Ghi chép trên xứ chùa tháp 6: Phnom Penh – chút gì để nhớ

http://media-cdn.tripadvisor.com/media/photo-s/01/6f/fc/d4/phnom-penh.jpgSau hai ngày rong ruổi ở Siem Reap, chúng tôi đi Phnom Penh. Đây cũng là một trong những điểm đến mà tôi đã có dự tính rất lâu. Do đó, chuyến đi Phnom Penh cũng là một hành trình hào hứng. Chỉ hai ngày ở Phnom Penh không đủ để tôi chiêm nghiệm, nhưng tôi vẫn viết ra đây những cảm nhận ban đầu (cứ tạm gọi là … pilot perception). Đến đây và nghe qua truyền thuyết về thành phố Phnom Penh tôi mới biết hai chữ “Nam Vang” mà mình dùng bấy lâu nay để chỉ thủ đô của CPC là chẳng có một căn cứ nào cả!



Phnom Penh cách Siem Reap khoảng 250 km, nhưng phải tốn đến 4-5 giờ đường xe. Tuy nhiên, chẳng ai than phiền, bởi đây là chuyến đi tham quan, xe chạy càng chậm thì càng có dịp để trải nghiệm và xem xét sinh hoạt của người Khmer. Từ Siem Reap đi Phnom Penh phải qua tỉnh Kompong Cham. Như giải thích ở phần trên, Kompong là bến, Cham ở đây có lẽ đề cập đến Chiêm Thành (Chăm). Do đó, tên tỉnh này có lẽ hiểu là Bến người Chăm. Ngày xưa, Chăm thường hay tấn công vơi ý đồ chiếm đóng vương quốc Khmer, nhưng phần lớn đều không thành công vì người Khmer phản công dữ dội. Do đó, tôi nghĩ địa danh Kampong Cham chắc có một xuất sứ từ những “giao tiếp” lịch sử đó (cũng như Siem Reap vậy). Nhưng ở đây, người Khmer đặt tên liên quan đến người Chăm một cách dễ nghe hơn và không đụng chạm như Siem Reap.

Món ăn côn trùng 

Trên đường đi, xe dừng hai nơi. Nơi đầu tiên là một thị xã (tôi không nhớ thuộc tỉnh nào), nhưng nhìn qua thì thấy không thịnh vượng mấy. Chúng tôi có một bữa ăn trưa ở thị xã đó trong một nhà hàng – khách sạn. Món ăn không có gì đặc biệt, dù người hướng dẫn nói rằng nhà hàng này thuộc vào loại bậc nhất ở đây. Điểm tạm dừng chân thứ hai là một cụm quán ven đường hình như thuộc tỉnh Kompong Cham. Tôi chỉ nhớ nơi đó có bán nước uống, bánh mì, trứng gà với 80% là lòng đỏ, và vài thức ăn khác. Có một món ăn mà cho đến nay tôi vẫn chưa dám thử qua: đó là món côn trùng chiên. Côn trùng ở đây là dán, dế, cào cào, và hình như có cả nhền nhện. Nhìn qua những côn trùng này được chiên dòn rụm tôi cũng thấy thèm, nhưng vì nhớ đến mấy cái tên dế, dán, cào cào, v.v. tôi không dám thử. Tuy nhiên, nhiều người trong đoàn đều mua và ăn qua, ai cũng khen ngon. Người không khen ngon, nhưng vẫn nói lịch sự rằng “hương vị khác một cách đặc biệt”.

http://4.bp.blogspot.com/-CZjYVLtQjyQ/TpJujyx-cwI/AAAAAAAACsI/nUOMWSZ9QAA/s1600/IMG_4353.jpg
Món côn trùng chiên bơ rất ấn tượng. Nhiều du khách đến đây đều thử qua và khen ngon, nhưng tôi chưa dám thử.

Chuyện ăn côn trùng làm tôi nhớ đến một kỉ niệm cách đây trên dưới 10 năm. Thuở đó, một anh bác sĩ Thái Lan sang lab tôi làm postdoc (nay anh là giáo sư y khoa). Trong một seminar, anh trình bày mối liên quan giữa calcium và xương. Vì tôi là sếp, nên anh phải đưa cho tôi duyệt qua các slides trước khi trình bày. Nếu anh ấy nói suôn sẻ, tôi thơm lây; nếu anh ấy nói không tốt thì tôi cũng là người chịu trách nhiệm một phần. Do đó, tất cả slides của nghiên cứu sinh và postdoc, tôi đòi phải duyệt qua. Đó là văn hoá lab tôi. Khi tôi xem qua hơn 30 slides, thì tôi hãi hùng nhận ra 3,4 slides có hình côn trùng được chiên. Tôi kín đáo gọi anh vào office và hỏi mấy slides này anh muốn nói gì, anh ấy vui vẻ nói đó là một món ăn độc đáo và truyền thống ở quê anh (miền Tây Bắc Thái Lan, giáp Lào). Anh ấy tin rằng đó là những món ăn giàu chất calcium, và đó là lí do giải thích tại sao vùng đó ít có người bị gãy xương! Thú thật, tôi không thấy thuyết phục bởi cách lí giải đó, nhưng cũng lịch sự lắng nghe. Tôi hỏi anh có bằng chứng nào để củng cố cho giả thuyết của anh không, anh cười nói làm gì có, chỉ là giả thuyết thôi mà. Tôi cho anh biết rằng nếu những slides với côn trùng này được trình chiếu thì sẽ gây khó chịu cho người phương Tây. Tôi nói thân mật rằng giữa tao và mày, chúng ta hiểu nhau, tao biết rằng đúng là dân vùng quê mày và quê tao nữa hay ăn mấy món côn trùng này, nhưng tao không muốn để cho một diễn đàn khoa học phương Tây nhìn chúng ta như là những người không biết ăn uống. Tôi không dám và không muốn dùng chữ kém văn minh. Anh ta là người rất thông minh, nên hiểu ngay tôi muốn nói gì. Thế là bỏ ra mấy slides côn trùng đó. Sau này, chúng tôi gặp nhau thường xuyên và hay nhắc lại kỉ niệm đó.

Ăn côn trùng có một lịch sử lâu đời. Không phải chỉ có người Đông Nam Á (như Khmer, Thái Lan, Việt Nam, Lào, v.v.) mới có thói quen ăn côn trùng. Hoàng đế Nhật là Hirohito thích ăn cơm với ong bắp cày. Đuông dừa cũng là món khoái khẩu của bà Hoàng thái hậu Từ Dũ và Hoàng hậu Nam Phương. Ông Nguyễn Văn Thiệu, cựu tổng thống VNCH, cũng thích ăn con đuông dừa. Chẳng riêng gì VN hay Nhật, các nước Phi châu, và ngày xưa ở Âu châu, Nam Mĩ, người ta cũng ăn côn trùng. Ở Anh có vài nhà hàng chuyên bán những món ăn chế biến từ côn trùng. Một cách khách quan, ăn côn trùng cũng có vài lợi ích về sinh học và kinh tế. Một nghiên cứu gần đây phát hiện rằng trẻ em thuộc bộ lạc Burkina Faso (châu Phi) ăn mối, có những vi khuẩn trong ruột giúp tiêu hóa chất sợi thực vật và chống lại tiêu chảy, bệnh viêm đường ruột như Crohn. Ngược lại, trẻ em Ý ăn thức ăn giàu đạm động vật, đường, chất béo, có ít vi khuẩn trong ruột, dễ bị tiêu chảy và viêm ruột. Đây là một công trình nghiên cứu khá lạ lùng nhưng kỳ thú, vì nó cho thấy ăn côn trùng có thể giúp chống lại một số bệnh phổ biến như tiêu chảy ở các nước nghèo. Đại học Wageningen ở Hà Lan đang nghiên cứu việc chiết, tinh chế và sử dụng protein của côn trùng như một nguồn thực phẩm cho con người. Do đó, ở Hà Lan có hẳn một nông trại chuyên nuôi côn trùng để chế biến thành thực phẩm cho công chúng.

Thành phố Phnom Penh

Đoàn chúng tôi đến Phnom Penh vào buổi chiều. Lúc đó đã gần 4 pm, nhưng thời tiết vẫn còn oi bức. Nhìn chung, hai bên đường tương đối sạch sẽ, không có quán xá đầy đường như bên Việt Nam. Cũng không có những toà nhà cao như ở Sài Gòn. Nhà cửa của dân trông thoáng và có phần rộng hơn so với nhà cửa ở các thành phố bên Việt Nam. Xe chúng tôi đi thoải mái, không có tình trạng kẹt xe như ở Sài Gòn. Cũng chẳng thấy bóng dáng cảnh sát ở đâu. Mãi khi gần đến khách sạn mới thấy một anh chàng cảnh sát đi tuần tra, có lẽ vì đó là nơi du lịch có nhiều du khách ngoại quốc, nên lâu lâu xuất hiện một anh chàng cảnh sát. Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đến đây là một thành phố thanh bình.

Sự thanh bình đó chỉ có sau một cơn ác mộng có tên là Pol Pot. Trước năm 1975, Phnom Penh có khoảng 1.8 triệu dân. Sau cuộc diệt chủng của chế độ cộng sản Mao-ít Pol Pot thì số dân cư xuống chỉ còn vài ngàn. Ngoại trừ các quan chức của chế độ và quan chức của toà đại sứ Tàu không có thường dân nào sống ở đây. Bốn năm dưới tay Pol Pot, Phnom Penh là một thành phố chết: không có buôn bán, không có đèn điện, không có trường học, chẳng có sinh hoạt văn hoá. Giờ này nhắc lại tôi vẫn không tưởng tượng nổi làm sao và cách nào mà bọn Trung Cộng đã nhào nặn ra một tên giết người chẳng những bệnh hoạn mà còn quái gở như thế. Chắc là các quan thầy Trung Cộng cũng không ngờ được họ đã đẻ ra một quái vật như Pol Pot. Mà, nói gì Campuchea, ngay cả ở Tàu, bọn Mao-ít cũng là những tên đao phủ dã man. Trong thời gian ngự trị, bọn này đã giết chết ít nhất 47 triệu người. Chỉ riêng cái gọi là “Cách mạng Văn hóa”, Mao đã giết chết 45 triệu người (đó là con số chính thức của Đảng Cộng sản China)! Ngày nay, chúng vẫn còn đầu độc cho một vài thế hệ Tàu cộng để đi xâm lấn hải đảo và lãnh thổ của các nước lân bang. Phải nói rằng cái chế độ cộng sản Mao-ít là một tội ác của nhân loại.

Cả thành phố hình như đang trong cơn sốt xây dựng, nên đi đâu cũng thấy những công trình xây dựng. Trong đó có một công trình rất lớn mà chủ đầu tư là một người Việt Nam (ông Sáu Cò, cũng là chủ hệ thống phân phối xăng dầu Sokimex và quản lí du lịch Angkor). Có một toà nhà đang xây dở dang, nghe nói chủ đầu tư là người Hàn Quốc, nhưng xây chưa xong thì ông bị thua bài quá nặng, nên bỏ luôn. Công trình này bây giờ có chủ đầu tư mới là phu nhân của đương kim thủ tướng Hun Sen. Cũng như bên Việt Nam, phần lớn các đại gia ở đây đều là thân nhân của các quan chức cấp cao, hay chính quan chức, hay có liên hệ mật thiết với các quan chức. Thực tế này dẫn đến một sự bất bình đẳng khủng khiếp giữa người nghèo và người giàu. Người nghèo đến nổi không đủ ăn, còn người giàu thì có thể đốt tiền cả ngày không hết.

Người hướng dẫn cho biết Phnom Penh ngày xưa được mệnh danh là Hòn ngọc châu Á. Sự ví von này làm tôi nhớ đến Hòn ngọc viễn Đông của Sài Gòn. Chẳng biết ai là người sáng chế ra những ví von như thế này. Nhưng thú thật, tôi không thấy nó (cả Sài Gòn và Phnom Penh) xứng đáng với danh xưng như thế. Có lẽ do chính người Pháp “nặn” ra những ví von như thế để tạo nên một sự từ hào dỏm cho người bản xứ.

Cũng như nhiều thủ đô cổ khác trên thế giới, Phnom Penh có một lịch sử hay huyền sử thú vị. Truyền thuyết kể rằng năm 1372 trước Công nguyên, có một goá phụ giàu có tên là Daun Penh sống gần bờ sông nơi 3 con sông Mekong, Tonle Sap, và Tonle Bassac hợp lưu. Năm đó có một trận lũ lụt lớn, bà Penh chú ý đến một khúc cây nhũ hương trôi dạt vào bờ sông. Ngay lập tức, bà Penh huy động hàng xóm kéo khúc cây lên bờ. Khi bà Penh rửa bùn từ khúc cây, bà thấy một tượng Phật bằng đồng hiện ra và một tượng thần trong lỗ của thân cây. Bà Penh và những người hàng xóm rất vui khi thấy những linh vật đó, và đem về nhà bà cất giữ. Sau đó, bà cho xây một cái chòi nhỏ để thờ các linh vật mới phát hiện.

Sau này, bà nhờ dân làng góp công đấp một cái đồi ngay bên nhà của bà. Thân cây nhã hương được cắt ra và làm cột để xây một ngôi chùa ngay trên đồi. Bốn bức tượng Phật được thỉnh vào chùa, còn tượng thần thì được giữ ở một ngôi điện phía đông của đồi, vì bà nghĩ rằng đó là bức tượng có gốc từ Lào. Khi ngôi chùa được hoàn tất, bà cho mời các sư sãi trụ trì. Từ đó, ngôi chùa có tên là chùa bà Daun Penh (Wat Phnom Daun Penh). Người hướng dẫn đoàn cho xe chạy ngang ngôi chùa này để như là một minh chứng rằng truyền thuyết có thật. Sau này, người ta quen gọi tắt là Phnom Penh. Như vậy địa danh này chẳng có liên quan gì đến hai chữ Nam Vang mà tôi từng biết ngày xưa. Có lẽ chúng ta nên trả lại cái tên thật cho người ta, và ngừng cách gọi Nam Vang.
Phnom Penh được xây vào thế kỉ 15, trong thời đại vua Preah Srey Soryopor, sau khi ông rời bỏ Hoàng cung Angkor ở Siem Reap và xây một kinh đô khác ở Srey Santhor (nay thuộc tỉnh Kompong Cham). Vua Preah Srey Soryopor chỉ ở Srey Santhor đúng một năm thì lại dời đô vì lũ lụt. Sau đó, ông chọn khu đất bên cạnh sông Tonle Chaktomuk (còn gọi là sông 4 mặt). Nói 4 mặt là vì đó là nơi giao lưu giữa sông Mekong từ thượng nguồn chảy đến đây thì chia làm 2 nhánh (sông Bassec chảy vào Việt Nam thành sông Tiền và sông Hậu), và một nhánh chảy ra Biển Hồ. Nhưng sự giao lưu làm thành 4 mặt sông, nên người ta quan gọi là four faced river.

Tuy là thủ đô lâu đời, nhưng Phnom Penh không có nhiều danh lam thắng cảnh, có lẽ do chiến tranh đã tiêu hủy trong quá khứ. Theo người hướng dẫn đoàn, Phnom Penh có 2 điểm tham quan chính là cung điện hoàng gia và Chùa Vàng Chùa Bạc. Chúng tôi mua vé vào thăm cả hai địa danh. Giá vé là 25,000 riel. Chùa Vàng Chùa Bạc, hay nói đúng hơn là Chùa Bạc, và tên chính thức theo tiếng Khmer là Wat Preah Morakat. Cũng như bao nhiêu ngôi chùa khác, Chùa Bạc có kiến trúc rất đặc thù Khmer. Mái chùa rất dốc. Mái chùa uốn cao và cong vút. Tất cả góc cạnh đều được chạm trở tinh vi. Phía trong chính điện lúc nào cũng nằm theo hướng Đông-Tây, rất cao, và thoáng mát. Chung quanh chánh điện là bốn dãy hành lang rộng với hàng cột dày đặc. Mỗi đầu cột đều có gắn tượng người chim (một nửa thân là chim, nửa là người) hoặc là tiên nữ Apsara trong tư thế đứng dang hai tay đỡ mái. Các ngôi chùa Khmer ở Việt Nam cũng có kiến trúc y như thế này.

http://phuongnamstar.net/wp-content/uploads/2011/03/silver_pagoda2.jpg
Phía trước của Chùa vàng bạc

Trong khuôn viên chùa, có một số tháp. Phần lớn những tháp này mới xây, với vật liệu nhập trực tiếp từ Pháp. Nghe nói những vật liệu này rất tốt vì không phai màu theo thời gian (nghe khó tin!)

http://phuongnamstar.net/wp-content/uploads/2011/03/silver_pagoda.jpg
Những tháp trong Chùa vàng bạc được xây bằng vật liệu nhập từ Pháp. Nhưng đá này không phai màu theo thời gian, cho dù với thời tiết khắc nghiệtvùng nhiệt đới

Chùa Bạc là ngôi chùa nổi tiếng nhất của CPC, có lẽ vì nó gắn liền với hoàng gia. Chùa được xây dựng bằng 5329 miếng bạc (phần lớn là lót nền); mỗi miếng bạc hình vuông với mỗi chiều có kích thước khoảng 15-20 cm, và trọng lượng khoảng 1,125 gram.   Tất cả đều làm thủ công! Chùa là nơi lưu giữ của hơn 1600 báu vật; trong đó, có tượng Phật ngồi nghe nói làm bằng ngọc, nên được xem là “ngọc bảo”. Ngoài ra, còn một tượng Phật khác bên cạnh được đúc bằng 90 kh vàng và 2086 viên kim cương. Với những báu vật như thế, không ngạc nhiên khi biết ngôi chùa thu hút hàng triệu khách đến viếng thăm mỗi năm.

Thanh kiếm và trách nhiệm 

Sau khi tham quan Chùa Bạc, chúng tôi tạt qua khu vực hoàng cung, cũng gần đó. Địa danh chính thức của hoàng cung theo tiếng Khmer là Preah Barom Reachea Vaeng Chaktomuk. Đây là nơi ở và làm việc của vua. Hôm nào vua có mặt thì sẽ có cờ màu xanh. Hoàng cung được xây từ năm 1866, tọa lạc tại một khu đất phía Tây của ngã tư sông Mekong và Chaktomuk. Người thiết kế công trình là kiến trúc sư Neak Okha Tepninith. Nghe nói công trình này được sự tài trợ của Pháp, nhưng tôi không chắc.

Bên cạnh Quảng trường Độc Lập là một toà nhà mái ngói màu xanh, cây lá xum xuê, trông rất đẹp. Hỏi ra mới biết đó là dinh thự của đương kim thủ tướng (Hun Sen). Người hướng dẫn cho biết đây chỉ là một biệt thự của ông thủ tướng mà thôi, chứ ông và gia đình ông có rất nhiều nhà trên khắp CPC. Ở CPC, chắc cũng giống như Việt Nam, các quan chức to nhỏ khi có cơ hội và điều kiện đều đua nhau xây nhà hoành tráng. Có nhiều nhà các quan chỉ hô một tiếng là đã có các đại gia sẵn sàng cống hiến vật liệu để làm, chứ họ chẳng cần tốn tiền gì cả. Nghe chuyện này tôi tự hỏi không biết các quan chức CPC bắt chước các quan chức VN, hay ngược lại. Có lẽ ai bắt chước ai cũng chẳng có gì không quan trọng; quan trọng là cái “mô hình” tham nhũng này xem ra ngày càng phổ biến và tạo nên một khoảng cách rất lớn giữa người nghèo và người giàu trong xã hội VN và CPC.

Hôm đó, chúng tôi không may mắn, vì không được vào tham quan hoàng cung. Lí do là nhà vua Shihanouk mới băng hà, nên người ta không cho vào sâu, chúng tôi chỉ đi vòng ngoài và … nhìn vào. Hoàng cung được khá rộng, có nhiều cây xanh, có nhiều chậu kiểng lớn. Kiến trúc hoàng cung khác với kiến trúc chùa chiềng, nhưng cũng đậm bản sắc Khmer. So với cung điện ở Huế, cung điện nhà vua CPC có qui mô nhỏ hơn, nhưng được xây dựng cầu kì hơn và tinh tế hơn.
Ngay cả kiến trúc hoàng cung cũng có một ý nghĩa về quyền lực. Người hướng dẫn giải thích ý nghĩa của kiến trúc cho tôi hiểu rằng phía dưới mái nhà là một thanh gỗ dài có chạm trổ tinh vi tượng trưng cho thanh kiếm. Thanh kiếm tượng trưng cho quyền lực. Nhưng thanh kiếm được gát ngang, nhắc nhở rằng quyền lực phải được sự dụng một cách có trách nhiệm. Nghe qua, tôi phải khen kiến trúc sư: hay!

Quyền lực phải được sử dụng một cách có trách nhiệm. Trên thế giới này có mấy ai biết sử dụng quyền lực có trách nhiệm? Người ta khi có quyền lực trong tay thì trở nên những kẻ say – say quyền lực. Từ say đến lạm dụng là một ranh giới rất mong manh. Tôi chợt nghĩ lan man, và ước gì một kiến trúc và biểu tượng như thế này có mặt ở Hà Nội.

Trở về sông nước 

Không tham quan được hoàng cung, chúng tôi đi thăm Quảng trường “Độc Lập”. Quảng trường nằm phía trước hoàng cung, và đối diện với 4 mặt sông. Quảng trường rất sạch, đẹp, và thoáng. Rất nhiều chim bồ câu lượn qua lại và thỉnh thoảng xà xuống để đón những thức ăn do du khách tặng cho. Vì hôm đó nhà vua mới qua đời, nên có rất nhiều người Khmer và du khách đến viếng, dâng hương hoa. Ban tổ chức đám tang phải xây tạm một điện thờ ngay tại Quảng trường để người dân có thể đến đó thấp nhang. Hai người bạn Khmer trong nhóm tôi cũng đến đó thấp nhang tỏ lòng tôn kính với nhà vua.

Bên cạnh hoàng cung, người ta đang xây đài hoả táng và sắp hoàn tất. Đài hoả táng khá cao, và được xây theo motif chúng ta hay thấy trong chùa Khmer. Vua Shihanouk có chối lại rằng ông muốn tro của ông sau khi hỏa táng rải xuống sông. Tôi được biết ngày 5/2/2013 thi hài nhà vua đã được hỏa táng, và người ta đã làm theo ý nguyện của ông.

Cảnh hoả táng Vua Shihanouk ngày 5/2/2013

Tôi thấy hình như rất nhiều người nổi tiếng muốn được hỏa táng và rải tro xuống sông. Chẳng hiểu vì lí do gì mà người ta muốn như thế. Có lẽ từ trong tiềm thức, chúng ta là những sinh vật hình thành từ sông nước (hàng tỉ năm trước), nên khi chết chúng ta cũng muốn quay về với nước. Tro trên nước cũng có nghĩa là tự do, bồng bềnh, có thể “chu du” bất cứ nơi nào trên thế giới. Chả thế mà thi sĩ Du Tử Lê từng viết những câu thơ làm tôi xúc động:

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi sao trở lại quê nhà.

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì.

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi.

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
những năm trước bao người ngon miệng cá
thì sá gì thêm một xác cong queo.

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
cho tôi về gặp lại các con tôi
cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
từ những mắt đã buồn hơn bóng tối.

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
ôi lâu quá không còn ai hát nữa
(bài hát giờ cũng như một hồn ma).
Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn.

Du Tử Lê viết bài này vào năm 1977. Thời đó có rất nhiều người tị nạn bị chết trên biển (trong số đó có anh Hai tôi). Nên mỗi lần đọc bài này tôi đều có cảm xúc mạnh.

Tôi lại nghĩ lan man chuyện bên ta. Ông Shihanouk muốn được rải tro xuống sông, và ông đã toại nguyện. Trong khi đó cụ Hồ bên Việt Nam thì không được toại nguyện. Trong di chúc của cụ Hồ, ông có chối lại rằng ông muốn được hoả táng, và tro thì cho vào ba hộp cho ba miền Bắc, Trung, Nam. Thế nhưng như chúng ta biết người ta để ông cụ nằm mãi trong lăng lạnh lẽo, âm u, rồi bơm hoá chất; hàng ngày kéo lên kéo xuống để thiên hạ nhìn mặt. Thật là khổ cho ông cụ. Thật là không phải đạo chút nào. Nhìn như vậy để thấy Vua Shihanouk còn hạnh phúc hơn ông cụ Hồ.

Đi Chợ Vòm 

Hôm sau, chúng tôi đi Chợ Vòm. Người hướng dẫn nói rằng đã đi CPC thì cũng nên tiêu ra vài giờ để mua vài món hàng, trước là làm kỉ niệm, sau là giúp các bạn CPC. Tôi nghĩ quá đúng. Thế là cả đoàn kéo nhau ra Chợ Vòm. Cái tên này có lẽ xuất phát từ kiến trúc, chứ tên chính thức của chợ là Phsar Thom Thmei. Nhưng vì người mình ai cũng đề cập đến Chợ Vòm, nên thôi thì chúng ta theo đám đông vậy. Chợ được xây vào năm 1937, theo mô hình một cái vòm lớn ở trung tâm. Chung quanh là bốn “cánh” chợ, bán đủ thứ đồ nữ trang, quần áo, đồ gia dụng và thực phẩm. Cũng như ở những chợ khác, ở đây cũng phải thương lượng giá cả. Theo “luật” bất thành văn, những hàng hóa như quần áo, nữ trang, đồ lưu niệm, v.v. thì phải giảm 50% để tránh bị lừa hay mua quá giá. Nói thế thôi, chứ tôi thấy đồ ở đây rẻ hơn bên Việt Nam nhiều. Đối với người nước ngoài thì giá cả ở đây càng rẻ hơn.

http://vn.nagaworld.com/application/uploads/assets/cache/89_594_330_90.jpg
Một góc Chợ Vòm ở Phnom Penh

Chợ Vòm được tổ chức giống giống với Chợ Bến Thành, tức có phân khu hàng hoá đàng hoàng. Tuy nhiên, hình như Chợ Vòm sạch sẽ hơn và thông thoáng hơn Chợ Bến Thành một chút. Thú thật, ai thích đi chợ thì không biết, chứ tôi không thích đi chợ Việt Nam (kể cả cái Chợ Vòm này). Cái không khí hỗn độn, cái không gian nhầy nhụa, cái mùi “đặc trưng” lan toả trong chợ làm tôi thấy khó chịu. Ở đây, cũng như bên Việt Nam, hàng ăn mặc cũng phần lớn là đồ nhái, đồ xuất phát từ Tàu. Nhưng thỉnh thoảng cũng thấy đồ nhái từ Việt Nam (ấy là tôi nghe người bán nói, chứ tôi không phân biệt được). Họ nhái từ các hiệu nổi tiếng như Lacoste, Polo, Tommy Hilfiger, Claiborne, Nautica, Dockers, Levi, v.v. nhưng dĩ nhiên là chất lượng rất kém. Tất cả đều may một kiểu, nhưng nhãn mác thì khác nhau. Nhìn cái áo polo và xem cái cổ áo là biết ngay cách nhái không đúng kiểu. Thật vậy, cách làm hàng nhái cũng rất thô. Chẳng hạn như chỉ cần nhìn qua cách thêu con ngựa không đúng kích thước và thiếu tính sắc sảo. Mà, cần gì phải nhái cho tốt, khi giá bán chỉ 2 USD (so với hàng thật giá cả 50 USD). Dù biết là hàng nhái, nhưng nhiều người vẫn vui vẻ chi tiền mua!

Không biết có quá chăng nếu nói Việt Nam chắc là thiên đường của hàng nhái. Đi đâu, từ thành thị đến thôn quê, tôi thấy “phe ta” mặc toàn đồ hiệu xịn. Quần Dockers, áo Lacoste, kiếng Police, đồng hồ Rolex, ngồi Honda phóng như bay. Mấy hãng sản xuất các hàng này chắc rất ngạc nhiên vì họ được quảng cáo … miễn phí. Điều ngạc nhiên với tôi là nhiều người tỏ ra sành điệu nhưng vẫn không biết mình mặc đồ nhái!

Vào Chợ Vòm, tôi đã gặp ngay người Việt. Chị là chủ quầy hàng bán khô ở đây. Chị bán đủ thứ khô, nào là khô cá sặc (món tôi thích), khô cá lóc, khô cá dứa, và có cả khô rắn! Hỏi chuyện một hồi mới biết chị thuộc vào thế hệ thứ hai, sinh ra và lớn lên ở CPC, nhưng vẫn nói tiếng Việt rất tốt. Chị cho biết phần lớn những chủ hàng trong Chợ Vòm, dù không phải là người Việt, nhưng vẫn có thể nói vài ba chữ Việt để buôn bán. Nói cho ngay, đi xa mà gặp đồng hương tôi vẫn cảm thấy có cái gì ấm lòng.

Thật ra, xác suất ra đường Phnom Penh gặp người Việt rất cao, bởi vì ngay tại thủ đô này, cứ 5 người dân thì có 1 người Việt. Đó là con số mà anh hướng dẫn đoàn cho biết. Dĩ nhiên, là hai nước láng giềng, nên sự có mặt của người Việt ở CPC không có gì đáng ngạc nhiên. Ngay từ thế kỉ 17, công nương Ngọc Vạn của ta đã được vua Khmer cưới làm dâu (và sau này thành hoàng hậu, hoàng thái hậu), và theo bà là cả ngàn người Việt đến định cư. Vào thập niên 1950, có ước tính cho rằng dân số Việt ở CPC là khoảng 300 ngàn người, chiếm 7% dân số CPC. Con số đó cho đầu thế kỉ 21 là bao nhiêu thì tôi không rõ, nhưng chắc phải hơn 7%, nhất là từ khi sau khi chiến tranh kết thúc (1975) nhiều người Việt chạy sang đây tị nạn. Cũng như phần lớn người di cư khác, người Việt thích sống ở thành phố. Do đó, chỉ riêng tại thành phố Phnom Penh đã có 20% dân số là người Việt. Tôi không có dịp đi chợ người Việt phía dưới chân “cầu Sài Gòn”, vì người hướng dẫn nói chỗ đó phức tạp lắm. Chẳng hiểu “phức tạp” có nghĩa là gì, nhưng người hướng dẫn nói như vậy thì tôi cũng tạm nghe lời. Đến tối, tôi rủ anh lái xe tuk tuk đi chợ Việt Nam, nhưng anh ấy nói giờ này chẳng còn hàng quán nào mở cửa đâu. Thế là phải hẹn dịp sau.

Đáng lẽ chúng tôi đi thăm đồng hương ở Biển Hồ, nhưng vì hết thời gian (do có nhiều vị trong đoàn lang thang quá lâu trong Chợ Vòm), nên đành bỏ qua chuyến đi đó. Tôi đã từng xem qua những đoạn video do trung tâm văn nghệ Vân Sơn thu lại hình ảnh của đồng hương ta tại Biển Hồ và rất xúc động, nên định ghé qua cho biết. Họ là những người kẹt lại ở đó đã hơn 30 năm, và sống ngoài vòng pháp luật. Không nghề nghiệp vững vàng. Thế hệ thứ hai không biết tiếng Việt cũng chẳng rành tiếng Khmer. Thành ra, họ là những người sống bên lề xã hội, và chỉ sống quây quần nhau trong một môi trường bẩn thỉu. Dù biết rằng tôi không thể làm gì để giúp đồng hương, nhưng tôi nghĩ sự hiện diện của người Việt chắc cũng làm họ ấm lòng. Tôi thật không hiểu tại sao chính quyền Việt Nam không tỏ ra quan tâm đến những người đồng hương khốn khổ này. Nhưng đành phải hẹn lại dịp sau.

Thế là chúng tôi có một ngày rưỡi ở Phnom Penh. Thời gian ngắn quá, và chuyến đi chẳng khác gì “cưỡi ngựa xem hoa”, nên chẳng có ấn tượng gì hay nhận xét gì đáng ghi ra ở đây. Nhưng trong lòng thì thấy vui vui vì bộ mặt của đất nước một thời đau khổ này bây giờ đã có dấu hiệu hồi sinh.

(Còn tiếp …)
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét