Ghi chép trên xứ chùa tháp 4 – Một thoáng Angkor Wat




http://www.admin.angkorvisitor.com/Administrator/images/users_images/angkor-wat%20001.jpgNgày đầu năm mới (10/2/2013) đã có niềm vui: website của tôi đã được phục hồi! Xin chân thành cám ơn H (Cần Thơ) và các bạn kĩ thuật. Đế Thiên – là đền thờ Ấn Độ Giáo lớn nhất thế giới, và cũng là biểu tượng của đất nước Campuchea hay Cambodia (theo tiếng Anh). Bất cứ du khách nào đến Siem Reap cũng đều ghé thăm Angkor Wat, và tôi cũng không phải là một ngoại lệ. Vì là lần đầu tiên ghé đây, nên tôi phải tìm hiểu một chút về lịch sử, nhưng rất khó. Buổi sáng hôm 1/1/2013 tôi vớ được cuốn sách từ một em bé bán sách dạo, nên có trong tay một tài liệu chỉ dẫn rất đầy đủ. Dưới đây là một vài cảm nhận của tôi khi ghé qua Đế Thiên lần đầu tiên trong đời …


Đi du lịch nhiều lần, tôi nghiệm ra một điều là mình cần phải có tự do. Tuy rằng đi theo sự dẫn dắt của hướng dẫn viên là một lợi thế, nhưng lợi ích của hướng dẫn viên thường không tương đồng với lợi ích cá nhân. Có thể hướng dẫn viên muốn tiết kiệm thời gian, nên họ dẫn đến những nơi tham quanh cho nhanh, và chỉ nói qua loa. Trong khi đó, với những người đi du lịch để học, để tìm hiểu, thì không thể đi như thế được. Thành ra, tôi phải tự kiếm một cuốn sách hướng dẫn để tự mình tìm chỗ đi tham quan trong khu Angkor Wat và Angkor Thom. May mắn cho tôi, mới sáng sớm đã có một em bé gạ bán sách viết về Angkor, nhưng giá đến 20 USD. Tôi nghe nói ở đây phải trả giá, nên tôi phải … thương lượng. Thương lượng một hồi, em bé đồng ý bán sách cho tôi với giá 10 USD. Trả xong 10 USD, tôi cho thêm 5 USD và nói là quà buổi sáng, làm em bé ngẩn ngơ chẳng biết chuyện gì! Tính tôi cũng lạ, tuy là trả giá, nhưng sau khi xong việc tôi thường cho thêm, vì nghĩ làm vậy sẽ tăng tỉ số Zen trong ngày. :-) Cầm được sách trong tay, tôi mừng lắm, và lật ngay những trang viết về Angkor Wat để tìm đường đi. Cuốn sách này (Ancient Angkor do Michael Freeman và Claude Jacques soạn thảo) đã giúp tôi rất nhiều trong suốt chuyến tham quan Siem Reap.

Sáng hôm sau (1/1/2013) chúng tôi đi thăm các phế tích nổi tiếng của Siem Reap. Thật ra, hôm nay chúng tôi chỉ đi thăm hai phế tích thôi: Angkor Thom và Angkor Wat. Tên của hai phế tích này cũng cần ghi lại ở đây. Angkor là từ gốc Phạn có nghĩa là thành phố hay kinh đô. Thom có nghĩa là lớn; do đó, Angkor Thom có thể hiểu là Kinh đô lớn. Wat có nghĩa là đền; và vì thế Angkor Wat có thể hiểu như là Kinh đô của những ngôi đền. Người Việt chúng ta thì biết đến Angkor Wat là Đế Thiên và Angkor Thom là Đế Thích. 

Chúng tôi mua vé vào thăm hai Đế Thiên – Đế Thích. Giá vé là 20 USD mỗi người. Nhưng nếu là người Khmer hay gốc Khmer thì miễn phí. Trong đoàn chúng tôi, có 3 người hàng xóm của tôi là gốc Khmer (ghi trong căn cước) nên được miễn phí. Người hướng dẫn đoàn giải thích rằng vì chính quyền CPC muốn tỏ thái độ đoàn kết dân tộc, nên họ ra qui định miễn phí cho đồng hương. Anh giải thích thêm rằng chính phủ CPC nghĩ rằng tổ tiên của họ xây dựng những đền đài này là để cho tất cả con cháu hưởng, nên không có lí do gì lấy tiền của người Khmer. Nghe qua lí do tôi phải nói là rất ấn tượng. Nghe nói trước đây, chính phủ CPC đã xoá bỏ chế độ visa cho tất cả kiều bào Khmer. Nay nghe thêm câu chuyện miễn phí vé vào thăm Đế Thiên – Đế Thích tôi càng có cảm tình và kính nể chính phủ CPC hơn.

Tôi không thể không so sánh với chính sách của Việt Nam. Chính phủ VN lúc nào cũng khẳng định kiều bào là một bộ phận không thể tách rời khỏi cộng đồng dân tộc, hay ví von hình tượng hơn là “khúc ruột ngàn dặm”, nghe rất cảm động. Nhưng nói thể thôi chứ nhìn kĩ việc làm thì thấy không như thế. Có thời chính phủ nói là miễn visa cho Việt kiều, nhưng đừng có lầm, vì chỉ có visa 5 năm (chứ không có chuyện miễn visa như bên CPC). Tuy chính sách phân biệt Việt kiều về giá cả không còn nữa, nhưng đây đó thì các khách sạn vẫn ra tay chặt chém bất cứ người Việt nào cầm hộ chiếu nước ngoài. Có lần ở Cần Thơ, người tiếp tân khách sạn hỏi tôi anh là Việt kiều hay Việt Nam, tôi nói Việt kiều cũng là người Việt Nam, tôi không hiểu anh hỏi gì. Anh giải thích rằng Việt kiều thì trả giá phòng hơn Việt Nam. Lần đó có một bác sĩ ở Hải Phòng có chồng người Mĩ, và khi tính tiền phòng, họ tính giá gấp 2 người trong nước. Khi đi ăn uống, người ta tính tiền chồng chị gấp 2 chị. Đó là một cách đãi ngộ của người Việt dành cho người Việt. Ôi, mỉa mai làm sao. Tôi tự nhũ lòng: thôi thì welcome to Vietnam! Hôm nay nhân chuyến tham quan CPC, tôi chợt đặt câu hỏi đơn giản: đến khi nào thì Việt Nam nên học Campuchea đây?

Một chút lịch sử

Đế Thiên – Đế Thích là những công trình kì vĩ. Có lẽ cần phải có vài dòng về cổ sử CPC để hiểu hơn về bối cảnh ra đời của Đế Thiên – Đế Thích. Theo sách sử thì người Khmer thuộc hệ tộc Mon-Khmer ngày xưa (3000 năm về trước) sống trong vùng Đông Nam Á. Lịch sử hình thành dân tộc Khmer cũng chính là lịch sử của nước CPC. Dân tộc Khmer chịu sự ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ và Tích Lan qua đường thương mại từ thế kỉ thứ III đến thế kỉ thứ VII. Trong quá trình tương tác rất lâu dài như thế, không ngạc nhiên khi thấy rất nhiều đền đài ở CPC có dấu ấn của văn hoá Ấn Độ. Cũng như các nước lân cận, CPC từng trải qua một thời gian dài tranh chấp nội bộ và đấu tranh chống xâm lăng từ ngoài. Mãi đến thế kỉ 9 thì một anh quân xuất hiện: vua Jayavarman II.  Vị vua này lên ngôi, thống nhất lãnh thổ, và tuyên bố độc lập (không chịu sự đô hộ của đế chế Java nữa). Jayavarman II xây dựng kinh đô ở vùng núi Kulen, và chính nơi đây, ông đã ra sức xây dựng những đền đài còn đến ngày nay. 

Sau Jayavarman II là vua Suryvarman I (thế kỉ 11) cũng là một vị vua anh hùng của CPC. Vua Suryvarman I chinh phục vương quốc Mon và thiết lập một đế chế trải dài từ những vùng đất ngày nay được biết đến là Thái Lan và Lào. Trong thời gian này, ông cho xây cung điện hoàng gia, và đặt nền móng cho Angkor Wat, tức Đế Thích. Đến khi vua Suryvarman II lên ngôi thì ông cho xây Angkor Wat, và công trình này được xem là đỉnh cao của văn minh Khmer. 

Sau khi vua Suryvarman băng hà (thế kỉ 12), CPC lâm vào cảnh loạn lạc, nội chiến. Đến khi Jayavarman VII (1181-1218) lên ngôi, ông xây dựng một kinh đô mới, và đó chính là Angkor Thom. Vì vua Jayavarman VII là một Phật tử, nên ông lấy Phật giáo làm quốc giáo. Do đó, Angkor Thom có kiến trúc và phù điêu chịu ảnh hưởng văn hoá Phật giáo. Có thể nói rằng Angkor Thom hay Đế Thiên thật ra là một kinh đô của vua Jayavarman VII. Bảng dưới đây tóm lược một số công trình kiến trúc nổi tiếng gắn liền với một số vua Khmer và niên đại.

    Một số đời vua và công trình kiến trúc nổi tiếng còn lưu lại
Vua
Năm
Công trình
Jayavarman II
790 – 835
Dựng kinh đô ở vùng núi Kulen
Jayavarman III
835 – 886
Prei Monti, Trapeang Phong, Nakong
Jayavarman V
968 – 1000
Ta Keo
Suryavarman I
1002 – 1049
Preah Vihear, Cung điện hoàng gia
Suryavarman II
1113 – 1150
Angkor Wat, Banteay Samré, Phnom Rung (hiện thuộc Thái Lan)
Jayavarman VII
1181 – 1220
Angkor Thom, Bayon, Ta Prohm, Preah Khan, Banteay Chhmar
  Nguồn: Ancient Angkor (của Michael Freeman và Claude Jacques)

Angkor Wat

Angkor Wat hay Đế Thiên là một ngôi đền Hindu lớn nhất thế giới. Toàn bộ quần thể Angkor Wat có diện tích 200 ha. Ngày nay, Angkor Wat là biểu tượng của CPC. Quốc kì của CPC in hình Angkor Wat. Do đó, không ngạc nhiên khi biết rằng Angkor Wat là điểm du lịch nổi tiếng nhất của CPC. Mỗi năm có hàng triệu du khách đển đây để chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc kì vĩ. Phu nhân của Tổng thống Kennedy là Jacqueline Kennedy cũng từng ghé đây trong thời chiến tranh.Angele Jolie cũng đóng phim ở đây và xin làm công dân danh dự của CPC. Có du khách Tây chối lại rằng bà muốn khi qua đời thì rải tro xuống đây. Tất cả những điều đó nói lên rằng đây là một phế tích cực kì quan trọng của CPC và là một di sản văn hoá của thế giới.  

Theo sách vở phương Tây (tôi mới mua một cuốn để đọc), Angkor Wat bị bỏ quên sau thế kỉ 16. Nhưng người Khmer nói rằng họ không bao giờ bỏ quên công trình vĩ đại này của tổ tiên họ. Một trong những người Tây phương đầu tiên ghé qua Angkor Wat là nhà sư người Bồ Đào Nha Antonio de Madalena. Trong chuyến du hành năm 1586, de Madalena viết rằng Angkor Wat là một kiến trúc kì vĩ không thể nào mô tả bằng ngòi bút vì nó không giống bất cứ một công trình nào trên thế giới. Ông ghi chú thêm rằng tất cả các tháp đều được khắc những hoa văn và phù điêu mà chỉ có bậc thiên tài mới nghĩ đến. Trong ghi chú xuất bản năm 1589 có đoạn viết:

“Cách nửa dặm từ thành phố này là một đền gọi là Angar. Đây là một công trình ngoại hạng đến nổi không có thể diễn tả bằng ngòi viết, nhất là đây là một kiến trúc không giống bất cứ kiến trúc nào khác trên thế giới. Angar có các tháp, kiến trúc trang trí và tất cả những cái tinh tuý mà thiên tài con người đã nghĩ ra được. Đền được bao bọc bởi hào nước, đi vào đền bằng một cầu, được bảo vệ bằng hai tượng cọp bằng đá rất lớn và dữ dằn làm cho du khách phải sợ hãi …” 


Đi du lịch cần phải có sách hướng dẫn. Sáng hôm đó, tôi may mắn vớ được một cuốn sách có tựa đề là Ancient Angkor(của Michael Freeman và Claude Jacques, viết rất công phu về các công trình kiến trúc trong quần thể Angkor. Hình này do "nhiếp ảnh gia" của đoàn chụp lén, nhưng hóa ra lại hay hay, vì nó cho thấy tôi đang dò đường để đi :-). Phía sau lưng tôi là bức phù điêu rất công phu. 

Đến giữa thế kỉ 19, một nhà tự nhiên học người Pháp tên Henri Mouhot ghé thăm Angkor Wat, và qua sách, cả thế giới mới biết đến công trình vĩ đại này. Cũng như nhiều học giả phương Tây khác, Mouhot không tưởng tượng nổi người Khmer có thể xây dựng Angkor Wat, nên ông cho thời gian xây dựng là thời La Mã. Nhưng sự thật (qua các di chỉ khảo cổ) thì Angkor Wat, như chúng ta biết ngày nay, được xây trước thời La Mã cả 500 năm! 

Angkor Wat có kiến trúc và lịch sử khác hẳn Angkor Thom, một di tích quan trọng khác trong quần thể Angkor. Như đề cập trên Angkor Wat do vua Suryavarman II xây vào đầu thế kỉ 12 (tức thời Lý Thần Tông bên nước ta). Phải mất 60 năm mới xây xong. Người đứng đằng sau công trình kì vĩ này là vua Suryavarman II, được xem là một trong những vị vua vĩ đại nhất của người Khmer. Vua Suryavarman II cũng từng cầm quân sang đánh Chiêm Thành, chiếm luôn thành Vijaya (tức Bình Định ngày nay). Chẳng những đánh Chiêm Thành, ông vua này từng mang quân sang đánh nước ta, nhưng bị tướng Lý Công Bình đánh bại tại Nghệ An và bắt khá nhiều lính Khmer.


Angkor Wat soi bóng trước hồ sen. Phía sau là 5 tháp tượng trưng cho 5 ngọn núi bên Ấn Độ, với tháp cao nhất (65 m) tượng trưng cho núi Meru.

Như đề cập trên Angkor Wat do vua Suryavarman II xây vào đầu thế kỉ 12 (tức thời Lý Thần Tông bên nước ta). Phải mất 60 năm mới xây xong. Người đứng đằng sau công trình kì vĩ này là vua Suryavarman II, được xem là một trong những vị vua vĩ đại nhất của người Khmer. Vua Suryavarman II cũng từng cầm quân sang đánh Chiêm Thành, chiếm luôn thành Vijaya (tức Bình Định ngày nay). Chẳng những đánh Chiêm Thành, ông vua này từng mang quân sang đánh nước ta, nhưng bị tướng Lý Công Bình đánh bại tại Nghệ An và bắt khá nhiều lính Khmer.


http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/3/3d/Angkor-wat-central.jpg
Mô hình xây dựng Angkor Wat

Tổng diện tích của Angkor Wat lên đến 200 ha (bề ngang 1.5 km, và bề dài 1.3 km). Angkor Wat không chỉ là một đền, mà thực chất là một thành phố (đúng với cái tên Angkor – thành phố). Đền Angkor Wat thật ra chỉ khoảng 9 ha (ngang 332 m và dài 258 m).   Phần còn lại là thành phố, kể cả cung diện hoàng gia. Nhưng ngày nay chỉ còn đền Angkor Wat mà thôi, dấu vết về một thành phố và hoàng gia thì chỉ tìm thấy qua các di chỉ.

Vì vua Suryavarman II là tín đồ đạo Ấn Độ giáo, nên kiến trúc của Angkor Wat chịu ảnh hưởng của vũ trụ quan theo Ấn Độ Giáo. Với một diện tích rộng như vừa đề cập, các kiến trúc sư Khmer có một không gian để thể hiện vũ trụ quan theo Ấn Độ giáo. Theo vũ trụ quan này, bốn hào nước chung quanh tượng trưng cho bốn biển bao bọc trái đất, và hàng loạt hành lang vòng tròn tượng trưng cho những rặng núi bao quanh Núi Meru. Núi Meru được xem là nhà của thượng đế.
Một điểm khác biệt giữa Angkor Wat và các đền đài khác là cổng chính của Angkor Wat hướng về hướng Tây, trong khi các đền khác (kể cả Angkor Thom) hướng về phía Đông. Tại sao Angkor Wat quay về hướng Tây là một trong những bí mật chưa thật sự có lời giải đáp. Nhiều giả thuyết đã được đặt ra, nhưng giả thuyết khả tín nhất là vì Angkor Wat được xây để dành cho thần Vishna trong huyền thoại Ấn Độ giáo. Mà, thần Vishna thì gắn liền với hướng Tây. Đó có lẽ là lời giải thích tại sao Angkor Wat quay về hướng Tây, khác với tất cả các đền khác quay về hướng Đông. Do đó, nhiều du khách thích đến viếng Angkor Wat vào buổi chiều để nhìn hoàng hôn lặng tắt dưới chân trời sau rặng cây thốt nốt.

Những mô tả của giáo sĩ de Madalena vào năm 1589 vẫn còn đúng nguyên vẹn. Để vào đền Angkor Wat, du khách phải đi qua một cây cầu đá bắt ngang cái hào nước (dài độ 200 m), và bề ngang chừng 20 m. Hai bên cầu là tượng rắn thần Naga với 54 thần thiện và 54 thần ác ôm rắn, nhưng nay chỉ còn lại vài tượng vì đã bị phá huỷ hay ăn trộm trước đây.


Trên cầu đá vào đền Angkor Wat, y như những gì nhà sư Bồ Đào Nha de Madalena mô tả vào thế kỉ 17. Người đứng sau tôi là anh Hai, người Khmer hàng xóm của tôi dưới quê. Anh ấy thuộc thế hệ 3 hay 4, sinh đẻ ở Việt Nam, chưa bao giờ đi Campuchea, và thế là anh đi cùng chúng tôi lần này. Vì căn cước của anh có đề dân tộc Khmer nên anh được vào thăm Angkor Wat hoàn toàn miễn phí.

Khách tham quan vào đền Angkor Wat từ hướng Tây bằng cách băng qua một cầu đá. Khách sẽ đến hành lang của đền. Hành lang có chiều ngang chỉ khoảng 3 m, nhưng dài hun hút. Khi đã vào đền, có thể đi về phía tây mặt và sẽ thấy một điện thờ thần Vishnu. Phía trái của cổng chính cũng là một nơi đáng xem, vì có những bức phù điêu rất lớn và tinh vi. Những tiên nữ Apsara được khắc chạm ở phía dưới tường rất đáng xem. Có hơn 2000 Apsara trong những bức phù điêu ở Angkor Wat! Mỗi Apsara là đặc thù, không ai giống ai. Trong số đó, có nàng tiên nữ Apsara ngay tại cổng vào rất đặc biệt vì nàng cười (và hở răng!)

Dọc theo bức tường dài, chúng ta có thể chiêm ngưỡng những bức phù điêu được khắc hoạ cực kì tinh vi. Những bức phù điêu mô tả cảnh sinh hoạt hàng ngày trong cuộc sống của người dân, cảnh các vũ nữ Apsara đủ kiểu trong những tình huống có khi ... gợi cảm, v.v.


Hành lang Ankor Wat dài hun hút. Tất cả đều có chạm khắc những bức phù điêu. Phải nhìn kĩ mới thấy; nếu chỉ đi ngang qua sẽ chẳng cảm nhận được sự tinh vi và kì công của những công trình này. 

http://www.promotiontravels.com/gallery/var/albums/Cambodia/Angkor%20Wat/AngkorWat%20054.jpg?m=1259872828
Một bức phù điêu trên tường ngay tại hành lang, nơi tôi đứng để chiêm ngưỡng

http://adamandmegstravels.files.wordpress.com/2009/08/angkor-wat-detail-shots-10.jpg
Một bức phù điêu khác cũng rất hoành tráng. Chú ý những nét khắc thể hiện cơ thể trong thế động và tĩnh.

http://s3.amazonaws.com/picable/2009/02/26/755701_Stone-carving-at-Angkor-Wat_620.jpg
Một tượng nổi mô tả nữ thần Apsara. Chú ý cách khắc họa rất sắc sảo và tinh tế. Eo thon, ngực nở, tay dài. Rất cân xứng, đúng với định nghĩa cái đẹp theo hình thể học ngày nay. Tượng đã bị phá, nên các chuyên gia Pháp và Đức đang trùng tu lại theo đúng với thành phần vật liệu ngày xưa.

http://www.blurrytravel.com/sea2003/wallpaper/wallpaper10/DSC00192_1024.jpg
Một nữ thần Apsara khác. Chú ý vú của nữ thần này hình như được sờ hơi nhiều nên rất bóng. Ở đền này có hơn 1000 điêu khắc vũ nữ Apsara, nhưng mỗi điêu khắc là đặc thù, không cái nào giống cái nào.

Đi sâu vào chính điện chúng ta sẽ thấy hai bên là hai “thư viện”. Nói là thư viện, nhưng nhìn cách thiết kế, thì đây có lẽ là điện thờ thần thánh thì đúng hơn chứ không phải nơi lưu trữ sách vở. Gần đền và ở hai bên là hai cái ao, có lẽ được xây thêm vào khoảng thế kỉ 16.

Tại khu đền chính có đến 398 gian phòng. Bất cứ phòng nào, bất cứ bức tường nào, bất cứ cây cột nào hay lan can nào, thậm chí trên trần cũng đều được chạm khắc rất tinh vi. Có thể nói rằng những phù điêu ở Angkor Wat là những sáng tác tuyệt vời của nghệ thuật Khmer. Rất nhiều bức phù điêu được khắc chạm trên tường đá ở đây. Thử tưởng tượng suốt 600 m chiều dài và 2 m chiều cao là phù điêu, thì chúng ta sẽ cảm nhận được sự vĩ đại như thế nào. Tất cả đều được khắc trên đá, và khắc một cách tinh tế, sắc nét, chứ không phải như thấy trên Trống Đồng (đường nét không mấy tinh tế). Có thể xem đây là một tác phẩm vĩ đại mà ngay cả những tác phẩm của Michelangelo cũng khó so sánh nổi với những nghệ nhân vô danh người Khmer.

Phần lớn những bức phù điêu được sáng tác dựa trên những thiên sử thi của Ấn Độ giáo. Đó là trận đánh Kurukshetra, cái chết của thần Valin, khỉ khóc về cái chết của thần Valin, v.v. Có bức phù điêu mô tả sinh hoạt của người dân, người ngồi trên lưng trâu, cảnh đánh bắt cá, cảnh làm ruộng, và … cảnh đá gà. Một phù điêu độc đáo mô tả cuộc diễu hành của vua Suryavarman đệ nhị cũng rất sống động.

Nơi chánh điện là một toà nhà ba tầng, liên kết nhau bằng những hành lang. Tầng thứ nhất là địa ngục, tầng thứ hai là trần gian, và tầng ba là thiên đàng. Tầng cao nhất là 65 m cũng chính là cổng thiên đàng. Để bước lên “thiên đàng”, khách phải đi bằng một cầu thang bằng đá. Người ta xây cầu thang với ý rằng người lên cổng thiên đàng mỗi bước đi phải cuối đầu, và nếu đi xuống thì cũng cuối đầu và mặt vẫn nhìn vào thiên đàng. Những bậc thang có dốc đứng khoảng 45 độ, nên rất khó đi. Trong quá khứ, nghe nói đã có tại nạn xảy ra. Hôm tôi ghé thì người ta đã xây một cầu thang phụ để dễ đi hơn. Trong đoàn tôi, chỉ có 3 người (kể cả tôi) là “dám” lên cổng thiên đàng. Khi đã lên thiên đàng, chúng ta có thể nhìn toàn cảnh thành phố Siem Reap và những quần thể đền đài chung quanh.


Đường lên "thiên đàng". Ban quản lí đã xây một cầu thang tạm để du khách có thể lên tầng thứ 3 của tháp (tầng thiên đàng). Trong lúc xuống "trần gian" tôi cũng phải chụp một tấm ảnh để làm kỉ niệm.


Xuống trần, chụp chung với các vũ công một bức hình làm kỉ niệm

Một trong những đền được du khách ghé thăm nhiều nhất có tên nôm na là đền chung thuỷ. Trong đền có chạm trổ nhiều tiên nữ, trong đó có tiên nữ há miệng nhe răng, chẳng biết với ý nghĩa gì. Du khách đến đây vỗ ngực để nghe tiếng vang vọng lại như tiếng trống. Nếu nghe tiếng vọng thì người đó được xem là chung thuỷ, còn không thì … không chung thuỷ. Thật ra, chỉ là đùa thôi, chứ cách xây dựng như thế thì chỉ cần một cái gõ nhẹ cũng đã nghe tiếng vọng lại.
Angkor Wat là nơi tôi và các bạn trong đoàn dừng chân lâu nhất. Lí do là vì có quá nhiều điện đền phải ghé qua cho biết. Đi từ điện này sang điện khác, tôi thán phục khả năng và kĩ năng của các nghệ nhân ngày xưa đã làm nên một tác phẩm không chỉ vĩ đại mà còn độc đáo trên thế giới, xứng đáng là một trong những kì quan của thế giới, một di sản của nhân loại. Nhưng Angkor Wat không còn nguyên vẹn như thời xưa. Qua nhiều thời gian chiến tranh và tranh chấp nội bộ, nhiều hiện vật ở đây đã bị mất mát. Người Khmer vẫn không quên được rằng ngày xưa quân Thái Lan đã từng tràn sang CPC và khi rút về họ ăn cắp những hạt kim cương và đá quí tại đây. Tôi hỏi đùa người hướng dẫn rằng thời quân đội Việt Nam sang đây đánh đuổi Pol Pot, Angkor Wat có mất gì không, thì chỉ nhận được nụ cười hiền hậu của hướng dẫn viên!



Dì cháu: Dì Út tôi cũng tháp tùng chuyến đi thăm xứ chùa tháp

Thư giãn trước cầu đá dẫn vào Đế Thiên - Angkor Wat

(Còn tiếp ...)





Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét