Trước tiên, xin hương hồn cụ trưởng lão Ama Kông tha thứ cho kẻ tiện dân này khi mạo muội nhắc đến điều liên quan đến cụ.
Tuần rồi, nhiều báo đưa tin về sự ra đi của cụ Ama Kông thọ 103 tuổi. Một nhân vật hiếm có của núi rừng Tây nguyên hùng vĩ, có lẽ chỉ sau Nơ Trang Lơn và Đinh Núp (anh hùng Núp). Cụ nổi tiếng về nhiều mặt, nhất là săn voi. Theo thống kê của gia đình cụ, trong cả cuộc đời lừng lẫy, cụ đã săn bắt được 298 con, nếu không gặp lệnh cấm của chính phủ năm 1982 thì con số tròn 300 chả có gì khó khăn. Nói cho ngay, cụ bắt voi để thuần dưỡng, sau đó bán cho người khác, họ sẽ sử dụng voi vào công việc, sinh hoạt hằng ngày. Lúc ấy voi cũng như con trâu con bò vậy.
Tuy nhiên, voi là động vật hoang dã, cần để chúng sống tự nhiên nhằm mục đích duy trì, bảo tồn. Trên thế giới cũng như ở nước ta, đàn voi ngày càng ít đi do sự săn bắt của con người. Trong đó có "công" của cụ Ama Kông. Có thể cách đây vài chục năm, chúng ta coi chuyện bắt voi là bình thường, ca ngợi người bắt voi là bình thường, chả vi phạm, lấn cấn gì cả. Nhưng nay thì khác, khi cả nhân loại đang cùng nhau từng giây từng phút bảo vệ môi trường, gìn giữ cân bằng sinh thái, bảo vệ động vật hoang dã, mà thực chất là bảo vệ cho chính mình, thì sự đề cao hành vi hủy hoại thiên nhiên sẽ rất khó nghe. Vì vậy, trước sự ra đi của một người nổi tiếng như cụ Ama Kông, thương mến cụ, phục cụ là một nhẽ, nhưng việc ca ngợi cụ cũng nên chừng mực cho phải đạo, đừng như một số tờ báo kể lể công lao thành tích, khâm phục tài săn bắt voi của cụ, xem đó như điều tuyệt vời mà không mấy ai làm được. Thậm chí có nhà báo còn bình luận kỷ lục bắt voi của cụ đến nay vẫn chưa có ai phá được.
Có những giá trị tưởng rằng nhất thành bất biến, tuy nhiên nó chịu sự chi phối của cuộc sống, thay đổi theo những vận động của đời sống, hướng tới giá trị toàn cầu, cộng đồng nhân loại. Ngày nào, miền Bắc vừa ra khỏi cuộc chiến tranh, bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, nhạc sĩ Phạm Tuyên hồ hởi "Rừng ơi, ta đã về đây" để kêu gọi mọi người cùng nhau phá rừng (được gọi bằng mỹ từ "khai thác"), thậm chí vui không thể tả "cây đổ rộn vang như tiếng pháo, tiếng hò nhịp theo trâu kéo gỗ". Xét ra cảnh núi hoang đồi trọc hôm nay có một phần đóng góp của nhạc sĩ Phạm Tuyên nhưng không ai trách móc gì ông. Thời bấy giờ nó thế.
Bất chợt liên hệ đến phong trào ngăn sông làm thủy điện, từ trung ương đến địa phương, đã và đang gây biết bao nhiêu hệ lụy; san bằng hàng vạn hecta bờ xôi ruộng mật làm sân golf, làm nhà cao tầng khiến dân rơi vào cảnh khốn cùng... Liệu có phải là tư duy "ăn xổi ở thì", tầm nhìn không qua ngọn cỏ?
Chỉ có điều, giá mà con người đừng tàn phá thiên nhiên, đừng phá rừng, săn bắt thú rừng; văn nghệ báo chí đừng tung hô ca ngợi quá đáng; để cuối cùng phải tự gánh chịu hậu quả vác đá ghè chân mình thì tốt biết bao nhiêu.
10.11.2012
Nguyễn Thông
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét