Quyền nguyên thủ

Người đứng đầu một quốc gia, tức đứng đầu nhà nước, ở cương vị tổng thống hoặc chủ tịch nước, được gọi là nguyên thủ. Những vị khác, dù có to đến mấy, quyền nghiêng quyền lệch đến mấy cũng chả thể gán cho từ ấy (mặc dù có vị còn lãnh đạo cả nguyên thủ). Nguyên thủ chỉ có một, cũng như con người chỉ có một cái đầu.

Xứ ta đang bàn việc tăng quyền cho chủ tịch nước, tức cho nguyên thủ cái quyền ra quyền, chứ không phải làm long trọng viên như lâu nay. Phải nói ngay, làm chủ tịch nước như ông Trần Đức Lương, ông Nguyễn Minh Triết dạo nào chán chết, chủ yếu ngồi hàng ghế đầu cho long trọng, lễ nghi; ký những văn bản đã được người khác duyệt; đến giao thừa được phép lên tivi đọc cũng cái văn bản soạn sẵn chúc mừng năm mới..., nhìn chung chả mấy khi được quyết điều gì. Dư luận có lúc còn bảo bù nhìn giữ dưa. Nghĩ cũng tội nghiệp cho các vị ấy, biết đâu có lúc muốn nghỉ nhưng vướng nhiệm kỳ, hoặc người ta bắt phải làm. Mang tiếng chức to nhất nước nhưng nhìn lên vẫn còn thua kém thực quyền của bao người khác. Ấy, xứ ta nó thế.

Nay thì quốc hội đang bàn việc chủ tịch nước phải có quyền ra quyền, thực quyền, quyền to, quyền quyết định, chứ không phải quyền danh quyền hão nữa. Trong các thứ quyền định trao cho nguyên thủ, tôi chú ý đến việc trao quyền thống lĩnh các lực lượng vũ trang. Theo dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng như theo một số phát biểu, đề xuất của đại biểu quốc hội, thì chủ tịch nước sẽ thống lĩnh các lực lượng vũ trang, giữ chức chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, được quyền quyết định phong hàm cấp tướng cho quân đội. Rõ ràng có điều gì chưa ổn, hoặc người ta còn cố né, cố giữ con bài. Nên biết rằng "lực lượng vũ trang" của một quốc gia luôn bao gồm cả quân đội và công an (an ninh), từ khi cách mạng thành công 1945 đến sau này, bao nhiêu năm vẫn là thế. Bác Hồ là tổng chỉ huy quân đội và công an, dân quân tự vệ. Chỉ thời gian gần đây người ta mới cố tình tách bạch quân đội, công an để nhằm vào mục đích gì đó. Ai cũng có thể thắc mắc: nếu chủ tịch nước chỉ quản được quân đội, thăng hàm tướng cho quân đội thì ai sẽ quản phần còn lại lực lượng vũ trang- công an? Sự phân quyền riêng rẽ vậy rất nguy hiểm, vô hình trung tạo thành hai lực lượng vũ trang do hai thế lực khác nhau quản lý. Lúc yên lúc ổn thì không sao, nhưng lúc có mâu thuẫn, có chuyện bè phái, giành giật sẽ dẫn đến nguy cơ đối đầu. Anh nào cũng tìm cách o bế, chiều chuộng, mua chuộc, ban ơn cho lực lượng do mình quản, khó tránh khỏi nạn kiêu binh; lúc ấy mục đích vì nhân dân phục vụ sẽ bị biến thành vì ông chủ nuôi nấng. Với đội quân vũ trang phân hóa như thế, nội trị còn chưa xong, nói chi đến bảo vệ tổ quốc trước sự xâm lăng của ngoại bang.

Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng đã trao quyền cho chủ tịch nước phải trao triệt để, thống nhất về một mối, dưới sự theo dõi, giám sát của đảng của dân. Chủ tịch nước giữ luôn quyền phong tướng cho lực lượng công an chứ không thể giao cho ai khác. Đừng sợ độc tài lũng đoạn. Với cơ chế lãnh đạo tập thể đang tồn tại ở xứ ta, chả có cá nhân nào tự ý tung hoành, tự tung tự tác được.

Và tại sao bàn chuyện trên, quốc hội không bàn luôn chuyện nhất thể hóa hai chức danh-cương vị: chủ tịch nước và tổng bí thư. Đó là ở cấp trung ương cao nhất, chứ ngay cả những cấp thấp hơn ở địa phương, bộ ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, cứ gộp người đứng đầu bộ máy chính quyền với đứng đầu đảng làm một, sẽ có đội ngũ tinh mà mạnh. Cứ thử làm con tính đơn giản, với 63 tỉnh thành, cả nghìn quận huyện, hàng chục vạn phường xã, chưa kể ban nghành đoàn thể, nếu hai vị trí ấy dồn vào một người, bộ máy sẽ bớt cồng kềnh biết bao nhiêu, chi phí ngân sách trả lương sẽ giảm biết bao nhiêu, sự lãnh đạo cũng sẽ thống nhất và hiệu quả biết bao nhiêu.

Xứ ta mắc căn bệnh của chàng Hamlet, "to be or not to be", lúc nào cũng hoài nghi, do dự, cẩn thận; cứ chờ xem người ta làm chán chê thì mình mới tập tễnh bước thấp bước cao lần theo. Rút cục bao giờ cũng nắm đuôi ngựa, lẹt đẹt mãi sau. Xưa nay thường học bài của Trung Quốc, vậy mà Tập Cận Bình đã không chỉ nắm hai mà cả ba ngôi cao nhất, Hồ Cẩm Đào quả quyết bỏ tất quyền lực, liệu có đáng quan tâm không nhỉ?

19.11.2012
Nguyễn Thông
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét