Tướng Thước: Chúng ta phải thẳng thắn trong mối quan hệ với Trung Quốc
Chủ nhật 17/03/2013 07:16
(GDVN) - Việc tuyên truyền những ngày mang ý nghĩa lịch sử của các cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược năm 1974, năm 1979 và năm 1988 không phải là để khiêu khích TQ mà là sự thẳng thắn. Sự thẳng thắn này sẽ góp phần làm cho mối quan hệ này thêm tốt đẹp bởi vì đã là các sự kiện lịch sử thì không thể bóp méo và phải được tuyên truyền cho nhân dân được biết”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói.
Trước ý kiến của một số nhà nghiên cứu thuộc Quỹ Nghiên cứu biển Đông rằng cần có ngay một lực lượng giám sát biển để có thể ngăn chặn âm mưu gặm nhấm, lan rộng vùng hoạt động của các tàu thuyền Trung Quốc, báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - Nguyên Đại biểu QH khóa 8, 9 về vấn đề này.
Trước ý kiến của một số nhà nghiên cứu thuộc Quỹ Nghiên cứu biển Đông rằng cần có ngay một lực lượng giám sát biển để có thể ngăn chặn âm mưu gặm nhấm, lan rộng vùng hoạt động của các tàu thuyền Trung Quốc, báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - Nguyên Đại biểu QH khóa 8, 9 về vấn đề này.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước |
Trung tướng Thước nói: “Năm 1988, Trung Quốc đã gây ra cuộc hải chiến ở Trường Sa và chiếm đảo Gạc Ma của chúng ta. Sau 25 năm, dù trải qua những giai đoạn lịch sử khác nhau nhưng Trung Quốc vẫn coi Biển Đông là “ao nhà” của họ. Cho nên họ đã lộng hành và cả thế giới đã thể hiện sự không đồng tình với sự lộng hành này từ Trung Quốc.
Với Việt Nam, trong phạm thuộc chủ quyền của mình theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), ta kiên quyết bảo vệ cho bằng được. Mà muốn bảo vệ được thì trước hết Nhà nước và toàn dân phải tập trung đầu tư cho các tàu đánh cá và các tàu thuyền của các cơ quan thuộc lĩnh vực khai thác dầu khí trên Biển Đông nhiều hơn. Đây là hai lực lượng chính không những thực hiện các hoạt động về kinh tế mà còn thực hiện việc giữ vững chủ quyền biển đảo Việt Nam”.
Tướng Thước nói tiếp: “Thời gian vừa qua, chúng ta đã được chứng kiến nhiều hành động xâm phạm chủ quyền của chúng ta từ Trung Quốc như việc đưa tàu vào khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam, xua đuổi những tàu cá hoạt động trong phạm vi chủ quyền của Việt Nam… Thế nên không nhưng hai lực lượng tàu đánh cá và các tàu khai thác, thăm dò dầu khí của chúng ta cần phải được tăng cường đầu tư mà còn phải được những lực lượng khác đi kèm, bảo vệ. Đây là một chủ trương rất cần thiết”.
Quân đội Việt Nam tuần tra trên đảo Sinh tồn |
Theo vị tướng này, vì Trung Quốc sử dụng những tàu quân sự núp dưới danh nghĩa tàu dân sự để gặm nhấm và lan rộng vùng hoạt động nên ta không thể đưa các tàu quân sự ra để đối phó.
“Việc chúng ta có thêm lực lượng giám sát biển không phải là để gây căng thẳng với Trung Quốc mà chỉ là để giám sát và bảo vệ các tàu thuyền như đã nêu của chúng ta. Ngoài ra, có lực lượng giám sát biển để các tàu lạ khi vi phạm chủ quyền thì chúng ta còn xua đuổi chứ không nổ súng để đuổi. Luật pháp quốc tế đã cho phép chúng ta làm việc này. Còn đối với những vùng biển tranh chấp thì phải được giải quyết trên tinh thần hữu nghi, hoà bình, hai nước thoả thuận để giải quyết tranh chấp”, tướng Thước nói thêm.
Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, vừa qua Khánh Hoà có trưng bày triển lãm các bản đồ gốc của Trung Quốc thể hiện rõ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa không phải của Trung Quốc mà hoàn toàn là của Việt Nam. Nhưng Trường Sa và Hoàng Sa đầu phải chỉ là của riêng tỉnh Khánh Hoà mà còn là của toàn dân Việt Nam.
Cho nên việc giáo dục cho người dân Việt Nam biết về các đảo và tên theo Việt Nam của các đảo này trong hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó đảo nào đã bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép, Trung Quốc đã có những hành động xâm phạm chủ quyền và chúng ta đã chống chọi với hành động này như thế nào là rất quan trọng. Những thông tin này phải được đưa vào chương trình sách giáo khoa trong các nhà trường.
“Vừa qua, có những ngày mang ý nghĩa lịch sử của các cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược năm 1974 (TQ chiếm Hoàng Sa), năm 1979 (TQ gây ra chiến tranh biên giới phía Bắc) và năm 1988 (TQ gây ra hải chiến tại Trường Sa) nhưng lại ít được tuyên truyền và kỷ niệm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dân ta phải biết sử ta”. Lịch sử của ta có lúc oai hùng, có lúc bi tráng, có lúc thất bại cho nên chúng ta phải cho tuyên truyền, giáo dục về những ngày mang ý nghĩa lịch sử này để cho nhân dân biết ta đúng sai ở chỗ nào từ đó có trách nhiệm bảo vệ tổ quốc, bảo vệ biên giới, nâng cao cảnh giác ý thức bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, Đoàn Thanh niên và hội Cựu chiến binh cũng phải nhập cuộc một cách tích cực.
Việc tuyên truyền những ngày mang ý nghĩa lịch sử như trên thể hiện sự thẳng thắn trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Trung Quốc: ải Nam Quan không thể không nhắc đến, chiến tranh xâm lược vào năm 1979 không thể không nhắc tới…
Trước đây chúng ta chiến đấu với Mỹ, Pháp để bảo vệ Tổ quốc và bây giờ chúng ta vẫn quan hệ tốt với họ đó thôi. Việc tuyên truyền như vậy không phải là để khiêu khích TQ mà sự thẳng thắn này sẽ góp phần làm cho mối quan hệ này thêm tốt đẹp bởi vì đã là các sự kiện lịch sử thì không thể bóp méo và phải được tuyên truyền cho nhân dân được biết”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét