Y Đức nhìn từ góc độ hệ thống

http://www.chauchang.com/wp-content/uploads/2013/01/yduc_phongbi.jpgThông thường những dịp lễ hay kỉ niệm ngành nghề, người ta thường ôn lại những thành tựu chuyên môn qua nghiên cứu khoa học và đóng góp cho cộng đồng. Thế nhưng Ngày Thầy thuốc ở Việt Nam lại là ngày người ta bận rộn với vấn đề rất cơ bản: y đức. Hai vấn đề liên quan đến y đức mà công chúng đang quan tâm hiện nay là vấn nạn “phong bì” và quyền của bệnh nhân. Bài đã gửi cho Người lao động, nhưng chắc báo không đủ "đất" để đi cho đủ, nên tôi gửi lên đây để gọi là chia sẻ cùng các bạn vài suy nghĩ cá nhân. 


Đưa “phong bì” cho nhân viên y tế là một đề tài gây ra nhiều tranh cãi. Có người cho rằng nạn phong bì chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh", nhưng trong thực tế thì không phải chỉ là vài con sâu, mà rất phổ biến đến nỗi người ta xem đó là điều bình thường. Theo một nghiên cứu tại Thành phố Hồ Chí Minh mới công bố năm qua, có đến 76% bệnh nhân được hỏi cho biết đã từng đưa phong bì cho nhân viên y tế. Một nghiên cứu trước đó ở Hà Nội cũng cho thấy khoảng 70% bệnh nhân đưa tiền cho y bác sĩ.

Thật ra, ở nước ngoài, bệnh nhân cho quà bác sĩ cũng khá phổ biến. Trong một cuộc điều tra ngẫu nhiên trên 378 bác sĩ Anh, có đến 20% cho biết họ từng nhận quà từ bệnh nhân trước đó 3 tháng. Giá trị trung bình của món quà là 15 USD. Quà thông thường nhất là rượu, kế đến là chocolate, và tiền mặt.
Tặng bác sĩ một món quà nhỏ, thậm chí tiền, có vi phạm y đức hay không còn tuỳ thuộc vào động cơ của bệnh nhân và người nhận. Cho quà để cám ơn có lẽ không có vấn đề y đức. Nhưng cho quà với động cơ tác động đến bác sĩ hay nhân viên y tế nói chung để được đặc lợi là một hình thức hối lộ, và bác sĩ nhận quà trong trường hợp này là tham nhũng. Do đó, bác sĩ nhận quà trong tình huống đó thể hiện một sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Bác sĩ có nghĩa vụ phải trung thành với bệnh nhân. Làm lời từ việc điều trị bệnh nhân là một cách vi phạm lòng trung thành đó. Nhận quà cũng làm xói mòn mối liên hệ đặc biệt mang tính đạo lí giữa bác sĩ và bệnh nhân.

Thật vậy, trong nghiên cứu vừa đề cập trên, khi được hỏi tại sao đưa phong bì, 65% bệnh nhân cho biết vì muốn được ưu tiên, được giải quyết nhanh hơn, và trong trường hợp y tá, bệnh nhân tin rằng đưa tiền là một cách mua được sự nhẹ nhàng trong tiêm chích thuốc! Một bệnh nhân ở Hà Nội nói với báo chí rằng “Nếu không có phong bì lót tay, bệnh nhân rất ít được quan tâm tận tình, chu đáo […] những người nghèo đi bệnh viện bị đối xử một cách bất công. Những người có tiền lại được đối xử một cách khác.”

Y đức ảnh hưởng đến kinh tế 

Nhưng ngay cả người giàu có cũng không mặn mà với hệ thống y tế hiện nay. Báo chí trong tuần qua cho biết mỗi năm có đến 40.000 người ra nước ngoài điều trị, và họ đã phải chi khoảng 2 tỉ USD (40 ngàn tỉ đồng) ở nước ngoài. Đó là một số tiền rất lớn. Các giới chức y tế trong nước khẳng định rằng các bệnh viện Việt Nam có đủ thiết bị và bác sĩ thừa trình độ chuyên môn để điều trị mà bệnh nhân không cần ra nước ngoài. Có giới chức tuyên bố rằng trong một số lĩnh vực, bác sĩ Việt Nam là bậc thầy, từng giảng dạy cho bác sĩ ngoại quốc. Thế nhưng, bất chấp những thành tựu tuyệt vời đó, bệnh nhân có điều kiện kinh tế vẫn tìm cách ra nước ngoài điều trị.

Khi được hỏi lí do ra nước ngoài điều trị, những bệnh nhân này cho biết họ thấy bác sĩ ngoại quốc tốt hơn về nhân cách so với bác sĩ Việt Nam, những người mà họ nghĩ rằng có vấn đề về y đức. Ngoài ra, các bệnh nhân giàu có này còn nói rằng họ không ấn tượng với môi trường bệnh viện Việt Nam (dơ bẩn, chật chội, nguy hiểm) và thích môi trường bệnh viện sạch sẽ ở nước ngoài. Nói cách khác, họ sẵn sàng chi thêm tiền chưa chắc để mua kĩ năng, nhưng để mua thái độ và y đức, để được đối xử tốt hơn, và để mua môi trường sạch sẽ. Có thể nói rằng vấn đề y đức đã ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.

Tình trạng còn nghiêm trọng hơn vì vấn nạn phong bì không hẳn chỉ do bệnh nhân “làm hư” bác sĩ, mà chính do bác sĩ chủ động. Năm 2011, kết quả khảo sát trên 6000 độc giả của báo Dân Trí cho thấy có gần 3/4 bệnh nhân đưa phong bì do bác sĩ hoặc y tá gợi ý. Những lí do đưa phong bì thì có nhiều, nhưng tựu trung lại là nhằm gây ảnh hưởng đến cách ứng xử của bác sĩ và nhân viên y tế, như một bệnh nhân nói “muốn được việc và muốn nhanh, muốn ‘đỡ đau’.” 

Vấn đề hệ thống 

Những sự thật trên đây có thể là chứng cứ cho thấy nhân viên vị phạm y đức là xuất phát từ khiếm khuyết của hệ thống y tế. Tuy có nhiều yếu tố dẫn đến vi phạm y đức, nhưng trong tình huống Việt Nam, hai yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thái độ phục vụ của nhân viên y tế chưa đạt là vấn đề quá tải bệnh viện và lương bổng.  

Việt Nam hiện nay có khoảng 1200 bệnh viện với ~185,000 giường bệnh trên toàn quốc. Trong số này, số bệnh viện tuyến huyện chiếm đa số (gần 50%), nhưng số giường bệnh tuyến huyện chỉ chiếm 31% tổng số. Gần 1/3 bệnh viện là tuyến tỉnh, nhưng số giường bệnh chiếm 50% tổng số. Tuy chỉ có 39 bệnh viện cấp trung ương (chiếm 3% tổng số bệnh viện), nhưng số giường của các bệnh viện này chiếm 11% tổng số giường bệng toàn quốc. Những con số trên đây cho thấy hệ thống điều trị chủ yếu tập trung vào một số bệnh viện cấp trung ương và tỉnh, trong khi đó cấp cơ sở (huyệ) thì thấp.

Do đó, không ngạc nhiên khi thấy tất cả bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh đều quá tải. Những bệnh viện lớn như Chợ Rẫy và Bạch Mai, số bệnh nhân lúc nào cũng cao hơn số giường từ 50 đến 70%. Riêng bệnh viện K, số bệnh nhân cao hơn số giường gấp 2.5 lần! Ngay cả các bệnh viện tuyến tỉnh cũng quá tải 15%. Xu hướng này càng ngày càng gia tăng chứ không giảm.

Trong điều kiện quá tải như thế, thời gian tiếp xúc giữa nhân viên y tế và bệnh nhân rất ngắn. Tuy chưa có nghiên cứu nghiêm chỉnh, nhưng thời gian bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân chỉ khoảng 2-5 phút. Có không ít trường hợp bác sĩ chẳng cần nói hay khám bệnh nhân, mà chỉ nhìn và ra toa thuốc. Cần nói thêm rằng nghiên cứu ở ở nước ngoài (Âu châu và Úc) cho thấy thời gian bác sĩ tiếp xúc bệnh nhân là khoảng 10 phút cho mỗi bệnh nhân (dao động trong khoảng 3 đến 30 phút). Thời gian tiếp xúc bệnh nhân có liên quan đến chất lượng phục vụ. Do đó, không ngạc nhiên khi chất lượng phục vụ y tế ở Việt Nam chưa được tốt. Trong môi trường mà bác sĩ phải khám cho cả trăm bệnh nhân với đủ loại bệnh tật và đủ thành phần thì rất khó đòi hỏi sự bình tĩnh của người thầy thuốc. Một bác sĩ tóm lược rằng ở các bệnh viện quá tải, người bác sĩ chỉ có thì giờ điều trị bệnh, chứ không thể nào có thì giờ chữa trị người bệnh. Đó cũng chính là lí do người bệnh cảm thấy bác sĩ Việt Nam vô cảm và … khó ưa.

Bệnh viện tuyến huyện nói chung không có quá tải, một số thậm chí còn được sử dụng dưới công suất. Vấn đề chính ở đây là bệnh nhân không tin vào bác sĩ cấp huyện. Trong cái nhìn của phần lớn bệnh nhân, bác sĩ tuyến huyện không có kĩ năng và kinh nghiệm cao như bác sĩ cấp trung ưng hay cấp tỉnh. Tuy chưa có nghiên cứu nào cho thấy niềm tin này là đúng, nhưng những tai biến y khoa xảy ra gần đây ở một số bệnh viện tuyến huyện là một số minh chứng cho niềm tin đó.

Về phía bệnh nhân, trong môi trường quá tải và đông đúc, họ phải tìm cách để được ưu tiên. Cho quà và tiền để gây ảnh hưởng là thiết thực nhất. Gây ảnh hưởng ở đây bao gồm được ưu tiên điều trị (không xếp hàng), được hưởng đặc lợi (như nằm phòng đặc biệt), v.v. Về phía bác sĩ, họ cũng có động cơ nhận tiền, vì đồng lương quá thấp. Có thể nói rằng chưa có Nhà nước nào trên thế giới xem thường và đối xử tệ với bác sĩ (và thầy cô giáo) như ở Việt Nam. Họ là những học sinh tinh hoa nhất, học hành lâu nhất và gian nan nhất (so với các ngành khác), nhưng khi tốt nghiệp, họ chỉ hưởng đồng lương chỉ khoảng 100-150 USD/tháng, tức không khác mấy khi so sánh với lương của một công nhân. Với một đồng lương như thế, họ khó có thể trang trải trong cuộc sống đắt đỏ hàng ngày. Trong bối cảnh đó, cám dỗ của đồng tiền rất lớn, mà không phải ai cũng có khả năng đề kháng được. Một xã hội xem rẻ rúng những người thầy (thầy thuốc và thầy dạy học) như thế thì quả là có vấn đề. Dĩ nhiên, đồng lương thấp và quá tải không phải là một biện minh cho vi phạm y đức, nhưng đó là những môi trường làm cho người ta vi phạm. 

Y đức không phải luật pháp, mà là qui ước. Đó là nhưng chuẩn mực đạo đức và điều lệ về hành nghề được các thành viên trong ngành nghề chấp nhận như là những kim chỉ nam cho việc hành nghề. Y đức, do đó, là một luật luân lí về hành vi của con người liên quan đến những gì được xem là tốt và đúng, so với những gì được xem là xấu và sai. Để xác định được một hành động hay quyết định là tốt hay xấu, người quyết định phải so sánh những lựa chọn của họ với những tiêu chuẩn mà xã hội chấp nhận. Chuẩn mực y đức, ngay từ thời Khổng Tử, đã được xem như là một chuẩn mực của đạo đức xã hội. Nếu trong một xã hội mà mọi người (hay đa số) chấp nhận việc hối lộ cho nhân viên y tế là một hành vi bình thường, thì đó cũng chính là một tín hiệu cho thấy đạo đức xã hội đang xuống cấp và mất niềm tin giữa người với người. 

N.V.T
 http://chuabenhdongy.files.wordpress.com/2011/09/danhy-lehuutrac.jpg
Y đức

Y đức hay đạo đức nghề y có lẽ chẳng xa lạ gì với người Việt và các nước chịu ảnh hưởng Khổng Tử. Hải Thượng Lãn Ông (hay Lê Hữu Trác), một danh y của Việt Nam thời giữa và cuối thế kỉ 18, từng nói đến những điều ông gọi là “Y huấn cách ngôn”, có thể hiểu và xem như là những điều lệ về y đức ngày nay.   Trong Y huấn cách ngôn, ông dạy rằng người thầy thuốc phải:
  • am hiểu đạo Nho;
  • không được phân biệt bệnh nhân giàu hay nghèo;
  • cẩn thận với khám phụ nữ;
  • lấy việc giúp người là chính chứ không màn đến phú quí giàu sang;
  • nên đặc biệt quan tâm đến bệnh nhân nghèo;
  • phải khiêm tốn và tôn trọng đồng nghiệp.
Một điều quan trọng là ông khuyên “Khi chữa cho ai khỏi bệnh rồi, chớ có mưu cầu quà cáp vì những người nhận của người khác cho thường hay sinh ra nể nang, huống chi đối với những kẻ giàu sang, tính khí bất thường mà mình cầu cạnh, thường hay bị khinh rẻ”.

Những y huấn trên đây của Hải Thượng Lãn Ông thực ra là chịu ảnh hưởng lớn từ y huấn của người Trung Hoa thời xưa. Về am hiểu Nho giáo, Hải Thượng Lãn Ông có cùng quan điểm với hay lấy từ quan điểm của Khổng Tử. Đối với Khổng Tử, nghề thầy thuốc chỉ là một ứng dụng Đạo Khổng trong việc chữa trị người; do đó, Khổng Tử xem y học là một nghệ thuật nhân văn (art of humaneness) và tinh thông những nguyên lí của Đạo Khổng là điều rất quan trọng đối với người hành nghề thầy thuốc. Khổng Tử xem nghề thầy thuốc ngang hàng với thủ tướng. Ông nói “Những ai không có cơ hội làm thủ tướng thì có thể làm thầy thuốc”, vì cả hai người (thủ tướng và thầy thuốc) đều thực hành Đạo nhân văn.

Hải Thượng Lãn Ông từng liệt kê ra một danh sách các vấn đề y đức mà ông cho là “tội”, trong đó có các tội như tội như hóng hách, lười biếng, chẩn đoán qua loa và tội dốt.  Theo ông, y sĩ mà thiếu đạo đức thì chẳng khác gì “bọn cướp”.



Y đức trong nghiên cứu

Nhưng những vấn đề y đức mà báo chí phản ảnh chủ yếu liên quan đến việc điều trị và tiếp xúc giữa bệnh nhân và bác sĩ trong bệnh viện.  Còn một lĩnh vực y đức khác chưa được bàn thảo rộng rãi ở trong nước: đó là mối tương tác giữa bác sĩ và bệnh nhân trong nghiên cứu y khoa. Y khoa tiến bộ nhờ nghiên cứu khoa học, và nghiên cứu cần sự tham gia của bệnh nhân. Sự tham gia của bệnh nhân phải dựa trên tinh thần tự nguyện và ưng thuận có ý thức. Nhưng trong nhiều trường hợp, nhiều bác sĩ đưa bệnh nhân mình vào những công trình nghiên cứu mà không nói cho bệnh nhân biết, và đó là một vi phạm y đức. Ngay cả nghiên cứu tìm hiểu ý kiến và thái độ của bệnh nhân (tức không xâm phạm thân thể) nhưng vẫn phải được xem xét qua lăng kính y đức.

Tình trạng vi phạm y đức trong nghiên cứu rất phổ biến ở các nước đang phát triển. Khoảng 5 năm trước, một cuốn sách về y đức xuất bản ở Trung Quốc làm rúng động lương tâm dư luận một thời gian.  Trong sách “Nỗi đau của Trung Quốc, tác giả là một đại biểu quốc hội bỏ công điều tra và mổ xẻ những vi phạm y đức tràn lan trong giới y bác sĩ Trung Quốc dưới hình thức lừa đảo, bòn rút tiền bệnh nhân, liên minh ma quỉ với các công ti dược để khai thác bệnh nhân “nghiên cứu”, xét nghiệm quá mức (nhằm moi tiền bệnh nhân), hãm hại bệnh nhân, v.v. Nhưng trớ trêu thay, bệnh nhân chẳng biết gì, chỉ nằm nhà chờ chết và tự trách mình nghèo!  Cũng trong cuốn sách này, tác giả còn mô tả nhiều bệnh nhân bị đẩy làm đối tượng thí nghiệm khá dã man mà bệnh nhân không hề hay biết, nhưng lại còn cám ơn bác sĩ!

Tôi nhớ có lần nói về đề tài này và nhấn mạnh rằng nghiên cứu trên chuột cũng cần thông qua ủy ban y đức, các đồng nghiệp cười xòa! Mấy năm gần đây thì vấn đề y đức trong nghiên cứu ở nước ta đã được quan tâm. Nhiều nơi đã có hội đồng y đức, dù thành phần của hội đồng này chưa đúng nghĩa với “hội đồng y đức”. Có lẽ chính vì thế nên xảy ra vụ “hút máu” ở Nghệ An mà báo chí nêu lên. Vấn đề y đức trong nghiên cứu khoa học còn phức tạp hơn khi sự việc được xử qua lăng kính pháp lí. Có nhiều nghiên cứu mang tính xâm phạm, và nếu biến cố bất lợi xảy ra cho bệnh nhân thì vấn đề sẽ rất ư phức tạp, vì bệnh nhân có thể yêu cầu sự can thiệp từ giới luật sư. Nhưng may mắn thay, những trường hợp như thế này rất ít khi xảy ra. Do đó, có sự ưng thuận của bệnh nhân cũng là một cách bảo vệ các nhà nghiên cứu trước pháp luật.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét