Quyền xem pháo hoa


Tết đã qua. Nhưng dư âm của tiếng pháo phi pháp vẫn còn. Thủ tướng vừa chính thức phê bình. Phải nói ngay rằng tình trạng đốt pháo dịp tết năm nay chỉ diễn ra ở vài tỉnh miền Bắc, chủ yếu là vùng nông thôn, chưa đến mức nghiêm trọng có thể tạo nên phản ứng dây chuyền vào những năm sau. Dư luận, báo chí đã nêu, phân tích nhiều khía cạnh khác nhau của hành vi đó, nhìn chung là phê phán sự vô chính phủ, coi thường kỷ cương phép nước của một bộ phận dân chúng trong khi cả nước nghiêm túc thực hiện. Bài viết này chúng tôi xin đi vào một khía cạnh khác.

Chúng ta đều biết việc cấm đốt pháo đã được Chính phủ ban hành cách nay gần hai chục năm. Cụ thể, sau rất nhiều cân nhắc lợi hại, thăm dò dư luận nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân, cộng với sự kiên quyết của Chính phủ, tháng 8.1994 Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký ban bố Chỉ thị về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Kể từ tết nguyên đán Ất Hợi 1995 cả nước dường như im tiếng pháo. Các làng pháo cổ truyền như Bình Đà, Đồng Kỵ, Nam Ô… chuyển đổi sản xuất, cửa hàng không bán pháo, người dân không đốt pháo, các lực lượng chức năng làm việc tích cực, nên việc thực hiện chỉ thị rất nghiêm túc. Dĩ nhiên không tránh khỏi nảy sinh sự tiếc nuối khi một nét đặc trưng của tết đã không còn, nhớ tràng pháo trong “cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, tiếng pháo nổ “mơ tết mơ xuân mơ tiếng pháo”. Không tiếng pháo giòn rã lúc giao thừa, liệu tết có kém vui? Dường như lường trước được tâm trạng đó, chỉ thị của Chính phủ cũng nêu rõ “Trong các ngày lễ lớn, các ngày tết, ngày hội có tổ chức bắn pháo hoa, đốt pháo hoa thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải thông báo cho nhân dân biết thời gian, địa điểm bán pháo hoa, đốt pháo hoa”. Từ đó, pháo hoa đã thế chỗ cho tiếng pháo nổ để đem lại niềm vui cho cộng đồng ngày tết.
Phải ghi nhận sự chuyển đổi tự giác từ dân chúng để thấy những chủ trương đúng, hợp tình hợp lý của Nhà nước luôn được người dân thông suốt, quán triệt, đồng tình. Suốt bao năm kể từ khi cấm pháo nổ, bà con đã chuyển sang trạng thái chờ đợi pháo hoa phút giao thừa. Pháo hoa đem lại niềm hứng khởi, náo nức, cảm giác thăng hoa đón xuân về. Xem bắn pháo hoa dần trở thành lệ thành nếp của toàn xã hội trong thời khắc thiêng liêng chuyển từ năm cũ sang năm mới. Pháo hoa tự thân nó đem cho con người quyền bình đẳng, ai cũng được thưởng thức, bất kể già trẻ gái trai, làm gì, ở đâu.

Nhưng thực tế không hẳn vậy. Kể từ khi có chỉ thị của Chính phủ, năm nào cũng vậy, cứ trước tết nguyên đán hoặc lễ lớn là Chính phủ lại ra quy định về việc bắn pháo hoa. Nơi nào được bắn, bắn bao lâu, tầm cao bao nhiêu, bao nhiêu vị trí…, cụ thể chi li lắm. Và chỉ có thành phố, những thành phố lớn, nhận được ân sủng đó. Tuyệt nhiên không đoái hoài đến những tỉnh lẻ. Tuyệt nhiên không quan tâm đến vùng nông thôn. Dường như pháo hoa chỉ dành cho người sống nơi đô hội, vốn đã thừa những dịch vụ vui chơi giải trí. Chính quyền lúc nào cũng hô hào quan tâm đến tam nông, đề cao nông dân, nhưng đã bao giờ chỉ đạo đem pháo hoa về nông thôn dịp tết bắn cho bà con xem chưa, hay chỉ quẩn quanh ở thành phố. Nông dân chân lấm tay bùn không cần vui, không cần háo hức đón giao thừa chắc? Người nông dân xưa nay luôn bị bỏ quên, lép vế, thiệt thòi. Cả xã hội này ai cũng ăn cơm nhưng không thèm nhớ nông dân. Rất nhiều người coi việc bắn pháo hoa ở thành phố lớn là chuyện đương nhiên, còn nông thôn không có cũng chả sao. Coi qua tivi cũng được. Tôi đồ rằng trong cái sự xé rào pháp luật đốt pháo nổ vừa qua có một phần lỗi ở những người làm chính sách. Đừng lấy lý do chi phí, ngân sách hạn hẹp. Bỏ đồng tiền ra thu cái lợi quá lớn là lòng dân, chả có gì phải phân vân. Tại sao không xã hội hóa việc bắn pháo hoa tết, như chính quyền Đà Nẵng vẫn làm với lễ hội pháo hoa sông Hàn? Chỉ vướng ở chỗ có thực sự quan tâm đến nông thôn, nông dân hay không thôi.

4.3.2013
Nguyễn Thông
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét