Từ chuyện sợ ma với Nguyễn Thông đến hạnh Vô úy

VƯƠNG BIÊN HƯƠNG
Anh Nguyễn Thông là một người bạn vong niên của tôi. Anh luôn là người hiền hòa, đáng quý, cởi mở. Đố tìm ra người nào ghét được Nguyễn Thông.

Kỷ niệm vui nhất là một lần cả đoàn chúng tôi đi công tác ở Phan Thiết hồi năm 2005. Khi đó, chúng tôi ở trong một resort tại khu Hàm Thuận Nam. Ở đó thì thoải mái, biển đẹp nhưng cách Phan Thiết 30km. Có một hôm buồn quá mấy anh chị em kéo nhau ra thành phố chơi. Rồi đến khuya mới về. Và phương tiện chuyên chở của chúng tôi là ô tô.Đường dài nên lúc về buồn tình cả bọn ngồi kể chuyện ma.

Đúng lúc đến đoạn rùng rợn nhất thì đi ngang qua một nghĩa địa nhỏ. Trời tối đen như mực. Hằng ngày đi qua đó chúng tôi không bao giờ để ý, và chẳng sợ hãi gì. Không hiểu sao đêm hôm đó thần hồn nát thần tính thế nào, khi xe chạy ngang  bỗng dưng tất cả đều rùng mình. Rồi như là có ma đuổi, tự dưng nỗi sợ bật lên. Và không ai bảo ai, tất cả đều hú lên… (hình như bác Thông nhà ta cũng hú như mấy chị em, có khi còn hú to nhất ấy bác nhỉ, vì bác hay nói to, rõ ràng, thói quen dạy học mấy chục năm kiên cường của bác mà. Hồi bác đi dạy lấy đâu ra micro như bây giờ).

Hôm sau ai cũng cười bò ra, tại sao mình lại sợ ma nhỉ, có gì đâu mà sợ. Rồi lại đi qua đi lại bình thường… Về sau cứ nghĩ đến chuyện sợ ma này và thấy kỳ cục. Vì rõ ràng vẫn là những chuyện hằng ngày, những người gặp gỡ nhau thường xuyên hay những nơi chốn mà mình vẫn lại qua, thế mà vẫn sợ hãi.
Nhưng nỗi sợ ma rồi thì ngày nào đó cũng lại hiện ra. Thần hồn nát thần tính. Giờ ngoài ma ngoài nghĩa địa thật còn có ma ảo trên mạng internet. Đã là ảo rồi ma còn sợ hơn vì có nhìn thấy nó đâu. Trong khi đã có những vụ báo viết là các cháu thanh nữ bị một kẻ xấu giả danh trên mạng dụ dỗ rồi đưa đi bán, rồi thì tiết lộ thông tin trên mạng, hay là dùng mạng để bẫy nhau, lấy cắp tiền bạc trên thẻ tín dụng…đủ chuyện cả. Thành thử sợ ma ảo còn nguy hiểm hơn sợ ma thật. Nên reo rắc nỗi sợ ảo còn nguy hiểm hơn nỗi sợ thật. Tin đồn là một loại sợ ảo khiến nhiều công ty, ngân hàng tí nữa thì sập tiệm đó thôi.

Vì thế vẫn có chuyện nhát ma và sợ ma. Có những người bề ngoài có vẻ anh hùng dũng cảm lắm, nói to lắm nhưng rất nhút nhát, chỉ nghe bóng dáng ma là sợ run, thành thử khổ vì nhìn đâu cũng thấy ma. Riết rồi chẳng tin vào ai , vào cái gì nữa, co vòi thụt cả lại vì sợ…Nhìn tốt thành xấu, lẫn lộn hết cả, nghi ngờ lẫn nhau…Sợ quá nên không dám chào nhau, hỏi nhau,cám ơn nhau…vì sợ nhỡ đâu là ma hết cả thì sao?

Nói thế thôi, ai chẳng có lúc sợ ma. Vấn đề là mình có thoát ra khỏi nỗi sợ này hay không và trở nên Vô úy hay không. Một trong những hạnh quan trọng với phật tử ,đó là hạnh Vô úy-Không sợ hãi. Người giữ được hạnh Vô úy có thể hiểu là Một người không sợ hãi.

Nếu vậy thì đó có phải là siêu nhân hay không bởi đã là người thường thì đều có sự sợ hãi. Thực ra, trong Phật giáo, người giữ được hạnh Vô úy chính là người đã gặp sự sợ hãi, đã trải qua sự sợ hãi, đã đi qua nó một cách can đảm và đến sự không sợ hãi. Đồng thời người có hạnh Vô úy cũng cần khi nào phải biết cái gì đáng sợ .Ví dụ đơn giản là ma thì chẳng nên sợ nếu bị nhát ma, còn qua đường mình cần tránh ô tô vì sợ nó đụng phải gây tai nạn.

Cư sĩ Phạm Công Thiện khi giảng bài ở chùa Việt Nam tại Los Ageles-Mỹ ngày 22.10.1983 đã nói: “Khi đặt câu hỏi: "Sự sợ hãi là gì?" thì người ta đang  ở trong trạng thái không sợ hãi. Người đang sợ hãi thì không bao giờ hỏi: "Sợ hãi là gì?”. Khi sợ hãi thực sự thì ta không còn biết gì cả: tất cả câu hỏi đều bị tắt nghẽn đi lập tức. Khi sợ hãi, ta chỉ ú ớ, ngôn ngữ dứt bặt. Còn có một cái khác "đáng sợ" hơn SỰ SỢ HÃI; đó là: SỢ HÃI SỰ SỢ HÃI. Không sợ sự sợ hãi thì có nghĩa là lúc thấy sợ thì cứ sợ và lúc không thấy sợ thì không sợ. Nhiều khi sợ trọn vẹn đẩy ta thoát ra khỏi cái hàn ngã ta hơn không có cảm giác gì hết. Sợ cũng có thể là bước cuối cùng đẩy ta đến sự Bừng Tình Giác Ngộ. Tất cả những cơn ác mộng đều là điều báo hiệu sự tỉnh thức”.

Ông Thiện cũng cho rằng “Sợ cái không đáng sợ, và không sợ cái phải đáng sợ, cả hai đều nguy hiểm và khiến ta nổi lặn hụp mãi trong vòng luân hồi khổ lụy”.

Để tu tập được hạnh Vô úy, mỗi người cần tập việc nhìn thẳng vào nỗi sợ hãi để quán sát và tỉnh thức. Theo Đức Thích Ca thì điều cần làm là "Ta trực nhận đêm tối như là đêm tối và ban ngày như là ban ngày” (Majjhima Nikàya, I, trang 21).

Tôi đã biết được những con người rất bình thường mà luôn giữ được hạnh Vô úy dù ở bất cứ đâu, không phân biệt tôn giáo, giới tính. Ví như  câu chuyện về các ni sư ở một ngôi chùa nhỏ tại miền Nam trước 1975. Khi đó giao tranh dữ dội, nhiều người bị bắt, bị nhốt, bị bắn chết và treo xác tại bót lính. Dân chúng không ai dám làm gì vì sợ liên lụy. Cuối cùng chỉ có các ni sư đến đêm tự đến gỡ các thi hài này xuống và mang đi chôn cất tử tế. Chuyện này cũng không phải chỉ có một lần.

Một nữ tu là sơ Mai Thị Mậu ở Lâm Đồng, người đã được phong Anh hùng. Sơ là người nổi tiếng can đảm vì chăm sóc 150 người bệnh phong tàn tật ở Di Linh. Nhìn những người dân tộc ở vùng cao nguyên này yêu quý và coi sơ như thân nhân mới biết sơ đã nỗ lực như thế nào. Sơ đã làm việc tại đây từ 1973, trong thời gian chiến tranh ác liệt nhất cho đến hôm nay. Và sơ Mậu là người ai đã gặp không thể nào quên vì sự tử tế, chân thành cùng tính khiêm nhường và giản dị. Một người rất đáng quý.

Có lần tôi hỏi sơ Mậu vì sao sơ lại bắt tay vào việc chăm sóc người bệnh phong khi còn rất trẻ. Bà trả lời rằng ban đầu bà ở ngoài Huế. Năm 1972, vào thời kỳ của chiến dịch Mùa hè đỏ lửa bà và nhiều sơ khác đã chăm sóc rất nhiều trẻ em mồ côi. Có những người rất tội- bà nói, mẹ bồng một đứa con, tay kéo một đứa con chạy loạn trên đường từ Quảng Trị vào Huế. Mà vào đến nơi, gặp sơ vừa giao con trên tay cho sơ để ẵm đứa đang kéo lên thì cháu đã chết mất vì kiệt sức. Một đứa bé 5 tuổi làm sao có thể chạy trên quãng đường dài như thế. Khi cháu chết, chân cháu sưng lên vì tụ máu. Người mẹ thì ngã quỵ vì đau đớn khôn cùng. Từ đó sơ Mậu quyết tâm theo con đường từ thiện để giúp đỡ người khốn khó.

Vì sao những phụ nữ yếu đuối như các ni sư ở ngôi chùa nhỏ kia hay sơ Mậu lại có thể có sự dũng cảm đối diện với nỗi sợ hãi, thậm chí cả cái chết để làm cho đời sống tốt đẹp hơn?

Như một phật tử thuần thành, tôi cầu mong cho mỗi người đều có thể tu tập được hạnh Vô úy, để không sợ hãi trước nghịch cảnh, làm điều thiện và sống bình an hỷ lạc. Mỗi khi các bạn phật tử sợ hãi, đều có thể niệm danh của Đức Quán Thế âm Bồ tát, người có thể lắng nghe mọi âm thanh của thế gian. Khi niệm danh của ngài, các bạn đang gọi tên "Người ban tặng sự an toàn, không sợ hãi “ (theo nghĩa chữ Phạn là Abhayamdada) và có thêm can đảm nhìn thẳng vào sự thật trong lòng mình, tin tưởng con người và yêu thương cuộc sống.
Vương Biên Hương

*Ghi chú của chủ trang blog:
Tác giả Vương Biên Hương (bút danh) từng là nhà báo, viết văn, hiện là chủ một doanh nghiệp. Chị có nhiều tác phẩm đăng trên các báo, tạp chí với lối tư duy chặt chẽ, sắc sảo, gợi mở nhiều vấn đề trong cuộc sống xã hội.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét