Dành cho K17: Hồi tưởng của "mụ" Bùi Lan Hoa

Ngỏ:
Tháng 10 - 11 năm nay 2012, K17 Ngữ văn, Tổng hợp Hà Nội chúng tôi kỷ niệm tròn 40 năm ngày nhập trường. Bọn Hán Nôm nghe nói đang có kế hoạch ôn cố hoành tráng lắm. Văn cũng rục rịch ra Kỷ yếu, sắp xong (thằng Cao Tự Thanh bảo chúng mày mà cũng ra được kỷ yếu à), rồi tụ họp ở Hải Phòng cuối năm. Còn các bạn Ngữ, mình đã nhận được bài của cái Bùi Lan Hoa. Hì hì, nó nhớ dai ra phết.

Tại sao tôi lại học lớp Ngữ ?
BÙI LAN HOA


Cuối tháng 11 năm 1972 đã vào mùa đông. Sau 3-4 tháng chờ đợi giấy gọi vào ĐH, đến lúc đã oải lắm rồi, tôi lại nhận được giấy vào Khoa Ngữ văn trường ĐH Tổng hợp. Khỏi phải nói là gia đình tôi và tôi mừng đến mức nào.

 Hà Nội lúc đó đã khá lạnh, tôi mặc áo khoác bộ đội (lúc đó là mốt đấy), áo len và khăn choàng sù sụ…sao lại rét đến thế nhỉ? Tôi tả tôi kỹ như vậy để nói đến sự tương phản: sau  gần 1 tháng, tôi gặp bạn bè cùng khóa đến từ các tỉnh, họ chỉ mặc áo sơ mi và sơ sài quần lụa mỏng manh.
Quây quần cùng mẹ mình tại quê Hải Phòng tháng 2.2012, từ trái sang: anh Vũ Lệnh Năng, Thông cào (lấp ló cái đầu), Bùi Lan Hoa (em bé quàng khăn đỏ), Lê Thanh Nga, mẹ. (Bá Tân chụp)

 Hà Nội đang đi sơ tán vì Mỹ de dọa rải thảm bom B52 (đúng là sau khi vào trường 1 tháng thì thảm kịch này đã xảy ra). Tôi hỏi đường tới Khoa Ngữ văn ở thôn Sát Thượng, huyện Yên Phong không dễ vì theo chỉ dẫn của giấy gọi ĐH chỉ ghi ngắn gọn tên địa danh. Một người bạn của chị tôi đã vẽ đường cho tôi đi. Thế là lên đường.

 Anh trai tôi đèo tôi, còn Huỳnh Dũng Nhân bạn tôi đèo ba lô, chăn bông cho tôi. Chả hiểu sao Nhân lại được nghỉ học vào lúc đó? Nó học kém tôi 1 lớp, nhưng cùng sinh hoạt trong nhóm viết văn trẻ của NXB Kim Đồng mà lúc đó do chị Nhâm khởi xướng. Nhỏ bé, đen nhẻm và linh hoạt, Nhân thạo đường Bắc Ninh nên 3 anh em đi khá nhanh.

 Tới nơi, người đón tiếp chúng tôi là thày Bùi Thanh Quất. Thầy nói rất nhanh, cử chỉ linh hoạt, sau này tôi biết là thầy lúc đó chưa có vợ và còn làm Bí thư Đoàn trường nữa.

Khá đông bạn bè đến cùng lúc tôi đến, phần lớn là ở các tỉnh. Thói quen trẻ con của đứa mới xa nhà, tôi luôn có ý tìm kiếm xem có ai là người Hà Nội. Nhưng không thấy? Nhưng rồi may quá, có Bình là người Hà Nội với mái tóc bông xù buộc kỹ. Nó khá lãnh đạm, nhìn tôi và bình thản chẳng hỏi han gì hơn. Rồi Phương cao lộc ngộc, Thọ cứ đủng đỉnh như ông già vậy. Đấy là 3 người Hà Nội  mà sau này đều học ở lớp Ngữ.
Từ trái sang, hàng trên: anh Nguyễn Doãn Tấn, Thông cào, Nguyễn Bá Tân; hàng dưới: Trần Ngọc Vương, Vũ Lệnh Năng, Bùi Lan Hoa (tác giả bài này), Nguyễn Thị Thúy, Lê Thanh Nga, Nguyễn Thị Bé, Trần Thị Sánh, Đỗ Thị Cúc, Nguyễn Thị Mét. Hải Phòng tháng 2.2012, sân nhà mình.

 Sau hơn 1 tuần, sinh viên K17 đến gần đủ. Tôi nhớ khóa tôi có khoảng gần 100 người. Những hôm học nội quy trong kho thóc mà tôi đếm mãi vẫn không hết vì có ai ngồi theo hàng lối gì đâu. Thỉnh thoảng ai đó lại chạy ngồi gần đống thóc giữa nhà, rồi lại chui đi đâu, chịu không tìm ra được.

Và bây giờ là đến đoạn chia lớp, sẽ có 3 lớp : Lớp Văn, lớp Ngữ, lớp Hán Nôm…Tât cả chúng tôi rất hoang mang. Tôi không hiểu lớp Ngữ sẽ học gì, chứ Văn và Hán Nôm đã rõ mục tiêu như tên gọi của nó rồi. Các thầy cô dạy Văn, dạy Ngữ, dạy Hán Nôm đã có buổi tiếp xúc với sinh viên ngay tại lớp học. Tôi không nhớ thầy cô dạy Văn nói với lớp thế nào, nhưng chúng tôi được thầy Nguyễn Hàm Dương và cô Hoàng Thị Châu dạy Ngữ nói chuyện về sẽ học gì ở lớp Ngữ. Thầy Dương phong thái như tài tử xi nê ma vậy, thầy nói rất tự nhiên, nào là chúng ta sẽ học Toán thống kê, Toán logic…nói chung khoa học Ngữ sẽ là ngành học chính xác, không mơ mộng như học Văn. Với áo blu dông len đen, quần len màu xanh tím, cùng với chiếc khăn len ghi xám trễ trên cổ, thầy Dương có sức quyến rũ khó tả đối với chúng tôi lúc bấy giờ. Tôi học Toán không dốt, ừ, thế thì mình vào học lớp này cho biết tay. Bình, Phương và cả Thọ nữa cũng xin vào lớp Ngữ. Chẳng hiểu là có đứa nào lôi kéo đứa nào không mà cả 4 dân Hà Nội cùng chui vào chỗ này?

Chúng tôi - lớp Ngữ có 20 người, 6 nữ. Trong khi đó lớp Văn hơn 60 người mà 2/3 là nữ, lớp Hán Nôm 13 người, hình như khoảng một nửa là nữ.

 Chúng tôi học chung các môn cơ bản trong 2 năm đầu tiên. Vì học chung như vậy, tôi nghiệm ra một điều là tôi được “lợi” hơn bọn học Văn nhiều. Những điểm lợi tôi sẽ kể kỹ ở phần sau này.

 Chúng tôi ở riêng theo lớp, thế là tôi phải tạm biệt Sánh và Dung. Tôi ở chung với Bình bông. Tôi nhớ hôm đầu gặp Sánh, mắt nó luôn đỏ hoe như vừa khóc. Chả thế mà sau khi bố Sánh dứt áo để đạp xe về Hà Nội , nó khóc thảm thiết và chạy theo bố trên bờ đê bến đò Đông Xuyên, cứ gọi bố ơi bố, ở lại với con… Tôi chạy theo hai bố con, níu giữ nó lại. Nói một thôi một hồi nó mới bình tâm để bố đạp xe về… Thế mà mang tiếng là chị cả của 6 đứa em đấy, mà phải để một con là gái út dỗ dành, thật như đùa vậy. Nó vốn là đứa hay mau nước mắt. Tuy đi Nam về Bắc như đi chợ, nhưng thấy cảnh nào đau thương hay uất ức điều gì là khóc ngay. Sau này, tôi hay đi với Sánh, tôi biết được điều đó.

 Đêm Noel 1972 là một đêm dữ dội, suốt đời tôi không thể nào quên. Tôi và Bình mò ra cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ, ngồi đấy mà nhìn về phía Hà Nội, nơi chớp bom B52, lửa đạn loàng nhoàng dồn dập đến gần nửa đêm. Tôi đã khóc và nói với Bình rằng Hà Nội sẽ chẳng còn gì nữa rồi… tuy cả nhà tôi đã đi sơ tán hết, nhưng còn phố phường, và bao người còn ở lại sống chết với thủ đô.
Bùi Lan Hoa và Đỗ Thị Cúc (cựu Phó tổng biên tập báo Hải Phòng)

 Bốn ngày sau, sau khi Mỹ ngừng ném bom Hà Nội, tôi và Huỳnh Ân Thạnh (bạn tôi học ở khoa Kinh tế, sơ tán gần Sát Thượng) chung một xe đạp Phượng hoàng lao về Hà Nội, chúng tôi phải dắt bộ qua ga Yên Viên mất hơn 2 tiếng, sau đi tiếp hơn 2 tiếng nữa mới về được đến nhà. May quá, nhà tôi (ở phố Huế) và nhà Thạnh (ở phố Trần Hưng Đạo) không sao… Chúng tôi đi đến phố Khâm Thiên nhưng bị chặn lại từ nơi chắn tàu, chỉ nhìn thấy khói vẫn đang nghi ngút ở giữa phố, gạch vỡ ngổn ngang, mọi người đều vội vã thu dọn… Sau chuyến đi chớp nhoáng này, tôi bị thày Quất phê bình rát cả mặt.

 Khoảng tháng 2 dương lịch năm 1973, toàn bộ các khoa sơ tán ở Yên Phong đã trở về Hà Nội, khoa Ngữ văn ở tại khu Mễ Trì cho đến khi chúng tôi ra trường. Một trang mới của đời sinh viên ngoại trú bắt đầu.

Tôi có thể ở trong khu KTX của khoa, tôi có 1 chỗ (giường sắt) tầng 2, trên đầu cái Sân. Tôi đã ở thử 3 tuần trong đó, nhưng mà nước khan hiếm, khu vệ sinh công cộng thật kinh hãi, đành “bỏ của chạy lấy người” vậy. Trong khi mình có nhà ở Hà Nội sao mà lại vào đây ở. Thế tôi mới khâm phục cái Phương đã ở mãi KTX cho đến năm cuối nó mới về nhà nó ở phố Thái Phiên.

 Lạ một cái là dân học Ngữ ở ngoại trú toàn dân Hà Nội, hồi đó không có chỗ thuê nhà ở như bây giờ, sáng nào chúng tôi cũng gặp nhau trên ô tô buýt vào Hà Đông: K17 có tôi, Bình, Thọ, Vinh (lúc đầu tôi tưởng nó là dân Hà Nội, nhưng nó có thể được cả giọng Nghệ An khi về quê, còn ở Hà Nội nó nói giọng Hà Nội và ở với chú, nó đi xe đạp là chính.). K16 có Cẩm Vân, Thìn, Hằng, Minh ẻo lả như con gái. K18 có Thuận, Thủy, Mai, Vịnh...

 Có những điều mà sinh viên nội trú không bao giờ có được, ví dụ, dù nhỏ thôi:  Thỉnh thoảng phải chạy đến nghẹt thở để kịp chuyến xe buýt lúc 6g30 phút. Chỉ  chậm 1 giây là phải đợi đến 15 phút nữa, thế là vào lớp muộn và có thể bị bêu gương ngay. Có lần tôi vào chậm 15 phút, khi cả lớp đang chăm chú nghe thày Hà Minh Đức giảng, tôi len lén chui vào cuối lớp. Nửa tiếng trôi qua rất yên tĩnh… nhưng tự dưng tôi thấy thày Đức đứng lù lù cạnh đầu bàn tôi ngồi. Thầy nghiêm giọng hỏi: Cô viết bài giảng của tôi thế nào? Vừa hỏi, thầy vớ ngay quyển vở của tôi, thầy đọc to “Tóc em dài như một ngày mệt mỏi, tóc chị Hoài giống tóc cái Lan…”. Cô viết cái gì vậy? Tôi nói về bài “Tóc chị Hoài “có phải vậy đâu? Cả lớp cười ầm lên. Tôi cũng không giải thích được vì sao tôi viết như thế, tôi nói với thầy là tôi mệt quá vì chạy nhanh hoa mắt nên viết lăng nhăng? Thầy cười tủm tỉm “tôi coi đây là một liên tưởng sáng tạo”. Thế là cả lớp lại cười ầm ĩ.

Lại phải nói nhiều đến xe buýt. Là sinh viên mà không đi xe buýt là một thiêt thòi lớn. Tôi đã từng trốn vé, tôi đã từng quên mua vé tháng nên cả tháng khốn khổ vì phải kiếm tiền lẻ mua vé hằng ngày. Rồi một lần, tôi đang đứng ở cuối xe, tôi đang móc cặp để lấy tiền mua vé  thì thấy tiếng người đứng trước nói “Anh bán cho 2 vé, cho cả em này nữa”. Cô ấy mặc áo sơ mi đen, ôi, cô Hoàng “phương Tây”. Chả là cô đang dạy khóa tôi về văn học Hy Lạp, mặc dù cô là giảng viên của ĐH Sư phạm HN. Tôi lí nhí cảm ơn cô, “sao hôm nay cô lại đi xe buýt, mọi khi em thấy cô đi xe đạp cơ mà?”. Ừ, con bé nhà cô đi xe, cô đi xe này có sao đâu. Cô dạy bên ĐH Sư phạm vẫn đi buýt mà”.

Tôi không dám nhận là cô Hoàng có yêu quý mình hơn các bạn khác không, nhưng vài lần đi xe cùng như thế này, cô đã cho tôi địa chỉ nhà riêng và mời đến nhà chơi “vì em hứng thú với văn học phương Tây, tôi có rất nhiều sách, em có thể đến mượn”. Từ bé đến giờ, tôi chả thấy thầy cô nào lại nhiệt tình với học trò như vậy, lại còn hứa cho mượn sách nữa chứ?

 Chắc các bạn còn nhớ những buổi học của cô Hoàng? Chẳng cần giáo trình, hay vở ghi gì cả, cô nói giọng trầm ấm áp, rất biểu cảm, thường nói liền 2 tiết học. Cả lớp im phăng phắc. Tôi đoán là có nhiều nam sinh mê cô Hoàng? Luôn mặc áo mầu đen, cao lớn và trắng trẻo,  phong cách khoáng đạt kiểu phớt đời. Sau này tôi có đọc nhiều của một Nguyễn Thị Hoàng khác, viết Văn trước năm 1975, chẳng hiểu sao tôi lại liên tưởng đến cô Hoàng dạy chúng tôi có 1 học kỳ năm 1973. Tôi nghe nói là cô đã lấy luật sư Lê Văn Hảo, đã đi Pháp ở, và giờ ở thành phố nào nữa thì tôi không biết. Nhưng dù cô ở đâu đi nữa,  tôi luôn cầu mong cho cô hạnh phúc.

 Có một hôm, bọn cái Sánh thì thầm bảo tôi “thày Trác tìm mày đấy, đã qua hỏi chúng tao 2 lần rồi, mày biến đi đâu thế?”. Tôi cũng ngớ ra, có việc gì mà thầy tìm mình nhỉ? Bỏ mẹ, hay thầy phát hiện ra mình có họ với thày? Chả là tôi cùng họ Bùi. Mà thầy là Bùi Ngọc Trác. Tôi rụt rè gõ cửa nhà thầy. Ôi chao ơi là bề bộn, cái bàn chất đầy sách, nồi cơm để bên cạnh, ghế ngồi có một cái, thấy tôi, thầy bỏ đống sách trên ghế, đẩy ra phía tôi và nói “Em ngồi đi. Tôi tìm em vì bài luận về lý luận văn học của lớp tôi vừa chấm. Em viết được đấy, tôi cho em 9 điểm”. Tôi thấy nhẹ cả người. Thầy cười rất hiền, râu quai nón đen sì, mắt sáng lấp lánh. Tôi cảm ơn thầy và xin phép về. Thầy nói tiếp luôn “Em có thích xem kịch không? Tôi đang viết về kịch, đoàn nào cũng mời. Tôi sẽ cho em 1 vé?”. Chắc sợ tôi hiểu lầm, rất nhanh, thầy tiếp luôn “tất nhiên là em không phải ngồi cạnh tôi đâu, tôi ngồi chỗ khác em mà, tôi thấy bỏ 1vé đi thì phí quá…”. Tôi lại cảm ơn thầy lần nữa và nói rằng tôi rất ghét xem kịch. Mà thật cho đến giờ, tôi chỉ xem mỗi một vở duy nhất là “Erostrat, kẻ đốt đền”. Ai cho vé xem kịch, tôi đều đem cho hết.

 Sau này tôi nghe các anh K15 nói là thầy Trác rất hay đi xem kịch một mình, mà lần nào về cũng bị muộn (nhà thầy ở trong KTX mà 11 giờ đêm là KTX đóng cửa) do vậy thầy phải trèo cửa sắt và sau đó các anh nâng hộ xe đạp cho thầy đỡ lấy ở dưới đất. Khổ quá, chân thầy lại bị tật thế, giá như thời đấy có tắc xi như bây giờ.

Học ở bên khu ĐH Ngoại ngữ một thời gian rất ngắn, sau đó tất cả chúng tôi chuyển qua khu Mễ Trì. Xung quanh Khoa Văn, Sử lúc ấy  toàn là đồng lúa, lúc xanh ngắt, lúc trĩu vàng, sao mà thơm mát, yên bình đến thế. Bây giờ, ai nói tôi tìm lại nơi học cũ, với phố xá san sát thế này, tôi chịu. Vừa vào hội trường học, tôi đã thấy một dòng chữ đậm “Ta gọi mối tình đầu là hoa violet. Nghe em cười tím rịm cả vòm cây”. Rồi ở một lớp học gần khoa Sử, lại một câu thơ nữa “Những vần thơ trong mơ. Tôi nghĩ mà chưa viết.  Nhưng tôi vẵn cứ chờ.Chỉ lo mình sắp chết”. Đọc nghe mới ghê chứ. Mọi người nói khẩu khí này có thể là tuyên ngôn của Đỗ Minh Tuấn K16, sau này vừa là nhà thơ kiêm biên kịch và đạo diễn điện ảnh.

 Là sinh viên ngoại trú, còn một cái thú vui khác là đến thư viện. Tôi yêu thư viện Quốc gia từ giữa năm thứ 2. Như một con nghiện vậy, không chiều nào tôi không ra đó, kể cả ngày thứ bảy. Vì ở đó có cơ man nào là sách, báo, tạp chí và lại ngự ở trong một khu vườn đẹp đẽ. Khuôn viên của thư viện thời đó vẫn còn phảng phất vẻ hoang dã tự nhiên, có những lùm cây dạ hương, xen lẫn các bụi hồng, rồi các cây long não cổ thụ, hoàng lan… tỏa hương vào chiều tối, nhất là khi mùa đông về càng ngào ngạt. Tôi vẫn nghĩ đấy là khu “vườn trong phố” của Lưu Quang Vũ. Có thể là Vũ đã vào ngồi ở khu vườn thư viện này mà viết nên những vần thơ say đắm như vậy chăng?

Sau này tôi đã chèo kéo thêm cả Thủy - Chương cùng đi thư viện. Dạo đó họ còn đang ở giai đoạn nồng thắm. Thỉnh thoảng Thủy cũng về nhà tôi khi đã muộn lắm rồi, gần 8 giờ tối, chúng tôi lục cơm ăn, đã nguội nên phải rang lên để ăn kèm với lạc rang, trứng tráng.

 Tôi có gặp cô Hoàng trong vườn thư viện vài lần. Cô nói cô cần thông tin của một vài tờ báo Pháp mới ra nói về văn học cổ Pháp, cô đọc bằng tiếng Pháp mới nể chứ. Một hôm cô chỉ cho tôi bóng một người vừa đi qua “em có thấy là người đó có cái gáy phẳng rất tự khẳng định mình kia không?”. Tôi nhìn dõi theo thì chợt nhận ra là thầy Hà Minh Đức. Cô Hoàng cười rất giòn, thày của em mà em không nhận ra ngay à? Và kèm một cái nhún vai đầy ẩn ý. Thực ra thì tôi cũng không hiểu ý cô là khen hay chế giễu nữa. Tôi đã không bình luận gì.

Tôi đã viết luận văn trong thư viện. Thầy Dương hướng dẫn (ơn Trời), chỉ ra một đống sách tôi cần phải đọc. Tôi rất lo, sách về ngôn ngữ học đã hiếm rồi, sách về ngôn ngữ học thần kinh lại càng không có. Sau hơn 3 ngày tra cứu trên các phiếu của thư mục, tôi đành gặp thầy và chán nản than “em sẽ viết theo những gì thu lượm từ thầy, chứ thư viện chỉ có 3 quyển về Ngôn ngữ thần kinh của Viện sĩ Luria bằng tiếng Nga thôi”. “Thế em phải đọc bằng tiếng Nga đi chứ, tốt nghiệp trường ĐH Tổng hợp là phải thông thạo một ngoại ngữ đấy”. Thế thì bằng giết tôi rồi, một tuần hoc 2 tiết tiếng Nga, mà có sử dụng nói năng bao giờ đâu mà thầy bắt tôi đọc trực tiếp văn bản (sau này, khi làm ở Bộ Đại học, tôi biết đây là một tiêu chuẩn bắt buộc để phong Phó giáo sư, tôi nghĩ, giá mà cho thi tuyển ngoại ngữ cái đám PGS ở VN thì chắc phải rụng đến 1/3 chứ không ít). Thầy cười tủm tỉm “tôi hiểu rồi, làm sao em đọc được, tôi đã dịch toàn bộ bài giảng của Luria ra tiếng Việt, một nhà xuất bản hứa duyệt để in, trong khi chờ in, tôi cho em mượn một bản để đọc tham khảo, cấm sao chép nhé, em mà cóp của tôi là tôi biết đấy”. Hôm sau thầy mang cho tôi tập bản thảo dày gần 400 trang. Tôi cầm mà cảm động đến không nói được câu nào. Thầy còn ném tọt vào lòng tôi một bọc giấy, nóng bỏng. Tôi kêu lên “gì thế ạ?”. “Trứng vịt lộn, tôi vừa đi qua phố Hàng Bông, mua cho vợ mấy quả, nghĩ thương cô trò nhỏ giờ chắc cũng đói rồi, mua thêm 3 quả cho em, ăn đi, lấy sức rồi viết. Một tuần nữa, em phải có chương 1 cho tôi đấy”. Không đợi tôi cảm ơn, thầy sải bước ra về luôn.

 Tôi nghĩ, bọn học Văn làm sao được biết những bệnh nhân ngôn ngữ? Những chứng mất ngôn khác nhau, mà sau đại chiến thứ 2, các nhà khoa học Liên Xô đã nghiên cứu và công bố trên hàng loạt tạp chí, còn ở Việt Nam mới chỉ có một vài bác sĩ chú ý và có tiến sĩ Nguyễn Hàm Dương đã nghiên cứu về mặt ngôn ngữ, cùng các học trò của mình. Tôi là sinh viên thứ 3 thầy Dương truyền thụ cho kiến thức này. Tôi đã cùng thầy vào Viện Quân y 103, dưới sự giới thiệu của Hiệu trưởng Học viện Quân y - Thiếu tướng Huấn đã dẫn chúng tôi tới thăm các thương binh, những người bị mất ngôn ngữ. Họ tuy lành lặn, nhưng chỉ ú ớ, hoặc lắc đầu, hoặc im lặng dùng bàn tay để nói. Rất nhiều người bị cùng với các vết thương khác kèm theo nhưng  thật thương tâm khi họ không nói được. Vấn đề ở đây là ngoài các biện pháp y học lâm sàng, thì về mặt ngôn ngữ, phải có biện pháp gì để có thể khôi phục nói năng cho bệnh nhân? Chúng tôi được đưa tới khoa Giải phẫu để được xem tận mắt những tổn thương trên não của những bệnh nhân mất ngôn. Ở đây, tôi được nhìn thấy rất nhiều não người được ngâm phormol để trong các bình khác nhau. Một đại úy vớt một bộ não ngâm trong bình thủy tinh ra, ông cắt dọc xuống, như người ta cắt thạch vậy, để chỉ ra các vết máu tụ rải rác trên toàn bộ thân não. Thầy Dương chỉ cho chúng tôi thấy máu tụ ở vùng ngôn ngữ đậm đặc hơn các vùng khác. Tôi hỏi “sao không mổ để hút máu vùng đó ra? Khi đó có thể cứu vãn được ngôn ngữ chứ ạ?”. Ông đại úy trả lời “bệnh nhân đã chết trên đường đến đây, không nói được gì với anh em”.

Cũng như 2 sinh viên các khóa trước, thày Dương và chúng tôi chỉ đưa ra được một số biện pháp khôi phục ngôn ngữ cho người bệnh, hoàn toàn thuần túy ngôn ngữ học. Nhưng theo tôi được biết, trên thế giới người ta đã làm thật quy mô để chữa chứng mất ngôn này, đó là có sự kết hơp chặt chẽ giữa bác sĩ nội khoa và nhà ngôn ngữ học, cùng với các phương tiện máy móc luyện âm hiện đại cũng như có các loại thuốc đặc hiệu khác nhau dùng phối hợp. Đến nay, thày Dương không còn nữa, giáo trình của thày cũng không thấy in ra và những đề xuất của chúng tôi chắc cũng rơi vào lãng quên, cũng giống như bao NCKH của các sinh viên VN dù được giải thưởng xuất sắc cũng chỉ còn là kỷ niệm.

 Tôi kể lan man nhiều thứ như vậy cũng để nói rằng tôi không ân hận vì đã vào học lớp Ngữ. Vì tôi đã được lợi kép cả 2 đường, vừa được học Văn với những thầy cô “đinh” như cô Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh, Nguyễn Thị Hoàng…, thầy Hà Minh Đức, Trần Đình Hượu, Đỗ Hồng Chung… Với lớp Ngữ, tôi được biết đến sự uyên bác của thầy Nguyễn Tài Cẩn, sự nhiệt tình đến bốc đồng của thày Hoàng Trọng Phiến, sự cẩn thận, mực thước của thầy Đoàn Thiện Thuật, và sự tài hoa, thông minh và lãng tử của thầy Nguyễn Hàm Dương… Nhưng có lẽ tôi chơi thân nhiều với lớp Văn hơn, cái Hương lớn vẫn nói là con Lan Hoa phải học lớp Văn mới phải chứ. Với lớp tôi, vì tôi ở ngoại trú nên cũng ít được mọi người chia sẻ sự kiện, tuy vậy tôi đã được chứng kiến và ngưỡng mộ hai mối tình khởi thủy ở lớp tôi khá đẹp, đó là Lan - Đạt và Cúc - Đồng. Họ đã yêu nhau thực sự, lấy nhau vì tình yêu… nhưng rồi lại chia tay đầy cay đắng. Đến giờ tôi vẫn lấy làm tiếc cho họ. Chỉ còn đôi Vinh-Hiền là vẫn bền chặt (thế mà tôi thấy bọn con trai lớp Văn nói là thằng Vinh yêu được cái Hiền vì sự thách đố? Thật lạ kỳ?). Lớp tôi còn có một “ngôi sao” học giỏi xuất sắc, nói năng hùng biện, nay là Phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV, tiến sĩ Vũ Đức Nghiệu. Không hiểu nó có đọc những dòng hồi tưởng này của tôi không, mà chắc gì nó đã được trải nghiệm nhiều “cung bậc” cảm xúc như tôi? Tôi nhớ Nghiệu là một chàng trai bé nhỏ, lúc nào cũng tươi cười, tranh cãi bao giờ cũng đến cùng. Hồi ấy, tôi không chú ý lắm đến đám con trai lớp mình. Chẳng phải vì “kiêu”, nhưng chỉ vì có rất ít những đợt sinh hoạt chung như bọn lớp Văn, nên tôi không có cơ hội hiểu mọi người. Đến nay, có một số chàng trai tôi vẫn nhớ đến nhưng 40 năm nay không hề gặp lại: Tô Thành Trung, Hoàng Hải, Tiến “Tru taiet”…tôi đã hỏi han mọi người, nhưng không ai biết rõ họ đã làm gì và đang ở đâu? Lớp tôi có Đồng Văn Duyệt đã mất vì bệnh, còn lớp Văn nhiều hơn, những 5-6 người. Hồi gặp nhau năm 2006, mọi người mừng rỡ nhiều một phần vì thấy anh chị em còn phong độ lắm, sống đến đây đã là lãi lớn rồi. Con cái đều phương trưởng cả rồi. Anh Tuấn lớp trưởng lớp Ngữ -không bao giờ dùng điện thoại di động, nói với tôi là muốn gặp anh ấy thì gọi về nhà, có gặp vợ anh ấy thì nhắn lại, anh ấy sẽ gọi lại ngay… Tôi thấy ngại nên cũng chưa bao giờ gọi cả. Hai anh em có cái ảnh chụp chung năm Hội Khoa 2006 đẹp ra phết.

Tôi không biết bây giờ khi đã chia thành 2 khoa riêng biệt, Khoa Văn và Khoa Ngôn ngữ, sinh viên có được học kép như thời chúng tôi không. Nhưng có một điều chắc chắn, thời chúng tôi, sinh viên và thầy cô gần gũi, trong sáng, thân thiết cảm động hơn bây giờ nhiều. Người đời nói là tại thời thế nó vậy. Cho nên, tôi vẫn mong sao “bao giờ cho đến ngày xưa” tuy con tôi thỉnh thoảng lại nhắc là kiểu học của mẹ đã hết thời rồi, bây giờ chẳng ai để ý đến ai đâu.

 Ừ, thì hết thời rồi, nhưng cái “tít” của cuốn kỷ yếu thì chúng tôi vẫn bàn và vẫn muốn là: “sống mãi tuổi 17” cơ mà. K17 và tuổi 17 vào đại học của chúng tôi đã là những kỷ niệm không bao giờ phai mờ. Không bao giờ.
                                                                              
Minnesota, 20012
Bùi Lan Hoa

(Ghi chú: Chả biết cái Hoa nhớ có nhầm không, chứ mình cũng học cô Hoàng, dạo đó nghe nói cô là bà xã của nhà văn Phạm Hổ)
Nguyễn Thông 
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét