Thà rằng đừng viết

Cổ vũ tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, ca ngi biết ơn những người lính đã chiến đấu hy sinh trong công cuộc bảo vệ tổ quốc là trách nhiệm của mọi công dân, mọi cơ quan báo chí truyền thông. Vậy nên tôi hoàn toàn sửng sốt khi đọc bài báo dưới đây trên báo Đại đoàn kết ngày 19.3.2013 bởi không hề có một chữ nào nhắc đến bọn xâm lược Trung Quốc, những kẻ đã xâm chiếm biển đảo của Việt Nam, bắn giết chiến sĩ Việt Nam. Yêu nước sọc dưa, nửa vời như thế để làm gì?
Thà rằng không viết thì thôi
Chữ hèn định tính để đời hay sao?
Nguyễn Thông

Dưới đây là bài trên báo Đại đoàn kết:

“Máu thịt Việt Nam!” (19/03/2013)
Ngày 18-3 năm nay là tròn 34 năm kết thúc cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, khắc ghi chiến công của quân và dân ta khi đẩy lùi gần nửa triệu quân đối phương về bên kia biên giới. Tháng 3 năm nay với người dân Việt Nam lại là một tháng 3 đáng nhớ không chỉ bởi chiến thắng trên biên giới phía Bắc 34 năm về trước; mà còn đáng nhớ bởi năm nay cũng là năm chúng ta kỷ niệm tròn ¼ thế kỷ chiến đấu và chiến thắng của các chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam tại các đảo Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa. Ngày ấy, cách nay 25 năm, 64 chiến sĩ hải quân của ta, phần lớn trong số họ tuổi đời mới đôi mươi đã cùng nhau viết nên một bản hùng ca giữa biển khơi; viết nên một huyện thoại sống về "vòng tròn bất tử”.

Hai sự kiện cách nhau gần một thập kỷ ở hai vị trí địa lý khác nhau với một mốc thời gian tuy dài ngắn khác nhau, nhưng lại rất giống nhau. Bởi cả hai trận chiến một ở trên bộ, một ngoài đảo xa nhưng đó đều là những trận chiến không cân sức; thậm chí rất có thể còn trở nên vô vọng với bên yếu thế qua sự đánh giá của nhiều chuyên gia quân sự lão luyện nước ngoài. Ở cả hai trận đánh ấy, chúng ta đều phải lấy ít địch nhiều. Nếu trận đánh ở biên giới phía Bắc đối phương sử dụng khoảng gần nửa triệu quân tinh nhuệ thì quân số của chúng ta chỉ bằng 1/5; trong đó, chủ yếu là bộ đội địa phương. Còn với trận chiến ở một số đảo đá thuộc Trường Sa 25 năm trước- một trận chiến mà theo như Đại tá Nguyễn Văn Dân (khi ấy là Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân) thì không phải là "một cuộc chiến đúng nghĩa”. Bởi, khi chúng ta đưa ra những tàu hải vận để giữ đảo chứ không phải khiêu chiến thì đối phương lại điều tới quần đảo Trường Sa của Việt Nam những tàu chiến có hoả lực rất mạnh hòng dùng sức mạnh để chiếm đảo của ta.

Hai sự kiện, hai trận đánh ấy còn giống nhau ở chỗ: Với chúng ta đó là những trận đánh của chính nghĩa nhằm bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc; còn với đối phương đó là những cuộc chiến phi nghĩa với mục đích xâm lấn, chiếm đất khá rõ ràng.

Ở cả hai trận chiến, máu của các chiến sĩ Việt Nam đã đổ, các anh đã ngã xuống vì sự bình yên của quê hương và sự hy sinh ấy là không hề uổng phí; bởi, chúng ta đã chiến thắng! Chiến thắng được viết nên từ lòng quả cảm của chính các anh- những người con đã sống, đã chiến đấu hết mình vì Đất Mẹ. Chính các anh đã viết tiếp những trang sử vàng trong truyền thống vẻ vang của dân tộc kể từ hàng ngàn năm trước. Chính các anh đã tiếp sức cho lớp trẻ hôm nay, để họ biết thế nào là sống có lý tưởng, sống có hoài bão bằng việc cống hiến cả cuộc đời, cả tuổi  đôi mươi cho quê hương. Trong một cuộc giao lưu mới đây của những người lính đảo nhân 25 năm trận chiến Trường Sa, những cựu binh năm ấy đã cùng nhau nhắc lại câu nói đầy xúc động của Thiếu uý, liệt sĩ Trần Văn Phương: "vợ mình sắp sinh nhưng mình vẫn sát cánh cùng anh em, vì đây là máu thịt Việt Nam”.

Bốn chữ "máu thịt Việt Nam” được nhắc đến với sự trân trọng và vì nó, họ đã không bao giờ hối tiếc. Hy sinh của các anh sẽ mãi được ghi nhớ. Hy sinh ấy của các anh sẽ mãi được khắc ghi vào lịch sử nước nhà và góp vào những trang sử chói lọi, giàu truyền thống của Việt Nam từ hàng mấy ngàn năm. Trong hoàn cảnh hiện nay khi vẫn có những thế lực muốn khuất phục chúng ta bằng cái học thuyết với tên gọi khá mĩ miều "sức mạnh mềm”; thì chúng ta càng cần phải cảnh giác để không bị động, bất ngờ trước mọi âm mưu, thủ đoạn. Đó cũng là cách để chúng ta tri ân sự hy sinh vì Tồ quốc, cho Tổ quốc của các anh hùng liệt sĩ năm xưa.
Hoàng Mai
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét