Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, chưa bao giờ nền văn nghệ nước nhà nói chung, văn học nói riêng, lại đen tối, bế tắc, bi đát, thảm cảnh... đến như hiện nay.
Chỉ tính từ cách mạng tháng tám 1945 tới nay thôi, văn học xứ ta đã từng đặt những dấu ấn sâu đậm trong lòng người và thời đại. Tôi không có kiến thức cần đủ về văn học miền Nam trước 1975 nên không dám bàn mảng đó, chỉ riêng văn học miền Bắc trước 75 và cả nước sau 75 đã gây cho tôi những quý mến đặc biệt. Đóng góp của văn nghệ sĩ, nhà văn vào sự phát triển của cuộc sống đương nhiên không cần bàn cãi.
Đã một thời, văn nghệ như thánh đường nghiêm cẩn, thiêng liêng, cao quý, ai bước chân được vào đó coi như tạo được cái tiếng hãnh diện với đời. Chả nói đâu xa, chỉ đăng được bài thơ, cái truyện ngắn trên tờ Văn nghệ là đã xem như lập được kỳ tích rồi, chứ nếu đoạt giải này nọ của thi thơ, thi truyện do Văn nghệ tổ chức thì chẳng cần phải đăng đàn diễn thuyết đã được làng văn xếp hạng chiếu trên, thậm chí ngồi cao ngất ngưởng, vua biết mặt chúa biết tên, thiên hạ ngắm nhìn ngưỡng mộ, kính phục. Cái thời ấy, dù nền văn nghệ vẫn bị chèo lái, uốn éo theo lối phải đạo nhưng trong chừng mực nào đó, tự thân nó tạo ra giá trị, khiến người ta không thể hạ nhục, xem thường. Tôi chắc rằng những người làm báo Văn nghệ hồi ấy chẳng thể nào quên được những năm tháng vinh quang, sản phẩm chưa ra lò đã bao bạn đọc mong ngóng, vừa bày lên sạp đã hết veo, một tờ báo người ta chuyền tay nhau đọc đến nát từng trang... Những tên tuổi một thời của văn học nước nhà Thái Giang, Nguyễn Bùi Vợi, Võ Văn Trực, Nguyễn Đức Mậu, Phan Thị Thanh Nhàn, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Huy Thiệp... nổi lên, được cả nước biết tới cũng nhờ bệ phóng Văn nghệ.
Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu.
Vừa rồi, đọc bài của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, tôi thấy anh than và giận, và tiếc nuối trước việc bác Hữu Thỉnh quyết định sáp nhập, đóng cửa, đình bản, chấm dứt tờ tạp chí Nhà văn, một trong 3 cơ quan ngôn luận trực thuộc Hội Nhà văn. Nghe ra ngậm buồn, nhưng biết thế nào. Em mà cương vị bác Thỉnh, có nhẽ em đóng cửa nó lâu rồi, ít nhất cũng sau khi nó danh nghĩa đứng ra tổ chức cái hội thảo thơ Hoàng Quang Thuận đầy tai tiếng. Mà chả riêng thằng Nhà văn, ngay thằng Văn nghệ (gồm cả Văn nghệ trẻ) đang do bác Huân cầm trịch, rồi tạp chí Thơ, tạp chí Văn học nước ngoài, em cho out tất. Mấy cái cục nợ kiểu Vinashin đó, tồn tại mà không tự nuôi nổi mình, ăn mãi vào vốn, suốt ngày há mồm chờ sữa vú dân nuôi nhỏ giọt vào để cầm hơi, sản phẩm làm ra ế rệ trên sạp, bán chẳng ai mua, ít người quan tâm, chính giới văn nghệ cũng không thèm đọc, không giải thể sớm, càng để càng chết, thành gánh nặng. Thời bây giờ vẫn làm báo theo kiểu bao cấp, chờ chỉ đạo, uốn theo định hướng, vẫn tán tụng ngợi ca, vẫn nhắm mắt bịt tai trước hiện thực chát chúa xô bồ, chưa chết mới là lạ. Thương là thương những người như bác Nguyễn Trí Huân, có tâm có trí nhưng bị vướng cái thời, lại thiếu chút dũng khí như Nguyên Ngọc, chỉ biết ngậm ngùi nhìn tờ báo chết dần chết mòn, nhích dần vào tử huyệt.
Một nền văn nghệ cuối đường hầm vì nó quá nặng căn với cái cũ không dứt ra được, thiếu những người chèo lái giỏi giang tài ba, bản lĩnh, liệu mò mẫm trong bóng tối đến bao giờ? Không ai đem ánh sáng cho nó nếu nó không tự tìm ra vùng ánh sáng.
27.11.2012
Nguyễn Thông
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét