Đến hẹn lại lên. Sau khi kết thúc mỗi kỳ họp quốc hội, các vị đại biểu lại về cơ sở tiếp xúc và đối thoại với cử tri. Đó là quy trình, thủ tục bắt buộc, không ai làm trái được. Chỉ khác nhau ở chỗ sức sống của thông tin trong những cuộc tiếp xúc.
Có những vị đại biểu tiếp xúc cử tri sao mà nhạt nhẽo. Đối thoại với dân cứ như đọc trong nghị quyết. Nói đúng bài bản nhưng là lời nói gió bay tức thời, chẳng có gì đọng lại.
Chưa phải số nhiều nhưng đã có những cuộc tiếp xúc gây ấn tượng trong dư luận. Sức sống ngoài đời, sự thật trong xã hội ùa vào cuộc đối thoại. Cả hai phía tỏ rõ cá tính trong ngôn ngữ đối thoại. Lời nói mang hơi nóng từ trái tim, tính sắc sảo của đầu óc. Không ít người thiện cảm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có lẽ vì lý do ấy. Khi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Sang nói năng rất bình dân, như là đứng trong dân mà nói ra, cùng chiến hào với dân chúng.
Tham nhũng, lợi ích nhóm đang là câu chuyện cửa miệng của số đông người dân. Vậy mà có những vị đại biểu, khi đối thoại với dân, nhắc đến việc đó coi như là xảy ra ở bên Tây bên Tàu. Họ lảng tránh, trong khi lòng dân đang sôi sục. Hay họ đã nhúng chàm. Hoặc có thể họ sợ đụng vào lợi ích nhóm. Không loại trừ trường hợp nếu họ hăng hái tố tham nhũng thì khác nào vả vào mặt quan thầy tham nhũng. Còn bọn quan tham đích thực, khi đối thoại với dân cũng ngượng mồm, lời nói sặc mùi giả dối. Quan tham cũng như bọn lợi ích nhóm thường há miệng mắc quai, dù có tài múa mép, nhắc đến tham nhũng rất dễ lộ chân tướng. Kể cả siêu đóng kịch, khi bị cử tri chất vấn, bọn quan tham không cứng mồm thì cũng gượng gạo đối phó cốt cho qua cuộc tiếp xúc.
Tham nhũng chính là cái quai gông vào miệng làm cho ngôn từ của chúng khác biệt tiếng nói của dân. Bọn tham nhũng xuất hiện ở đâu, ở đó sự dối trá lên ngôi, còn ngôn ngữ thì bị ô nhiễm nặng nề. Riêng hành vi múa mép làm ô uế ngôn ngữ, bọn tham nhũng đáng phải bị đả đảo, đả đảo.
Bá Tân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét