Bài hay trên báo Thanh Niên viết về anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh chống quân Trung Quốc xâm lược

Anh đã về với mẹ

Những ngày cuối năm Nhâm Thìn, anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh - chiến sĩ đầu tiên hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc đã trở về an nghỉ tại quê hương Thanh Hóa.

Cùng những cựu binh của Trung đoàn 12, hay còn gọi là “đoàn Thanh Xuyên” năm xưa và người thân của anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh, chúng tôi có mặt tại Nghĩa trang liệt sĩ H.Cao Lộc (Lạng Sơn) vào lúc 3 giờ sáng 5.1 trong cái lạnh tê tái dưới 3 độ C của miền quan ải. Một đống lửa to được đốt lên xua đi hơi sương buốt giá để những người thân chuẩn bị các nghi lễ theo phong tục, cất bốc di cốt của anh hùng Lê Đình Chinh về quê hương bản quán. Rồi chúng tôi chia nhau thắp hương lên những mộ phần còn lại trong nghĩa trang,  những đồng đội đã yên nghỉ cùng anh suốt 35 năm nơi mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Ngày mai anh sẽ rời xứ Lạng để trở về quê nhà trong vòng tay của người mẹ già đã cạn khô nước mắt vì chờ con.

Tâm nguyện của mẹ
Còn nhớ vào tháng 2.2011, Báo Thanh Niên đăng bài viết nói về tâm nguyện của bà Khương Thị Chu (mẹ anh hùng Lê Đình Chinh) mong mỏi được đưa hài cốt con trai về an táng tại quê nhà. Sau khi báo đăng, nhiều đồng đội cũ của Lê Đình Chinh đã liên lạc, xin địa chỉ để hỏi thăm động viên mẹ Chu. Đồng thời, những thủ trưởng cũ, đồng đội cũ của anh, đặc biệt là những thành viên trong Ban liên lạc đoàn Thanh Xuyên, đã bắt tay vào việc vận động để đưa hài cốt Lê Đình Chinh về quê.
Có lẽ không chỉ riêng tôi mà rất nhiều bạn đọc trong cả nước đều có chung một thắc mắc là tại sao sau 35 năm di cốt của Lê Đình Chinh mới được đưa về quê nhà, mặc dù gia đình đã có nguyện vọng từ rất lâu. Chỉ khi tham gia đoàn cất bốc di cốt của anh, tôi mới phần nào lý giải được sự chậm trễ này. Khi biết chúng tôi lên đưa hài cốt Lê Đình Chinh về quê, nhiều người dân ở TP.Lạng Sơn và H.Cao Lộc tỏ ra hết sức lưu luyến, bởi từ lâu Lê Đình Chinh đã trở thành biểu tượng cho lòng yêu nước và ý chí bất khuất trước kẻ thù của người dân xứ Lạng. Từ chị bán tạp hóa, anh xe ôm, đến những vị lãnh đạo nơi đây đều tự hào khi nhắc đến tên anh. Có lẽ những tình cảm của chính quyền và người dân xứ Lạng dành cho anh hùng Lê Đình Chinh đã khiến nhiều thế hệ lãnh đạo của địa phương và các cơ quan hữu trách bối rối và chần chừ chưa dám quyết để gia đình mang anh về quê cũ.
Ngay cả người quản trang ở Nghĩa trang liệt sĩ H.Cao Lộc cũng vậy. Ông rất nhiệt tình giúp gia đình tiến hành các thủ tục, nhưng cũng rất buồn khi người anh hùng sẽ không còn nằm lại nơi này nữa. Theo thông lệ ở đây, khi hài cốt của các liệt sĩ được người thân đưa về bản quán thì tấm bia mộ cũng được gỡ ra để giao lại cho gia đình gắn lên mộ mới như một chút tình của người xứ Lạng gửi đến hương hồn các liệt sĩ. Nhưng với anh Chinh thì khác. Ông quản trang mà tôi chưa kịp hỏi tên đã ngậm ngùi xin giữ lại tấm bia tại nghĩa trang để làm kỷ vật. Và sau khi hài cốt được bốc xong, ông lặng lẽ đặt chiếc tiểu sành vào vị trí cũ,  hoàn lại ngôi mộ như nguyên trạng ban đầu. Ông bảo phải giữ lại “nhà”, nhỡ khi anh Chinh lên “thăm” xứ Lạng còn có chỗ để nghỉ ngơi… Nghe ông thổ lộ, mọi người trong đoàn đều không cầm được nước mắt và ai cũng cảm thấy ấm lòng, bất chấp cái lạnh tê tái của đêm đông vùng ải bắc.
Thắp xong nén hương lên mộ phần của người thuộc cấp năm xưa, đại tá Nguyễn Đức Hiệu, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Trung đoàn 12 vào thời điểm anh Lê Đình Chinh hy sinh, hiện là Trưởng ban liên lạc của đoàn Thanh Xuyên, lẳng lặng lần theo những hàng bia mộ trong ánh sáng vàng vọt của bóng đèn cao áp. Hình như ông đang cố tìm xem, liệu ở nghĩa trang này có còn ai là đồng đội, là thuộc cấp của mình. Và những diễn biến bi hùng về sự hy sinh của Lê Đình Chinh đã được người lính già kể lại với một ký ức vẹn nguyên như mới xảy ra hôm qua vậy…
 
Lễ an táng hài cốt anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh tổ chức trang trọng vào ngày 6.1 tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng, TP.Thanh Hóa
 
Lê Đình Chinh trở về trong vòng tay của mẹ
 
Đại tá Nguyễn Đức Hiệu và những đồng đội cũ đã góp phần giúp bà Chu hoàn thành tâm nguyện lúc cuối đời - Ảnh: Ngọc Minh
Sấm giữa trời quang
Vào thời điểm năm 1978, tình hình biên giới Việt - Trung, đặc biệt là ở khu vực các cửa khẩu cực kỳ căng thẳng khi dòng người Hoa từ Việt Nam về nước ngày một nhiều. Ngày 12.7.1978, phía Trung Quốc bất ngờ ra lệnh đóng cửa biên giới, dẫn đến việc hàng ngàn người Hoa bị dồn ứ ở cửa khẩu Hữu Nghị. Họ dựng lều bạt ngay trong khu vực cấm, sinh hoạt làm náo loạn cả một vùng biên giới, gây rất nhiều khó khăn cho ta trong việc giữ gìn an ninh và trật tự xã hội ở vùng biên.
Trước tình hình trên, tỉnh Cao Lạng (gồm Lạng Sơn và Cao Bằng ngày nay) đã huy động lực lượng liên ngành tiến hành vận động, giải tỏa số người Hoa đang ùn ứ tại cửa khẩu. Ngày 25.8.1978, đoàn liên ngành của tỉnh Cao Lạng, với nòng cốt là Hội Phụ nữ tỉnh, đã đến đồi Pù Tèo Hào ở khu vực giáp biên động viên những người Hoa trở về nơi ở cũ làm ăn sinh sống. Để bảo đảm an toàn cho đoàn cán bộ liên ngành, ta huy động 25 cán bộ, chiến sĩ đồn Hữu Nghị và 20 cán bộ, chiến sĩ công an vũ trang nhân dân thuộc Trung đoàn 12 tăng cường tại Km số 0. Tuy vậy, khi đoàn cán bộ liên ngành lên đồi Pù Tèo Hào đã bị một toán người Trung Quốc dùng gậy gộc, dao quắm, gạch đá hành hung. Trước tình huống trên, lực lượng của Đồn biên phòng Hữu Nghị vừa tay không chống đỡ vừa mở đường cho các cán bộ trong đoàn công tác xuống chân đồi. Thế nhưng, lúc này  hàng chục công an biên phòng Trung Quốc mặc thường phục lập tức từ bên kia biên giới kéo sang tấn công ta. Một cuộc chiến không cân sức giữa những chiến sĩ biên phòng tay không chống lại kẻ thù hung hãn với gậy gộc, dao quắm trong tay đã diễn ra ác liệt trên sườn đồi Pù Tèo Hào.
Trước tình thế hiểm nghèo trên, anh Lê Đình Chinh - Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 12 khi đó ở dưới chân đồi đã cùng đồng đội xông lên giải vây. Chỉ bằng tay không, anh và đồng đội đánh gục hàng chục tên địch hung hãn, cứu được một cán bộ phụ nữ tên Thuận đang nằm ngất xỉu trên đồi. Vừa đưa chị Thuận xuống phía dưới, Lê Đình Chinh lại nghe tiếng kêu cứu của đồng đội Lê Xuân Tước. Anh liền quay lại, xông vào cứu Tước thoát khỏi vòng vây của kẻ địch. Mặc dù bị ném đá vào đầu, máu chảy lênh láng, nhưng Lê Đình Chinh vẫn xông lên bắt được một tên và truy kích địch chạy về sát đường biên. Trên đường truy kích, anh bị kẻ địch phục kích sau lán trại dùng gậy vụt ngang ống chân khiến anh ngã sấp xuống đất. Ngay lập tức, 4 công an biên phòng Trung Quốc từ bên kia biên giới lao sang, dùng dao quắm chém tới tấp xuống đầu, cổ anh. Lê Đình Chinh đã anh dũng hy sinh lúc 10 giờ 30 phút trên đồi Pù Tèo Hào, gần sát Km số 0 như thế.
Cái chết của Lê Đình Chinh lúc ấy như một tiếng sấm giữa trời quang, khiến hơn 4.000 người Hoa hoảng loạn, sợ hãi cực độ. Họ xông về phía cửa khẩu, phá cổng biên giới, vượt qua sự trấn áp, ngăn chặn của Công an biên phòng Trung Quốc. Đến 8 giờ tối, trên khu vực biên giới thuộc lãnh thổ Việt Nam không còn một người Hoa nào…
Anh hùng
Ngay sau khi Lê Đình Chinh hy sinh, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã yêu cầu Đồn trưởng Trương Văn Tự của Đồn biên phòng Nam Quan bên Trung Quốc sang làm việc. “Cuộc đấu tranh chính trị giữa ta và họ diễn ra hết sức căng thẳng, kéo dài từ 11 giờ trưa đến 4 giờ chiều 25.8.1978. Cuối cùng, phía Công an biên phòng Trung Quốc đã phải ký vào biên bản, thừa nhận việc Công an biên phòng Trung Quốc vượt biên giới sang sát hại Lê Đình Chinh ngay trên đất Việt Nam. Biên bản này sau đó được chuyển đến cấp trên để chúng ta tiếp tục đấu tranh với họ ở tầm mức cao hơn”, đại tá Hiệu nói. Cũng theo ông Hiệu, nếu không có sự thừa nhận này, chắc chắn tình hình biên giới còn diễn biến hết sức nguy hiểm, bởi phía Trung Quốc đã tận dụng triệt để sự kiện được gọi là “nạn kiều” để gây áp lực lên phía ta.
Thi hài Lê Đình Chinh sau đó được an táng tại khu vực hang Muối, xã Hồng Phong, H.Văn Lãng, gần với đồi Pù Tèo Hào nơi anh hy sinh. Đến năm 1979, anh được đồng đội quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ H.Cao Lộc. Ông Cao Việt Bắc, Phó ban liên lạc đoàn Thanh Xuyên, nguyên Trưởng ban chính sách Trung đoàn 12 vào những năm 1978 -1979, nhớ lại: “Ngay sau khi Chinh hy sinh, tôi và một đồng chí nữa được đơn vị cử về gia đình ở tận Nông trường Sông Âm, H.Ngọc Lặc (Thanh Hóa) để báo tin, đồng thời đón người thân của anh ra Hà Nội tham dự Lễ tuyên dương công trạng do T.Ư Đoàn tổ chức và đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Chủ tịch nước truy tặng. Đó là buổi lễ vinh danh một cá nhân hoành tráng và xúc động nhất mà tôi được tham dự. Người dân các tỉnh đã cắm cờ đỏ rực dọc hai bên QL1A từ Hà Nội lên đến tận cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn để đón đoàn xe của đơn vị. Bấy giờ cả nước đều hướng lên biên giới phía bắc, thanh niên cả nước đều học tập tấm gương anh dũng của Lê Đình Chinh”.

Ghi chép của Ngọc Minh
(theo Thanh Niên ngày 13.1.2013)
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét