Các nhà báo tiếp tục tố cáo tham nhũng

*Hai nhà báo Hữu Nguyên và Nguyễn Mạnh Thắng (báo Đại đoàn kết) vừa tiếp tục chuyển cho tôi bài viết tố cáo những vụ tham nhũng tiêu cực xảy ra ở cơ quan báo chí này. Xin đưa lên đây với chập chờn hy vọng biết đâu những vị lãnh đạo MTTQ Việt Nam, Ban Chỉ đạo phòng chng tham nhũng trung ương, Ban Nội chính trung ương đọc và quan tâm xử lý.

Chính ông Đinh Đức Lập mới là đối tượng có hàng loạt sai phạm cần phải đình chỉ công tác để xem xét kỷ luật 
HỮU NGUYÊN

Trước tình hình hết sức nhức nhối và đáng quan ngại tại báo Đại Đoàn Kết, cũng như tâm lý của những người đang làm việc tại báo Đại Đoàn Kết và trong giới báo chí, với trách nhiệm của một người làm báo, hơn thế nữa trách nhiệm của một công dân khi phác giác ra những hành vi tiêu cực nghiêm trọng, vi phạm pháp luật của người có chức có quyền, ngày 17/6/2012 tôi đã gởi bức thư trình bày các nội dung sai phạm mang tính hệ thống của ông Đinh Đức Lập (lúc đó đang là bí thư chi bộ) tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết, tới các vị lãnh đạo cao nhất của cơ quan chủ quản báo Đại Đoàn Kết là MTTQ VN.

Ngay sau khi bức thư gởi Chủ tịch MTTQVN Huỳnh Đảm nói về một số sai phạm nghiêm trọng của tổng biên tập Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết được gởi đi nhân kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam tháng 6/2012 tôi đã nhận được nhiều lời đe dọa từ ông Lập.  Đầu tiên là những phát biểu của ông Lập tại các cuộc họp giao ban chuyên môn hàng ngày với các lãnh đạo ban. Ông Lập dùng nhiều thủ đoạn nhằm công kích cá nhân tôi và phủ nhận 100% những điều tôi nói trong thư gởi Chủ tịch Huỳnh Đảm đều sai sự thật. Căn cứ vào những tuyên bố “hùng hồn” ồn ào bất chấp sự thật và cơ sở pháp lý nhưng mang đầy chất cảm tính như vậy, ông Lập đòi sẽ “xử lý” tôi.

Tưởng ông Lập chỉ bức xúc phát biểu thiếu kiềm chế, thế nhưng ngày 24/6/2012 ông Lập đã chỉ đạo phát công văn triệu tập tôi ra Hà Nội để “trao đổi và làm rõ những nội dung” trong lá thư của tôi gởi Chủ tịch Huỳnh Đảm và các Phó chủ tịch UBTW MTTQVN.

Cách hành xử này đã phản ánh đúng bản chất làm việc cảm tính, tùy tiện, vô nguyên tắc và chụp mũ, áp đặt của ông Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết mà tôi đã đề cập trong lá thư đề ngày 17/6/2012 gởi lên Chủ tịch Huỳnh Đảm cùng các vị lãnh đạo khác của MTTQVN. Nội dung trong thư là phản ánh những sai phạm nghiêm trọng của tổng biên tập Đinh Đức Lập trong hành xử công vụ tại báo Đại Đoàn Kết gây hậu quả xấu cho sự phát triển của báo và ảnh hưởng không tốt tới uy tín chính trị của MTTQVN (cơ quan chủ quản của báo Đại Đoàn Kết). Vì vậy, việc ông Lập triệu tập tôi ra Hà Nội để làm rõ các vấn đề trong thư nói trên là vượt quá thẩm quyền của ông và không giải quyết được vấn đề. Hành động đó của ông Lập thực chất là biểu hiện cụ thể hóa của những lời đe dọa sẽ “xử lý” tôi trước đó của ông.

Tiếp đó, ông Lập liền chỉ đạo ban hành Thông báo số 14-TB/BBT.ĐĐK ngày 17/7/2012 Kết luận của Ban Biên tập sau khi làm việc với Trưởng ban Đại diện TP.HCM có ghi rõ nội dung thứ 5 như sau: “Ban Biên tập sẽ chủ động thành lập tổ công tác độc lập để xem xét các nôi dung trong thư của ông Hữu Nguyên gửi Chủ tịch Huỳnh Đảm và một số Phó chủ tịch MTTQVN đề ngày 17/6/2012 và sẽ thông báo công khai kết quả xem xét”. Nội dung này càng cho thấy sự lạm quyền, ý thức về tổ chức kỷ luật cũng như nhận thức và năng lực vận dụng luật pháp của ông Đinh Đức Lập có vấn đề. Thư gởi cho Chủ tịch và các Phó chủ tịch MTTQVN là các vị lãnh đạo cơ quan cấp trên của ông Lập, để tố cáo các hành vi sai phạm của ông Lập Vậy mà ông Lập đòi lập tổ công tác độc lập để giải quyết các nội dung tố cáo chính ông. Chẳng hiểu ông căn cứ trên cơ sở pháp luật nào để ban hành văn bản hành chính công khai có nội dung tùy tiện như vậy?

Hành xử và thái độ kỳ lạ đó của ông Lập không chỉ xâm phạm trực tiếp đến cá nhân tôi trong việc thực hiện quyền bày tỏ chính kiến, quyền giám sát, thực thi dân chủ cơ sở của người lao động.  Hơn thế nữa,  nếu như có sự phớt lờ, bao biện về các sai phạm, cũng như nếu xảy ra sự thiếu trách nhiệm trong nhìn nhận, xử lý nghiêm túc những tồn tại do tổng biên tập Đinh Đức Lập gây ra đối với báo Đại Đoàn Kết, thì hệ quả tiêu cực đối với tờ báo có 70 năm truyền thống vẻ vang tiếp tục hết sức nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của MTTQVN. 

Hàng loạt vụ việc tiêu cực nghiêm trọng có hệ thống gắn liền với gắn liền với cung cách quản lý lạ lùng,  hành xử tùy tiện của ông Lập không dựa trên nền tảng đạo đức công vụ, đạo đức con người và các nguyên tắc theo quy định của pháp luật khiến tôi thấy cần thiết phải thực hiện quyền tố cáo của công dân theo quy định của Luật Tố Cáo được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam Khoá XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11/11/2011 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2012; đồng thời căn cứ vào chỉ đạo của UBTƯMTTQVN triển khai thực hiện nghiêm túc tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, Khóa 11: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Trong đó khẳng định phương châm: “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh”.

Vì các lý do đó, ngày 10/7/2012 tôi đã làm đơn chính thức tố cáo lên các vị lãnh đạo UBTƯMTTQVN một số hành vi sai phạm của ông Đinh Đức Lập - Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết, đã và đang trở thành vấn nạn, là lực cản nghiêm trọng tới sự phát triển lành mạnh của báo Đại Đoàn Kết và làm ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín chính trị của MTTQVN.

Không chỉ phân biệt đối xử Bắc – Nam trong chính sách chế độ gây thiệt thòi bất công cho tất cả cán bộ lãnh đạo, phóng viên, nhân viên của báo Đại Đoàn kết công tác ở phía Nam. Riêng bản thân tôi sau khi thẳng thắn thực hiện quyền công dân trước hàng loạt sai phạm của ông Lập, từ đó tôi liên tục phải hứng chịu nhiều đòn trả thù tệ hại và bẩn thỉu của chính ông Đinh Đức Lập đang nắm quyền thủ trưởng cơ quan báo Đại Đoàn Kết. Ngoài việc ông Lập luôn tìm cách bôi xấu cá nhân tôi trong các cuộc họp giao ban lãnh đạo ban hàng ngày mà không có mặt tôi cho tới việc ông chính thức cản trở việc tôi thực thi các công tác nghiệp vụ của mình. Ông Lập còn ra sức gây khó khăn về kinh tế tài chính cho tôi bằng cách lần lượt tìm đủ mọi lý do để cắt giảm hầu hết các khoản thu nhập hợp pháp của tôi tại báo Đại Đoàn Kết. Cụ thể vào ngày 19/8/2012, ông Đinh Đức Lập đã chỉ đạo cho Trưởng ban Đại diện TP. HCM truyền đạt cho tôi mệnh lệnh của ông tước mất quyền tham gia các cuộc họp giao ban chuyên môn hàng ngày của lãnh đạo cơ quan mà nhiều năm qua tôi vẫn thực hiện bình thường theo quy chế của báo.

Sau nhiều tháng – cho tới nay tôi vẫn chưa nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền là MTTQVN kết luận tố cáo của tôi đối với ông Đinh Đức Lập theo luật định thì nghiêm trọng hơn, trưa ngày 18/3/2013 Trưởng ban Đại diện TP.HCM đã trao tận tay  quyết định của tổng biên tập Đinh Đức Lập tạm đình chỉ công tác của tôi trong thời gian 01 tháng (kể từ ngày 15/3/2013 đến hết ngày 14/4/2013) để làm bản giải trình vì lý do: tuyên truyền những vấn đề nội bộ của Báo, đã tạo dư luận không tốt, làm ảnh hưởng đến uy tín và sự phát triển của báo Đại Đoàn Kết. Quyết định mang số 12-QĐ/TBT.ĐĐK được ông Đinh Đức Lập ký ngày 14/3/2013, được ghi rõ trong phần chú thích là “QĐ KỶ LUẬT”. Ngay sau khi ban hành quyết định trái pháp luật này, ông Lập đã chỉ đạo cho bộ phận kế toán tài chính báo Đại Đoàn Kết cắt 50% tiền lương cơ bản mà tôi lẽ ra phải được hưởng đầy đủ theo quy định của pháp luật hiện hành.



Không cần phải am hiểu pháp luật một cách sâu sắc cũng thấy rõ ràng rằng đây là một quyết định hoàn toàn trái pháp luật của ông Đinh Đức Lập. Mà mục tiêu của ông Lập là tiếp tục gia tăng cường độ trù úm, trả thù một cách bạo ngược những người tố cáo, phanh phui các bê bối của ông tại báo Đại Đoàn Kết. Đối với ông Đinh Đức Lập những người dám tố cáo công khai, minh bạch các sai trái nghiêm trọng, sự bê tha xuống cấp về đạo đức trong hành xử công vụ của ông là những người có tội với báo Đại Đoàn Kết. Ông đã hoàn toàn nhầm lẫn, ngộ nhận và đánh đồng bản thân cá nhân ông, các sai phạm trong hành xử công vụ của ông với tờ báo Đại Đoàn Kết có bề dày lịch sử và truyền thống vẻ vang lâu đời. Trong khi ông chỉ mới về “ngồi nhầm chỗ” (vì không đủ tiêu chuẩn theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước) tại vị trí đứng đầu tờ báo danh tiếng này chỉ mới có vài năm mà đã làm tổ chức nhân sự tờ báo biến động liên tục, mất đoàn kết nghiêm trọng, mất cơ hội phát triển và đang có nguy cơ đứng bên bờ vực thẩm.

Trước hành động ban hành một quyết định hành chính trái pháp luật của ông Đinh Đức Lập nhằm mục đích gia tăng mức độ trù dập, trả đũa và khủng bố người tố cáo, cụ thể là nhắm vào các quyền và lợi ích hợp pháp của tôi. Căn cứ vào các quy định của luật pháp hiện hành, tôi thấy cần thiết phải khẳng định các vấn đề như sau:

Thứ nhất, đây là một quyết định hoàn toàn trái pháp luật vì đã căn cứ vào một lý do không có cơ sở pháp lý để ban hành. Ông Đinh Đức Lập đã chụp cho tôi cái mũ “tuyên truyền những vấn đề nội bộ của báo” để làm căn cứ, lý do ra quyết định tạm đình chỉ công tác của người tố cáo các bê bối của cá nhân ông trong hành xử công vụ tại báo Đại Đoàn Kết.

Những việc làm của tôi liên quan tới việc tố cáo các sai phạm của chính cá nhân ông Đinh Đức Lập với tư cách là tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết là hoàn toàn phù hợp với tinh thần thượng tôn pháp luật, phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước động viên, kêu gọi toàn dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên có chức có quyền, góp phần hiệu quả vào công cuộc phòng chống tham nhũng. Cái gọi là “tuyên truyền những vấn đề nội bộ của báo” trong quyết định sai trái của ông Lập hòng “chụp mũ” tôi nếu gọi đúng tên của nó thì đó chính là những việc làm hoàn toàn tuân theo pháp luật nhằm tố cáo các hành vi vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng; vi phạm pháp luật Nhà nước, quy chế của Chính phủ; vi phạm đạo đức công vụ của người đảng viên, công chức đang ở vị trí lãnh đạo và vi phạm đạo đức nghề báo của đảng viên, tổng biên tập Đinh Đức Lập.

Những hành vi bê bối đó thuộc trách nhiệm cá nhân của ông tổng biên tập Đinh Đức Lập mà bất cứ công dân, cán bộ, công nhân viên chức nào phát hiện ra cũng có quyền và nghĩa vụ chống tiêu cực, chống tham nhũng, tố cáo tới các cơ quan chức năng và công khai minh bạch trước công luận để có sự giám sát của xã hội. Các bê bối, sai phạm của ông Đinh Đức Lập không phải là chuyện nội bộ của báo Đại Đoàn Kết mà chính là sai phạm, bê bối của cá nhân đảng viên, công chức đang nắm giữ vị trí lãnh đạo được điều chỉnh bởi nguyên tắc Đảng và luật pháp Nhà nước, trong đó có Luật Công chức, Luật Phòng chống tham nhũng... Nếu phân tích đầy đủ các sai phạm, bê bối trong thi hành công vụ của ông Đinh Đức Lập thì ngoài việc vi phạm các nguyên tắc Đảng (vì ông là đảng viên) ông Lập còn có nhiều hành vi vi phạm các quy định trong Luật Công chức, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Lao động, Luật Tố cáo... cũng như hàng loạt các quy định của Chính phủ, nghị quyết của UBTW MTTQ VN....

Quá trình giải quyết đơn thư tố cáo của tôi cùng với nhiều nhà báo khác tại báo Đại Đoàn Kết cùng tố cáo hàng loạt sai phạm, bê bối khác của ông Đinh Đức Lập với tư cách vừa là đảng viên, bí thư chi bộ (nhiệm kỳ trước), tổng biên tập... đã bị kéo dài quá thời gian quy định của luật pháp hiện hành. Cho tới đầu tháng 1/2013 chúng tôi mới được Ủy ban kiểm tra Đảng ủy MTTQVN mời tới  46 Tràng Thi, Hà Nội để nghe thông báo kết luận vắn tắt kết quả giải quyết đơn thư tố cáo. Căn cứ vào quy định của Luật Tố cáo chúng tôi có yêu cầu đơn vị có thẩm quyền giải quyết tố cáo cung cấp kết luận bằng văn bản, nhưng không được đáp ứng. Cho tới nay, những người tố cáo ông Đinh Đức Lập vẫn chưa hề nhận được bất cứ văn bản kết luận nào của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, mặc dù được biết rằng bản tóm tắt kết luận mà đại diện MTTQ VN đọc cho chúng tôi nghe đã bị biên tập lại, bị cắt xén theo hướng làm nhẹ vấn đề chưa phản ánh đúng tính chất và mức độ sai phạm có hệ thống của ông Đinh Đức Lập, song vẫn phải thừa nhận gần 80% nội dung tố cáo là đúng, là có cơ sở. Đó chính là cơ sở để quần chúng nhận thấy ông Đinh Đức Lập không còn đủ tư cách là cán bộ công chức, là đảng viên theo quy định của pháp luật Nhà nước và quy định của Đảng.

Nhận thấy việc giải quyết đơn thư tố cáo có dấu hiệu có sự can thiệp, bao che khiến cho việc kết luận chính thức cũng như xử lý người sai phạm là ông Đinh Đức Lập có khả năng bị làm biến dạng theo chiều hướng có lợi cho người có sai phạm. Trong lúc đó, ông Lập ra sức huênh hoang rằng ông đã có kết luận giải quyết tố cáo, rằng ông không hề có sai phạm gì cùng với việc ra sức đe dọa, trả thù người tố cáo ngày càng dã man hơn, tinh vi hơn, sắp tới đây sẽ kỷ luật với hình thức cao nhất những người dám tố cáo ông. Đồng thời, các yêu cầu về việc bảo vệ người tố cáo đang bị ông Lập ra sức trù dập dã man bị phốt lờ; yêu cầu về cung cấp công khai bản kết luận bằng văn bản không được MTTQ VN  giải quyết....

Việc công khai các thông tin tố cáo ông Đinh Đức Lập lên các phương tiện truyền thông, mạng thông tin điện tử cũng là một trong các kênh thông tin góp phần vào việc giám sát hành vi công vụ của cán bộ, công chức được ghi trong khoản 1 điều 65 của Luật Phòng chống tham nhũng. Việc nhân dân giám sát hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức và đưa những thông tin này lên các trang mạng thông tin điện tử để tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức đã từng được cơ quan chức năng ghi nhận như là bằng chứng ban đầu để điều tra vụ án và đi tới xét xử tại tòa án. Hơn nữa, nhiều nội dung tố cáo của chúng tôi có liên quan tới ông Đinh Đức Lập đã từng được báo chí chính thống của Việt Nam đăng tải công khai, như báo Người Cao Tuổi chẳng hạn [xem ở đây].

Ví vụ mới đây nhất, ngày 20/12/2012, tòa án Nhân dân huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đã tuyên phạt các đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi săt bắt và giết hại các cá thể voọc chà vá quý hiếm với mức hình phạt cụ thể như sau:  Đối tượng Hà Văn Tú: 24 tháng tù giam. Đối tượng Hà Văn Quế: 28 tháng tù giam. Đối tượng Bùi Văn Hùng: 12 tháng tù giam. Trước đó, chính các trang mạng thông tin điện tử đã tỏ ra bức xúc trước hành vi giết hại dã man hai cá thể vọoc của một nhóm thanh niên. Ngay sau đó, cơ quan điều tra đã vào cuộc và kết quả là đã làm rõ sự việc nhóm thanh niên trong đó có quân nhân tham gia vụ giết 2 cá thể  Voọc chà vá chân xám rồi tung hình ảnh lên mạng. Trong đó có binh nhất Nguyễn Văn Quang (Trung đoàn 7, thuộc Quân đoàn 3) cùng 2 chiến sĩ khác đã mua 2 cá thể Voọc từ nguồn bên ngoài, sau đó nhờ người khác làm thịt. Kết thúc quá trình điều tra, hình thức kỷ luật đã được đưa ra đối với các quân nhân này. Cụ thể, quyết định tước danh hiệu chiến sĩ binh nhất Nguyễn Văn Quang và trả về địa phương. Cùng đó, hai chiến sĩ còn lại cũng bị kỷ luật cảnh cáo [tham khảo http://dantri.com.vn/xa-hoi/cac-doi-tuong-giet-hai-vooc-quy-linh-12-28-thang-tu-686865.htm].


Các văn kiện nghị quyết của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước cũng như phát biểu của nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc phòng chống tham nhũng (được xem là một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ) luôn khẳng định và nhấn mạnh tính chất công khai minh bạch, dám nhìn thẳng vào sự thật và dám nói lên sự thật. Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Tố cáo và nhiều văn bản pháp luật khác của Nhà nước ta hiện nay hết sức coi trọng việc bảo vệ người tố cáo, tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho người tố cáo để họ có thể dám nói lên sự thật mà không bị trù úm, bức hại bởi những kẻ đang có chức có quyền trong tay. Việc chúng tôi công khai minh bạch các nội dung và bằng chứng tố cáo các sai phạm, bê bối trong thi hành công vụ của ông Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết là hoàn toàn tuân theo pháp luật, phù hợp với pháp luật cũng như thực hiện đúng tinh thần chủ trương của Đảng động viên nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên có chức có quyền để phòng chống tham  nhũng, trong trường hợp này là thực hiện quyền và nghĩa vụ tố giác sai phạm của cá nhân ông Đinh Đức Lập với tư cách là tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết.  Những nội dung đó không phải là “tuyên truyền những vấn đề nội bộ của báo” như ông Đinh Đức Lập “chụp mũ” tôi trong quyết định 12 ngày 14/3/2013 để ra lệnh đình chỉ công tác tôi. Quyết định số 12 của ông Đinh Đức Lập là một quyết định trái pháp luật, lại thêm một hành vi nữa ngày càng nghiêm trọng hơn trong bộ hồ sơ trù dập dã man người tố cáo của ông Đinh Đức Lập.

Thứ hai, trong quyết định số 12 ông Đinh Đức Lập tiếp tục quy chụp tôi “đã tạo dư luận không tốt, làm ảnh hưởng đến uy tín và sự phát triển của Báo Đại Đoàn Kết”. Rõ ràng đây là một hành vi “gắp lửa bỏ tay người” của ông Đinh Đức Lập.Nếu không có các hành vi liên tục sai phạm, bê tha một cách có hệ thống vi phạm nguyên tắc Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước, vi phạm đạo đức  công vụ, đạo đức nghề nghiệp, trù dập dã man người tố cáo, liên kết bè phái bao che, gây khó khăn cho người tố cáo, cho công tác giải quyết tố cáo, của ông Lập và nhóm lợi ích thì làm sao có các nội dung tố cáo mà chúng tôi buộc lòng phải viết ra, gởi tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền và công khai minh bạch trước công luận để giám sát theo pháp luật? Điều mà tôi cũng như bất kỳ người tố cáo nào cũng phải chịu trách nhiệm là chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung mà chúng tôi tố cáo. Để kết luận chúng tôi tố cáo đúng hay sai, có chịu trách nhiệm trước pháp luật hay không, hoàn toàn không thuộc về thẩm quyền của ông Đinh Đức Lập. Do vậy, ông Lập không đủ tư cách và thẩm quyền để có thể đưa ra kết luận rằng chúng tôi “đã tạo dư luận không tốt, làm ảnh hưởng đến uy tín và sự phát triển của báo Đại Đoàn Kết”. Trong khi chính cơ quan chủ quản của ông Lập đã kết luận phần lớn các tố cáo của chúng tôi về các sai phạm của ông Lập tại báo Đại Đoàn Kết là đúng và có cơ sở. Nếu nói có ai đó đã tạo ra dư luận không tốt, làm ảnh hưởng đến uy tín và sự phát triển của báo Đại Đoàn Kết thì không ai khác hơn chính là ông tổng biên tập Đinh Đức Lập với nhiều sai phạm nghiêm trọng đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận.

Thứ ba, Điều 54 Luật Viên chức của Nước CHXHCN Việt Nam ghi rõ: “1. Trong thời hạn xử lý kỷ luật, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định tạm đình chỉ công tác của viên chức nếu thấy viên chức tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý kỷ luật. Thời gian tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng không quá 30 ngày. Hết thời gian tạm đình chỉ công tác, nếu viên chức không bị xử lý kỷ luật thì được bố trí vào vị trí việc làm cũ. 2. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác, viên chức được hưởng lương theo quy định của Chính phủ”.

Trước khi ban hành Quyết định 12 Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết không có cơ sở pháp lý nào để kỷ luật tôi về “tội” thực hiện quyền tố cáo các sai phạm của ông Đinh Đức Lập. Ông Lập với tư cách là tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết cũng không thể có cơ sở và chưa hề có văn bản hay tiến hành bất cứ trình tự, thủ tục nào để xem xét kỷ luật tôi theo luật định. Điều đó có nghĩa là cho tới nay tôi vẫn là một viên chức đang công tác bình thường không hề bị rơi vào trường hợp “đang trong thời hạn xử lý kỷ luật” như quy định của pháp luật. Do vậy, ngay cả lý do nêu trong Quyết định 12 là đúng, ông Đinh Đức Lập cũng không có quyền ra quyết định đình chỉ công tác của tôi. Huống chi, các lý do nêu ra trong quyết định 12 đều không có cơ sở pháp lý như tôi đã phân tích ở trên.

Căn cứ vào các lý do trên, căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, cơ sở pháp lý của quá trình tố cáo các sai phạm, bê bối của tổng biên tập Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết tôi hoàn toàn không chấp nhận Quyết định số 12 ngày 14/3/2013 do ông Đinh Đức Lập ban hành vì đây là một quyết định hành chính không có cơ sở pháp lý, một hành vi làm trái pháp luật của ông Đinh Đức Lập nhằm trù úm dã man người tố cáo các việc làm sai trái, bê bối trong hành xử công vụ của ông.

Luật Tố cáo của Nước CHXHCN Việt Nam cũng đã dự trù các hành vi trù dập người tố cáo của chính những người bị tố cáo thường là đang nắm giữ chức vụ quyền hạn trong tay nên dành cả một chương nói về các quy định bảo vệ người tố cáo. Trong đó Điều 37 (Bảo vệ người tố cáo tại nơi công tác, làm việc) khoản 4 quy định: “Khi nhận được yêu cầu của người tố cáo, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, xác minh; nếu yêu cầu của người tố cáo là chính đáng thì áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền hoặc yêu cầu người có thẩm quyền áp dụng biện pháp để bảo vệ như sau:
a) Đình chỉ, tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý kỷ luật hoặc quyết định khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo; b) Khôi phục vị trí công tác, vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người tố cáo; c) Xử lý kịp thời người có hành vi trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo; d) Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật”.

Căn cứ vào quy định này của Luật Tố cáo, tôi khẩn thiết đề nghị quý vị lãnh đạo MTTQ VN xem xét hủy bỏ toàn bộ quyết định số 12 của ông Đinh Đức Lập. Vì đây là một quyết định trái pháp luật, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo được pháp luật bảo vệ.

Nhân đây tôi cũng xin phép nói thêm về trường hợp xử lý kỷ luật liên quan tới các sai phạm, bê bối của ông Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết. Theo kết luận của Ủy ban kiểm tra Đảng ủy UBTW MTTQ VN mà chính tôi được nghe đọc tại số 46 Tràng Thi thì hầu hết các tố cáo của tôi về các sai phạm của ông lập đều  đúng và có cơ sở. Tại cuộc họp chi bộ mới đây của báo Đại Đoàn Kết để xử lý kỷ luật đảng viên, tổng biên tập Đinh Đức Lập đại diện của Ủy ban kiểm tra Đảng ủy MTTQVN cũng đã khẳng định hầu hết các tố cáo sai phạm của ông Lập đều có cơ sở và đảng ủy đã thống nhất xem xét hình thức kỷ luật đối với ông Lập. Điều đó có nghĩa là ông Đinh Đức Lập đang trong thời gian được cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật. Điều 81 Luật Cán bộ, Công chức ghi rõ: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, nếu để cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý. Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 15 ngày; nếu cán bộ, công chức bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì thời gian tạm giữ, tạm giam được tính là thời gian nghỉ việc có lý do; hết thời hạn tạm đình chỉ công tác nếu cán bộ, công chức không bị xử lý kỷ luật thì được tiếp tục bố trí làm việc ở vị trí cũ”.

Ông Đinh Đức Lập đang giữ vị trí người đứng đầu cơ quan báo Đại Đoàn kết, đang nắm quyền lực trong tay, đang có điều kiện để điều khiển một nhóm lợi ích xu nịnh, a dua có khả năng gây khó khăn cho việc cơ quan có trách nhiệm xem xét kỷ luật bản thân ông một cách khách quan; có nhiều khả năng ông Lập dùng quyền lực hiện có của mình để o ép, khống chế, mua chuộc một số cán bộ, đảng viên dưới quyền bỏ phiếu theo chỉ đạo của ông, trái với nguyện vọng ý chí thật sự của người bỏ phiếu; hoặc có thể ông Lập làm sai lệch hồ sơ, bao che cho những người cùng sai phạm bỏ trốn tránh các cuộc điều tra, đổ cho người khác gánh tội thay....  Trong trường hợp này chính ông Đinh Đức Lập mới là đối tượng có nhiều sai phạm nghiêm trọng (đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền) phù hợp với quy định của pháp luật để có thể bị đình chỉ công tác bởi một quyết định của cơ quan chủ quản là UBTW MTTQ VN  phục vụ cho quá trình xem xét kỷ luật ông một cách khách quan, minh bạch và công bằng nhất.
Hữu Nguyên
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét