Thấm thoắt đã 40 năm rồi.
Bốn mươi năm nhớ thầy nhớ bạn
NGUYỄN CÔNG VIỆT
Đi bộ hết con đường đất đỏ, tôi leo lên đê lần đầu nhìn dòng sông Cầu trong xanh lặng lẽ trôi dòng xuôi về hướng biển. Bến đò chiều Đông vắng ngắt thấp thoáng những khóm tre mái rạ lờ mờ trong khói sương tà; Qua đò sang sông là đã đến được địa điểm tập trung thôn Ngọ Phúc, huyện Hiệp Hòa. Cái tên bến đò Đông Xuyên, thôn làng Ngọ Phúc, Ngọ Khổng, Sát Thượng, Chính Trung thuộc đất Kinh Bắc xưa là những địa danh đầu tiên lưu lại trong ký ức của tôi ngày tựu trường 40 năm trước.
Ngày ấy khóa 17 Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội của chúng tôi có hơn 100 người, được đăng ký phân vào ba chuyên ngành Văn, Ngữ và Hán Nôm. Văn, Ngữ đã có sẵn từ trước trước nên nhiều bạn không phải đắn đo, riêng Hán Nôm là khóa đầu nên các thầy phải bỏ công đi giới thuyết, chiêu mộ. Cuối cùng cũng được 13 trò, trong đó có tôi là kẻ chưa có một chút khái niệm nào về Hán Nôm mà chỉ làm theo sự hăng hái của mấy bạn mới quen. Duyên nghiệp định phận từ ngày ấy tới hôm nay, trước tiên phải kính cẩn nhắc đến quý danh của các thầy Nguyễn Đình Thảng, Lê Văn Quán, Đinh Gia Khánh, Trần Thuyết, Nguyễn Văn Tu… là những người thầy hướng đạo buổi đầu nhập môn cho lớp thiếu niên mới trưởng thành.
Có một thời khá dài, số phận Hán Nôm chịu cảnh như thế này...
Buổi học đầu tiên của chúng tôi vào tiết Đông chí năm Nhâm Tý 1972, đúng đợt gió Bắc giá lạnh ở ngôi đình hoang xơ xác không cửa. Ghế ngồi của trò là những đệm rơm nắm rạ, bàn viết là đôi đầu gối chụm thành. Còn thầy chỉ có cách đứng, cấm chỉ ngồi vì nếu ngồi sẽ bệt xuống đất như trò. Người thầy khai tuệ cho tôi những nét chữ đầu tiên là thầy Nguyễn Đình Thảng. Những chữ nhập môn ấy là chữ Nhân, chữ Thiện trong Nhân chi sơ, tính bản thiện. Cái thiện lương bản căn con người như luôn nhắc nhở theo sát bên chúng tôi – những người theo nghiệp Hán Nôm suốt mấy chục năm ròng.
Những tháng ngày nơi sơ tán vất vả đào hầm trú ẩn, vận chuyển kho sách, lương thực, giúp dân trồng trọt thu hoạch… Rồi chứng kiến 12 ngày đêm máy bay Mỹ dội bom xuống Hà Nội, pháo ta bắn, bom đạn như mưa, lửa rực ngút trời đêm… Đến sự học phòng lớp chẳng có, những buổi học nơi đình hoang, lúc nhà kho, khi lều gianh vách đất. Lớp không ghế không bàn, cũng không cửa che gió mưa, song không bao giờ thiếu một trò nào. Ở tuổi mới lớn cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm, nhưng vẫn hồn nhiên hăng hái. Những ngày khói lửa, gian nan cơ cực thủa ấy chẳng bao giờ quên trong tâm trí mỗi người.
Tại trụ sở Viện Hán Nôm (Hà Nội), từ phải sang: Nguyễn Công Việt, Nguyễn Thu Thủy, Cao Tự Thanh, Trần Kim Anh, một cán bộ Viện, Nguyễn Thông
Sau Hiệp định Paris, hòa bình được ký kết đối với miền Bắc, quý I năm 1973, Đại học Tổng hợp Hà Nội lại được trở về với Thủ đô. Khoa Ngữ Văn về với Mễ Trì, song buổi đầu phải tá túc bên Đại học Ngoại ngữ. Những thiếu thốn về vật chất vẫn không làm nản lòng lớp sinh viên trẻ. Rồi chúng tôi cũng trải qua năm thứ nhất với các sách Tam tự kinh, Sơ học vấn tân, Minh tâm bảo giám, Ấu học ngũ ngôn thi… cùng một số môn học chung khác.
Thầy dạy chúng tôi ở Khoa Ngữ Văn khá nhiều nhưng dạy riêng về Hán Nôm chỉ có ba thầy chính là Nguyễn Đình Thảng, Lê Văn Quán và Trần Thuyết. Đến năm thứ ba và thứ tư, chúng tôi may mắn được thụ giáo các thầy Cao Xuân Huy, Đỗ Ngọc Toại và Trương Đình Nguyên. Những thầy giỏi chữ Hán song dạy các môn quan trọng khác như thầy Đinh Gia Khánh, Nguyễn Tài Cẩn, Trần Đình Hượu, Bùi Duy Tân, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng. Trong đó hai thầy cao niên nhất là Cao Xuân Huy và Đỗ Ngọc Toại mà chúng tôi luôn kính cẩn gọi là Cụ, bởi hai bậc tiền bối này tuổi tác ngang với ông bà mỗi đứa.
Phần cơ bản của Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh tửcủa Tứ thư chúng tôi học trong năm thứ hai do các thầy Nguyễn Đình Thảng, Lê Quán và Trần Thuyết giảng, bên cạnh có bổ sung học phần chữ Nôm. Phần Ngũ kinh được học năm thứ ba nhưng thực tế chỉ có hai kinh là Kinh Thi và Kinh Thư. Kinh Thi do Cụ Đỗ Ngọc Toại dạy và Kinh Thư được Cụ Cao Xuân Huy dạy. Lúc này hai Cụ đã già yếu song không tiết nào bỏ lên lớp mà lác đác chỉ thấy trò vắng mặt mà thôi. Khi ấy lớp tôi có thêm 2 đồng môn là cô Niệm (phu nhân của thầy Hoàng Xuân Nhị -Chủ nhiệm khoa) và thầy Lê Khánh Xoa (giáo viên Đại học Sư phạm Hà Nội).
Trái qua: Hai chiến tướng Hán Nôm hàng đầu hiên nay: Nguyễn Công Việt, Cao Tự Thanh
Năm thứ 2 và thứ 3 chúng tôi được đi thực tế để nâng cao tri thức. Nơi thực tế đến là các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy tỉnh Nam Định. Thầy Thảng là Chủ nhiệm lớp nên luôn đi cùng dạy bảo lứa học trò Khóa 1 với một vài trò cũng khá lập dị. Cầu Lạc Quần ngày ấy còn là bến phà xác xơ nối với con đường đá dăm mịt mù đất bụi. Những tên làng xã Hành Thiện, Xuân Bắc, Xuân Trung được chúng tôi ghép vào chữ thầy kiểu “Tại Xuân Bắc, Xuân Trung, tại chỉ ư Hành Thiện” để vui đùa, cũng được thầy hòa đồng.
Lần đầu tiên chúng tôi được tiếp xúc với hiện vật Hán Nôm là bắt đầu từ hoành phi, câu đối. Những dòng văn khắc trên bia, minh văn trên chuông, khánh, cuốn thư, tuy hồi đó hiểu còn chưa kỹ song ý thức về văn hóa Hán Nôm của chúng tôi đã được khai mở. Hán Nôm không chỉ có trên tư liệu thư tịch giấy tờ mà còn sống động trên tư liệu hiện vật với các chất liệu khác như bia đá, chuông đồng, biển gỗ… tồn tại khắp các di tích ở nhiều địa phương khác nhau.
Lớp chúng tôi có 13 người là Trần Kim Anh, Nguyễn Duy Chính, Nguyễn Hải Đường, Cao Văn Dũng (tức Cao Tự Thanh), Nguyễn Thị Lâm, Trần Thị Liên, Nguyễn Thúy Nga, Hoàng Thị Ngọ, Trương Đức Quả, Võ Văn Sạch, Nguyễn Hữu Tưởng, Trần Xuân Viết và tôi. Sàn sàn cùng lứa, người nhiều tuổi nhất sinh năm 1953 và thấp nhất là năm 1956. Con số 13 phải chăng có gì tâm linh mà học nửa chừng thì Quả phát bệnh phải nghỉ một năm, và năm 1975 sau giải phóng, Dũng thôi học về Nam. Năm thứ 4 làm khóa luận tốt nghiệp chỉ còn 11 người, và chúng tôi đều bảo vệ thành công vào cuối năm 1976.
Ra trường từ giữa năm 1977, lớp chúng tôi đã được phân công công tác ngay. Chính ở lại Trường giảng dạy; Sạch, Đường, Viết nhận việc ở Cục Lưu trữ, sau đó Đường và Viết vào Trung tâm Lưu trữ I ở Sài Gòn. Liên về Sở Văn hóa Thanh Hóa. Năm người Anh, Nga, Ngọ, Tưởng và tôi về Ban Hán Nôm thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Một năm sau khi Quả, Dũng (ra Bắc học tiếp) tốt nghiệp, Quả và Lâm về Ban Hán Nôm, còn Dũng biên chế tại Viện Khoa học Xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Nói đến quá trình hình thành đi lên của chuyên ngành Hán Nôm thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội không thể không nói tới sự hình thành phát triển của Ban Hán Nôm. Ban Hán Nôm được thành lập năm 1970, năm 1977 đón nhận lớp Hán Nôm Khóa 1, đến năm 1978, Ban được tăng cường một số sinh viên lớp Hán Nôm Khóa 2 của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đó là những anh em đồng khoa như Trịnh Khắc Mạnh, Đinh Công Vĩ, Đỗ Thanh Hồng (Anh Đỗ Thanh Hồng sau chuyển sang Viện Xã hội học và qua đời khoảng 10 năm sau đó); Năm 1980 bổ sung thêm Nguyễn Doãn Tuân, Phạm Thùy Vinh của Khóa 3. Năm 1979, Ban Hán Nôm được nâng lên thành Viện Nghiên cứu Hán Nôm với chức năng, nhiệm vụ và tổ chức nhân sự phong phú hơn trước. Song đúng vào giai đoạn kinh tế đất nước khó khăn nhất nên cơ sở vật chất thiếu thốn nhiều. Là Cơ quan khoa học hàng đầu nhưng không có được một tờ Tạp chí chuyên ngành. Mãi đến năm 1984, mới có Tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm được xuất bản khổ nhỏ và đến 1986 mới chính thức ra đời số 1 của Tạp chí Hán Nôm.
Ngót 10 năm trời về Ban rồi Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi không có điều kiện và may mắn được công bố nghiên cứu, mà đối với mỗi cán bộ nghiên cứu thước đo chính là những bài viết, công trình nghiên cứu và xuất bản. Cái nghèo nàn lạc hậu đã kéo lùi bánh xe lịch sử ít nhất một, hai chục năm trời. Điều này không riêng chỉ Hán Nôm mà thấy ở nhiều lĩnh vực khác. Đồng thời ở đây là chỉ tiêu biên chế không đạp ứng được đầu ra trong công tác giáo dục đào tạo. Nhiều khóa Hán Nôm tiếp sau nữa không được về đúng cơ quan chuyên môn mà phải tan tác đi khắp nơi làm những việc không hợp với chuyên ngành.
Hơn mười năm trời đóng cửa không nhận sinh viên tốt nghiệp Hán Nôm. Mãi đến năm 1993 mới rục rịch bổ sung cho lớp người về hưu thì một số sinh viên từ Khóa 33 Khoa Ngữ Văn mới có cơ hội về Viện. Lứa sinh viên hăng hái như Nguyễn Xuân Diện, Cao Việt Anh, Đào Phương Chi, Lê Thu Hương tiếp nối cùng lứa sinh viên trẻ nhiệt huyết về sau bổ sung cho lớp cao niên ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm sắp nghỉ. Theo thống kê sơ bộ, có phòng nghiên cứu tuổi đời bình quân tới ngót 50. Từ đó đến nay, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã đáp ứng được phần nào đầu ra của chuyên ngành Hán Nôm, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội. Đã có thêm hơn 30 sinh viên từ Khóa 43 về sau trở thành cán bộ nghiên cứu của Viện. Hiện nay ba phần tư số cán bộ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm được đào tạo từ mái trường Đại học Tổng hợp xưa – Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nay.
Công tác đào tạo Sau đại học của Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho đến năm 1993 mới được chính thức hóa với khóa đào tạo ngắn hạn lớp Phó Tiến sĩ. Viện có 12 người tham gia trong đó có 7 người lớp Hán Nôm Khóa 1 đến Khóa 3. Bên cạnh các anh được đào tạo Phó Tiến sĩ ở Nga, những lớp Hán Nôm này một số đã được phong học hàm Phó Giáo sư. Năm 1997, khóa đào tạo Cao học Hán Nôm đầu tiên đã đào tạo thành công hơn 20 Thạc sĩ. Sau đó theo quy chế mới, Viện kết hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn trong đào tạo Thạc sĩ, trong đó Trường giữ vai trò chủ đạo. Từ đó đến nay, sự liên kết đào tạo chuyên ngành Hán Nôm giữa Trường và Viện được thực hiện khá nhịp nhàng, đã có mấy chục học viên cao học bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ. Không ngừng phấn đấu, những Thạc sĩ sau đã trở thành Tiến sĩ, tính từ lớp Nguyễn Hữu Mùi đến lớp trẻ Trần Trọng Dương, Nguyễn Tô Lan, Nguyễn Thị Hường, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã có thêm gần 10 Tiến sĩ.
Bên cạnh công tác đào tạo Sau đại học, việc giảng dạy các khóa sinh viên chuyên ngành Hán Nôm Khoa Văn học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cũng được các cán bộ chuyên gia của Viện tham gia tích cực, trong đó có các anh chị Hán Nôm Khóa 1,2 và 3.
***40 năm qua, thành tựu khoa học văn hóa Hán Nôm của những lớp người Hán Nôm từ cựu sinh viện Khóa 1 đến nay thật to lớn. Hàng trăm công trình khoa học đã xuất bản, hàng nghìn bài viết đã công bố… và biết bao thành tích khác nữa không thể kể hết ra được.
40 năm qua, mái tóc xanh của lớp thiếu niên ngày nào nay đã trắng màu sương tuyết, những nếp nhăn thời gian trên gương mặt mỗi người không làm mất hẳn nét hồn nhiên chân tình mỗi khi họ có dịp tụ hội hoài niệm về một thời đã qua. Tưởng nhớ đến các bậc thầy tiền bối như Cao Xuân Huy, Đỗ Ngọc Toại và các thầy khai cơ như Nguyễn Đình Thảng, Đinh Gia Khánh, Trần Thuyết, Nguyễn Tài Cẩn, Bùi Duy Tân cùng các thầy cô khác…, chúng ta không quên tên tuổi của các anh chị lớp sư huynh, sư đệ đầu tiên đã theo về cùng thầy học là Nguyễn Duy Chính, Đỗ Thanh Hồng, Đào Văn Khải, Nguyễn Thị Hồng Minh. Nỗi nhớ thương còn gửi đến Tân Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường, sinh viên Hán Nôm Khóa 43 – Gương mặt trẻ tiêu biểu của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2002, Chị ra đi khi còn đầu xanh tuổi trẻ. Tất cả đã để lại cho đời những tác phẩm và công trình khoa học có giá trị không chỉ của lĩnh vực Hán Nôm mà cho cả khoa học xã hội và văn hóa dân tộc.
Tháng 11.2012
Nguyễn Công Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét