Thỉnh thoảng tôi ngạc nhiên khi đọc một thông tin và tự hỏi tại sao thông tin trở thành bản tin (news). Tiêu biểu là bản tin “Kiểm tra thông tin ‘70% tiến sĩ không làm nghiên cứu khoa học’“ trên website của Chính phủ. Thật ra, con số này không mới, nhưng chẳng hiểu vì sao nó trở thành mối quan tâm của ngài phó thủ tướng. Nhân dịp mới về nhà, tôi muốn có đôi dòng giải thích về nguồn gốc con số này.
Câu chuyện bắt đầu từ Hội thảo “Giáo dục Đại học Việt Nam hội nhập quốc tế” do Quỹ Phát triển ĐHQG-HCM phối hợp Viện Đào tạo Quốc tế tổ chức vào ngày 9/11 vừa qua. Tôi có hân hạnh tham gia hội thảo với một báo cáo có tên là “Khoa học Việt Nam trên trường quốc tế qua phân tích ấn phẩm khoa học”. Trong bài này, tôi trình bày những phân tích mang tính bibliometrics dựa vào số liệu của ISI và Scopus từ 1970 đến 2011, so sánh với các nước trong vùng, và có phát biểu một số đề nghị mang tính vĩ mô. Thông điệp chính của bài tham luận là cơ cấu nghiên cứu khoa học đã thay đổi trong thời gian 40 năm qua, theo xu hướng nghiên cứu ứng dụng nhiều hơn nghiên cứu cơ bản.
Theo thống kê mới nhất thì Việt Nam có hơn 9100 giáo sư và phó giáo sư và ~24000 tiến sĩ. Nếu mỗi năm, chỉ cần 2 giáo sư có công bố 1 bài báo khoa học, 5 tiến sĩ công bố bài báo khoa học, thì số bài báo khoa học của Việt Nam chắc hẳn phải hơn Thái Lan và Malaysia. Nhưng trong thực tế, tính từ 1970-2011 số bài báo của Việt Nam (10745) trên các tập san khoa học quốc tế chỉ bằng 22% của Thái Lan, 27% của Malaysia, và 11% của Singapore. Bài tham luận chỉ ra rằng số bài báo khoa học của cả nước Việt Nam (hiện nay) không bằng số bài báo khoa học của một đại học hàng đầu của Thái Lan (như Chulalongkorn hay Mahidol), hay của Malaysia (Đại học Malaya).
Vấn đề đặt ra là tại sao năng suất khoa học của Việt Nam còn kém hơn các nước trong vùng, trong khi số giáo sư và tiến sĩ thì khá cao. Một trong những câu trả lời khả tín là các tiến sĩ ở Việt Nam không tham gia vào nghiên cứu khoa học. Về giả thuyết này thì đã có khá nhiều người phát biểu (xem chẳng hạn như bài “Bằng tiến sĩ chủ yếu để làm quan”), nhưng có con số cụ thể thì cần đến một cuộc điều tra xã hội. Năm 2005, báo Vietnamnet có đăng một bài dưới tựa đề “Bất cập trong quản lý khoa học!” Bài báo có đề cập đến một điều tra trên 9000 tiến sĩ, và kết quả cho thấy phần đông tiến sĩ làm quản lí chứ không làm nghiên cứu khoa học. Nguyên văn bài báo trên Vietnamnet như sau (kể cả phần nhấn mạnh của Vietnamnet):
“Theo con số thống kê mới nhất, cả nước có 15.000 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, gần 1.100 giáo sư và gần 5.000 phó giáo sư. Thế nhưng trong gần 9.000 tiến sĩ được điều tra, gần 70% giữ chức vụ quản lý và chỉ 30% thực sự làm chuyên môn. GS Hãn bức xúc: ‘'Như vậy đào tạo và sử dụng ở Việt Nam chẳng giống ai'’.”
Phần bàn luận của bài tham luận của tôi có trích dẫn thông tin trên. Thú thật, tôi cũng không mấy quan tâm đến con số này, vì trích dẫn đó chỉ là một cách trình bày “chứng cứ ngoại tại” (external evidence) làm cơ sở cho giả thuyết nhiều tiến sĩ không tham gia nghiên cứu khoa học. Vả lại, đó không phải là kết quả phân tích của tôi, nên tôi chỉ dành 1 dòng cho thông tin đó. Nhưng những gì mình không quan tâm lại là sự chú ý của giới báo chí, và chỉ khi qua báo chí thì con số 70% đó mới trở nên … nổi tiếng.
Hội thảo “Giáo dục Đại học Việt Nam hội nhập quốc tế” được sự quan tâm của giới truyền thông. Khoảng 30 phóng viên, kể cả phóng viên báo Tuổi trẻ, có mặt trong buổi khai mạc hội thảo. Báo Tuổi trẻ giật một cái tít “70% tiến sĩ không làm nghiên cứu khoa học”. Bài báo này được rất nhiều tờ báo khách trích dẫn hay in lại trên mạng. Có lẽ vì mức độ lan tỏa của thông tin (phải nói là có chút giật gân tính), nên gây sự chú ý của Gs Nguyễn Thiện Nhân, Phó thủ tướng Chính phủ.
Nhưng tôi nghĩ yêu cầu Đại học Quốc gia TPHCM kiểm tra thông tin là không hợp lí. Tác giả (là tôi) mới là người chịu trách nhiệm về thông tin, chứ đâu phải đơn vị tổ chức. Trong các hội nghị khoa học, không có ban tổ chức nào chịu trách nhiệm về thông tin của các nhà khoa học trình bày trong hội nghị. Thông tin được đưa ra, và đồng nghiệp cùng nhau thảo luận, ban tổ chức không có liên quan gì đến thảo luận cả. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp tác giả từ chối cung cấp thông tin cho đồng nghiệp vì họ viện dẫn Qui ước Ingelfinger. Nhưng trong trường hợp này thì tôi vui vẻ cung cấp thông tin. Thật ra, có lẽ cũng chẳng cần nói gì thêm, bởi vì bài tham luận có phần "chú thích và bài báo trên Vietnamnet đã được ghi chú rõ ràng.
Như đề cập trên, đây là con số không mới. Con số này đã được công bố hơn 7 năm trước, và cho đến hôm kia có thể nói nó vẫn còn là một thông tin “obscure”, vì ít ai chú ý. Nhưng chẳng hiểu sao mãi đến khi Tuổi trẻ “vào cuộc” thì con số này có một cuộc sống mới. Tôi nghĩ người ta chú ý đến con số này (70% tiến sĩ làm quản lí) là vì nó được đặt trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và bức xúc của công chúng.
Trước đây cũng có một trường hợp tương tự: đó là con số 9000 GS/PGS. Tôi thu thập con số này từ báo Nhân dân, và cũng chỉ để biết chứ không có nhận xét gì. Tuy nhiên, khi con số được đặt trong bối cảnh số bằng sáng chế trong bài “Hơn 9.000 giáo sư sao không có bằng sáng chế?” thì nó trở nên rất nổi tiếng. Tôi nghiệm ra rằng khi con số được đặt trong một bối cảnh hay outcome thì nó “có hồn” hơn và dễ gây chú ý từ người đọc hay công chúng nói chung. Con số 70% tiến sĩ không làm nghiên cứu khoa học chắc cũng thế, khi nó được đặt trong bối cảnh giáo dục đại học trong thời hội nhập thì được người ta chú ý và quan tâm.
Tuy nhiên, theo tôi thấy thì con số 30% tiến sĩ thật sự làm nghiên cứu khoa học có lẽ hơi cao. Số liệu từ ISI (tính trong vòng 5 năm qua) cho thấy số tác giả Việt Nam có công bố quốc tế thường xuyên (ít nhất 2 bài) chỉ xấp xỉ 1100 người. Dĩ nhiên, trong số này không phải 100% là tiến sĩ. Nhưng nếu giả dụ rằng 100% là tiến sĩ thì con số 1100 này so với 24000 tiến sĩ vẫn cho thấy tỉ lệ rất thấp. Cố nhiên, cũng có người làm nghiên cứu nhưng không có công bố kết quả trên các tập san quốc tế, nhưng con số này thì không ai biết là bao nhiêu. Nếu giả dụ rằng cứ 5 người công bố trong nước thì có 1 người công bố quốc tế, thì tỉ lệ 30% tiến sĩ đang tích cực làm nghiên cứu khoa học vẫn là một con số cao. Nhưng nói gì thì nói, kết quả của điều tra cho biết có 70% người có bằng tiến sĩ làm quản lí, và đó là một điều không bình thường.
N.V.T
0 nhận xét:
Đăng nhận xét