Mới đầu buổi sáng, thầy Trần Mạnh Hảo, nguyên giáo viên toán Trường Dự bị đại học TP.HCM, một tay dạy toán sừng sỏ đất Sài Gòn gọi cho tôi. Thầy bảo tức quá tức quá, nhưng sau đó lại tuyên dương "chỉ có báo Thanh Niên, tờ báo duy nhất dám gọi thẳng, chỉ thẳng việc anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh bị giết hại bởi quân Trung Quốc xâm lược". Thầy nói, càng khâm phục Thanh Niên bao nhiêu, càng thấy sự im lặng, né tránh, vòng vo của đám đông kia thật là quái dị. Vô cùng quái dị, thầy Hảo lặp lại. Thầy cũng nhờ tôi chuyển lời cám ơn đến những người lãnh đạo bản lĩnh của báo Thanh Niên, mong tờ báo mãi giữ được tính chiến đấu như thế. Tôi thưa với thầy thực ra điều này xét về bản chất quá đỗi bình thường, tuy nhiên khi tất cả co vòi như thế thì cũng rất đáng ghi nhận.
Để rõ tâm trạng thầy Hảo, mời quý vị đọc lại 2 bản tin trên báo Thanh Niên:
Đưa hài cốt anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh về quê nhà
06/01/2013 3:15Ngày 5.1, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thanh Hóa và gia đình, cùng đại diện Ban liên lạc Trung đoàn 12 tổ chức cất bốc, đưa hài cốt anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh từ Nghĩa trang liệt sĩ H.Cao Lộc (Lạng Sơn) về quê nhà tại Thanh Hóa.
Sáng nay 6.1, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thanh Hóa và UBND TP.Thanh Hóa tổ chức lễ an táng hài cốt của anh hùng, liệt sĩ Lê Đình Chinh tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng, TP.Thanh Hóa.Anh hùng, liệt sĩ Lê Đình Chinh hy sinh trên biên giới phía bắc ngày 25.8.1978 khi đang chiến đấu chống lại quân xâm lược Trung Quốc. Anh được an táng tại khu vực gần biên giới, sau đó được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ H.Cao Lộc (Thanh Niên đã từng thông tin). Đến nay, sau 35 năm nằm lại ở biên giới phía bắc, hài cốt anh hùng Lê Đình Chinh được đưa về an táng tại quê hương.
Ngọc Minh
(bản tin gốc xem tại đây)
Xúc động lễ an táng hài cốt anh hùng, liệt sĩ Lê Đình Chinh
06/01/2013 11:57(TNO) Sáng 6.1, tại nghĩa trang Hàm Rồng (TP.Thanh Hóa), Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thanh Hóa, UBND TP.Thanh Hóa, Ban liên lạc Trung đoàn 12 và gia đình đã tổ chức Lễ an táng hài cốt anh hùng, liệt sĩ Lê Đình Chinh.
Anh hùng, liệt sĩ Lê Đình Chinh nhập ngũ ngày 16.2.1975, ở đại đội 6, tiểu đoàn 2, trung đoàn 12 (còn gọi là Đoàn Thanh Xuyên), Bộ tư lệnh Công an vũ trang nhân dân (nay là Bộ đội biên phòng).Sau khi tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nam chống quân Pol Pot xâm phạm biên giới, năm 1978, đơn vị của anh được điều động lên Lạng Sơn bảo vệ biên giới phía Bắc.
Ngày 25.8.1978, Lê Đình Chinh đã hi sinh tại biên giới phía Bắc khi đang chiến đấu chống lại quân xâm lược Trung Quốc.
Ngày 30.8.1978, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho liệt sĩ Lê Đình Chinh.
Sau khi hi sinh, Lê Đình Chinh được an táng tại khu vực gần biên giới, sau đó được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ H.Cao Lộc.
Sau 35 năm nằm lại ở biên giới phía Bắc, hài cốt của Lê Đình Chinh đã được đưa trở về an táng tại quê hương.
Ngọc Minh
(bản tin gốc xem tại đây)
Tấm ảnh này của phóng viên Thái Sơn, được báo Thanh Niên sử dụng đầu tiên
7.1.2013
Nguyễn Thông
0 nhận xét:
Đăng nhận xét