Hôm qua, tôi đọc được một bản tin rất đáng chú ý về “Nghiên cứu nạn đưa phong bì tại bệnh viện”. Đáng chú ý là người thực hiện nghiên cứu là một em sinh viên (tên là Trần Thị Mai). Hay thật! Đáng lẽ ngành y tế nên thực hiện nghiên cứu này, nhưng có lẽ ngành còn quan tâm những chuyện khác, nên để cho người ngoài ngành làm, và làm có vẻ tốt. Nhân đọc vài kết quả của nghiên cứu này, tôi ước tính rằng mỗi năm bệnh nhân đưa hối lộ cho bác sĩ và y tá khoảng 660 triệu USD.
Những câu hỏi nghiên cứu mà em đặt ra liên quan đến tình trạng bệnh nhân “đưa phong bì” cho bác sĩ và y tá. Nói thẳng ra là hối lộ (theo cách hiểu “Nhận dăm ba chục ngàn đồng cũng là tham nhũng”). Những câu hỏi nghiên cứu mà em muốn trả lời toàn là những vấn đề cả xã hội quan tâm: tại sao đưa phong bì, cách thức đưa, thái độ của bác sĩ và y tá sau khi nhận phong bì, v.v. Em còn nói thêm rằng “Báo chí đã nói nhiều đến vấn đề này nhưng tôi mong muốn có số liệu cụ thể để thấy được khách quan, chủ quan của việc đưa phong bì.” Nói cách khác (mà có lẽ em chưa biết) tinh thần của em đúng là tinh thần của y học thực chứng. Tình trạng đưa và nhận phong bì đã được nói đến nhiều lần, nhưng chưa ai có bằng chứng định lượng để phát biểu cụ thể, nên em làm nghiên cứu này. Hoan hô tinh thần khoa học của em Trần Thị Mai! Tôi chợt lan man ước gì các vị quan chức và bộ trưởng đều suy nghĩ và hành động như em sinh viên này.
Để trả lời những câu hỏi trên, em thiết kế nghiên cứu theo mô hình survey – điều tra xã hội. Hai trăm bảng câu hỏi (questionnaire) được phát ra, và có 146 người (tức 73%) trả lời. Có lẽ tỉ lệ người trả lời không được cao, nhưng tôi nghĩ đó là một tỉ lệ rất đáng khích lệ, vì trong thực tế có nghiên cứu không đạt được 50%! Không rõ cách chọn mẫu được thực hiện như thế nào, nhưng tôi đoán với tỉ lệ tham nhũng / hối lộ quá cao thì có lẽ cách chọn mẫu cũng không ảnh hưởng lớn đến kết quả nghiên cứu. Trả lời câu hỏi của ai đó trong ban giám khảo, em tỏ ra là người hiểu biết phương pháp nghiên cứu, thể hiện qua câu này: “[…] Em nghĩ quan trọng là cách mình chọn mẫu như thế nào, còn số lượng đôi khi không quyết định đến kết quả nghiên cứu. Ví dụ như trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, với lượng dân số cả trăm triệu nhưng người ta chỉ khảo sát trên 1.000-2.000 dân. Đó là con số đại diện và cách chọn mẫu của em mang tính xác suất cao.” Rất nhiều người ở VN vẫn còn mang trong đầu kiểu làm kiểm kê, điều tra dân số, kiểu nghiên cứu theo mô hình xã hội chủ nghĩa (cái gì cũng lấy mẫu cả nước) sẽ không hài lòng với câu trả lời của em. Nhưng tôi thì nghĩ rằng em nói đúng (dù câu sau cùng chứng tỏ em hơi … lúng túng). Không cần phải lấy “mẫu đại diện” cả nước để có bằng chứng; chỉ cần lấy mẫu tốt ở một vài địa điểm là cũng có thể đảm bảo tính external validity (hợp lí ngoại tại) của bằng chứng nghiên cứu. Công trình nghiên cứu Framingham của Mĩ chỉ làm ở một quận nhỏ thuộc bang MA, nhưng kết quả có thể ứng dụng cho toàn dân số Mĩ và cả thế giới.
Kết quả cho thấy 76% người biết hay tự mình đưa phong bì cho nhân viên y tế. Con số này xem ra phù hợp với một nghiên cứu trước đây ở Hà Nội cho thấy khoảng 70% bác sĩ và y tá thú nhận có vi phạm y đức, kể cả [dĩ nhiên] nhận phong bì từ bệnh nhân.
Tại sao hối lộ cho bác sĩ và y tá? Có lẽ những ai từng hối lộ thì câu hỏi này thừa, không làm cũng biết. Nhưng đối với người làm nghiên cứu thì câu hỏi này phải đặt ra, cần phải có chứng cứ và con số. Theo tác giả thì những lí do chính để hối lộ là được ưu tiên, được chăm sóc tốt hơn: “64% người được khảo sát cho rằng quá tải tác động đến việc đưa phong bì vì ai cũng muốn được nhanh, được chăm sóc, được ‘để ý’ nên đưa để được giải quyết nhanh hơn.” Đưa hối lộ có hiệu quả không? Câu trả lời là có. Theo tác giả, có đến 81% bệnh nhân cho biết hay đồng ý rằng sau khi đưa phong bì thì thái độ phục vụ của y tá và bác sĩ có tận tình hơn, tích cực hơn.
Đưa hối lộ như thế nào? Xem ra cách thức khá phong phú, từ kẹp trong số khám bệnh, nhét vào túi áo, đến hiện vật. Không thấy tác giả cho biết cách thức đưa tiền nào phổ biến nhất. Có được thông tin đó cũng giúp ích cho những bệnh nhân chưa biết hối lộ như thế nào! Bệnh nhân thường chọn chỗ vắng người, hoặc trong phòng điều trị, hoặc phòng mạch / nhà riêng của bác sĩ. Mới đây, Bộ trưởng Y tế tuyên bố rằng bác sĩ hay y tá nào nhận phong bì thì bệnh nhân nên chụp hình và gửi cho bà bộ trưởng. Trả lời tính liên quan của nghiên cứu, em sinh viên Trần Thị Mai nói: "Qua khảo sát, người nhà bệnh nhân chỉ đưa phong bì ở những nơi vắng người, không có người qua lại nên không thể chụp ảnh được. Em nghĩ đó có thể là giải pháp trong sự bế tắc của ngành y tế." Câu trả lời cũng có thể hiểu như là một bác bỏ lời khuyên của Bộ trưởng.
Đưa bao nhiêu? Bài báo trên Tuổi Trẻ có một bảng thống kê thú vị dưới đây. Nhìn vào bảng số liệu này, chúng ta dễ dàng thấy bệnh nhân cho tiền bác sĩ nhiều hơn là cho y tá. Không rõ số tiền bệnh nhân hối lộ cho các phó giáo sư và giáo sư là bao nhiêu, nhưng những số liệu này cho thấy tiền hối lộ cũng phụ thuộc vào đẳng cấp.
Tiền trong phong bì | Số y tá nhận | Số bác sĩ nhận |
20,000 – 50,000 | 47 | 3 |
100,000 – 200,000 | 49 | 29 |
300,000 – 500,000 | 8 | 39 |
600,000 – 1 triệu | 3 | 15 |
Trên 1 triệu | 0 | 13 |
Dựa vào những con số trên đây, tôi ước tính rằng số tiền trung bình hối lộ cho y tá là 136,400 đồng, và cho bác sĩ là 586,400 đồng. Tính trung bình (y tá và bác sĩ), mỗi lần hối lộ là 352,600 đồng, tức khoảng 18 USD.
Một con số có lẽ bất cứ ai trong chúng ta muốn biết là mỗi năm bệnh nhân đã hối lộ cho bác sĩ và y tá bao nhiêu tiền. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải biết con số bệnh nhân nhập viện mỗi năm. Rất tiếc, thống kê của Bộ Y tế không có con số này (nhưng họ có những con số khác mà chúng ta không cần biết). Do đó, tôi phải dùng thống kê của Úc. Theo số liệu thống kê năm 2010-2011 của Úc, số bệnh nhân nhập viện là khoảng 8.9 triệu người. Với dân số gần 21 triệu, con số bệnh nhân nhập viện là 42%. Nếu dân số Việt Nam là 87 triệu, và giả định rằng tỉ lệ nhập viện cũng tương đương với Úc, thì có khoảng 36.87 triệu bệnh nhân nhập viện. Có lẽ con số này còn thấp hơn thực tế, nhưng chúng ta có thể tạm chấp nhận con số 37 triệu lượt bệnh nhân nhập viện. Do đó, có thể ước tính rằng mỗi năm bệnh nhân VN hối lộ cho bác sĩ và y tá khoảng 18 x 37 = 666 triệu USD.
Đó là một con số khá lớn, nếu đặt trong bối cảnh tổng chi phí điều trị. Trong một điều tra xã hội trước đây của Ts Trần Hữu Quang (“Càng nghèo, chi phí y tế càng là gánh nặng”), chi phí y tế trung bình cho mỗi bệnh nhân mỗi năm là 2.9 triệu đồng, tức khoảng 145 USD. Nếu có ~37 triệu bệnh nhân thì chi phí y tế là 5.365 tỉ USD. Cộng thêm tiền hối lộ cho bác sĩ và y tá thì tổng chi phí cho y tế là 6 tỉ USD, trong đó 12% là hối lộ cho nhân viên y tế. Kinh khủng!
Sinh viên Trần Thị Mai trình bày đề tài trước hội đồng khoa học và các số liệu trong đề tài.
Một điều đáng nói ở đây là công trình này chỉ tốn hơn 2 triệu đồng, và tác giả chỉ mới là một sinh viên năm thứ 3. Chỉ hơn 2 triệu đồng mà em đã làm được một nghiên cứu có giá trị, chắc chắn có giá trị hơn hàng trăm nghiên cứu vô bổ nhưng với cấp “tiến sĩ”. Việc làm của em sinh viên này cũng là một cách trả lời cho những ai chỉ nói mà không dám làm, cho những ai đòi phải có tiền mới làm nghiên cứu có giá trị. Em Trần Thị Mai chứng minh cho họ thấy đó chỉ là những lời nguỵ biện cho sự lười biếng hay kém cỏi của họ.
Dĩ nhiên, nghiên cứu này chỉ là một nỗ lực ban đầu, và kết quả đặt ra nhiều câu hỏi nghiên cứu khác. Có lẽ tác giả là người ngoài ngành y, nên có lẽ chưa tiếp cận được y văn về lĩnh vực này. Ngoài ra, cách thiết kế bộ câu hỏi hình như cũng còn đôi điều cải tiến cho đúng phương pháp hơn. Cần phải chú ý đến khía cạnh đạo đức khoa học. Tôi nghĩ nếu em có cơ hội tiếp cận y văn và phát triển đề cương nghiên cứu một cách chi tiết và hệ thống hơn (như Health Affairs chẳng hạn), đề tài của em hoàn toàn xứng đáng một luận án tiến sĩ. Nhưng với kết quả hiện tại, tôi nghĩ em có thể viết thành một bài báo khoa học gửi đăng trên một tập san quốc tế. Tôi đoán mình cũng có thể tiếp em một tay nếu có dịp và có thì giờ.
N.V.T
====
Nghiên cứu nạn đưa phong bì tại bệnh viện
TT - Sáng 25-11, tại chung kết “Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2012”, đề tài “Hiện tượng đưa phong bì tại bệnh viện ở TP.HCM” của Trần Thị Mai - SV Trường ĐH Mở TP.HCM - đã gây ấn tượng với ban giám khảo.
Theo lời tâm sự của Mai, lý do để Mai đến với đề tài được đánh giá là “nóng” này bắt nguồn từ một “thắc mắc”. Mai cho biết: “Lúc đầu tôi không chọn đề tài này. Nhưng sau khi nghe một chị nói chị đi thăm người thân tại bệnh viện, thấy có một số người đưa phong bì cho bác sĩ. Tôi cứ thắc mắc tại sao họ lại đưa phong bì, họ đưa như thế nào, thái độ phục vụ của y tá, bác sĩ ra sao sau khi nhận phong bì... Báo chí đã nói nhiều đến vấn đề này nhưng tôi mong muốn có số liệu cụ thể để thấy được khách quan, chủ quan của việc đưa phong bì”.
Mong được tiếp tục khảo sát thêm
* Kết quả đáng lưu ý trong đề tài của bạn?
- Tôi phát ra 200 bảng hỏi cho người nhà bệnh nhân tại bốn bệnh viện lớn ở TP.HCM. Trong 146 bảng hợp lệ thu lại, số người nói có biết hiện tượng đưa phong bì cho nhân viên y tế chiếm 76%. Đáng chú ý, có 53/146 người cho biết họ có trực tiếp đưa phong bì cho y tá, bác sĩ theo các hình thức như kẹp trong sổ khám bệnh, nhét vào túi áo y tá, bác sĩ hay đưa kèm hiện vật... Hơn một nửa trong số này cho biết họ thường chọn địa điểm vắng người trong bệnh viện để đưa phong bì, kế đến là đưa trong phòng điều trị bệnh nhân, phòng bác sĩ và cả nhà riêng của bác sĩ.
* Người nhà bệnh nhân đón nhận những bảng hỏi về phong bì như thế nào?
"Vừa rồi, liên quan đến đề tài của em, có một câu của bộ trưởng Bộ Y tế nói nếu ai đưa phong bì thì chụp ảnh, giao cho bộ trưởng. Em bình luận thế nào?" PGS.TS Phan An
(trưởng ban giám khảo lĩnh vực xã hội - nhân văn) |
- Họ ngại nói về vấn đề tế nhị này nên đôi khi rất khó thuyết phục trả lời bảng hỏi. Tại một bệnh viện, tôi đi thẳng vào phòng bệnh nhân, ngồi trò chuyện trực tiếp với người nhà của họ, nhờ cho ý kiến và giải thích những câu họ chưa hiểu. Cũng có người mình hỏi họ không trả lời. Người ngồi cạnh thấy thế cũng không trả lời luôn. Nhưng cũng có người hỗ trợ tận tình vì bức xúc khi phải đưa phong bì.
* Trong đề tài của bạn, người được hỏi nói gì về những lý do khiến họ phải đưa phong bì cho nhân viên y tế?
- Trong khảo sát của tôi, 64% người được khảo sát cho rằng quá tải tác động đến việc đưa phong bì vì ai cũng muốn được nhanh, được chăm sóc, được “để ý” nên đưa để được giải quyết nhanh hơn.
Nhiều người hoàn cảnh khó khăn nhưng “nghèo đưa theo kiểu nghèo” để mong được chăm sóc tốt hơn. Họ sợ bị phân biệt đối xử trong quá trình điều trị tại bệnh viện. Ngoài ra, có đến 90,9% người được hỏi “đồng ý” việc đưa phong bì là để mong muốn người thân của mình sẽ được chăm sóc tận tình, chu đáo hơn. Và 80,8% cũng rất đồng ý, đồng ý sau khi đưa phong bì, thái độ phục vụ của y tá, bác sĩ có “quan tâm hơn”.
* Bạn mong muốn điều gì qua đề tài của mình?
- Tôi chưa đi sâu vào giải thích những vấn đề đưa ra. Tôi mong muốn được tiếp tục khảo sát thêm, phỏng vấn sâu với người nhà bệnh nhân, ý kiến của y tá, bác sĩ về vấn đề này. Qua nghiên cứu, tôi hỏi người nhà bệnh nhân giải pháp nào để giảm bớt tình trạng đưa phong bì. Kết quả thu được cho rằng thủ tục khám chữa bệnh tránh rườm rà, phức tạp, tiếp đến là quan tâm đến mức lương và đời sống của nhân viên y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và người dân cần ý thức trong khi khám và chữa bệnh.
"Qua khảo sát, người nhà bệnh nhân chỉ đưa phong bì ở những nơi vắng người, không có người qua lại nên không thể chụp ảnh được. Em nghĩ đó có thể là giải pháp trong sự bế tắc của ngành y tế" SV Trần Thị Mai |
Đề tài của tôi cũng đưa ra khuyến nghị để giải quyết hiện tượng đưa phong bì trong bệnh viện cần phải có sự chung tay của cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, y tá - bác sĩ và các cấp lãnh đạo trong ngành y tế và các ngành có liên quan.
Giám khảo hứng thú với đề tài
Ngoài phần nhận xét, phản biện, năm thành viên ban giám khảo cũng bàn luận thêm về câu chuyện phong bì.
Sau phần báo cáo tóm tắt, PGS.TS Nguyễn Công Đức - thành viên ban giám khảo - giơ tay: “Sở dĩ tôi nhanh nhảu xin có ý kiến đầu tiên vì có chút liên quan đến “sếp” (vợ - PV) của tôi ở nhà. Đồng chí ấy là bác sĩ. Hôm kia tôi bảo cô ấy đến nghe xem đúng được bao nhiêu. Nhưng dứt khoát tôi nghĩ ngành y tế của chúng ta, trong cơ chế hiện nay có nhiều tiêu cực. Cho nên, đề tài này nếu làm tốt sẽ góp phần giải quyết một vấn nạn xã hội đang nhức nhối. Có 200 phiếu được phát ra, thu về 146 bảng hợp lệ. Vậy, tôi đề nghị tác giả đánh giá thêm sự tương thích giữa thực tế với số lượng phiếu thu về”.
Sau phần chuẩn bị, Mai trả lời: “Công trình nghiên cứu của em mang tính ý tưởng, nghiên cứu và khám phá. Em nghĩ quan trọng là cách mình chọn mẫu như thế nào, còn số lượng đôi khi không quyết định đến kết quả nghiên cứu. Ví dụ như trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, với lượng dân số cả trăm triệu nhưng người ta chỉ khảo sát trên 1.000-2.000 dân. Đó là con số đại diện và cách chọn mẫu của em mang tính xác suất cao”.
Trước khi đặt câu hỏi, PGS.TS Đoàn Thị Thu Vân - thành viên ban giám khảo - nhận định phong bì là hiện tượng nhức nhối nên đề tài hấp dẫn và có tính cấp thiết cao. “Thế nhưng, hiện tượng đưa phong bì không chỉ có trong lĩnh vực y tế mà còn nhiều lĩnh vực khác như thủ tục hành chính, thuế quan, báo chí và cả giáo dục. Tác giả có nghĩ đến giải pháp để giải quyết hiện tượng này trên quy mô rộng hơn, ở các lĩnh vực khác nữa không?”.
“Lúc đầu, em cũng có nghĩ đến hiện tượng đưa phong bì ở những lĩnh vực khác. Nhưng em chọn khảo sát tại bệnh viện vì đây là vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Em nghĩ nếu mình đưa ra giải pháp ở tầm vĩ mô thì phải nghiên cứu ở tầm vĩ mô hơn để có những thông số, từ đó có những giải pháp sát thực tế. Em không đưa ra giải pháp trên diện rộng vì sẽ không đồng bộ. Em nghĩ có thể giải quyết riêng trong vấn đề này ở bệnh viện, sau đó mới mở rộng ra các lĩnh vực khác” - Mai nói.
Đặt hàng thêm
PGS.TS Lê Thanh Sang - thành viên ban giám khảo - đánh giá ở mức độ nghiên cứu khoa học sinh viên, với những trình bày trong báo cáo thì đó là sự khích lệ và nỗ lực đáng ghi nhận. Theo TS Sang, đề tài đã mô tả, giải thích được ở mức độ nhất định hiện tượng đưa phong bì tại một số bệnh viện tiêu biểu mà tác giả lựa chọn.
“Báo cáo cho thấy tác giả biết cách sử dụng các phương pháp nghiên cứu, phân tích để đưa ra kết quả về mức độ phổ biến của việc đưa phong bì như đưa bao nhiêu lần, mỗi lần đưa bao nhiêu, ai là người đưa nhiều hơn, ai đưa ít hơn theo nghề nghiệp, thu nhập. Một hạn chế của đề tài là không có định tính. Kết quả của đề tài chỉ mô tả, theo mẫu định lượng nên không giải thích được vấn đề đưa ra. Một vài phần còn mang tính chủ quan” - ông Sang nói.
Sau phần phản biện, nhận xét của các giám khảo, PGS.TS Nguyễn Công Đức “xin được nói thêm” về chuyện phong bì.
Ông Đức kể: “Vợ tôi là bác sĩ nên cũng hay được trao và cô ấy cũng hay từ chối. Đối tượng y tá, bác sĩ, điều dưỡng cũng giống như chúng tôi. Tôi biết có những luận án tiến sĩ rất tệ nhưng bỏ phong bì là qua hết. Ở bệnh viện, chuyện phong bì chỉ liên quan đến một người. Trong khi qua phong bì mà một người nào đó thành tiến sĩ, nhà khoa học thì tác hại hơn nhiều”. Cuối cùng, ông Đức đặt hàng: “Xong đề tài nghiên cứu này, tác giả nên lấy đối tượng như chúng tôi, trong lĩnh vực của chúng tôi để nghiên cứu tiếp...”.
HÀ BÌNH
0 nhận xét:
Đăng nhận xét