Cám ơn những lời chúc mừng Ngày Nhà giáo

http://vtv.vn/Content/Uploads/Image/2011/11/20/nhagiao2011_634573753112138000.jpgThành thật cám ơn các bạn đã gửi lời chúc mừng tôi nhân Ngày Hiến chương Nhà giáo 20/11. Đáng lẽ tôi phải đáp lời mỗi bạn, nhưng vì không có thì giờ, mà tôi thì không muốn đáp lời theo kiểu cắt-và-dán (làm như thư viết sẵn), nên đành phải phải mượn entry này để tỏ lời cám ơn các bạn. Thật ra, ngày này cũng không có ý nghĩa gì với tôi đâu, vì có hay không có ngày 20/11, thì tôi vẫn làm việc bình thường, vẫn một lòng giúp đỡ các bạn -- nếu có dịp.


Tôi để ý thấy hình như Việt Nam có khá nhiều ngày lễ hội. Ngoài những ngày lễ chính trị ra, còn có những ngày như ngày dành cho phụ nữ, ngày Nhà giáo, ngày thầy thuốc, v.v. Ở ngoài này cũng có những ngày như thế, nhưng họ không có màu mè và ồn ào như Việt Nam. Không có tặng hoa. Cũng chẳng có chúc mừng gì. Tuy nhiên, cá nhân tôi thì thấy có lời chúc mừng hay có bông hoa cũng … hay. Tôi không có gì phàn nàn; chỉ thấy thích thích.  

Qua trang web cá nhân này và qua những lớp học ở Việt Nam, tôi có cơ duyên quen với rất nhiều bạn. Có những người tôi chưa có dịp gặp trước đó, nhưng đến khi gặp ngoài đời, thì xem như đã quen biết nhau từ thuở nào. Các bạn ấy nhắc đến những ý kiến hay bài viết tâm đắc. Hầu như ai cũng nhắc đến loạt bài hướng dẫn cách viết bài báo khoa học, trình bày trong hội nghị, và kĩ năng mềm (như tiếng Anh). Có một bài làm tôi ngạc nhiên về độ phổ biến: đó là bài “cách viết đề cương nghiên cứu”. Chỉ chưa đầy 2 tháng mà đã có hơn 23000 lượt ghé đọc hay download (hay chỉ tình cờ ghé qua). Mới hôm qua có một bạn mới viết thư nói rằng nhờ bài đó mà bạn ấy đã hoàn tất một đề cương nghiên cứu và được khen lắm. Chưa biết có được tài trợ hay không, nhưng tôi cũng nhân dịp này nói lời chúc may mắn – good luck! Các bạn ấy xem đó là một sự học, và xem tôi như thầy. Các bạn ấy làm tôi cảm động.

Mỗi chúng ta đều có những người thầy / cô ấn tượng. Với tôi thì người thầy ấn tượng thuở ban đầu là Thầy Phát (đã quá cố) và anh Hai tôi. Sau này, tôi còn có nhiều người thầy ngoại khác. Người tôi nhớ nhiều nhất là Gs Donald McNeil và Gs Alan Woodland. Gs McNeil là người đã nhận tôi vào học chương trình Masters của Macquarie khi Sydney chê tôi. Gs Woodland ở Đại học Sydney là người nhận tôi làm nghiên cứu sinh sau khi tôi rời Macquarie. Hai người này dạy tôi về thống kê học. Gs McNeil là người rất trầm lặng, nhưng rất tình cảm. Ông không bao giờ để lộ cảm tính, nhưng là người rất có cảm tình với sinh viên gốc Á châu gặp khó khăn về tiếng Anh. Ngược lại, Gs Woodland là một giáo sư thuộc típ “giáo sư cổ điển”, cực kì nghiêm nghị, và elite. Thời đó, mỗi department chỉ có một giáo sư duy nhất (bây giờ thì có thể có 2,3 giáo sư trong một department), nên chức danh giáo sư cực kì oai phong lẫm liệt. Tôi còn nhớ hoài mỗi lần giáo sư bước vào phòng ăn hay phòng lab, tất cả sinh viên graduate đều đứng dậy. Ông không có ý bắt sinh viên làm như vậy, nhưng ai cũng tỏ ra kính phục khi có cái air của ông trong phòng.

Sau này tôi còn gặp hai người thầy đặc biệt khác. Đó là Gs Philip Sambrook và Gs John Eisman. Hai người này dạy tôi về nội tiết và loãng xương, cả hai là người hướng dẫn luận án của tôi. Gs Sambrook là người có óc tổ chức rất hay, làm việc đâu ra đó, rất mực đúng giờ, chính xác. Hứa với anh ta làm gì mà không xong là xem như gặp trở ngại lớn với anh ta. Gs Sambrook đột ngột qua đời năm nay và tôi có một bài tưởng niệm ở đây.   Gs Eisman là người cực kì thông minh (vào đại học năm 16 tuổi), nhưng cũng là người cực kì khó tính. Ông là giáo sư y khoa thuộc hàng “cây đa cây đề”, nhưng không có thái độ kẻ cả như người khác. Ông có thái độ elite, rất ghét những gì làng nhàng. Có lần ông nói nghiên cứu sinh trung bình đừng nghĩ đến chuyện học ở Viện Garvan! Khi ông ở Mĩ về, người ta bổ nhiệm ông chức danh Associate Professor (như phó giáo sư), ông không nhận! Ông ghét chức phó. Ông chờ đến thời điểm đúng thì xin đề bạt chức danh Professor. Ông là người có khả năng làm nhiều việc cùng một lúc, có khi nóng tính, miệng thì quát tháo và phàn nàn nhiều hơn là giải quyết vấn đề, nhưng bản chất thì rất tử tế. Ông rất cẩn thận, dù đã là giáo sư danh tiếng thế giới, nhưng mỗi khi ông đi nói chuyện trong hội nghị quan trọng, ông yêu cầu nghiên cứu sinh phải nghe ông trình bày, xem xét thì giờ, và cho ý kiến; nếu không có ai cho ý kiến, ông dễ nổi nóng và giận dỗi: bộ tao nói dở lắm hay sao mà chúng mày chẳng đứa nào nói gì cả! Tôi là một trong những người không nghe lời thầy (vì mấy người trước mách cho tôi cách đối phó với ông!)  Có nhiều đề tài tôi làm dù ông phản đối ngay từ đầu; nhưng khi thành công thì ông đi khoe và lobby khắp nơi. Có lần ông than với tôi rằng sao dạo này ông nói mà chẳng đứa nào chịu làm theo ý ông! Tuy nhiên, ông là người thầy trung thành và công bằng với nghiên cứu sinh. Có lần tôi cảm động khi có người cho tôi biết chính ông là người âm thầm lobby để tôi vào hội đồng Publication của Hội loãng xương Hoa Kì (ASBMR). Trong lab, ông là người phê bình nghiên cứu sinh một cách “dã man”, không nhân nhượng, nhưng khi ra ngoài hội nghị quốc tế hay hội nghị quốc gia, thì ông lại là người bảo vệ nghiên cứu sinh hết mình. Ai mà đụng đến nghiên cứu sinh của lab, ông là người đầu tiên đứng lên bảo vệ. Ông quan niệm rằng trong nhà thì đóng cửa dạy nhau, ra ngoài thì phải đoàn kết lại. Do đó, dù là người thầy khó tính, nhưng nghiên cứu sinh rất thích ông.

Riêng tôi, tôi chưa biết nghiên cứu sinh nghĩ gì về mình. Điều này tôi để cho họ có ý kiến sau này. :-)
N.V.T
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét