Kể ra, nói thì bảo xét nét, nhưng không nói cứ lăn tăn thế nào ấy. Vậy thì nói chút chút, vừa phải, nhè nhẹ, dễ nghe.
Trong phiên chất vấn tại hội trường chính kỳ họp quốc hội ngày hôm qua cũng như bữa nay, có một từ được nhắc đến khá nhiều lần, là từ "đồng chí".
Danh từ này thể hiện đặc điểm giao tiếp của các nước theo chủ nghĩa cộng sản, dùng để gọi những người cùng chí hướng, lý tưởng, cùng đứng trong đoàn thể (đảng CS), hàm nghĩa cao đẹp. Có một giai đoạn dài ở các nước XHCN ai được gọi là đồng chí rất hãnh diện; phấn đấu từ người thường trở thành đồng chí là mục đích của rất nhiều người. Nói chung, phải là thành viên của tổ chức chính trị (đảng) mới đủ tư cách đồng chí. Trong sinh hoạt đảng, dù người đứng đầu hay đảng viên quèn đều là đồng chí của nhau, không có từ xưng hô nào khác thay thế cho cách gọi ấy.
Nhưng quốc hội không phải tổ chức chính trị-xã hội, không phải đảng phái, đoàn thể nào đó. Quốc hội là cơ quan đại biểu - quyền lực cao nhất, đại diện cho tất cả nhân dân, cùng và không cùng lý tưởng. Các đại biểu quốc hội được bầu chịu trách nhiệm trước cử tri bầu ra mình và cử tri cả nước. Thông qua đại biểu và thông qua quốc hội, nhân dân sử dụng quyền lực của mình để định đoạt các vấn đề của đất nước... Như thế, đại biểu quốc hội có thể là đồng chí, cũng có thể không. Tuy nhiên, dù là ai thì trên nghị trường, tư cách đại biểu vẫn là quan trọng nhất, không gì thay thế được.
Chính vì vậy, một số vị đã dùng từ đồng chí không đúng lúc, đúng chỗ. Đáng nhẽ trao đổi với nhau trên nghị trường, khi 499 vị được dân bầu phải gọi nhau là đại biểu (tức là đang ở tư cách đại diện cho nhân dân), ít ra cũng gọi trân trọng là ông- bà, thì các vị ấy cứ quen gọi nhau đồng chí. Đây là diễn đàn bàn việc dân việc nước của gần 90 triệu dân chứ có phải hội họp, sinh hoạt đảng- đoàn đâu mà xưng hô, gọi nhau như thế. Vô hình trung, cách gọi ấy đã thu hẹp vấn đề vận mệnh toàn dân vào phạm vi đoàn thể, khiến mất đi tính dân chủ, đại chúng. Không chỉ những đại biểu thường mà ngay cả những đại biểu đang giữ chức vụ cao của đảng, nhà nước, quốc hội cũng cứ quen miệng "đồng chí". Hôm nay thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất nhiều lần dùng từ "đồng chí" "các đồng chí" để chỉ đại biểu quốc hội; hôm qua chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng thế, thậm chí còn thiếu nghiêm khi "đồng chí Trịnh Đình Dũng ơi", "đồng chí thống đốc Nguyễn Văn Bình ơi", giống như sinh hoạt chi bộ hoặc họp tổ dân phố chứ không phải họp quốc hội. Có thể ai đó bảo vệ cho bác Sinh Hùng, nói người ta xuề xòa gần gũi thế mà cũng bày đặt bắt bẻ, cứ khó khăn thế ai mà chiều được... Không ạ, cái nào nên ra cái ấy, nhất là trên nghị trường bàn chuyện quốc kế dân sinh.
Tối qua, ngồi nói chuyện với tôi, nhà báo Đỗ Hùng (Mr.Do) cũng bảo cần phải rành mạch vậy, đừng nhập nhèm, lẫn lộn thế; đó là chưa nói đến khía cạnh không phải đại biểu quốc hội nào cũng "đồng chí" dù tất cả cùng chăm lo việc dân việc nước. Cái đó lớn hơn, cao cả, đẹp đẽ hơn đồng chí (cùng ý chí) nhiều lắm. Tôi nhất trí.
14.11.2012
Nguyễn Thông
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét