Đó là thực tế cay đắng ở một tỉnh nghèo dân đông còn rất nhiều khó khăn. Cũng không hẳn “mô hình” này phổ cập đại trà tại hầu hết các tỉnh thành, quận huyện trên đất nước ta nhưng người dân có quyền nghi ngờ ở một địa phương giàu truyền thống cách mạng, được trung ương quan tâm chăm chút mà còn thế, vậy những nơi khác sự lạm phát, phung phí “nhân lực cấp cao” sẽ đến mức nào. Cứ hình dung ra điều khó xử: toàn những quan là quan, vị nào cũng ý thức được vai trò lãnh đạo chỉ đạo của mình, rốt cuộc chỉ thiếu người thực hiện. Ở mấy cái cơ quan nói trên, thật vô phúc cho kẻ nào lọt vào đó làm nhân viên. Từ việc công đến điều sai vặt chắc phải cõng tất. Trăm dâu đổ đầu tằm, không làm thì ai làm. Vẫn biết quan có việc của quan, dân có việc của dân nhưng bộ máy toàn quan hoặc quan nhiều hơn dân sẽ hoạt động thế nào, chả nói ra ai cũng hiểu. Xin nhớ rằng đối tượng bị coi là lạm phát đó đều hưởng lương ngân sách, lương cao, được nuôi bằng tiền thuế của dân, của những con tằm.
Đức Khổng tử xưa đã phân biệt khá rạch ròi bộ máy và quan hệ trong xã hội: "không có người quân tử, lấy ai cai trị kẻ tiểu nhân. Không có kẻ tiểu nhân, lấy ai làm nuôi người quân tử". Xã hội ta hiện nay về lý thuyết không chấp nhận quan hệ quân tử - tiểu nhân nhưng trên thực tế vẫn chưa thoát khỏi quan niệm cùm trói ấy. Chỉ khác ở chỗ quân tử được mang danh cán bộ, đày tớ của nhân dân. Và khác ở chỗ nữa, có ngày quân tử sẽ chết đói vì nhìn đâu cũng chỉ tuyền quân tử, không có tiểu nhân thì lấy đâu người nuôi dưỡng họ. Đó là chưa kể nguy cơ "quan là quan thì quan quàn dân, con là dân thì dân dần quan" nếu tiểu nhân-dân bị dồn nén quá mức, bị đẩy đến bước đường cùng.
Từ chuyện Nghệ An, sực nhớ ở xứ mình lâu nay xảy ra ối điều tương tự khiến người dân ì xèo, dư luận phàn nàn. Có một dạo báo chí gây choáng với thông tin ở xã nghèo xứ Thanh chỉ vài ngàn dân mà cõng những xuýt xoát 500 cán bộ. Gần đây nhất, tại cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ công chức, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra tỷ lệ nhựng người vô vi, vô tích sự đến mức kinh hoàng “trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào". Nếu đó là nhận xét của người khác, chúng ta có quyền nghi ngờ, sợ họ nói quá, sợ con số không chính xác; nhưng từ một nhân vật lãnh đạo chính phủ thì độ tin cậy đã được bảo đảm, chỉ có điều thực tế đó quá chua chát trong bộ máy công quyền hành chính hiện thời. Chính phủ luôn đặt ra yêu cầu “chất lượng, tinh gọn, hiệu quả” nhưng bộ máy công vụ nhiều nơi, nhiều cấp gần như thực hiện ngược lại.
Nhân chuyện lạm phát cán bộ lãnh đạo, cũng cần giở lại một chỉ đạo khác của Chính phủ ban hành cách nay chưa lâu. Nghị định số 36/2012/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ nêu rõ số lượng thứ trưởng ở mỗi bộ không quá 4 người. Thực ra nghị định ấy cũng chỉ nhắc lại Nghị định 178/2007/NĐ-CP tính đến nay đã 6 năm, vậy mà 6 năm qua hầu hết các bộ vẫn ung dung tự tại với số lượng thứ trưởng vượt quá quy định. Các tổ chức cục, vụ cũng vậy, quy định cấp phó chỉ được 3 nhân sự nhưng vượt gấp đôi là chuyện thường. Bộ máy hành chính đã cồng kềnh, nặng nề, lại thêm đội ngũ lãnh đạo quá đông dẫm chân nhau, người nọ nhìn người kia khiến chất lượng và hiệu quả không được như mong muốn của chính phủ và người dân. Trong một nền hành chính bất cập thực tế, nhiều “sĩ quan” quá dễ dẫn đến thái độ quan liêu, hách dịch, luôn xem mình là nhân vật quan trọng, ra vẻ ta đây.
Tình trạng này không nên để kéo dài, vừa tốn ngân sách, vừa làm hư cán bộ, tạo ra dư luận không tốt về bộ máy công quyền.
31.1.2013
Nguyễn Thông
(bài đã đăng trên báo Thanh Niên ngày 31.1.2013)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét