Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng còn chờ gì nữa?

Vụ việc có liên quan đến những tố cáo của cán bộ-công nhân viên, phóng viên báo Đại đoàn kết đối với Tổng biên tập Đinh Đức Lập diễn ra đã khá lâu, báo chí cũng đã vào cuộc phanh phui nhiều chuyện nhưng rất lạ là cho đến thời điểm này các cơ quan, các cấp có trách nhiệm hầu như vẫn bình chân như vại. Nhà nước luôn kêu gọi chống tham nhũng, khuyến khích công dân chống tham nhũng, tiêu cực; tuy nhiên khi công dân thực hiện lời kêu gọi ấy thì lại bị trù dập, bị đàn áp mà không ai đứng ra bênh vực, trái lại người bị tố cáo vẫn chẳng suy chuyển gì.

Chúng ta đang có cả bộ máy phòng chống tham nhũng dày đặc, cao nhất là Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng; lại có thêm Ban Nội chính đứng đầu là ông Nguyễn bá Thanh có nhiệm vụ xử lý tất cả những gì liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Thêm nữa là đủ ban bệ thanh tra kiểm tra các cấp. Người dân đang chờ đợi với sự sốt ruột và ít nhiều hy vọng. Những vụ việc cụ thể như thế này, sao chưa thấy "các vị Bao công" ra tay. Đúng sai thế nào cũng phải xử lý và có kết luận chứ. Tôi đ rằng những gì xảy ra ở báo Đại đoàn kết không thể trông cậy vào lãnh đạo Trung ương MTTQ VN được nữa (vì sao thì nhiều người đã rõ), vậy nên Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương, Ban Nội chính trung ương còn chờ gì nữa mà không vào cuộc. Hay là còn bận họp hành, bận lo những việc lớn hơn?


Xin cung cấp cho các vị một số thông tin quanh vụ việc này:

1. NGƯỜI TỐ CÁO THAM NHŨNG BỊ TRẢ THÙ, ĐÌNH CHỈ CÔNG TÁC



Chi bộ báo Đại Đoàn Kết kiểm điểm vừa dứt ngày 11.3.2013 với kết quả 6 phiếu đồng ý kỷ luật và 9 phiếu đề nghị không kỷ luật cho thấy phe nhóm trong Đảng của Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết Đinh Đức Lập còn khá mạnh. Trong số 9 đảng viên đề nghị không kỷ luật, có những người dù không được ăn lộc của Lập song bản tính kém cỏi, mất tư cách, bản lĩnh của người đảng viên, sợ Lập không bị làm sao, thoát hiểm sẽ quay lại trả thù nên đành làm trái ý muốn.
Được thể, và không biết có được lãnh đạo Mặt trận nào đó tiếp sức không mà Đinh Đức Lập quyết dấn thêm một bước trả thù người tố cáo. Ngày 14.3.2013, tại cuộc họp giao ban các lãnh đạo buổi sáng, Lập tuyên bố với các lãnh đạo Ban: Tôi sẽ đình chỉ công tác Hữu Nguyên, ai có ý kiến gì không?. Như kịch bản dàn dựng trước, Trưởng ban Khoa giáo Thu Phương lên tiếng đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ. Không ai có ý kiến hay phản ứng gì vì ai cũng biết Lập hỏi để mà hỏi, hỏi để mà ra vẻ tôi đã thông báo và mọi người đã nhất trí. Lập chỉ định Mai Ngọc Tuyền – Trưởng Ban dân chủ pháp luật và bạn đọc phát biểu. Tuyền ấp a ấp úng nói vòng vo một hồi, càng nói giọng càng nhỏ dần chả ai biết là đồng ý hay không. Lập hỏi tiếp qua điện thoại với Trưởng văn phòng đại diện TP. Hồ Chí Minh Chu Ninh. Chu Ninh nói: Tôi không đồng ý vì không có lý do gì cả. Lập nói: Đình chỉ vì Hữu Nguyên viết blog, vì Hữu Nguyên tiết lộ những vấn đề của báo, vì Hữu Nguyên làm mất uy tín của báo…
Bí thư Quốc Khánh – người đối kháng trực tiếp với Lập và những người cùng phe Lập như: Trưởng ban Chuyên đề Cẩm Thúy, Phó Ban Kinh tế Thanh Tường, Trưởng ban Thư ký tòa soạn Hà Trọng Nghĩa, phụ trách Ban Văn hóa Lê Thị Thu Hương khôn khéo ngậm miệng không ai có ý kiến.
Lập ngay lập tức đã chỉ đạo cho Trịnh Thị Ngọc Thủy soạn văn bản quyết định đình chỉ. Chiều 14.3, lẽ ra Lập đã ký văn bản nhưng phải đến thứ 6 ngày 15.3 Lập mới ký vì còn phải sửa đôi ba chữ sau khi tính toán kỹ nhưng vẫn đề ngày 14.3.2013 ra văn bản.
Cho dù Hữu Nguyên có vi phạm gì đi chăng nữa thì muốn kỷ luật vẫn phải bắt đương sự viết bản tường trình nhận lỗi, Hội đồng kỷ luật phải xem xét sau đó mới đề xuất hình thức kỷ luật. Thế nhưng, Lập bất chấp tất cả. Dù cuộc họp chỉ có Lập và Thu Phương tung hứng với nhau nhưng trong Quyết định vẫn ghi là: Căn cứ ý kiến thống nhất của Chi ủy, Ban Biên tập, Ban Trị sự và đại diện các đoàn thể của báo họp ngày 14.3.2013.
Quyết định đình chỉ công tác 1 tháng với Hữu Nguyên từ ngày 15.3.20013 đến 14.4.2013 được gửi đi nhiều nơi, trong đó có gửi bà Bùi Thị Thanh và ông người phụ trách khối báo và tạp chí Mặt trận Lê Bá Trình – hai Phó chủ tịch Mặt trận.
Tháng hai, Lập cũng đã đình chỉ công tác một cán bộ của báo. Đó là Đinh Quang Sơn – cháu ruột Lập trong vụ giúp chú thụt két tiền vốn huy động xây dựng nhà ở cho cán bộ CNV. Bị lộ, Lập thí cháu. Khi báo Người cao tuổi có bài phản ánh: “Tại báo Đại Đoàn Kết: Một cán bộ bỏ trốn hàng tháng vì dính dáng tiêu cực” thì Lập báo cáo lên lãnh đạo Mặt trận là đã đình chỉ Sơn từ 18.2.2013. Tuy nhiên Lập chỉ báo cáo miệng và không gửi quyết định bằng văn bản lên.
Quyết định đình chỉ Đinh Quang Sơn để viết tường trình và phục vụ cho công tác điều tra của công an được soạn, ký,đóng dấu và cất đi phòng thủ không công bố của Lập vào ngày 21.2.2013. Thế nhưng, nực cười thay là quyết định số 11 này lại ghi: Sơn phải bàn giao công việc trước ngày 18.2.2013. Tức là chỉ có Lập và cháu Sơn biết với nhau, thực hiện ngầm với nhau mà thôi. Điều này lại gợi nhắc đến Kết luận 25 ngày 18.10.2012, Lập thông báo cắt lương và các chế độ của Nguyễn Mạnh Thắng từ 23/7/2012, tức là trước 3 tháng của Kết luận. Và bây giờ là Quyết định đình chỉ và bàn giao công việc có giá trị trước 3 ngày. (liệu rằng Mặt trận có học tập để ra Quyết định kỷ luật hay điều chuyển công tác của Lập từ 30.12.2012?).
Trong một tháng bị đình chỉ công tác, Hữu Nguyên phải viết bản tường trình vì lý do: “Tuyên truyền những vấn đề nội bộ của báo, đã tạo dư luận không tốt, làm ảnh hưởng đến uy tín và sự phát triển của báo Đại Đoàn Kết”.
Xem một loạt 8 bài đã đăng trên Blog Hữu Nguyên thì đó là những sai phạm của Đinh Đức Lập.  Những sai phạm này của ông Lập đã bị tố cáo và đã được hai tổ thanh tra của Đảng ủy Mặt trận kết luận. Trong cuộc họp chi bộ 11.3.2013, những nội dung tố cáo này đều được Kết luận khẳng định là có cơ sở. Vậy thì tại sao tội của Lập chưa được Đảng ủy Mặt trận xử lý mà y lại tiếp tục dấn sâu thêm trù dập người tố cáo. Trước đây là Nguyễn Mạnh Thắng, Đặng Thị Kim Ngân.
Tại sao Đảng ủy Mặt trận chậm trễ xử lý đơn tố cáo; Chậm xử lý đảng viên, tổng biên tập Đinh Đức Lập vì những sai phạm nghiêm trọng; Không có biện pháp nào bảo vệ người tố cáo, người lao động?
P.V
2.ÔNG ĐINH ĐỨC LẬP- TỔNG BIÊN TẬP BÁO ĐẠI ĐOÀN KẾT VI PHẠM QUY ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TỔ CHỨC TRAO CÚP, HUY ĐỘNG KINH PHÍ
(bài đăng trên báo Người cao tuổi ngày 19.3.2013)
 
Trong bối cảnh lộn xộn của “thị trường giải thưởng” vinh danh doanh nghiệp, doanh nhân biến “giải thưởng” thành hàng hóa có thể mua bán, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế quản lí tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp kèm theo Quyết định 51/2010/QĐ-TTg kí ngày 28/7/2010 có hiệu lực thi hành từ ngày 20/9/2010 (gọi tắt là Quy chế 51). Thế nhưng, ông Đinh Đức Lập, Tổng Biên tập Báo Đại đoàn kết vẫn bất chấp quy định này của Thủ tướng Chính phủ, lợi dụng Báo Đại đoàn kết là cơ quan của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giành quyền của chủ quản để tổ chức giải thưởng mang tên Cúp “Tự hào Thương hiệu Việt” (Cúp THTHV)…

Mặc dù chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức chương trình trao Cúp THTHV như quy định nhưng Tổng Biên tập Báo Đại đoàn kết Đinh Đức Lập vẫn tổ chức tuyên truyền rầm rộ, đăng báo quảng cáo, trả lời phỏng vấn để đánh bóng hình ảnh, tên tuổi của mình liên quan tới Cúp THTHV sẽ được trao ngày 30/7/2011 và huy động kinh phí của nhiều đơn vị từ đầu năm 2011... Ngày 26/7/2011, tức là chỉ trước bốn ngày trao Cúp THTHV như tuyên truyền, Văn phòng Chính phủ mới có Công văn hỏa tốc số 5089/VPCP-TCCV do Phó Chủ nhiệm VPCP Phạm Viết Muôn kí đồng ý tổ chức chương trình theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng nội dung Công văn số 5089/VPCP-TCCV không giao cho Báo Đại đoàn kết tổ chức, mà đơn vị tổ chức thực hiện phải là Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Không được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giao tổ chức chương trình trao Cúp THTHV, cũng không đủ thẩm quyền tổ chức như Quyết định số 51, nhưng Tổng Biên tập Đinh Đức Lập vẫn thực hiện theo một “kịch bản” tùy tiện chuẩn bị sẵn, vi phạm hàng loạt quy định trong Quy chế 51.

Tổng Biên tập Đinh Đức Lập công khai chức danh Trưởng ban tổ chức trên báo Đại đoàn kết. Báo Đại đoàn kết là nhà tổ chức chính còn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đơn vị khác chỉ phối hợp. Trên trang 4, Báo Đại đoàn kết số 180 ra ngày 29/7/2011, tác giả CT cũng khẳng định: “Báo tổ chức cuộc bình chọn Tự hào Thương hiệu Việt cho bạn đọc của báo với những tiêu chí rõ ràng. Kết quả từ hàng chục ngàn phiếu bình chọn gửi trực tiếp tới tòa soạn và từ thư điện tử cho gần 100 sản phẩm và thương hiệu Việt”... Thế nhưng, sự thật là chỉ có vài phiếu gửi về tòa soạn. Hơn nữa, nếu tính thời gian từ khi có “giấy phép” của Văn phòng Chính phủ tới khi tổ chức lễ trao Cúp chỉ có 4 ngày, làm sao ông Lập có thể tổ chức cho “hàng chục ngàn bạn đọc bình chọn” được? Thông tin này hoàn toàn sai sự thật, giả mạo nhằm chọn những giải thưởng không trung thực với các doanh nghiệp, với bạn đọc và nhất là lừa dối dư luận xã hội, thì tính trung thực của báo chí ở đâu?

Tại khoản 2, điều 4, Quy chế 51 quy định rõ hành vi bị nghiêm cấm: “Huy động kinh phí dưới các hình thức đối với cá nhân, tổ chức trong danh sách tham gia bình chọn xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng”. Trên thực tế các đơn vị có tên trong danh sách trao Cúp THTHV lần II - 2011 (29 đơn vị) đều phải trả nhiều tiền cho Ban Tổ chức. Cụ thể: Tại Hợp đồng số 11/ NVDHV/ HĐTT - BĐĐK (không ghi ngày, tháng) Bên A (Công ty CP PiCO trả 50.000.000 đồng, chưa bao gồm VAT). Hợp đồng số 48/HĐKT - BĐĐK ngày 1/3/2011, bên A là Công ty TNHH MTV Việt Nam Kĩ nghệ Súc sản phải nộp 80.000.000 đồng, chưa bao gồm VAT, v.v… Một số doanh nghiệp khác kí với số tiền nhiều hơn. Rõ ràng là mãi đến ngày 26/7/2011 Thủ tướng Chính phủ mới cho phép nhưng ông Đinh Đức Lập đã kí hàng loạt hợp đồng ngay từ những tháng đầu năm. Rõ ràng với tư cách là Tổng Biên tập Báo Đại đoàn kết, ông Đinh Đức Lập phải chịu trách nhiệm về những thông tin không có thật về việc bầu chọn của hàng chục ngàn bạn đọc. Thông qua các hành vi đưa ra nhiều thông tin đánh lừa trên công luận, ông Lập cố tình làm cho xã hội ngộ nhận về quy mô, bản chất thực sự của chương trình vốn được tổ chức sai trái, chụp giựt, vi phạm nghiêm trọng các quy định trong Quy chế 51 của Thủ tướng Chính phủ
Văn Trọng Nhân(Hà Nội)
 

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét