Hoa Nguyệt Quế
Nguyễn Ngọc Huân
Nhiều lần theo dõi “Đường lên đỉnh Olympia” thấy người ta đội lên đầu người thắng cuộc vòng Nguyệt Quế. Từ xa xưa, ở Hy Lạp, những người chiến thắng trong các cuộc đua thể thao cũng được đội một vòng Nguyệt Quế. Thực ra, trươc đây, tôi chưa để ý Nguyệt Quế là gì.
Cho đến đầu tháng trước, anh Lừng, bạn thân tôi, chở đến cho chậu Nguyệt Quế, nói rằng đây là loài hoa đẹp, thì mới thấy Nguyệt Quế ẩn dấu nhiều điều. Chậu ấy tôi đặt trên vườn ở sân thượng.
Lá Nguyệt Quế dày đặc, đan xen, xanh rờn. Mới thoát khỏi mặt chậu, các cành tua tủa đâm ngang tạo thành đùm cây cao tầm một thước.
Mấy ngày sau, nụ nhú nhẹ nhàng những đầu ghim trắng. Nụ to dần. Đến sáng hôm sau, các nhánh đơm đầy nụ xanh nhạt tựa các bóng đèn trang trí lấp lánh.
Bữa đêm rồi trời mưa lớn. Tự nhiên thấy bồn chồn lo mấy nhành cây non chi chit hoa làm sao chống chịu gió táp mưa sa, cả đêm tôi nằm không sao chợp mắt được. Gần sáng, tôi thiếp đi lúc nào không hay. Trong mơ, tôi thấy gió mưa làm xao xác Nguyệt Quế, quất tung lá rụng tả tơi đầy gốc.
Sáng dậy muộn, tôi vội vàng nhảy từng hai bậc cầu thang lên vườn hoa sân thượng. Cánh cửa vừa mở, tôi ngạc nhiên: Chậu Nguyệt Quế hoa nở bung trắng xoá. Từng chùm, từng chùm hoa xòe trắng muốt, năm cánh, sáu cánh. Bây giờ là lúc lá chen hoa. Điểm xuyết giữa màu trắng Nguyệt Quế là những lá xanh mướt. Một bức tranh sống động. Sự sống kỳ diệu thay đổi chỉ qua một đêm !
Mùi Nguyệt Quế thơm đậm thấm vào làm người ta bỗng chùng lại để thưởng thức cái thanh tao của tự nhiên ban cho.
Tôi khẽ hít thở không khí trong lành buổi sớm. Cả không gian ướp đầy hương Nguyệt Quế.
Hương Nguyệt Quế là gì mà tay cầm không được, mắt tìm không ra ? Thưởng thức mùi Nguyệt Quế, tôi liên tưởng đến thơm dịu của hoa Hồng mà buổi sớm mai cách nay mấy năm, khi ra vườn bà ngoại Thanh Trì thấy vài đôi bướm chao lượn bay theo mùi hoa thanh tịnh. Không hẳn vậy. Chợt nghĩ đến hương Nhài ở vườn hàng xóm sau nhà tôi, mấy chị hái đựng vào túi, dù cột thêm mấy lần ny - lông nhưng mùi hoa vẫn ngào ngạt vãi ra ngoài nhuộm đầy không khí. Cũng không giống lắm. Hay mùi Ngọc Lan trước cổng Trại Bến Cát, mỗi lần lên thăm tôi đều hái vài bông ép vào túi áo, đến hôm sau trong gian phòng thoảng thơm mùi lạ phải lúc lâu mới nhận ra Ngọc Lan. Phải rồi, Nguyệt Quế đấy. Nguyệt Quế có dịu của Hồng, có đậm của Nhài, và có mát tươi của Ngọc Lan trộn quyện mà thành. Thảo nào mà thân quen như từng gặp ở vườn của bà Thanh Trì, ở luống hoa hàng xóm sau nhà, hay trong không khí trong trẻo của Trại Bến Cát.
Có đêm, bất giác, tựa đầu lên thành lan can ban công, thả mình thư giãn, tôi nhẹ nhàng hít lấy hương thơm Nguyệt Quế. Rồi mơ màng lúc nào không hay, thấy mình như tình nhân đang giang tay ôm lấy Nguyệt Quế, kề má vào nhành hoa. Mùi thơm ngào ngạt lay từng thụ thể khướu giác, theo máu tỏa khắp cơ thể, lan tận chân tơ, kẽ tóc, như đưa người ta vào chốn thiên thai. Vô tình, tôi nắm chặt nhánh cây, lòng tự bảo, đừng để hương bay hết, kẻo mai này không còn để thưởng thức.
Cũng có lúc, đắm chìm trong say ngắm, tôi mơ màng thấy các nàng tiên nữ Nanh-phơ con của Thần sông Pê-nê thuở nào trong chuyện "Sự tích cây nguyệt Quế" đang dạo chơi giữa rừng trong những bộ cánh trắng muốt, hiền hòa như những bông hoa rừng đang hái. Vì thế, khi chết đi, nàng Nanh-phơ Damph-nơ biến thành cây Nguyệt Quế đầy hoa trắng, tình yêu của nàng biến thành mùi hoa ngào ngạt làm vương vấn người yêu A-Pô-Lông. Ước gì được một lần là người yêu của Nanh-phơ Damph-nơ để nghe tình yêu êm dịu, cảm mùi hương say đắm nàng dành cho !
Cứ tầm nửa tháng một lần Nguyệt Quế đơm hoa trắng xóa trên những cành non mới nhú. Giữa đêm trăng, trên các cánh Nguyệt Quế đọng ánh sao trời, ánh trăng, ánh đèn thành phố, rồi gió thổi hắt từng chùm ánh sáng vào không trung làm thành đêm lung linh, huyền ảo nhuốm đầy mùi hương.
Từ xa xưa, trong các tài liệu y học, người ta phát hiện nhiều tác dụng chữa bệnh của cây này. Nguyệt Quế là nguồn cung cấp gia vị ẩm thực : lá dùng tạo hương vị cho bữa ăn; Nguyệt Quế dùng để chống o-xy hóa, giảm đau, chống viêm nhiễm, chống co giật trong chứng động kinh.
Thảo nào, từ bao đời nay, trên đầu những người chiến thắng chỉ là vòng Nguyệt Quế.
Từ xa xưa, trong các tài liệu y học, người ta phát hiện nhiều tác dụng chữa bệnh của cây này. Nguyệt Quế là nguồn cung cấp gia vị ẩm thực : lá dùng tạo hương vị cho bữa ăn; Nguyệt Quế dùng để chống o-xy hóa, giảm đau, chống viêm nhiễm, chống co giật trong chứng động kinh.
Thảo nào, từ bao đời nay, trên đầu những người chiến thắng chỉ là vòng Nguyệt Quế.
TPHCM, 11/2012
0 nhận xét:
Đăng nhận xét