

Lâu nay cứ đinh ninh chắc mẩm chỉ con người mới phát sinh lắm chuyện. Té ra không phải. Mấy bữa ni cái mũ bảo hiếm nảy ối điều khiến thiên hạ om xòm. Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay. Ai ngờ xung quanh cái mũ đội đầu mà lằng nhằng dây điện, phức tạp thế. Cứ tưởng sau khi có quy định của nhà nước về đội mũ bảo hiểm, phần tiếp theo là thực hiện cho ngoan, chả cần bàn cãi nữa. Nhưng không…

Lại nhớ cái đận cách đây hơn 5 năm (cuối năm 2007) các cơ quan chức năng nhà nước đề xuất quy định người chạy xe máy phải đội mũ bảo hiểm. Nâng lên đặt xuống, đánh tiếng mấy lần. Ồn ào cả thời gian dài, người ủng hộ, người băn khoăn, kẻ chống đối. Thậm chí người ta còn đưa ra ví dụ rất thuyết phục rằng những phụ nữ Thái với búi tóc “tằng cẩu” trên đầu theo phong tục truyền đời thì làm sao mà đội mũ bảo hiểm. Chả nhẽ luật cũng có trường hợp ngoại lệ, đối tượng chính sách. Rất nhiều người không tin có thể thực hiện được. Kể cũng chả lạ bởi ở một nước mà người ta quen thói ra đường để đầu trần, tót lên xe máy phóng ào ào, không có thói quen úp chiếc “nồi cơm điện” lên đầu, và cơ bản nhất là pháp luật không hề quy định. Những gì pháp luật không cấm thì được phép làm. Nhưng rồi điều phải đến vẫn đến, quy định được ban hành, đại bộ phận nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh, chiếc mũ bảo hiểm mau chóng trở thành hình ảnh quen thuộc ở một đất nước mà “văn minh xe máy” phổ biến đến từng góc phố, làng quê. Có gì đâu, bảo hiểm cho chính mình chứ cho ai, cớ chi mà phản đối. Trong chuyện này, chính phủ chắc chắn rút ra một điều, bất cứ thứ quy định pháp luật nào vì lợi ích của người dân đều mau chóng được dân chấp nhận, đồng tình.


Thế thì tại sao lần này ý kiến xoay quanh chiếc mũ bảo hiểm lại khá rắc rối, trái chiều? Có nhẽ do nhiều nguyên nhân. Kể từ khi Nghị định 32/2007 về đội mũ bảo hiểm ra đời, lực lượng công quyền đa ngành có làm gắt thời gian đầu, sau đó nhạt dần, phó mặc cho công an chỉ xử phạt người không đội mũ. Mũ giả, mũ dỏm kém chất lượng bán tràn lan, công khai, thách thức ngay trước mắt cơ quan chức năng. Không ai kiểm tra, xử lý. Người tiêu dùng thường nhẹ dạ, thấy lợi thì bập vào. Pháp luật mất hiệu lực. Nhà chức trách khi nhận ra tình trạng nguy hiểm vội tìm cách chữa nhưng quan điểm không thống nhất, cứ loay hoay lúng túng. Biện pháp phạt thẳng vào người đội mũ dỏm rất thiếu thuyết phục. Chả túm kẻ có tóc lại đi túm anh trọc đầu. May là cuối cùng lãnh đạo 4 bộ ngành có liên quan đã ngồi lại với nhau, nhận ra vấn đề và tạm dừng việc triển khai thông tư 06 liên bộ. Đành rằng thái độ cầu thị đó đáng ghi nhận nhưng chuyện chưa dừng lại. Dư luận thắc mắc chẳng có một nước nào mà thông tư, nghị định, luật này luật nọ cứ được “đẻ” sòn sòn một cách vội vã, dễ dàng để rồi chết yểu hoặc quặt quẹo như ở xứ mình. Nhiều cái chưa kịp ban hành đã vấp ngay sự phản ứng quyết liệt, chẳng hạn thông tư 06 liên bộ nói ở trên. Rồi chuyện quy định phạt xe không chính chủ, quy định phạt đến 1 triệu đồng đối với quan hệ “ngoài luồng” không phải là chồng vợ… Căn cứ vào đâu để xác định, liệu có khả thi? Các cơ quan công quyền có nhẽ cần xem xét thấu đáo hình dung đứa con của mình có sống được hay không rồi hẵng đẻ vãi như thế. Đừng để rơi vào tình trạng vừa rồi hai vị lãnh đạo bộ (Giao thông vận tải và Công an) hoàn toàn trái ngược nhau về phạt xe không chính chủ, rốt cục lại phải chờ quyết định của thủ tướng. Thứ gì cũng đẩy lên thủ tướng, vậy các vị chức việc mà dân tin cậy định làm gì cho nước cho dân?

Từ chuyện chiếc mũ bảo hiểm, bất giác nhớ lại chính sách của Đà Nẵng thời ông Nguyễn Bá Thanh. Trong các quy định khi nhân dân là nhân vật chính, ông Thanh và đồng sự không vội vàng “thẳng băng thước thợ” mà có sự thăm dò, chuẩn bị chu đáo. Trước khi xử phạt những người đội mũ bảo hiểm không đúng quy định, cơ quan công quyền Đà Nẵng đã thông tin tuyên truyền liên tục, tổ chức những điểm đổi mũ dỏm lấy mũ tốt, số tiền chênh lệch mà người dân phải bỏ ra rất hợp lý, tạo điều kiện cho dân ngấm quy định pháp luật, thực thi tự giác. Chính thứ quyền lực mềm với tiêu chí vì dân ấy đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Tại sao chỉ một Đà Nẵng làm được trôi chảy, còn áp dụng đại trà cả nước thì rối? Câu trả lời dường như ai cũng biết.

18.3.2013
Nguyễn Thông
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét