Chia sẻ kinh nghiệm chụp ảnh bằng máy du lịch (phần 2)

Sau bài đầu trình bày về kỹ thuật chụp ảnh xóa phông/mờ phông bằng máy du lịch, mình tiếp tục với chủ đề bố cục ảnh. Lẽ ra, đây phải là chuyện được bàn đầu tiên, tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu mang tính "thời sự" của một số bạn nên bài này bị đẩy sang phần 2.

Bố cục quyết định vẻ đẹp hài hòa của tấm ảnh. Dù bạn có cầm một máy ảnh xịn cỡ nào nhưng bố cục lộn xộn, ngang ngược, thừa thiếu lung tung thì khó mà có một tấm hình đẹp được. Tất nhiên, không loại trừ một số trường hợp phá cách - điều cần đến một khả năng cảm thụ nghệ thuật cao. Tuy nhiên, trước khi đạt đến cái trình "phá cách" thì người chụp cần nhuần nhuyễn các nguyên tắc cơ bản, chứ không phải chụp đại một tấm hình nhôm nhoam và gắn cho nó cái mỹ từ "phá cách" được.


1. "The Rule of Thirds" - quy tắc cơ bản của nhiếp ảnh

Trong nhiếp ảnh, "the rule of thirds" (quy tắc 1/3) là một quy tắc khá phổ biến, đem lại vẻ đẹp cân bằng cho tấm ảnh. Với dân chơi amateur, đây là quy tắc cơ bản cần nắm vững để có bố cục đẹp.


Quan sát tấm hình trên, bạn có thể thấy 2 đường kẻ ngang và dọc chia thành 3 phần bằng nhau và cắt nhau tại 4 điểm. Trong nhiếp ảnh, 4 đường đó là 4 đường mạnh và 4 điểm đó là 4 điểm mạnh. Khi chụp, chú ý chọn điểm nhấn của chủ thể trùng (hoặc gần) với các đường mạnh, điểm mạnh này. Hiện nay trên hầu hết các máy du lịch, lúc bạn chuẩn bị bấm máy, trên màn hình đều hiện khung bố cục chia ô sẵn để bạn dễ dàng "tác nghiệp". Ảnh đứng cũng tương tự vậy khi bạn xoay màn hình.

 
 Ảnh chụp với màn hình rộng (widescreen):


 Quy tắc 1/3 rất hữu hiệu khi chụp ảnh phong cảnh, đặc biệt là những bức có bầu trời. Đường chân trời (tức là ranh giới giữa bầu trời và mặt đất/mặt nước) thường ở quãng 1/3 là hài hòa.

Tuyết trắng Luxembourg - ảnh xã chụp

Hoàng hôn đỏ rừng Nam Cát Tiên

Mây bay trên thành phố Đà Lạt

2. Quy tắc 2/3

Đây là quy tắc dựa trên "tỉ lệ vàng" trong quy luật tạo hình, đã được ứng dụng trong hội họa từ rất lâu. Quan niệm nghệ thuật cổ đại cho rằng mọi vẻ đẹp tự nhiên trong tạo hóa đều gắn liền với con số 2/3 (điển hình là các tỉ lệ được xem là "chuẩn" trên cơ thể con người...) Từ đó, nó dần hình thành tâm lý thị giác thẩm mĩ tự nhiên của con người. Quy tắc này rất phù hợp để áp dụng khi chụp ảnh chân dung, con người, muông thú...


3. Bố cục đối xứng

Đây là bố cục kinh điển, chủ thể sẽ nằm ngay trên đường trung trực của ảnh và không gian ảnh sẽ được chia thành hai phần đối xứng nhau. Khi áp dụng bố cục này, cần tạo sự thu hút cho điểm nhấn, nếu không bức ảnh dễ tạo cảm giác khô cứng.

Một cảnh trong chùa Huyền Không Sơn Thượng - Huế



Đầm Lập An - Huế

 4. Bố cục chéo góc

Trong bố cục này, trọng tâm bức ảnh được đặt ở góc ảnh này và các họa tiết sẽ phát triển đến góc ảnh kia, tạo nên sự sắp xếp theo đường chéo. Trong một khung hình, đường chéo là đường dài nhất nên nếu sắp xếp theo đường chéo thì chi tiết sẽ được gia tăng.


5. Bố cục tạo hình từ đường dẫn

Một đường dẫn có tác dụng dẫn dắt người xem "bước vào" không gian ảnh và tăng chiều sâu của tấm ảnh.



Ngoài những bố cục cơ bản nêu trên, đôi khi chúng ta chụp không theo một bố cục nào cả mà ảnh vẫn đẹp, đó có thể là vẻ đẹp phá cách dựa trên những bố cục nền tảng mà mình đã đề cập, hoặc là một phút ngẫu hứng xuất thần. Vì thế, bố cục chỉ là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ. Một tấm ảnh đẹp phải là tấm ảnh có hồn, nó cũng giống như khi ta bắt gặp một khuôn mặt hài hòa về mọi điểm nhưng lại không làm rung động, trong khi một khuôn mặt khác kém chuẩn hơn nhưng nhờ nét duyên thầm làm ai đã nhìn một lần cứ quay lại mãi. Trong phần sau, mình sẽ trình bày một số chi tiết để tăng sức hút của chủ thể cũng chiều sâu tổng thể của bức ảnh, tất nhiên vẫn chỉ gói gọn trong phạm vi máy du lịch.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét