Anh Khiêm sinh năm 1934 ở vùng đất nổi tiếng Nam Bộ: huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Dải đất cù lao sông Tiền này góp cho đất nước khá nhiều trí thức, tướng lĩnh có tên tuổi, tài hoa, nhất là văn nghệ sĩ, như bộ trưởng Ung Văn Khiêm, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, nhạc sĩ Hoàng Hiệp (vừa mất), nhà văn Nguyễn Quang Sáng, thiếu tướng Từ Tấn Phát, họa sĩ Chóe (Nguyễn Hải Chí), nhạc sĩ Trần Tấn Lộc... và anh tôi. Anh Khiêm đi bộ đội từ 1949, tập kết ra Bắc học tại Nhạc viện Hà Nội, tu nghiệp tại Nhạc viện Novosimbirsk (Liên Xô). Năm 1973 anh khoác ba lô vào thẳng chiến trường làm phó đoàn văn công Quân giải phóng miền Nam, Sau 1975 được thăng trung tá, trưởng đoàn Văn công Quân khu 7, năm 1987 chuyển ngành rồi về hưu.
Ông anh vợ tôi là người hết mình vì nghệ thuật, dành cả đời cho nghệ thuật. Chính vì vậy, nhiều lúc anh em trò chuyện, tôi thấy hiểu biết chính trị của anh chỉ sâu sắc như ở đứa trẻ học lớp 3. Anh ngây thơ, tin cậy vào những điều trước kia anh đã từng tin. Mãi đến khi về hưu, anh mới giật mình khi thấy cái lý tưởng mà anh theo đuổi đã không còn như trước, thậm chí nó còn phụ bạc với anh, với nhân dân đất nước này. Anh luôn hy vọng đất nước sẽ đổi thay, "chứ không thể mãi đen tối thế này", anh bảo vậy. Anh nói anh chỉ còn tin cụ Hồ chứ không tin bất kỳ đứa nào khác. Anh học cụ Hồ mọi điều, và ngay cả cái chết cũng học cụ, dừng đời mình lại ở ngưỡng 79 như cụ.
Đời anh nhiều sương gió, gian truân. Hút chết mấy lần, cả khi trên chiến trường B2 lẫn khi kéo nhau sang Campuchia ca hát cho bộ đội nghe trong tầm súng B40 của lính Polpot. Đời lấy của anh nhiều thứ, kể cả những niềm vui cỏn con; nhưng cũng cho anh nhiều hạnh phúc. Chị hai rất thương chiều anh. Bốn đứa con anh đều thành đạt, mà đáng kể nhất là cậu trai thứ Nam Khánh, ca sĩ, đã noi theo nghiệp bố.
Đêm qua, sau giờ trực ở cơ quan, dù khuya muộn tôi vẫn chạy về nhìn anh lần cuối. Tôi chứng kiến những phút, giây cuối cùng anh trả dần nhịp tim hơi thở lại cho đời, nhìn anh thanh thản ra đi. Lúc ấy là 1 giờ 15 ngày 27.3 (tức hôm nay), khi bình minh vẫn còn xa lắm, anh chưa kịp chứng kiến sự đổi thay mà anh hằng mong mỏi.
Anh Khiêm về cõi, nên tôi cũng trả vé máy bay, gác lại chuyến đi dự định ra Bắc cuối tháng này theo lời mời mọc chân tình của những người mà tôi vô cùng quý mến, nhất là lỡ dịp được gặp lại 3 vị tiên chỉ đáng kính Phạm Chuyên, Đào Trọng Khánh, Thi Hoàng (mà bạn tôi đã dày công thu xếp, đã liên lạc xong) sau cuộc hội ngộ cách nay đã hơn năm. Lỡ dịp chứng kiến phiên tòa xử anh hùng Vươn ngay trên đất Hải Phòng. Sự đời là vậy, nhiều thứ ta không lường trước được, người định không bằng trời định.
Giờ thì phải thu xếp đi đăng cho gia đình anh tôi cái tin buồn trên báo nhà và báo Sài Gòn giải phóng để đồng nghiệp, đồng đội, bạn bè của anh Khiêm biết, đến làm cuộc chia ly.
TIN BUỒN
Đoàn Văn công Quân khu 7, UBND và Ủy ban MTTQ P.14, Q.3 và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:
Trung tá, nhạc sĩ LÊ KHIÊM
Sinh năm 1934, quê quán: huyện Chợ Mới, An Giang; thường trú tại 294 bis Lê Văn Sỹ, P.14, Q.3; tham gia cách mạng từ năm 1949; nguyên Trưởng đoàn nghệ thuật Quân khu 7, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Âm nhạc TP.HCM; Huân chương kháng chiến hạng nhất, Huân chương quân công hạng ba…
Đã từ trần hồi 1 giờ 15 ngày 27.3.2013, hưởng thọ 80 tuổi.
Linh cữu quàn tại tư gia 33A Đào Duy Anh, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Lễ viếng bắt đầu lúc 17 giờ ngày 27.3; lễ động quan lúc 7 giờ ngày 31.3.2013; an táng tại Nghĩa trang chính sách Củ Chi, TP.HCM.
27.3.2013 (tức 16 tháng hai, Quý Tỵ)
Nguyễn Thông
0 nhận xét:
Đăng nhận xét