Không phải chuyện tình yêu "khúc hát mê say một thời thiếu nữ", mà là vàng, mua bán vàng. Vâng, vàng nghĩa đen trăm phần trăm. Nhớ lại mà rùng mình kinh sợ cho cái cơ chế bao cấp, ôm đồm, bó buộc thời ấy. Như một ám ảnh. Cái bóng ma đó cứ tưởng chết hẳn biến hẳn, ai ngờ giờ lại hiển hiện về mới kinh.
Nào đã xa xôi gì cho cam, nhưng năm cuối 70 - 80 chứ đâu. Sau cuộc giải phóng năm 75, tiện đà nên cách mạng giải phóng tất tần tật. Những gì của chế độ cũ, xã hội cũ đều phải xóa sạch hoặc thay đổi tận gốc. Tốt hay không tốt cũng mặc kệ, nhất thiết phải đổi cái đã. Đổi cho giống miền Bắc XHCN. Nền kinh tế thị trường của miền Nam đang phát triển tốt đẹp đã bị cơ chế bao cấp từng thống trị miền Bắc đến chiếm lĩnh một cách triệt để. Đầu năm 1977 tôi có mặt ở Sài Gòn còn kịp nhìn thấy, chứng kiến một vài "tàn dư" ưu việt của cách làm ăn tự do, cởi mở nhưng chả được bao lâu. Sau đó những gì tôi từng chứng kiến ở miền Bắc hai mươi mấy năm lại xuất hiện y chang trên đất Sài Gòn. Và càng ngày càng tệ. Chả thể quên cũng cái quán hủ tiếu trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5 tôi và mấy ông bộ đội đi học thỉnh thoảng ra ăn, chưa ngồi xuống đã có người hỏi han ân cần, chỉ vài ba phút là nhận ngay tô hủ tiếu nóng hổi. Giá cả bình dân dù lương thực đang rất khó khăn. Nhưng năm 1979 chính quyền đứng ra quản lý tất, kể cả quán hủ tiếu, tiệm cắt tóc, chụp hình, sửa xe... Muốn ăn hủ tiếu phải xếp hàng mua phiếu, có một cô kế toán mặc trang phục quốc doanh đến ghi số kiểm đếm doanh thu, chờ phờ râu sùi mép cũng không thấy hủ tiếu. Chủ hàng thấy kiểu cách vậy nên chán nản chả muốn bán, còn khách hàng bực bội không chịu được cũng thưa thớt dần. Cả một nền sản xuất, dịch vụ u ám thê lương như cái đám ma. Kéo dài suốt bao năm gây khổ cho biết bao người.
Lại nói chuyện vàng. Hồi ấy chỉ có nhà nước được độc quyền mua bán. Vàng như hàng quốc cấm. Anh nào lôi thôi cho vào tù. Tôi nhớ năm 1980 lập gia đình nhưng không tài nào mua được chiếc nhẫn cưới, mãi mấy năm sau mới nhờ ông em họ làm bên tín dụng mua giùm chiếc nhẫn 2 chỉ đầu tiên trong đời. Vợ không dám đeo, cất giữ làm của đến bây giờ. Tiền ít, không dám mua bên ngoài, sợ quản lý thị trường vớ được thì mất toi, nên cứ phải vào cửa hàng của ngân hàng nhà nước. Giá bao nhiêu cũng phải chấp nhận. Cắt cổ cũng phải cười.
Mà quản theo cơ chế tập trung đàn áp như thế chỉ dọa chỉ đánh được vào người nghèo thôi chứ nhà giàu họ đâu có sợ. Nhà tôi khi ấy gần công viên Văn Lang chỗ mũi tàu đường An Dương Vương-Hùng Vương, Q.5, gần nhà thờ Thánh Jeanne D'Arc sáng nào cũng thấy mấy ông người Hoa (lúc ấy gọi là Ba Tàu) quần lửng áo may ô, có ông còn cởi trần trùng trục từng tốp từng tốp vừa ngồi nhấm nháp cà phê vừa quyết định giá vàng trong ngày. Họ vẫn buôn bán, giao dịch như không hề có sự ngăn cấm của nhà nước. Họ coi thường mọi sự bóp chặt quy luật kinh tế. Họ ngầm chứng minh rằng bất cứ thứ gì đi ngược lại sự tồn tại hợp lý, tự nhiên, ngược với quy luật phát triển đều không thể duy trì mãi được.
Nay dù cuộc sống đã nhiều đổi thay nhưng tư duy bao cấp, mệnh lệnh, áp đặt vẫn còn. Có mỗi cục vàng nhưng suốt mấy chục năm cả một bộ máy đồ sộ binh hùng tướng mạnh quản không nổi, cứ loay hoa loay hoay như gà mắc tóc. Biết bao nhiêu nghị định, thông tư, chỉ thị ban bố, rốt cuộc mèo vẫn hoàn mèo. Tài quản lý kinh tế thế nào không biết nhưng phải đến mức phải móc từng chỉ vàng trong túi dân ra thì cũng đủ nói lên nhiều điều. Nếu làm giỏi, đưa nền kinh tế nước nhà đi lên, không cần móc, người dân cũng sẵn sàng bỏ miếng vàng vốn liếng cất giữ lâu nay ra tham gia nguồn vốn xã hội, cần chi nghị định. Chỉ bởi họ chưa có lòng tin, niềm tin vào cách điều hành, quản lý của "các ông ấy". Nghe ông thống đốc nhà tiền Nguyễn Văn Bình hùng hồn tuyên bố rằng dù vàng trong nước có chênh lệch (cao hơn) giá vàng thế giới năm bảy triệu đồng cũng không vấn đề gì thì có thách kẹo bà con cũng chả dám đánh đu với ông. Hết chuyện độc quyền nhãn hiệu SJC, giờ lại gom về 2.500 điểm mua bán có phép, chưa bàn đến vấn đề quyền tài sản của người dân bị tước đoạt nghiêm trọng, chỉ hình dung ra cái cảnh nhãn tiền: sáng sáng lại thấy xuất hiện mấy chú Ba Tàu quần đùi áo may ô tụ tập bên vườn hoa Văn Lang quyết định một phần nền kinh tế quốc gia.
11.1.2013
Nguyễn Thông
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét