Một người bạn tôi, anh Quang Đông đã viết thế này: “Sự thật hoàn toàn khách quan không bao giờ tiếp cận được nhưng ta có thể đoán bản chất qua một số biểu hiện bên ngoài. Còn lối so sánh có tính áp đặt, nhằm loại cách tiếp cận đa chiều chỉ là cách né tránh đi tìm sự thật”. Tôi cho rằng những người phê phán Bên thắng cuộc nên suy nghĩ về suy nghĩ ấy.
Khi công bố cuốn Bên thắng cuộc, tác giả Huy Đức chắc chắn không ngờ rằng sách của mình còn có tác dụng làm rõ bộ mặt của một số người lâu nay trốn kỹ trong đống rơm, che giấu con người thật của mình. Những người ấy không phải nhân vật trong cuốn sách, mà là người đã, đang lăm le hăm hở với cây bút hoặc bàn phím trong tay để làm nhiệm vụ “dư luận viên”. Bên thắng cuộc như thứ chất xúc tác khiến họ bộc lộ.
Hôm qua tôi được đọc bài của nhà báo Lưu Đình Triều trên báo giấy Tuổi Trẻ. Đã sống qua cái thời mà Bên thắng cuộcphản ánh, được tận mắt chứng kiến, tận tai nghe nhiều trường hợp tương tự nên tôi cho rằng việc ông Lưu Quý Kỳ phải nén tình cảm với đứa con đẻ của mình, nhất là nó từng đóng sĩ quan ngụy, để giữ lập trường bản lĩnh cách mạng là điều có thật, anh Huy Đức kể lại chả có gì sai thực tế. Và tôi hiểu, anh Huy Đức không có ý bêu xấu hạ thấp ông Kỳ cũng như anh Triều. Anh chỉ dẫn chứng một sự thực phù hợp với mạch ý đang thể hiện nên không thể tãi ra những râu ria khác. Việc anh Lưu Đình Triều lên tiếng phản bác yếu ớt cũng không có gì khó hiểu. Chỉ tiếc giá như anh Triều dám nhìn thẳng vào sự thực bởi chuyện "yêu thương sâu đậm - lý trí lạnh lùng" như thế những năm tháng ấy đâu phải chỉ riêng cha con anh vướng phải mà rất phổ biến, bởi đó là cách giữ mình của người thắng cuộc, nhất là những cán bộ cao cấp.
Còn nhiều điều nhưng tôi chỉ tạm nói bấy nhiêu thôi.
20.1.2013
Nguyễn Thông
0 nhận xét:
Đăng nhận xét