Phiên thảo luận ở tổ của kỳ họp Quốc hội về công tác tư pháp đã khiến chúng ta không ai không cảm thấy lo lắng trước tình hình xã hội có phần bất an: hàng loạt các loại tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tội phạm công nghệ cao, tội phạm giết người cướp của dã man, đặc biệt là ở tuổi vị thành niên.
Rồi hiện tượng móc nối giữa tội phạm Việt Nam với tội phạm quốc tế để thực hiện các vụ buôn bán ma túy, buôn bán nội tạng và trẻ em sang các nước cũng hết sức tinh vi, liều lĩnh… Đại tá Anh hùng LLVT Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, số lượng tội phạm trong năm qua đã tăng đặc biệt nhanh và có thể xem là lớn nhất từ trước tới nay.
Điều này có thể lý giải được. Một khi nền kinh tế suy thoái, doanh nghiệp tuyên bố giải thể, nhiều người lao động thiếu việc làm sẽ kéo theo những hệ lụy: lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhiều hơn, cao tay hơn; giết người cướp của tàn bạo hơn… Đó chính là những thách thức không nhỏ đối với lực lượng công an Việt Nam nói riêng, các cơ quan tố tụng nói chung.
Nhưng trong quá trình thụ án, do được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật, mỗi năm nước ta có tới hàng chục ngàn phạm nhân được ra tù, trong đó có hàng ngàn người được hưởng ân xá và đặc xá ra tù sớm. Điều đáng nói là trong số đó, có rất nhiều phạm nhân phạm tội trọng án cũng được ân giảm án.
Tôi rất tán đồng với quan điểm của đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Chung trong chuyện này khi ông cho rằng, việc trả lại xã hội cả ngàn người mỗi năm phải tính làm sao cho thật nghiêm minh, thể hiện được chính sách nhân đạo của nhà nước, bên cạnh đó thì điều hết sức quan trọng là cần biết những đối tượng được hưởng ân xá đó có bao nhiêu phần trăm thực sự hoàn lương, có bao nhiêu lại tái phạm? Cũng theo ông Nguyễn Đức Chung, tội phạm hiện đang có xu hướng trẻ hóa và điều này rất nguy hiểm, tạo nên sự bất an cho xã hội bởi họ là đối tượng tái phạm nhiều hơn cả (hiện cả nước có khoảng 140.000 phạm nhân thuộc đối tượng này).
Liệu chúng ta có nên ân giảm án cho những đối tượng phạm tội giết người man rợ, hiếp dâm trẻ em, buôn bán ma túy khối lượng lớn, cướp của có vũ khí, có tổ chức, tái phạm nhiều lần gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng? Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần xem lại những tội danh nào thì buộc phải thụ án mà không được ân giảm án, đặc xá. Đây là vấn đề lớn, thuộc về quan điểm, đường lối xử lý hình sự, cần được thảo luận rộng rãi trong các ngành tư pháp và toàn xã hội để có sự đồng thuận cao nhất, cũng như dựa trên các nghiên cứu toàn diện về tình trạng tái phạm tội để có cơ sở khoa học thuyết phục, trước khi luật hóa bằng văn bản. Việc này hoàn toàn không đi ngược lại nguyên tắc nhân đạo của pháp luật, bởi ngay tại châu Âu, sau khi án tử hình đã được hủy bỏ ở nhiều nước, thực tế từ các vụ thảm án gây chấn động lương tâm xã hội đã khiến các nhà lập pháp cuối cùng cũng phải đi tới quyết định thông qua chế tài “án không ân giảm” như đã nói ở trên.
Quốc Phong
(bài đăng trên báo TN ngày 1.11.2012)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét